“Cảnh sát giao thông Đà Nẵng rất… lịch sự”
Sông Hàn
Hôm từ Đà Nẵng đi Hội An, tôi đi nhầm trên cầu cấm ô tô còn được anh CSGT nhắc nhở, dẫn đường đi ngược lại. Nhiều tỉnh, thành phố khác mà thế chắc chắn sẽ bị phạt”.
Trong khi liên tục xuất hiện những chuyện không hay về lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn quốc trong thời gian qua, thì câu chuyện về CSGT – Công an TP.Đà Nẵng lại là một động thái tích cực để người dân tin tưởng vào lực lượng này.
Một buổi sáng cuối tháng 8, nhóm chúng tôi từ ngoại tỉnh vào Đà Nẵng bằng xe ô tô của cơ quan. Khi vào TP.Đà Nẵng, người lái xe do không thuộc đường nên đi vào đường cấm ô tô và đã bị CSGT yêu cầu dừng xe. Tuy nhiên, khác với lối hành xử “bình thường” của CSGT ở Việt Nam, CSGT Đà Nẵng không những không xử phạt mà còn tận tình chỉ dẫn cho lái xe đi đúng đường trong thành phố.
Câu chuyện “lạ lùng” này đã nhanh chóng tạo nên những cuộc thảo luận sôi nổi của chúng tôi trong chuyến đi này. Đặc biệt, nhiều người đã từng tiếp xúc với CSGT Đà Nẵng đều xác nhận rằng lực lượng CSGT thành phố này rất “lịch sự” với người tham gia giao thông.
Chuyện không lạ của CSGT Đà Nẵng đang là chuyện lạ ở nhiều địa phương trong cả nước. Một anh bạn đi cùng kể: “Hôm từ Đà Nẵng đi Hội An, tôi đi nhầm trên cầu cấm ô tô còn được anh CSGT nhắc nhở, dẫn đường đi ngược lại. Nhiều tỉnh, thành phố khác mà thế chắc chắn sẽ bị phạt”.
Với nhiều lỗi của xe máy, xe ô tô ngoại tỉnh đến với Đà Nẵng, CSGT tại thành phố này chỉ nhắc nhở và hướng dẫn như đi ngược chiều hoặc đi vào đường cấm, nhưng với các đối tượng xay xỉn, đánh võng, lạng lách… thì xử lý rất nghiêm. Câu chuyện về cách hành xử của CSGT Đà Nẵng khiến rất nhiều người ngạc nhiên và mong muốn sẽ được CSGT ở các địa phương khác học tập. Một anh bạn nói vui: “Mong sao những việc tốt này được nhân rộng ra cả nước”.
Video đang HOT
Nhiều người cho rằng, một việc đáng ra là rất bình thường so với chức trách, nhiệm vụ của CSGT thì bây giờ lại thành một chuyện lạ, một điển hình để người dân mong muốn CSGT nơi mình sinh sống noi theo.
Theo 24h
Kinh hoàng vùng đất con gái đến tuổi "trăng tròn" lại đột nhiên mất tích
Nhiều năm nay, các thôn bản thuộc xã Đôn Phục, (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) vẫn luôn thu hút được những đoàn người vãng lai ghé thăm, cùng với tấm lòng thiện hữu.
Thế rồi, trước cám dỗ của đồng tiền, những phụ nữ, trẻ em gái cứ đến tuổi "trăng tròn" lại đột nhiên mất tích, bỏ xứ ra đi một cách bí ẩn...
Cạm bẫy người ở bên kia biên giới
Những ngày giữa tháng 6, theo chân anh bạn về chảo lửa miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi như bị "nướng" da thịt bởi những cơn gió Lào không ngừng "thổi lửa" áp sát trên chặng đường tới vùng quê của những cạm bẫy người.
Có mặt tại trụ sở Ủy ban xã Đôn Phục, tiếp chúng tôi là Trưởng Công an xã còn rất trẻ, anh Vi Uy Tín. Rất nhiệt tình và thẳng thắn khi trao đổi với chúng tôi về tình hình địa phương, Tín cho biết, Đôn Phục là xã nghèo, có 3.722 nhân khẩu, và trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là giao thông đi lại rất khó khăn, hễ trời mưa to là các bản bị chia cắt bởi các con suối, không đi lại được. Cùng với đó, trình độ dân trí thấp nên phụ nữ và các em gái hay bị những kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc.
Nhẩm tính trên từng ngón tay, Tín không khỏi lo lắng cho biết: "Từ năm ngoái đến nay, trên địa bàn xã đã có 15 phụ nữ, trẻ em rơi vào nghi diện bị lừa bán. Riêng đầu năm 2012 đến nay có 8 nữ sinh nghỉ học, mà theo những người nhà cho biết thì các em đi làm ăn xa, nhưng không cho biết cụ thể là ở đâu. Có nhiều em bị lừa bán sang Trung Quốc, nhưng cũng có một số tự nguyện đi, sau khi gia đình nhận một số tiền kha khá từ các đối tượng cò mồi".
