Cao Bằng: Phấn đấu đón 1 triệu khách du lịch trong năm 2022
Đến nay, Cao Bằng đã đón tiếp gần 754.000 lượt khách, tăng 111%; tổng doanh thu du lịch đạt 377,4 tỷ đồng, tăng 687,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Những tháng cuối năm, địa phương đang đề ra nhiều giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2022 hoàn thành mục tiêu đón tiếp 1 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 400 tỷ đồng.
Tái hiện không gian văn hoá dân tộc Mông, Sán Chỉ tại Tuần văn hoá – Chợ tình phong lưu Bảo Lạc năm 2022.
9 tháng qua, khách du lịch quốc tế đến Cao Bằng đạt trên 8.400 lượt, tăng 537,7% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt hơn 745.000 lượt, tăng 109,4% so với cùng kỳ. Các loại hình dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, homestay, dịch vụ ăn uống đảm bảo chất lượng; công suất sử dụng phòng ước đạt 42,1%. Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh đón tiếp 1.137 đoàn khách với trên 138.000 lượt khách.
Thực hiện việc phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, ngành Du lịch tỉnh Cao Bằng đã phối hợp tổ chức khai mạc chương trình du lịch về nguồn; hoàn thành nhiệm vụ tái thẩm định danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại tỉnh Thái Lan; bảo vệ thành công hồ sơ vận động tranh cử đăng cai tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh Cao Bằng…
Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh cho biết, về định hướng chung, Cao Bằng sẽ tích hợp các hoạt động du lịch vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở phát triển du lịch bền vững, hiệu quả và ổn định; phát huy Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ, khuyến khích phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh…
Đặc biệt, Cao Bằng sẽ tập trung phát triển du lịch theo mô hình công viên địa chất. Đây là mô hình đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa các yếu tố về lịch sử, cảnh quan, văn hóa bản địa. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng các tuyến tham quan mới của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là tuyến tham quan từ thành phố Cao Bằng đến huyện Thạch An, các điểm đến thuộc thị trấn Phục Hòa (huyện Quảng Hòa); tuyến tham quan kết nối Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với Công viên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang)…
Video đang HOT
Trước mắt, những tháng cuối năm, Cao Bằng tiếp tục các hoạt động quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tập trung triển khai hiệu quả Dự án xây dựng điểm đến tại bản Tục Ngã (xã Đức Xuân, huyện Thạch An). Tỉnh thẩm định và cấp phép một số dịch vụ du lịch mạo hiểm; phối hợp với Công ty cổ phần Aplus Việt Nam xây dựng Đề án số hóa dữ liệu du lịch, hệ thống thực tế ảo, thuyết minh ảo, du lịch trải nghiệm 3D trên địa bàn giai đoạn 2022 – 2025…
Tiềm năng phát triển du lịch Bảo Lạc - Cao Bằng
Bảo Lạc là một trong những huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 130km, với 7 dân tộc anh em cùng chung sống gồm: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh đã tạo nên một bức tranh đậm đà bản sắc văn hóa đặc trưng riêng cho vùng miền.
Đèo Khau Cốc Chà (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc)
Bảo Lạc nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Cao Bằng, phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc, phía Đông với huyện Hà Quảng và Nguyên Bình, phía Nam với huyện Pác Nặm (Bắc Kạn), phía Tây giáp với huyện Bảo Lâm.
Bảo Lạc có cung đường kết nối liên tỉnh Cao Bằng với Hà Giang, nơi có hai Công viên địa chất toàn cầu là Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn thông qua Quốc lộ 4A, Quốc lộ 34. Thêm nữa, nhờ vị trí tiếp giáp với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, Bảo Lạc có thể kết nối tour, tuyến du lịch tới các điểm đến như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (huyện Hà Quảng); Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu du lịch sinh thái Kolia (huyện Nguyên Bình); hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn)... Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và phát triển thương mại, dịch vụ gắn với các loại hình du lịch.
