Cảnh sát bác thông tin thư viện tại Boston cũng bị đánh bom
Gần như cùng thời điểm với lúc 2 quả bom phát nổ tại khu vực diễn ra giải Marathon Boston, bảo tàng thư viện John F. Kennedy cũng bị hỏa hoạn khiến nhiều người lầm tưởng rằng đây cũng là địa điểm bị đánh bom khủng bố.
Thư viện John F. Kennedy tại Boston chỉ bị hỏa hoạn
Theo tờ Boston Globe, vụ hỏa hoạn, có thể đã kèm theo tiếng nổ, diễn ra tại tòa nhà bảo tàng và thư viện mang tên cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy vào khoảng gần 3 giờ chiều ngày 15/2, sát thời điểm xảy ra 2 vụ đánh bom khủng bố tại đường chạy marathon cách đó vài km.
Người phát ngôn của thư viện Rachel Flor cho biết “đã có lửa bốc lên nhưng không rõ nguyên nhân vì sao. Chúng tôi có nghe thấy một tiếng gì đó giống như tiếng nổ”. Suốt buổi chiều đó các lãnh đạo thư viện đều cho rằng vụ hỏa hoạn là do “sự cố máy móc”.
Giám đốc của thư viên khẳng định với báo giới vào khoảng 4 giờ chiều cùng ngày rằng đội rà phá bom mìn được cử tới đây chỉ là để phòng xa sau vụ khủng bố tại giải marathon. Không lâu sau, nhiều ô tô của cảnh sát Boston và cảnh sát của bang Massachusetts đã xuất hiện tại thư viện cùng với đại diện của mật vụ Mỹ.
Video đang HOT
Trong lúc tiếp xúc báo giới sau đó, ủy viên hội đồng cảnh sát Edward F. Davis cho rằng có thể đã có một vụ nổ và một thiết bị gây cháy tại thư viện. Chính thông tin này đã khiến phóng viên địa phương đổ xô tới đây.
Tuy nhiên đến tối qua (giờ địa phương), ông Davis đã bác thông tin có đánh bom khủng bố khi khẳng định: “Những điều tra ban đầu cho thấy vụ việc tại thư viện JFK có lẽ không phải do nổ. Có lẽ chỉ có cháy xảy ra”.
Vụ cháy khiến tòa nhà bị hư hại nhẹ ở phần ngoài chủ yếu do khói và nước, nhưng không gây tổn hại cho các tác phẩm trưng bày bên trong.
Theo Dantri
Mỹ: cấy ghép thành công thận nhân tạo trên chuột
Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố họ đã "nuôi" thành công một quả thận nhân tạo và cấy ghép vào cơ thể chuột. Điều ngạc nhiên là những quả thận này đã tạo ra được nước tiểu, giống như chức năng của thận thông thường.
Quả thận nhân tạo của chuột trong phòng thí nghiệm
Cho đến nay, nhiều kỹ thuật đã được áp dụng để tạo ra các bộ phận đơn giản trên cơ thể người và cấy ghép cho các bệnh nhân. Tuy nhiên riêng với thận, do tính chất phức tạp của cơ quan này, đến nay vẫn chưa có nước nào thành công trong việc tạo ra thận nhân tạo.
Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Medicine mới đây cho thấy dù các quả thận nhân tạo không đạt được hiệu quả như thận thật, nhưng lĩnh vực này hứa hẹn đầy tiềm năng. Bởi cho đến nay, đây là bộ phận có nhiều bệnh nhân cần được cấy ghép nhất.
Ý tưởng của các nhà nghiên cứu đó là, họ sẽ lấy một quả thận thật, loại bỏ toàn bộ các tế bào cũ và chỉ để lại một bộ khung giống hình tổ ong. Quả thận này sau đó sẽ được tạo dựng lại bằng những tế bào lấy từ bệnh nhân.
Kỹ thuật này có hai ưu điểm lớn so với kỹ thuật ghép tạng hiện nay đó là bộ phận được cấy ghép chắc chắn sẽ phù hợp với bệnh nhân. Người bệnh do vậy không cần phải dùng các loại thuốc chống đào thải sau cấy ghép. Đồng thời, với cách này số lượng bệnh nhân có thể được ghép thận sẽ tăng lên rất nhanh.
Hầu hết các quả thận được hiến tặng hiện nay đều bị đào thải nhưng chúng có thể được sử dụng làm khuôn mẫu cho những quả thận mới.
Với ý tưởng này, các nhà nhiên cứu tại bệnh viện tổng hợp Massachusetts, Mỹ đã có những bước đi đầu tiên. Họ lấy một quả thận của chuột và dùng chất tẩy để loại bỏ các tế bào cũ. Phần màng protein còn lại, hay bộ khung, trông vẫn giống một quả thận với một mạng lưới chằng chịt mạch máu và các ống dẫn nước tiểu.
Hệ thống ống protein này được dùng để bơm các loại tế bào phù hợp vào đúng vị trí trên thận, nơi chúng sẽ kết hợp với bộ khung để tái tạo quả thận.
Sau đó quả thận được giữ trong một cái lò đặc biệt để tạo ra trạng thái nhiệt độ giống như bên trong cơ thể chuột trong vòng 12 ngày. Khi được đem ra thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, lượng nước tiểu quả thận nhân tạo này sinh ra đạt 23% mức tự nhiên.
Nhóm thí nghiệm sau đó đã thử cấy ghép bộ phận này vào cơ thể một con chuột. Tuy nhiên khi đã ở bên trong, hiệu suất của nó chỉ còn đạt 5%. Dù vậy, trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sỹ Harald Ott khẳng định với BBC rằng việc phục hồi được một phần nhỏ chức năng bình thường của cơ thể đã là đủ.
"Nếu bạn phải lọc máu, thì chức năng của thận chỉ cần từ 10 - 15% đã đủ để khiến bạn không cần phải lọc máu nữa. Chúng ta không nhất thiết phải đạt hiệu suất tuyệt đối", ông Ott nói. "Chỉ tính riêng ở nước Mỹ, khoảng 100.000 người đang chờ để được ghép thận và chỉ khoảng 18.000 ca được thực hiện mỗi năm. Tôi tin rằng tiềm năng của phương pháp điều trị này khi thành công là vô cùng lớn".
Theo Dantri
Máu và nước mắt trong cuộc đua marathon tại Mỹ Tuyến phố nơi xảy ra 2 vụ nổ lớn liên tiếp tại cuộc đua chạy marathon ở Boston, Mỹ, ngổn ngang mảnh vỡ, trong khi người tham gia chạy và khán giả dính đầy máu. Nạn nhân được điều trị ngay tại hiện trường. Thị trưởng Boston kêu gọi người dân ở trong nhà. Khói lửa bốc lên từ vụ nổ ở vạch...