Dẫn chúng tôi vào bản Hồng Điện, nơi có nạn nhân vừa được giải cứu trở về từ bên kia biên giới. Dù chặng đường từ Ủy ban xã vào bản Hồng Điện chỉ khoảng 5km, nhưng khó đi như con đường Trường Sơn năm xưa. Những con đường mòn ngoằn ngoèo và không bằng phẳng tí nào, nếu không phải là tay lái có nghề đi rừng thì ít ai có thể đi được trên những con đường "cơ khổ" này. Tiếp tục lội qua 5 con suối đầy đá cuội, có những lúc máy xe như tắt lịm vì nước sâu ngập cả ống bô. Qua con suối nào cũng bắt gặp rất đông người dân, nhiều nhất là các em nhỏ cùng cha mẹ đi mò cua, bắt ốc để cải thiện bữa ăn hằng ngày.
Dừng chân tại Trường Trung học cơ sở xã Đôn Phục, chúng tôi gặp được thầy Trần Viết Nam, Phó hiệu trưởng nhà trường. Qua câu chuyện về sự mất tích đầy bí ẩn của nhiều nữ học sinh, thầy Nam cho biết, là một trường vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số nên nhiều em không tránh khỏi bị cám dỗ của đồng tiền, lừa bán qua biên giới. Để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng trên, các thầy cô luôn có ý thức, trách nhiệm cao trong việc tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, do đời sống khó khăn, lại bị cám dỗ bởi đồng tiền nên nhiều gia đình đành nhắm mắt để con em đi mà không tố cáo.
Hướng đôi mắt về phía cánh rừng sâu ngút ngàn, thầy Nam tiếp tục câu chuyện với giọng trầm buồn: Ở trường, các em học sinh bỏ học nhiều nhất là học sinh nữ khối lớp 8, lớp 9, vì ở độ tuổi này các em có thể lao động, và bọn xấu chủ yếu lừa gạt những em còn trẻ để bán sang Trung Quốc. Năm 2011, trường có 9 em bỏ học, nhưng chỉ mới chưa đầy 5 tháng đầu năm học 2012 đã có tới 11 trường hợp bỏ học. Tất cả những em học sinh bỏ học các thầy cô đều đến tận gia đình thuyết phục cho các em quay lại trường học tiếp, nhưng họ đều từ chối, quyết cho con cái đi làm ăn, nhưng hỏi đi đâu thì họ đều nói không biết. Gần đây có trường hợp em Vi Thị Thíu (15 tuổi), học lớp 9B vừa bỏ học, người dân tộc Thái, ở bản Hồng Thắng.
Theo lời kể của thầy Nam, chúng tôi tìm tới nhà em Thíu để tìm hiểu cặn nguồn vấn đề thì người nhà cho biết là em đã đi làm ăn xa. Nhưng theo một sô người dân thì gia đình Thíu đã nhận của bọn người xấu 40 triệu để cho Thíu đi sang Trung Quốc làm vợ của một ông già ngoài 70 tuổi.
Trở lại cuộc hành trình vào bản Hồng Diện, Trưởng Công an xã cho biết, hầu hết những trường hợp bị lừa bán sang Trung Quốc, thủ đoạn mà bọn buôn người thường lợi dụng là qua người quen, qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân. Để đề phòng nạn nhân bỏ trốn, sau khi đã lừa được, bọn chúng sẽ tìm mọi cách cắt đứt liên hệ của các nạn nhân với người quen và thế giới bên ngoài bằng cách quản lý giấy tờ tùy thân, không cho mang theo điện thoại, tiền bạc. Có một số đối tượng trong đường dây buôn người vốn trước đây là nạn nhân nay trở về lại thực hiện hành vi lừa đảo các đối tượng khác.
Lời kể của thiếu nữ bị lừa bán làm vợ... ông già
Sau hơn một giờ đồng hồ vật vã với đường rừng, chúng tôi cũng đến được nhà em Ngân Thị Ứng. Vừa vào đến ngõ, rất đông bà con lối xóm và một số người dưới xuôi lên đã vây kín nhà em. Nhận ra người quen, Trưởng Công an xã giới thiệu cho chúng tôi biết đó là mấy chị bên Hội phụ nữ trên huyện xuống. Vẻ mặt đầy lo lắng, chị Vi Thị Đông, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Con Cuông cho hay: "Nghe tin em Ứng vừa được giải cứu sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc nên Hội tổ chức lên thăm hỏi, nắm bắt tình hình và tuyên truyền, vận động để bà con cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu".
