Cao Bằng: Cuộc sống người dân xã Đàm Thủy đảo lộn sau nhiều trận động đất liên tiếp
Hai ngày sau đợt động đất gần nhất xảy ra chiều 28/11, người dân xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng vẫn chưa hết hoang mang lo sợ. Cuộc sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn, cần được chính quyền hỗ trợ.
Nhân dân xã Đàm Thủy dựng lều lán ngủ tạm ngoài đồng ngày 28/11/2019. Ảnh: TTXVN phát
Anh Hà Văn Chiến, ở đội 1 xóm Lũng Phiắc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng chưa hết sợ hãi kể: Sáng 28/11, khi đang ở nhà một người bạn cùng xóm thì tôi nghe một tiếng nổ mạnh rung chuyển trời đất. Mặt đất rung lên, đá trên núi lăn xuống ầm ầm, bụi bốc cao mù mịt, nhà cửa rung lên bần bật. Tôi và người dân xung quanh hò nhau chạy hết xuống ruộng. Phải nhiều giờ sau mọi người mới hoàn hồn trở lại thì thấy rất nhiều nhà bị nứt tường, rơi ngói.
Anh Chiến dẫn chúng tôi ra sau ngôi nhà 3 tầng của em trai mình ở gần chân núi thuộc đội 1 xóm Lũng Phiắc để tận mắt chứng kiến nhiều khối đá lớn nằm ngổn ngang khắp vườn. Một tảng đá lớn va vào tường nhà làm cho ngôi nhà bị thủng một lỗ to bằng miệng chậu nước. Rất may ngôi nhà được xây dựng kiên cố nên kết cấu ngôi nhà không bị ảnh hưởng. Sau mấy trận động đất và dư chấn, ngôi nhà của em trai anh Chiến gần như luôn khóa cửa im ỉm.
Video đang HOT
Mặc dù chưa có thiệt hại lớn, nhưng nhiều trận động đất liên tiếp xảy ra gần đây đã để lại một nỗi ám ảnh trong lòng người dân. Những người cao tuổi nhất trong xóm cũng chưa bao giờ gặp trận động đất nào lớn đến như vậy. Phía trong làng, nơi cách xa ngọn núi đá lở, ban ngày người dân vẫn trở về nhà sinh hoạt, nhưng tối đến, cả làng lại kéo nhau ra đồng ngủ trong những căn lều bạt dựng tạm để đảm bảo an toàn.
Một nhà dân gần chân núi ở xóm Lũng Phiắc ở xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) bị đá núi rơi thủng tường. Ảnh: Quốc Đạt/TTXVN
Anh Lý Văn Pẩy, trưởng đội 1, xóm Lũng Phiắc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng cho biết: Đến nay chưa thể thống kê hết thiệt hại của người dân trong xóm nhưng gần như tất cả các ngôi nhà xây bằng đá cổ trong làng đều bị nứt tường, rơi ngói… Các mỏ nước của làng trước đây luôn đầy nước thì nay khô kiệt. Các giếng khoan, giếng đào cũng bị đục nước nên việc lấy nước sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trẻ em vẫn không dám đến trường, mọi hoạt động sản xuất đều dừng lại. Mặc dù chính quyền đã thăm hỏi, động viên nhưng bà con vẫn rất hoang mang lo sợ. Ban ngày, người dân vẫn về làng sinh hoạt nhưng tối đến, tất cả đều ra đồng ngủ trong những căn lều bạt tạm bợ để theo dõi tình hình.
Theo ông Nguyễn Thành Hải, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, trước tình hình trên UBND tỉnh Cao Bằng đã khẩn trương chỉ đạo các lực lượng quân sự dựng 30 chiếc lều bạt lớn cho người dân có chỗ trú ngụ, chuẩn bị phương tiện, thuốc men, lương thực, dụng cụ y tế sẵn sàn hỗ trợ người dân khi có tình huống khẩn cấp. Đồng thời, chính quyền cũng phối hợp với các nhà khoa học địa lý đặt thêm máy đo rung chấn, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến để có thêm dự báo tình hình trong thời gian tới.
Trước đó, liên tiếp từ ngày 25 đến 28/11, tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh xảy ra nhiều trận động đất; trong đó trận động đất lớn nhất đo được có độ lớn 5.4.
Theo Quốc Đạt (TTXVN)
Triển khai các biện pháp ứng phó sau hàng loạt trận động đất
Riêng sáng 25/11, hai trận động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Băng, trong đó 1 trận có độ lớn tới 5,4 độ.
Chiều 25/11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi các Bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ đến Thanh Hóa; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí về triển khai các biện pháp ứng phó với động đất.
Động đất gây ra một số vụ sạt lở đất đá tại Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, may mắn không có thiệt hại về người.
Theo thông báo từ Viện Vật lý Địa cầu, trong những ngày vừa qua, nhiều trận động đất xảy ra ở Bắc bộ và khu vực lân cận các nước Trung Quốc, Lào. Riêng sáng 25/11, hai trận động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, trong đó 1 trận có độ lớn tới 5,4 độ.
Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại các trận động đất có thể xảy ra tiếp theo, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các Bộ và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai các tỉnh, thành phố vừa nêu rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của động đất đến các công trình xây dựng, nhất là các hồ chứa, nhà cao tầng, các khu vực có nguy cơ bị sạt lở để có phương án đảm bảo an toàn. Chỉ đạo các địa phương, chủ công trình kiểm tra, rà soát, cung cấp thông tin về mức đảm bảo an toàn của các công trình để người dân chủ động ứng phó và tránh tâm lý hoang mang. Rà soát, kiểm tra các hồ chứa nước và hạ du, nhất là các hồ chứa nhỏ có nguy cơ bị ảnh hưởng để có phương án ứng phó phù hợp.
Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tin, đại chúng tăng cường đưa tin về diễn biến động đất và các biện pháp ứng phó. Báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống./.
Theo Minh Long/VOV1
Rà soát tòa nhà cao tầng, hồ chứa bị ảnh hưởng do động đất Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương ở miền Bắc và Thanh Hóa rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của động đất đến các công trình, đặc biệt là nhà cao tầng và hồ chứa. Chiều 25/11, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có văn bản, đề...