Bảo Lạc có nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh như: đồn Đồng Mu (xã Xuân Trường), Di tích lịch sử Trông Nhìa Hậu (xã Hồng An), chùa Vân An, miếu Quan Đế (thị trấn Bảo Lạc). Ngoài ra, huyện được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan, danh thắng đẹp như: núi Phja Dạ (xã Sơn Lập) cao 1.987m so với mặt nước biển - được coi là "nóc nhà" của Cao Bằng với cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, kỳ vĩ; dốc 15 tầng Khau Cốc Chà, hồ Thôm Lốm (xã Xuân Trường); hồ thủy điện xã Bảo Toàn. Cùng với đó là mạng lưới hang động lớn, nhỏ trong lòng các dãy núi Lũng Nà (xã Thượng Hà), Lũng Rì (xã Khánh Xuân)... Đây là những tiềm năng và lợi thế vô cùng thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch tại địa phương.
Bảo Lạc còn là vùng đất đa dân tộc hội tụ nên bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo. Theo báo cáo kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Cao Bằng năm 2018, huyện có 101 di sản thuộc 7 loại hình. Trong đó: Dân tộc Tày có 19 di sản; dân tộc Nùng có 18 di sản; dân tộc Mông có 20 di sản; dân tộc Dao có 16 di sản; dân tộc Lô Lô có 13 di sản; dân tộc Sán Chỉ có 14 di sản và 01 di sản chung của các dân tộc trên địa bàn huyện - Chợ tình Phong Lưu. Đồng bào Lô Lô còn có hai nghề truyền thống độc đáo là nghề thêu, dệt thổ cẩm tại xóm Khuổi Khon (xã Kim Cúc) và nghề đan lát tại xóm Khau Trang (xã Hồng Trị) là tiền đề để phát triển du lịch làng nghề tại địa phương.
Đồng bào các dân tộc huyện Bảo Lạc xuống phố tham gia Chợ tình Phong Lưu
Đặc biệt, trên địa bàn huyện còn có rất nhiều lễ hội truyền thống của địa phương như: lễ hội Lồng Tồng; chợ tình Phong Lưu (Háng Toán); Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông... đã thu hút đông đảo khách du lịch đến tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa bản địa.
Để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của du khách, hiện nay, toàn huyện có 20 cơ sở lưu trú, trong đó có 6 khách sạn, 3 homestay, 11 nhà nghỉ và một số dịch vụ bổ sung khác cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Cùng với đó, chợ đêm thị trấn Bảo Lạc được duy trì vào thứ Bảy hằng tuần với 4 khu chính: khu ẩm thực; khu bán hàng thương mại và các sản phẩm địa phương; khu giải trí, trò chơi dân gian, các loại hình nghệ thuật dân tộc; khu trưng bày tranh ảnh, tạo nên không gian văn hóa đa sắc màu.
Đến đây, du khách còn được trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực vô cùng đặc sắc của người dân bản địa. Với những nguyên liệu khai thác từ tự nhiên, được chế biến bằng những cách thức độc đáo khiến du khách không thể bỏ qua như: bánh chưng đen, bánh gio, cơm lam, xôi ngũ sắc, khau nhục, thịt chua, thịt gà đen của dân tộc Mông; các loại thịt trâu, bò, lợn xiên que treo lên gác bếp để khô; cá sông, cá suối; các loại cây ăn quả như: mận máu, lê, dưa hấu, xoài, chanh leo,... các sản phẩm từ cây dược liệu hà thủ ô, cát sâm, xỏm đeng...
Một số sản phẩm từ cây dược liệu của huyện Bảo Lạc
Có thể khẳng định rằng, Bảo Lạc có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và khai thác nhiều loại hình dịch vụ - du lịch như: Du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm; Du lịch mạo hiểm; Du lịch tâm linh và Du lịch cộng đồng. Với chủ trương chung của ngành du lịch là kết hợp giữa phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, Bảo Lạc hướng đến đạt mục tiêu là điểm đến "an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn - đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc".
Những điểm đến đặc sắc của Bảo Lạc, Cao Bằng Cách trung tâm TP Cao Bằng khoảng 130km, huyện Bảo Lạc là nơi sinh sống của 7 dân tộc anh em, vừa sở hữu cảnh quan tuyệt đẹp, vừa đậm đà bản sắc văn hóa vùng miền. Nằm ở phía Tây Nam của Cao Bằng, Bảo Lạc có mặt phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc, phía Nam giáp huyện Phác Nặm (Bắc...