Cảnh sắc núi rừng Đông Bắc trong phim cổ trang Việt được mong chờ nhất 2023
Nhiều cảnh đẹp hùng vĩ ở Hà Giang, Bắc Kạn được chọn làm bối cảnh trong phim “Tết ở làng địa ngục” và “Người vợ cuối cùng”.
Một cảnh quay miền cao nguyên đá Hà Giang trong “Tết ở làng địa ngục” , bộ phim đang đứng vị trí số một trên Netflix. Ảnh: Nhà sản xuất
Tết ở làng địa ngục
Phim “Tết ở làng địa ngục” dài 12 tập, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang. Phim do đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân thực hiện.
Bộ phim thu hút khán giả bởi kịch bản kinh dị, rùng rợn. Một trong những yếu tố giúp bộ phim thu hút người xem là bối cảnh. Phim được quay tại làng Sảo Há xa xôi thuộc tỉnh Hà Giang. Nơi đây không có điện, nước, sóng điện thoại nhưng phong cảnh thiên nhiên rất tươi đẹp. Đoàn phim nhận được nhiều sự hỗ trợ từ người dân địa phương.
Chiếc cổng bằng đá của một ngôi nhà ở làng Sảo Há – Hà Giang trên phim. Ảnh: Nhà sản xuất
Dù ở cảnh quay toàn, trung hay cận, những cảnh vật trong phim đều thể hiện sự đặc trưng của một vùng núi Đông Bắc. Để tạo nên cảm giác rợn người cho khán giả, ê kíp áp dụng những cảnh quay đối lập giữa không gian rừng núi rộng lớn và con người nhỏ bé.
Các cảnh quay diễn ra tại làng Sảo Há – nơi giữ vẻ nguyên sơ, mộc mạc từ con đường làng đến những căn nhà. Bối cảnh quay phim có sự tiệm cận với tiểu thuyết: ngôi làng hiện lên bảng lảng trong sương mù che phủ, tựa tàn tích bị bỏ hoang từ lâu.
Video đang HOT
Ngoài ra, yếu tố khí hậu với tiết trời lạnh chỉ 3 – 5 độ C cũng khiến cảnh vật lạnh lẽo hơn khi lên hình. Không có những cung đường uốn khúc, không có hoa tam giác mạch nổi tiếng khi nhắc về Hà Giang, bộ phim “Tết ở làng địa ngục” khắc họa một khía cạnh mới về mảnh đất nơi đây.
Một cảnh quay đêm ở rừng núi Hà Giang của đoàn phim. Ảnh: Nhà sản xuất
Người vợ cuối cùng
Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Hồ oán hận” của tác giả Hồng Thái, bối cảnh của phim “Người vợ cuối cùng” sẽ diễn ra vào thế kỉ 19 của Việt Nam. Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ với truyền thông rằng anh và êkíp phải mất rất nhiều thời gian để tìm bối cảnh quay phim.
Hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) được chọn làm bối cảnh diễn ra nhiều cảnh quay ấn tượng trong phim bởi đặc trưng thay đổi cảnh sắc 3 lần trong ngày với buổi sáng sớm, buổi trưa và buổi chiều tà. Trong phim, đảo An Mã và đảo Bà Góa được làm nổi bật với hình ảnh nhiều phiến đá to nhỏ, xếp chồng lên nhau, cây cối xanh tươi ẩn hiện.
Hai nhân vật chính có cảnh quay tình tứ tại hồ Ba Bể. Ảnh: Nhà sản xuất
Theo chia sẻ của diễn viên Anh Dũng (vào vai thầy đề), đoàn làm phim phải đi thuyền 40 phút để di chuyển từ đất liền ra đảo ghi hình. Nam diễn viên cho biết thêm, khung cảnh thiên nhiên ở Bắc Kạn rất đẹp nhưng điều kiện sinh hoạt còn hạn chế. Song, vì đã quen với việc quay phim cực khổ nên không ai đòi hỏi gì nhiều.
Không chỉ cảnh sắc nên thơ, bộ phim “Người vợ cuối cùng” còn ghi điểm với những tiểu cảnh được dàn dựng công phu. Phiên chợ quê trong phim giúp khán giả hình dung về một thị trấn xa xôi, vừa quen vừa lạ. Phân cảnh múa rối nước nhận được chú ý từ sân khấu, hệ thống nước, các nghệ nhân và tạo hình của các con rối.
