Cảnh sát giao thông được trưng dụng tài sản, đúng hay sai?
Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ, tuy nhiên, mới đây Bộ Công an lại ban hành Thông tư 01/2016 quy định quyền hạn của cảnh sát giao thông là được trưng dụng tài sản. Điều này đúng hay sai?
Ngày 04/01/2016, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Trong đó, điều được dư luận quan tâm nhất là việc cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng tài sản.
Cụ thể, khoản 6 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định quyền hạn của CSGT nêu rõ: “Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”.
Ảnh minh họa.
Quyền sở hữu cá nhân được pháp luật bảo vệ
Liên quan đến vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, về vấn đề trưng dụng tài sản, không riêng gì cảnh sát giao thông tất cả các lực lượng thực thi công vụ trong trường hợp khẩn cấp, truy bắt tội phạm, ngăn chặn hành vi nguy hiểm có tính nguy cơ cao, trong tình thế cấp thiết, cấp cứu người bị nạn hoặc ngăn chặn thảm họa, thiên tai định họa thì việc trung dụng là cần thiết.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng, phải có cơ chế bù đắp hoặc bồi thường cho người bị trưng dụng, và có cơ chế kiểm soát, quy định rõ ràng trong việc trung dụng hay huy động, quy định cần phải rất rõ ràng, cụ thể chứ ko thể chung chung, tùy tiện. Ví dụ có người bị nạn nếu không được cấp cứu kịp thời thì có thể nguy hiểm đến tính mạng thì việc trưng dụng phương tiện để đưa người đi cấp cứu là cần thiết
Khoản 3, Điều 169 Bộ Luật Dân sự cũng đã nêu rõ, trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, pháp nhân hoặc của chủ thể khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Điều 169. Bảo vệ quyền sở hữu cũng quy định rõ: Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ; Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.
Luật quy định thế nào về trưng dụng tài sản?
Bên cạnh đó, theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, luật Trưng mua, trưng dụng tài sản cũng đã quy định cụ thể về tài sản trưng dụng hay thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.
Theo đó, Điều 23. Tài sản thuộc đối tượng trưng dụng gồm: Nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất; Máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác.
Về thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản, Điều 24 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản quy định, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định trưng dụng tài sản quy định tại Điều 23 của Luật này; Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.
Điều 25. Nội dung của quyết định trưng dụng tài sản
1. Quyết định trưng dụng tài sản bằng văn bản có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người quyết định trưng dụng tài sản;
b) Tên, địa chỉ của người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản trưng dụng;
c) Tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ của cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng;
Video đang HOT
d) Mục đích, thời hạn trưng dụng tài sản;
đ) Tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của từng tài sản trưng dụng;
e) Thời gian và địa điểm bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng dụng.
2. Quyết định trưng dụng tài sản phải được giao cho người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản; trường hợp người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản trưng dụng vắng mặt thì quyết định trưng dụng tài sản phải được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trưng dụng.
Điều 26. Trình tự, thủ tục quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói
1. Người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản được quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói. Khi quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản phải viết giấy xác nhận việc trưng dụng tài sản ngay tại thời điểm trưng dụng. Nội dung giấy xác nhận phải ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản; tên, địa chỉ của người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của từng tài sản trưng dụng; mục đích, thời hạn trưng dụng; tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ của cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng.
2. Chậm nhất là bốn mươi tám giờ, kể từ thời điểm quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, cơ quan của người đã quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản việc trưng dụng tài sản và gửi cho người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản một bản. Văn bản xác nhận phải có các nội dung chủ yếu được quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
Điều 27. Huy động người vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng
1. Trường hợp tài sản trưng dụng phải có người vận hành, điều khiển nhưng tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng không có người vận hành, điều khiển thì người quyết định trưng dụng tài sản được huy động người đang vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng đó để vận hành, điều khiển.
2. Quyết định huy động người vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người quyết định huy động;
b) Họ tên, địa chỉ của người được huy động;
c) Mục đích huy động;
d) Thời điểm, thời hạn huy động.
3. Quyết định huy động người vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng phải được thể hiện bằng văn bản và phải được giao cho người được huy động. Trường hợp đặc biệt không thể ra quyết định bằng văn bản thì người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản được quyết định huy động người vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng bằng lời nói và phải có giấy xác nhận việc huy động ngay tại thời điểm huy động. Giấy xác nhận phải có các nội dung chủ yếu được quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Người được huy động vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng có nghĩa vụ chấp hành quyết định huy động.
Điều 28. Thời hạn trưng dụng tài sản
1. Thời hạn trưng dụng tài sản bắt đầu từ khi quyết định trưng dụng có hiệu lực thi hành đến:
a) Không quá ba mươi ngày, kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này;
b) Không quá ba mươi ngày, đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 5 của Luật này.
2. Trường hợp hết thời hạn trưng dụng tài sản quy định tại khoản 1 Điều này nhưng mục đích của việc trưng dụng tài sản chưa hoàn thành thì được gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá mười lăm ngày.
3. Quyết định gia hạn trưng dụng tài sản phải được thể hiện bằng văn bản và gửi cho người có tài sản trưng dụng trước khi kết thúc thời hạn trưng dụng.
Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Trưng mua, trưng dụng tài sản không đúng đối tượng, điều kiện, thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo quy định của Luật này.
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc trưng mua, trưng dụng tài sản để tham ô, tham nhũng, trục lợi hoặc vì mục đích cá nhân khác.
3. Trì hoãn, từ chối hoặc chống lại việc thực hiện quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản, quyết định huy động người vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng.
4. Bán, trao đổi, tặng cho và các giao dịch dân sự khác làm thay đổi quyền sở hữu đối với tài sản đã có quyết định trưng mua.
5. Hủy hoại, làm thay đổi hiện trạng của tài sản đã có quyết định trưng mua, trưng dụng.
6. Cản trở hoặc xúi giục người khác cản trở việc trưng mua, trưng dụng tài sản.
7. Quản lý, sử dụng tài sản trưng mua, trưng dụng trái với quy định của pháp luật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.
Trúc Dân
Theo_VnMedia
Tung "ảnh nóng" của người khác lên mạng xã hội có thể bị phạt tù
Khung hình phạt nào cho hành vi đưa thông tin, hình ảnh nhạy cảm của người khác lên các trang mạng xã hội? Những quy định và chế tài hiện hành liệu đã đủ sức răn đe? Mỗi cá nhân cần làm gì để tự bảo vệ mình?
Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Công ty Luật Đức An, Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trong một số trường hợp còn có thể bị phạt tù đến ba năm. Ảnh minh họa
Vừa qua một nữ hành khách tại Hà Nội bị tài xế Uber đăng tải thông tin cá nhân lên trang web khiêu dâm. Bà T ở thành phố Hồ Chí Minh bị bạn tình cũ tung ảnh nhạy cảm cùng những thông tin có nội dung thô tục, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm lên Facebook. Những hành vi này đã vi phạm quy định nào của pháp luật, thưa bà?
- Những hành vi đó không những đã vi phạm quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng mà còn vi phạm quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật dân sự.
Bí mật đời tư của cá nhân là một trong những quyền nhân thân của con người và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý đồng thời thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật (iều 38 Bộ luật Dân sự 2005).
Việc tài xế taxi Uber tiết lộ thông tin nữ hành khách lên nhóm nói chuyện mà không có sự đồng ý của chị ta là một hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên thông tin của nữ hành khách bị phát tán trên trang website khiêu dâm và do tài xế này thực hiện, hiện chưa đủ cơ sở để khẳng định. Nữ hành khách nếu nghi ngờ nên trình báo với cơ quan điều tra để xác minh sự việc. Trong trường hợp, có đủ bằng chứng, chị này có thể khởi kiện tới tòa án hoặc tố cáo anh tài xế với cơ quan công an về hành vi của anh ta và yêu cầu được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của mình (theo Điều 37 Bộ luật dân sự 2005 về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín).
Đối với việc bà T bị người tình cũ tung ảnh nhạy cảm và có những lời bình luận xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bà, đương nhiên đó là hành vi vi phạm pháp luật và đã được tòa án xử lý như báo chí phản ánh.
Mức xử lý cho những hành vi này như thế nào?
- Để xác định người có hành vi vi phạm bị xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần có nhiều căn cứ.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013 NĐ-CP. Theo đó, hành vi "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác" sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Tại Điểm b, d Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15.7.2013 ghi rõ: Nghiêm cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: - Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Và Khoản 4, Điều 26 Nghị định này cũng quy định: Người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải "Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập."
Bên cạnh đó khi quyền nhân thân bị xâm phạm thì người đó có quyền: yêu cầu bồi thường thiệt hại (theo quy định tại Điều 25, Bộ luật dân sự) bao gồm, bồi thường thiệt hại cả về vật chất và bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại (Điều 307, Bộ luật Dân sự).
Khi nào thì những hành vi nêu trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
- Hành vi nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự năm 1999. Điều luật này quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trong một số trường hợp còn có thể bị phạt tù đến ba năm.
Việc buộc xin lỗi, cải chính công khai là yêu cầu chính đáng nhưng hình như chưa có quy định xin lỗi công khai trong trường hợp bôi xấu người khác trên mạng xã hội?
- Khoản 3, Điều 307 Bộ luật dân sự quy định: "Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại". Việc xin lỗi công khai chưa có những quy định cụ thể.
Về nguyên tắc hành vi vi phạm xảy ra ở đâu thì xin lỗi ở đó, như xin lỗi ngay tại phiên tòa, hoặc xin lỗi tại khu dân cư... nhưng vi phạm xảy ra ở trên mạng xã hội thì luật pháp chưa dự liệu. Với tốc độ phát triển công nghệ thông tin như hiện nay thì các nhà làm luật cần sớm có quy định cụ thể về vấn đề này.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo_Dân việt
Công an xã, phường có được xử lý vi phạm giao thông? Trưởng công an cấp xã (phường, thị trấn) có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Hỏi: Tôi có đỗ xe ở lòng đường trái quy định, bị công an phường yêu cầu dừng xe và kiểm tra giấy tờ. Tôi muốn hỏi thẩm quyền của công an...