Cao điểm mùa cúm: Làm thế nào để biết bạn mắc cúm hay Covid-19?
Tại Việt Nam, cúm là bệnh rất phổ biến, thường gia tăng vào thời điểm giao mùa đặc biệt mùa đông xuân.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cần tránh bỏ sót vì biểu hiện ban đầu hai bệnh khá giống nhau.
Mùa cúm đang bắt đầu ở nhiều nơi trên thế giới
Theo TS Sylvie Briand, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, cúm là bệnh rất phổ biến, đặc biệt khi giao mùa, và thường có các triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau cơ, ngoài ra còn có các triệu chứng về đường hô hấp trên như hắt hơi và ho.
Đối với Covid-19, về cơ bản thì các triệu chứng của bệnh giống cúm, nhưng ngoài ra, chúng còn có các triệu chứng cụ thể như mất khứu giác (không thể ngửi được mùi), mất vị giác. Và nhiều người, đặc biệt những người trẻ tuổi, đã gặp phải các triệu chứng này khi mắc Covid-19.
“Nhưng đôi khi mọi người có rất ít triệu chứng, cho dù đó là bệnh cúm hay Covid-19. Nó thực sự phụ thuộc vào mức độ miễn dịch của bạn”, TS Sylvie nói.
Bệnh cúm và Covid-19 có biểu hiện ban đầu khá giống nhau (Ảnh minh họa: Houston Methodist).
Theo bà, điều quan trọng cần biết là các biện pháp phòng ngừa có tác dụng với cả hai bệnh, đặc biệt rửa tay đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần đảm bảo thông gió cho các phòng khi bạn ở trong những căn phòng đông người, đặc biệt để mở cửa sổ. Đồng thời đeo khẩu trang nếu bạn không thể mở cửa sổ và duy trì khoảng cách vật lý. Và cả hai căn bệnh này đều thực sự có thể phòng tránh được nếu chúng ta áp dụng các biện pháp đó.
Nhóm có nguy cơ mắc cúm cao nhất là người cao tuổi, người có các bệnh lý tiềm ẩn như bệnh hô hấp mãn tính, ung thư, bệnh tim mạch và đây là những nhóm tương tự như đối với Covid-19. Nhưng đối với bệnh cúm, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng hơn.
Tại Việt Nam, cúm cũng là bệnh rất phổ biến, thường gia tăng vào thời điểm giao mùa, nhất là vào mùa đông xuân. Bộ Y tế cho rằng trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus.
Số ca bệnh mắc trong cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Lý do là mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch.
Theo TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, đặc điểm của virus SARS-CoV-2 là bám dính rất chặt, nên khi xâm nhập vào niêm mạc mũi học, virus đã bám vào và nhân lên rất nhanh. Vì thế, việc bảo vệ đường hô hấp là vô cùng quan trọng. Mùa lạnh chính là cơ hội để virus chui vào dễ dàng hơn nếu chúng ta không bảo vệ đường hô hấp.
Triệu chứng của cúm và Covid-19
Cần làm xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt mắc cúm và Covid-19 (Ảnh minh họa: Đ.Quân).
Theo Ths.BS Nguyễn Thị Phương Anh, Bệnh viện Phổi Trung ương, cả Covid-19 và bệnh cúm đều có các mức độ biểu hiện khác nhau, từ không có triệu chứng đến triệu chứng nhẹ, trung bình, nặng và nghiêm trọng. Các biểu hiện phổ biến mà Covid-19 và bệnh cúm tương tự nhau bao gồm:
Video đang HOT
- Sốt hoặc cảm thấy sốt/ớn lạnh
- Ho
- Mệt mỏi
- Đau cơ hoặc đau nhức cơ thể.
Tuy nhiên, nhiễm cúm và Covid-19 vẫn có các biểu hiện khác nhau:
- Nhiễm cúm thường có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi chảy nước mũi.
- Nhiễm Covid-19 thường có thay đổi hoặc mất vị giác hoặc mất mùi.
