Cảnh trốn khỏi trại tâm thần không thể quên trong ‘Bay trên tổ chim cúc cu’
Lúc Bromden chạy khỏi trại tâm thần đã khép lại bộ phim vĩ đại nhất về thế giới người điên.
Bay trên tổ chim cúc cu (One Flew Over the Cuckoo’s Nest) là một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Milos Forman ra mắt năm 1975, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Ken Kesey. Đây là bộ phim thứ hai sau It happened one night (1934) giành được cả năm giải Oscar chính (Big Five, gồm phim, đạo diễn, kịch bản, nữ chính và nam chính).
Phim xoay quanh câu chuyện tại một trại tâm thần ở nước Mỹ. Mọi chuyện bắt đầu từ khi Randle Patrick McMurphy (Jack Nicholson), một tên tội phạm đang bị giam giữ tại trại cải tạo được đưa đến trại tâm thần vì có biểu hiện tâm lý không bình thường. Ban đầu, McMurphy tưởng cuộc sống ở đây sẽ dễ dàng và yên ổn hơn cho đến khi anh ta phát hiện ra người phụ trách trung tâm điều dưỡng là y tá Ratched (Louise Fletcher), một phụ nữ có vẻ ngoài dịu dàng nhưng luôn ngầm dùng kỷ luật sắt để quản lý các bệnh nhân tâm thần.
Trong thời gian ở trại tâm thần, McMurphy kết bạn cùng Billy Bibbit (Brad Dourif), chàng thanh niên có chứng nói lắp và yếu đuối, “Tù trưởng” Bromden (Will Sampson), một người da đỏ cao lớn, không bao giờ nói bất cứ điều gì. Những tháng ngày ở trại, McMurphy nhận ra đám người “tâm thần” này cũng là những con người có cảm xúc, có khát khao. Anh khơi lên niềm vui, khát khao cho bọn họ trốn thoát khỏi nơi giam cầm này.
Kế hoạch chạy trốn của McMurphy thất bại. Người anh em Billy Bibbit bị y tá Ratched tấn công tâm lý đến nỗi phải tự sát. Quá tức giận vì điều này, McMurphy bóp cổ Ratched và bị đưa đi cắt thùy não, trở thành người thực vật.
“Tù trưởng” Bromden vẫn nhớ đến nguyện vọng chạy trốn của McMurphy, anh quyết định dùng gối đè chết McMurphy để giải thoát cho bạn mình khỏi đau khổ. Đồng thời, Bromden đã vác bộ vòi phun bằng đá cực nặng trong phòng trị liệu đập vỡ cửa sổ. Trước đó, McMurphy đã thử vác bộ vòi phun này trước đó (nhưng không thành công) vì anh tin rằng nó sẽ giúp anh trốn khỏi trại tâm thần. Bộ phim kết thúc với hình ảnh mờ dần vào bóng đêm của Bromden.
Video đang HOT
Trên nền nhạc ca khúc Please Release Me (Hãy thả tôi đi), Bromden không nói một lời nào, như anh vẫn từng. Anh chỉ bước từng bước vững chắc đến bên bệ phun nước bằng đá và nhấc nó lên. Một cách thần kỳ làm sao, Bromden đã thành công. Anh vứt nó ra ngoài cửa sổ, phá bỏ lớp cửa kính cùng rào lưới chắc chắn và bước ra ngoài, một cách chậm rãi, về phía tự do.
Các bệnh nhân khác giật mình tỉnh giấc và chỉ có một người duy nhất hiểu chuyện gì đang diễn ra tại trại tâm thần.
Đó là khát vọng được tự do, được đối xử bình đẳng như những con người khác của những người bị coi là bất thường, thấp kém, ngu dốt về mặt trí tuệ. Nhờ sự xuất hiện của McMurphy, ngọn lửa đã được thắp lên, bất chấp mọi gông cùm, xiềng xích ác độc và tàn nhẫn của bà y tá.
Cảm xúc của khán giả khi xem cảnh kết này là buồn vui lẫn lộn. Vui vì mọi người đã được giải thoát. Nhưng buồn vì McMurphy lại không thể tận hưởng cảm giác tự do, dù anh là người khát khao về nó nhiều nhất.
Bay trên tổ chim cúc cu được quay tại bệnh viện thuộc tiểu bang Oregon. Nhiều bệnh nhân tâm thần thực sự đã xuất hiện trong các cảnh quay. Giám đốc bệnh viện – tiến sĩ Dean R. Brooks cho rằng điều này sẽ giúp việc điều trị.
Trước khi quay phim, đạo diễn đã ở phòng dành cho y tá trong bệnh viện trong suốt 3 tuần và không bị giới hạn địa điểm tham quan. Ngoại trừ Jack Nicholson được lựa chọn vào vai chính, đạo diễn Forman cũng đã thử vai cho hơn 900 bệnh nhân trong phim.