Trong gian nhà tranh dột nát, Ứng chưa hết sợ hãi khi nhắc lại những ngày làm vợ tủi nhục nơi đất khách quê người. Chuyện xảy ra vào tháng 8/2011, khi bạn cùng xã là Lương Thị Việt đến rủ em xuống thành phố Vinh làm giúp việc, công việc đơn giản mà người ta trả tiền nhiều lắm, tưởng thật nên Ứng đã nghe theo. Hai bữa sau, trời mưa rất to nên bố mẹ em đi làm trên rẫy không về được, Ứng ở nhà một mình thì Việt đến rủ đi.
Khi lên nhà Việt thì đã có chị Lương Thị Nhung và chị Vi Thị Hà đợi sẵn ở đó. Em bảo đợi bố mệ đi làm về rồi nói một câu, nhưng hai người bảo nếu đợi thì không kịp vì xe sắp chạy rồi. Trước những lời dụ dỗ dồn dập của các "má mì", Ứng lên xe rồi nghe lời uống thuốc chống say, sau đó ngủ không biết gì. 3 ngày sau xe dừng lại, Ứng mới biết mình đang ở Trung Quốc.
Ngay từ hôm bị lừa bán sang Trung Quốc, một người phụ nữ bảo với Ứng và Việt là "bọn tao đã bán chúng mày cho người ta lấy làm vợ rồi". "Chúng em nói không đồng ý và đòi về nhà thì liền bị mấy người đàn ông xông vào đánh túi bụi và kề dao vào cổ dọa giết, sợ quá nên bọn em đành phải đồng ý", Ứng kể.
Những ngày đầu ở đất lạ, Ứng và Việt còn gặp em Moong Thị Oanh (15 tuổi), con ông Moong Văn Sớm, bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, một chị tên Huyền và còn nhiều chị khác cũng ở Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc. Ứng bị lừa bán làm vợ một người đàn ông còn nhiều tuổi hơn cả bố mình, mặt rất ghê sợ và hung dữ, ngày nào cũng đánh đập vì Ứng luôn cự tuyệt mỗi lúc ông ta bảo lên giường. Ngày nào Ứng cũng phải làm việc từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya mới được nghỉ. Do không biết tiếng Trung nên sau hơn 7 tháng ở xứ người, Ứng cũng không biết tên ông ta là gì, đang ở đâu. Có những hôm Công an vào kiểm tra, gia đình nhà chồng còn lôi Ứng vào rừng sâu trốn hai ba ngày liền mới đưa về nhà.
Từ khi ở quê người, điện thoại của Ứng cũng hết tiền, chỉ nhận mà không thể gọi được. Cho đến một hôm có một cuộc điện thoại của một số máy lạ, nghe máy thì có cô bảo là nhà báo, hỏi thăm tình hình để giải cứu. Nghe đến đó Ứng rất mừng, khóc nức nở trong điện thoại. Phải nghe trộm nên điện thoại của Ứng có lúc phải ngắt giữa chừng. Cũng may nhà chồng không biết tiếng Việt nên không biết Ứng nói gì. Sau đó không lâu, Ứng được giải cứu đưa về Việt Nam.
"Bữa nó đi nhằm vào ngày lũ lớn nên hai vợ chồng cứ tưởng nó bị nước lũ cuốn đi, sau đó hỏi Nhung và Hà (hai phụ nữ lừa bán Ứng) qua điện thoại thì được hai người này báo là đã bán con gái sang Trung Quốc. Tham gia lừa bán Ứng còn có hai người là Vi Văn Sơn và Lang Thị Ngân. Ngay khi nghe chuyện, tôi liền báo ngay cho Công an xã, huyện để tìm cách cứu con gái. Thật phúc cho nhà tôi, cháu nó đã trở về", anh Tư kể lại.
Chia tay gia đình em Ứng, cũng như những con người lầm lũi nơi miền đất khó, bước chân chúng tôi như chững lại và không khỏi thương cảm trước cảnh những "gà trống" nuôi con. Cũng vì đói nghèo nên nhiều hộ gia đình và trẻ em gái đã bị cuốn theo cám dỗ của đồng tiền. Để rồi, thêm một ngày, bản làng lại vắng đi một bóng hồng bạc phận, những ngôi làng nghèo càng trở nên não nề khi phải "mồ côi" phụ nữ. Và thế, cánh đàn ông, thanh niên lại tìm đến "nàng tiên nâu" để giải sầu.
Theo VNN
Trà Vinh: Nhà tình thương bị rao bán Qua phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, (tỉnh Trà Vinh), nơi có nhiều hộ dân bán nhà tình thương. Theo báo cáo mới nhất của Ban Thanh tra nhân dân xã Phong Thạnh, đến thời điểm này, đã phát hiện 9 căn nhà tình thương (thuộc Chương trình 134 và 167) được người dân...