Đồ họa: Nguyễn Đức.
Cũng theo CDC Hoa Kỳ, Covid-19 dường như dễ lây lan hơn bệnh cúm. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người được tiêm vaccine phòng bệnh thì sự lây lan của virus gây ra Covid-19 sẽ chậm lại. So với bệnh cúm, Covid-19 có thể gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng hơn ở một số người.
Dù vậy, CDC cũng khuyến cáo một số triệu chứng của bệnh cúm, Covid-19 và các bệnh đường hô hấp khác tương tự nhau, nên không có sự khác biệt giữa chúng khi chỉ dựa trên các triệu chứng. Cần làm xét nghiệm để biết bạn mắc bệnh gì. Mọi người có thể bị nhiễm cả bệnh cúm và virus gây ra Covid-19 cùng một lúc và có các triệu chứng của cả bệnh cúm và Covid-19.
Theo CDC Hoa Kỳ, cảm cúm thường đến đột ngột. Những người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng sau:
- Sốt hoặc cảm thấy sốt / ớn lạnh
- Ho
- Viêm họng
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Đau cơ hoặc cơ thể
- Đau đầu
- Mệt mỏi.
Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù điều này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Điều quan trọng cần lưu ý là không phải ai bị cúm cũng sẽ bị sốt.
Với Covid-19, người bệnh có thể có các triệu chứng như:
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Ho
- Khó thở hoặc khó thở
- Mệt mỏi
- Đau nhức cơ hoặc cơ thể
- Đau đầu
- Mất vị giác hoặc khứu giác mới
- Viêm họng
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tiêu chảy.
Trẻ tiêm vaccine có mắc Covid-19 nữa không?
Giống như người lớn, trẻ đã tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn có thể mắc bệnh. Song việc tiêm giúp giảm nguy cơ tiến triển nặng, nguy cơ tử vong, có thể giúp ngăn chặn các biến thể khác xuất hiện.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết trong lịch sử tiêm chủng, không một vaccine nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%. Điều này cũng đúng với vaccine phòng Covid-19. Đến nay, Việt Nam đã tiêm được hơn 81 triệu liều. Hiệu quả mà vaccine Covid-19 mang lại là giảm tình trạng tiến triển bệnh nặng và nguy cơ tử vong đối với những người không được tiêm vaccine so với những người được tiêm vaccine.
"Một người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 tuy nhiên chúng tôi có hai khái nhiệm là nhiễm Covid-19 và mắc bệnh trầm trọng. Tiêm rồi vẫn có nguy cơ nhiễm nhưng tiến triển nặng giảm đi rất nhiều, nguy cơ tử vong giảm đi rõ rệt. Với tất cả vaccine phòng Covid-19 cho đến hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà sản xuất và các quốc gia đều đưa ra nhận định này đó một cách thuyết phục", TS Hồng phân tích.
Nhấn để phóng to ảnh
TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước tiến hành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi (Ảnh: Hải Long)
Theo chuyên gia, với trẻ em, điều này cũng không ngoại lệ. Có thể trẻ tiêm nhưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Khi chúng ta đã đạt được miễn dịch cộng đồng ở mức trên 70% dân số được tiêm vaccine (Việt Nam đặt mục tiêu 90-95%) thì cộng đồng được bảo vệ. Vì thế, việc trẻ nào đó mắc bệnh thì cộng đồng vẫn được bảo vệ.
"Tới đây khi triển khai tiêm vaccine đầy đủ các mũi, cộng với việc sẽ có các mũi tiêm nhắc nếu cần thiết theo khuyến cáo của WHO và các quốc gia thì chúng ta mong muốn không chỉ tiếp tục duy trì cho trẻ được đi học mà việc giãn cách xã hội được giảm thiểu đến mức thấp nhất như Bộ Y tế hướng dẫn", TS Hồng nói.
