Cảnh sát Đức đụng độ với người biểu tình trước đại hội của đảng cực hữu AfD
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngày 29/6, cảnh sát đã phải sử dụng bình xịt hơi cay và dùi cui để ngăn chặn nhiều người biểu tình vượt qua hàng rào ở thành phố Essen, phía Tây nước Đức – nơi sẽ diễn ra đại hội kéo dài 2 ngày của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD).
Biểu tình phản đối quan điểm của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) tại thành phố Munich ngày 21/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Cảnh sát cho biết đã phải bắt giữ một số người và một số cảnh sát đã bị thương trong vụ đụng độ.
Tổng cộng khoảng 100.000 người biểu tình sẽ tham gia các cuộc biểu tình ở Essen chống AfD – đảng bảo thủ, chống nhập cư, đang giành được sự ủng hộ đặc biệt ở các bang miền Đông nước Đức. Mặc dù những người tổ chức nói rằng các cuộc biểu tình sẽ diễn ra trong hòa bình, nhưng cảnh sát lo ngại hành động bạo lực của những người biểu tình. Hàng trăm người biểu tình đã chặn lối ra đường cao tốc và chiếm đóng các đường phố và ngã tư gần địa điểm tổ chức đại hội nhằm ngăn cản các đại biểu đến địa điểm đại hội.
Hàng nghìn cảnh sát có mặt để đảm bảo an ninh cho các cuộc biểu tình. Một số chính trị gia AfD trong Quốc hội Đức cho biết cảnh sát đã đón họ tại khách sạn và đưa đến địa điểm tổ chức họp để không bị người biểu tình cản trở.
Video đang HOT
Khoảng 600 đại biểu đảng AfD sẽ nhóm họp tại một nhà thi đấu thể thao và trong cuộc họp này, hai nhà đồng lãnh đạo đảng Alice Weidel và Tino Chrupalla đều tìm cách tái tranh cử trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức vào mùa Thu năm tới.
AfD đang bị Cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV) theo dõi vì bị nghi ngờ là tổ chức cực đoan cánh hữu. Cơ quan này cảnh báo rằng AfD gây ra mối đe dọa phân biệt chủng tộc, chống Do Thái và phản dân chủ ở Đức. Bất chấp những cảnh báo như vậy và hàng loạt vụ bê bối pháp lý, AfD vẫn đứng thứ 2 ở Đức trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 9/6, và thậm chí còn chiếm vị trí đầu tiên ở 5 bang miền Đông.
Đảng này cũng được kỳ vọng sẽ trở thành đảng mạnh nhất trong cuộc bầu cử vào tháng 9 ở 3 trong số các bang miền Đông này, gồm Saxony (Sachsen), Thuringia (Thringen) và Brandenburg, trong bối cảnh lo ngại rằng các đảng khác sẽ không thể thành lập một liên minh cầm quyền chiếm tỷ lệ cao hơn.
Kenya triển khai quân đội để ứng phó với các cuộc biểu tình
Ngày 25/6, Kenya đã triển khai quân đội để hỗ trợ lực lượng cảnh sát đang ứng phó với làn sóng biểu tình phản đối chính sách tăng thuế của chính phủ hiện đã cao trào trở thành các cuộc đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình quá khích và lực lượng an ninh.
Người biểu tình phản đối dự luật tăng thuế gây bạo động tại Nairobi, Kenya, ngày 25/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ trưởng Quốc phòng Kenya, ông Aden Bare Duale cho biết quân đội đã được triển khai để hỗ trợ cảnh sát ứng phó với tình trạng khẩn cấp an ninh do các cuộc biểu tình bạo lực đang diễn ra trên khắp Kenya cũng như hành vi phá hoại và xâm phạm trụ sở cơ quan công quyền của người biểu tình cực đoan.
Phát biểu trước báo giới cùng ngày, Tổng thống Kenya William Ruto tuyên bố sẽ có biện pháp cứng rắn chống lại tình trạng "bạo lực và tình trạng vô chính phủ", sau khi các cuộc biểu tình gây thương vong và người biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội. Tổng thống Ruto khẳng định đảm bảo an toàn cho người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Ông Ruto đã chỉ đạo các cơ quan an ninh sử dụng các biện pháp có thể để ngăn chặn mọi mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Nhà lãnh đạo Kenya đưa ra tuyên bố trên sau khi có ít nhất 5 người biểu tình thiệt mạng và hơn 150 người khác bị thương trong các cuộc biểu tình nổ ra trên toàn quốc trong tuần thứ hai liên tiếp nhằm phản đối lại các biện pháp thuế mới được đề xuất.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp Kenya, bao gồm cả thủ đô Nairobi. Người biểu tình đã cố xông cả vào tòa nhà Quốc hội khi các nghị sĩ đang bỏ phiếu thông qua dự luật tăng thuế hôm 25/6, buộc cảnh sát phải bắn chỉ thiên cảnh cáo.
Cảnh sát chống bạo động Kenya được triển khai đối phó với người biểu tình bạo loạn tại Nairobi, ngày 25/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 8/2022 với cương lĩnh giúp đỡ người nghèo, ông Ruto đang phải chịu áp lực phải tăng thêm nguồn thu trong nước trong bối cảnh các khoản trả nợ của chính phủ ngày càng tăng. Do đó, dự luật được điều chỉnh để huy động thêm 346,7 tỷ shilling (2,67 tỷ USD), bằng các biện pháp như tăng thuế phát triển đường sắt từ 1,5% lên 2,5% và phí khai báo nhập khẩu từ 2,5% lên 3.5%.
Các nhà lập pháp cũng áp dụng thuế sinh thái đối với các mặt hàng nhập khẩu như điện thoại thông minh và đồ điện tử, lưu ý các sản phẩm này sẽ trở thành rác thải điện tử gây hại cho môi trường.
Dự luật cũng loại bỏ mức thuế VAT 16% được đề xuất đối với bánh mì, vận chuyển đường, dịch vụ tài chính, giao dịch ngoại hối và thuế xe cơ giới 2,5%. Phí chuyển tiền di động sẽ không tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu thực vật cũng được bãi bỏ. Các khoản thu từ quỹ nhà ở và đề xuất về bảo hiểm y tế xã hội sẽ không thu được thuế thu nhập.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trước diễn biến tại Kenya, người phát ngôn Stephane Dujarric của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 25/6 cho biết Tổng Thư ký bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực tại nước này.
Cùng ngày, người đứng đầu Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) bày tỏ quan ngại sâu sắc sau khi các cuộc biểu tình chống tăng thuế ở Kenya trở nên nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi quốc gia này bình tĩnh và kiềm chế bạo lực.
Trong một tuyên bố chung, các đại sứ quán và cơ quan ngoại giao của 13 nước, trong đó có Canada, Đức, Anh và Mỹ, cho biết các nước đặc biệt bất ngờ trước những cảnh tượng bên ngoài Quốc hội Kenya.
Biểu tình biến thành đụng độ nghiêm trọng ở Kenya, nhiều người thương vong Ngày 25/6, cảnh sát Kenya đã buộc phải nổ súng vào những người biểu tình cố xông vào trụ sở Quốc hội nước này khi các nghị sĩ đang bỏ phiếu thông qua dự luật tăng thuế. Lực lượng bảo vệ biên giới Kenya tuần tra tại Eastleigh, Nairobi. Ảnh tư liệu, minh họa: AFP/TTXVN Theo nguồn tin y tế, ít nhất 10...