Cảnh quay cuối cùng của bộ phim đã được đạo diễn quay lại trong hai ngày, thêm vào chi tiết các bệnh nhân chứng kiến cảnh “Tù trưởng” trốn thoát. Sau đó, một thành viên của đoàn làm phim quên không đóng cửa sổ, kết quả là đã có một bệnh nhân thực sự nhảy ra và ngã từ tầng 3, gãy vai. Tờ báo địa phương đã đưa tin này kèm dòng tít: “Một lần bay khỏi tổ chim cúc cu”.
Cảnh phim đấu súng thành chuẩn mực trong 'Thiện, Ác, Tà'
Một cảnh phim chỉ có tiếng guitar réo rắt cũng đủ khán giả nín lặng theo dõi.
The Good, the Bad & the Ugly (Thiện, Ác, Tà) là bộ phim kinh điển của Mỹ, ra mắt 1967. Đây được coi là bộ phim đỉnh cao nhất thuộc dòng phim cao bồi, do đạo diễn người Ý Sergio Leone thực hiện với sự tham gia của các diễn viên Clint Eastwood, Eli Wallach, Lee Van Cleef.
Bộ phim xoay quanh hành trình của 3 gã lạ mặt với 3 tính cách khác nhau. Trong đó gồm một kẻ vô danh với biệt hiệu Blondie, một tên xấu xa được gọi Angel Eyes và một gã vô lại có tên Tuco. Cả ba đều nghe thông tin về kho vàng của quân đội được chôn dưới một ngôi mộ. Trong quá trình tìm kiếm kho vàng, ba người, từng đôi một cùng hợp tác và lừa gạt lẫn nhau. Đến cuối phim họ cùng đến ngôi mộ và tại đây diễn ra cuộc đấu súng tay ba.
Được thực hiện từ thập niên 60 nhưng The Good, the Bad & the Ugly vẫn giữ nguyên giá trị cho đến thời điểm hiện tại, cả về nội dung và cách thể hiện. Những khung hình được chuyển đổi bất ngờ từ cảnh toàn sang cảnh cận, âm thanh sống động và diễn xuất xuất thần của cả ba nam diễn viên là giá trị cốt lõi để bộ phim này sống mãi.
Đạo diễn Sergio Leone còn là bậc thầy trong việc khơi gợi cảm xúc cho khán giả. Từ cốt truyện ly kỳ, hồi hộp và hấp dẫn cho đến việc sử dụng âm thanh.
Trường đoạn kết thúc của The Good, the Bad & the Ugly được xem là cảnh kinh điển nhất trong các bộ phim đề tài cao bồi viễn tây, cũng như tạo ra chuẩn mực của một cuộc đấu súng. Đạo diễn đã không để cho diễn viên nói bất cứ câu thoại nào, chỉ có tiếng nhạc réo rắt, dồn dập, đậm chất cao bồi của Ennio Morricone vang lên.
Cảnh phim đấu súng kinh điển thành chuẩn mực nghệ thuật trong &'The Good, the Bad & the Ugly'
Đây là lúc cả ba nhân vật trong The Good, the Bad & the Ugly đều ngả bài với nhau vì mục đích của riêng mình. Đứng trên bàn cân sinh tử, ai cũng muốn là người chiến thắng để sống sót và ôm trọn kho vàng quý giá. Máy quay cận vào từng gương mặt đang nghi ngờ, dò xét nhau, cho đến bàn tay run chầm chậm sờ vào súng.
Không nói câu thoại nào nhưng cả ba diễn viên lột tả trọn vẹn nhân vật của mình bằng gương mặt. Sự bình thản của The Good (Clint Eastwood), tham vọng của The Bad (Lee Van Cleef) hay sự bất an của The Ugly (Eli Wallach) cũng đều được thể hiện rõ nhất qua cảnh cuối phim này.
The Good, the Bad & the Ugly từng được hai nhà phê bình nổi tiếng của tạp chí Time là Richard Corliss và Richard Schickel bình chọn vào danh sách 100 bộ phim vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Trên nhiều diễn đàn và chuyên trang điện ảnh, nó cũng được xem là đại diện tiêu biểu nhất của dòng phim viễn Tây châu Âu, một thể loại từng bị xem thường nhưng đã phát triển rực rỡ đến mức các nhà làm phim viễn Tây ở Mỹ cũng phải học hỏi.
Bộ phim cũng trở thành chuẩn mực cho dòng phim cao bồi mà sau này nhiều đạo diễn khác đã học hỏi. The Good, the Bad & the Ugly cùng với hai phim A Fistful of Dollars (Một nắm đô la) và For a Few Dollars More (Cho vài đô la thêm nữa) đã trở thành một bộ ba (trilogy) phim cao bồi bất hủ của Sergio Leone.
Theo VNE
10 bộ phim gây tranh cãi vì để sao nhí 12, 13 tuổi đóng cảnh sốc Khán giả đặt câu hỏi về sự an toàn cũng như ảnh hưởng tâm lý của các sao nhí khi phải quay những phân cảnh 18 này. 1. Hounddog Sao nhí Dakota Fanning bắt đầu sự nghiệp từ năm 5 tuổi và đã "kinh qua" nhiều thể loại phim khác nhau, trong đó có cả phim 18 . Bộ phim gây hoang mang...