Cảnh sát giao thông toàn quốc mở đợt cao điểm Tết 2022
Trong 2 tháng cao điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc sẽ tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, tập trung tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc.
Sáng 15/12, tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an tổ chức Lễ ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các lễ hội đầu xuân năm 2022.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, phát biểu tại Lễ ra quân (Ảnh: CTV).
Trọng tâm của đợt cao điểm này là tấn công, trấn áp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật trên phạm vi toàn quốc, nhằm bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy; phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, lễ hội, vận tải hành khách, hàng hóa của nhân dân trong dịp cuối năm, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Các chiến sĩ CSGT tại Lễ ra quân (Ảnh: CTV).
Trên lĩnh vực giao thông đường bộ, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ huy động và bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, phòng chống đua xe trái phép; trọng tâm là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; tăng cường tuần tra, kiểm soát cơ động bằng xe mô tô để xử lý vi phạm quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm.
Quá trình thực hiện, lực lượng CSGT tăng cường sử dụng hệ thống camera giám sát, cân tải trọng và các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại đã được trang bị vào việc xử lý vi phạm TTATGT.
Trên lĩnh vực giao thông đường sắt, CSGT bố trí lực lượng phối hợp với chính quyền, Công an các địa phương và ngành đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường sắt tại các đường ngang, lối đi tự mở, vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tại Lễ ra quân (Ảnh: CTV).
Trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, thời gian trước tết Nguyên đán, lực lượng CSGT tập trung vào các đối tượng vận tải hàng hóa, các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, hoạt động vận tải hành khách ngang sông, theo tuyến cố định ở các tuyến vận tải trọng điểm; các cảng, bến trái phép hoặc không đủ điều kiện hoạt động…
Thời gian trong và sau tết Nguyên đán, lực lượng CSGT tập trung vào các đối tượng và địa bàn có hoạt động ngang sông, dọc sông, theo tuyến cố định, các hoạt động du lịch, lễ hội, vui chơi, giải trí trên đường thủy nội địa.
Quá trình thực hiện lực lượng CSGT thường xuyên bố trí lực lượng ở các bến, các địa bàn trọng điểm ở những thời gian cao điểm về lưu lượng người tham gia giao thông; kiên quyết đình chỉ các bến, phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn, đặc biệt là không thực hiện đúng quy định về cứu sinh, cứu đắm…
Cục CSGT yêu cầu CSGT Công an các đơn vị, địa phương bảo đảm tuyệt đối an toàn, thông suốt các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam…
Trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm tiếp xúc với người dân, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng CSGT phải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của ngành y tế.
3 giây quét mã QR bằng "mắt thần" ở ga Cát Linh - Hà Đông
Nhiều người dân đi tàu Cát Linh - Hà Đông cảm thấy hào hứng khi việc khai báo y tế bằng camera trước khi lên tàu dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều so với việc khai báo y tế như trước đây.
Người dân quét mã QR qua "mắt thần" ở ga Cát Linh - Hà Đông.
Những ngày vừa qua, tại ga Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội), Đội Cảnh sát giao thông đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp cùng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) lắp đặt thử nghiệm hệ thống camera quét mã QR.
Máy quét mã QR được bố trí ngay tại hai sảnh vào ga Cát Linh, hành khách khi đến ga sẽ sử dụng căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng PC Covid, VNEID để quét mã khai báo y tế. Đối với hành khách đi tàu chưa có căn cước công dân gắn chíp hoặc điện thoại thông minh sẽ vẫn được khai báo y tế bằng tay.
Sáng 10/12, ghi nhận của PV Dân trí, tại khu vực nhà ga Cát Linh, nhiều người dân tỏ ra hào hứng khi quét mã QR qua hệ thống camera. Tại khu vực kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế không còn cảnh phải xếp hàng như trước. Những tờ giấy A4 in hình mã QR code dán trên tường để người dân đứng dùng điện thoại khai báo y tế đã không còn. Thay vào đó, hệ thống camera tự động quét mã QR đã giúp những nhân viên bảo vệ của nhà ga đỡ vất vả.
"Trong thời đại 4.0, tôi thấy việc sử dụng camera để quét mã QR rất thuận tiện và hiện đại, ai cũng đều có thể sử dụng. Đặc biệt việc quét mã QR như này cũng rất nhanh, người dân cũng có thể dùng thẻ căn cước công dân có gắn chip để quét mã" - bạn Đoàn Thanh Huyền, sinh viên năm 3 Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ.
Thời gian trung bình mỗi lần quét mã kiểm tra chỉ khoảng 3 đến 5 giây. Thông tin hiển thị sẽ bao gồm (họ tên, thông tin tiêm chủng, thông tin xét nghiệm Covid-19...). Anh Hoàng Tuấn Anh, nhà ở phố Trịnh Hoài Đức đi bộ đến ga Cát Linh để xuống trụ sở công ty tại Hà Đông. Khi đến nơi, anh cầm căn cước công dân gắn chíp trên tay và làm động tác quét mã QR code từ "mắt thần" camera. Chỉ sau 2 giây, toàn bộ thông tin cơ bản của anh Thắng về số mũi tiêm vắc xin, lịch sử xét nghiệm... đã được hiển thị trên màn hình camera quét mã QR code. Cầm căn cước công dân trên tay, khi được hỏi, anh Thắng nói ngắn gọn: "An toàn, thuận tiện và nhanh chóng quá".
Nhiều người dân cho biết, việc sử dụng "mắt thần" để quét mã QR khai báo sẽ rất thuận tiện và tránh mất thời gian khi lên tàu.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) ví von rằng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là "đoàn tàu mùa xuân" thêm khởi sắc khi được Bộ Công an lắp đặt hệ thống camera quét mã QR code. Ông Trường cho rằng, sớm nhận thấy được những tiện ích, sự thuận tiện, cần thiết, đặc biệt là an toàn tuyệt đối từ hệ thống camera này, nên ngày 8/12, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã có Công văn số 431 đề nghị CATP Hà Nội hỗ trợ lắp đặt thiết bị quét mã QR code từ căn cước công dân gắn chip của Bộ Công an.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, sau thời gian thử nghiệm 10 ngày, máy quét mã QR sẽ được bố trí tại 12 ga của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Tàu Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thương mại từ ngày 6/11, sau 15 ngày chở khách miễn phí trải nghiệm, từ ngày 21/11, Metro Hà Nội đã tổ chức bán vé thương mại cho người dân.
Ngăn chặn 'hung thần' xe 3 bánh chở quá khổ dịp cuối năm Tình trạng xe 3 bánh "thương binh" chở hàng cồng kềnh, quá khổ quá tải, vi phạm luật giao thông đang có chiều hướng gia tăng dịp cuối năm trên nhiều tuyến phố Hà Nội, khi nhu cầu khách hàng tăng cao. Đáng nói, những "hung thần" đường phố này luôn chạy tốc độ cao, ngang nhiên "luồn lách" trong dòng xe cộ...