"Hiện nay, nếu dịch xảy ra ở những tỉnh, thành phố có độ bao phủ vaccine cao thì việc khoanh vùng sẽ rất nhỏ, từng hộ gia đình, cụm làng xóm, không giãn cách rộng như thời gian trước đây. Lý do vì đã có vaccine, chúng ta đảm bảo được miễn dịch cộng đồng", TS Hồng cho biết thêm.
Theo CDC Hoa Kỳ, tiêm vaccine Covid-19 có thể giúp bảo vệ trẻ không mắc bệnh. Thông tin ban đầu cho thấy vaccine có thể giúp ngăn mọi người lây lan bệnh cho người khác. Chúng cũng có thể giúp con bạn không bị ốm nặng ngay cả khi chúng mắc bệnh.
Nhấn để phóng to ảnh
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ tại TPHCM (Ảnh: Quang Minh).
Theo Trung tâm y tế John Hopkins (Hoa Kỳ), vaccine có thể giúp ngăn ngừa trẻ em mắc Covid-19. Đôi khi trẻ mắc Covid-19 nhẹ hơn ở người lớn, nhưng một số trẻ mắc bệnh có thể bị viêm phổi nặng, ốm nặng và cần nhập viện. Điều này đặc biệt quan trọng cần ghi nhớ đối với biến thể Delta, biến thể này dễ lây lan hơn các biến thể coronavirus khác.
Bên cạnh đó, các loại vaccine hiện tại vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng do biến thể Delta của virus gây ra. Trẻ em cũng có thể có các biến chứng như hội chứng viêm đa hệ thống và cần phải chăm sóc đặc biệt hoặc các triệu chứng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của trẻ. Virus có thể gây tử vong ở trẻ em, mặc dù trường hợp này hiếm hơn so với người lớn.
Vaccine giúp ngăn ngừa hoặc giảm sự lây lan của Covid-19. Giống như người lớn, trẻ em cũng có thể truyền virus cho người khác nếu chúng bị nhiễm, ngay cả khi chúng không có triệu chứng. Tiêm vaccine Covid-19 có thể bảo vệ trẻ và những người khác, giảm nguy cơ trẻ truyền virus cho người khác, bao gồm cả các thành viên trong gia đình và bạn bè, những người có thể dễ bị hậu quả nặng nề hơn của bệnh Covid-19.
Tiêm vaccine Covid-19 có thể giúp ngăn chặn các biến thể khác xuất hiện. Các trường hợp mắc bệnh Covid-19 đang gia tăng ở trẻ em và biến thể Delta dường như đang đóng một vai trò nào đó. Giảm sự lây truyền của virus bằng cách tiêm vaccine cũng làm giảm khả năng virus đột biến thành các biến thể mới, thậm chí có thể nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, virus có thể lây truyền dễ dàng giữa trẻ em và người lớn chưa được tiêm chủng, khiến các biến thể mới xuất hiện.
Trong tháng 11, Việt Nam sẽ triển khai tiêm mũi một vaccine phòng Covid-19 cho trẻ song không triển khai đồng loạt mà theo tiến độ tiêm cho người lớn, tiến độ cung ứng vaccine.
Tỉnh nào đã đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên (80% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi, 50% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi) thì mới tiến hành tiêm vaccine cho trẻ. Theo đó, sẽ ưu tiên cho địa phương đang có dịch, đang bị giãn cách xã hội, có mật độ dân cư tập trung, nguy cơ lây nhiễm cao.
Tỉnh nào chưa đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cho người lớn thì vẫn tiếp tục ưu tiên cho nhóm này.
Chuyên gia Chung Nam Sơn: Trung Quốc không có lựa chọn khác ngoài Zero COVID Chuyên gia hô hấp hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn gây tranh cãi khi cho rằng Zero COVID (quét sạch virus trong cộng đồng) là chiến lược ít tốn kém hơn so với việc sống chung với dịch. Chuyên gia hô hấp hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn - Ảnh: WEIBO Trong cuộc phỏng vấn với Đài CGTN phát khuya ngày...