Tiểu cảnh là nhà lợp lá, ruộng ngô thân thuộc của làng quê Việt ở thế kỷ 19 tái hiện trên phim. Ảnh: Nhà sản xuất
Du lịch Tây Bắc: Vịnh Ngòi Hoa - "Hạ Long thu nhỏ" giữa hồ Hòa Bình
Trên hành trình du lịch Tây Bắc, du khách ngỡ ngàng trước vẻ đẹp diễm lệ của vịnh Ngòi Hoa như viên ngọc bích ẩn giữa núi rừng tỉnh Hòa Bình.
Vịnh Ngòi Hoa viên ngọc trên núi. Ảnh: Linh Anh
Vịnh Ngòi Hoa trên bản đồ du lịch Tây Bắc thuộc địa phận xóm Ngòi, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình. Cách Hà Nội khoảng 105km và cách trung tâm TP Hòa Bình 30km, hồ Hòa Bình là hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam được hình thành từ dự án thủy điện trên sông Đà. Hồ nước bật với chiều dài ấn tượng lên đến 100 km, với 47 đảo lớn nhỏ xanh mướt, cảnh sắc thơ mộng hữu tình.
Người dân bản địa từ thuở xưa còn gọi cảnh quan Ngòi Hoa là "Bưa rậm" (Bưa là bãi phẳng, rậm là rừng rậm). Vịnh nước này nay đã chuyển mình trở thành một vịnh núi vẻ đẹp ngút ngàn, du khách yêu mến thường gọi bằng cái tên "vịnh Hạ Long thu nhỏ" hay "viên ngọc trên núi". Nhờ địa thế độc đáo, khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ, trong lành và bình yên.
Đến vịnh Ngòi Hoa, du khách không thể bỏ lỡ trải nghiệm đi thuyền ngắm cảnh vô cùng lý tưởng. Bạn có thể ngồi thuyền đi dọc trên vịnh để ngắm nhìn những hòn đảo xanh mướt, cảm nhận hơi nước mát lạnh từ lòng hồ phả ra. Hoặc bạn có thể thong dong chèo thuyền tận hưởng trọn vẹn cảnh sắc đẹp như tranh vẽ.
Hồ Hoa Tiên nước xanh biếc quanh năm. Ảnh Xuân Xuân
Cách đó không xa, du khách còn có thể tham quan động Hoa Tiên một trong những động đẹp nhất Hòa Bình. Bên trong hang động này là hệ thống nhũ đá lấp lánh với đủ mọi hình thù độc lạ, mở ra một thế giới huyền ảo lung linh. Ngay gần đó là hồ Mắt Rồng còn có tên gọi khác là hồ Hoa Tiên quanh năm nước xanh biếc. Tương truyền xa xưa, các sơn nữ trong vùng thường đến đây tắm.
Ngoài khung cảnh thiên nhiên đẹp nao lòng, đây còn là nơi đậm màu sắc đồng bào Mường sinh sống. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét đặc sắc của văn hoá như nhà sàn truyền thống, trang phục dân tộc, hát ru, bọ meẹng, hát đúm, chiêng Mường...
Các cô gái Mường dịu dàng. Ảnh: Sơn Tùng
Du khách còn được trải nghiệm hoà mình vào cuộc sống hàng ngày của người dân, thưởng thức các món ăn dân tộc như thịt nướng, gà đồi, cá nướng, măng rừng... Tham gia các hoạt động như câu cá, đi bộ thám hiểm, thức dậy lúc sáng sớm để cùng những người dân bản địa đi cất vó tôm, và chờ tới lúc bình minh lên. ...
Thời điểm lý tưởng nhất để đến vịnh Ngòi Hoa là từ tháng 5 đến tháng 8. Mùa hè nóng nực sẽ phù hợp với các hoạt động vui chơi dưới nước. Tháng 9 đến tháng 4 năm sau phù hợp cho những chuyến nghỉ dưỡng, yên tĩnh thư giãn tâm hồn.
Từ vịnh Ngòi Hoa, du khách còn có thể đi thuyền thăm động Thác Bờ, đền Chúa Thác Bờ, đảo Dừa, đảo Cối Xay Gió, đảo Sung, thác Gò Lào...
Ông Đinh Sơn Tùng - Bí thư Đảng uỷ xã Suối Hoa - cho biết: Hiện có 95 nóc nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường ở xóm Ngòi. Trước đây người dân sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt và đánh bắt thuỷ sản trên lòng hồ sông Đà.
Sau khi được tỉnh và huyện bố trí các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa..., xóm Ngòi đã bước sang một trang mới, với những sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, du lịch cộng đồng phát triển.
"Hàng năm ước tính có khoảng trên 1.000 lượt khách về thăm quan, nghỉ dưỡng. Đời sống bà con ổn định khấm khá hơn rất nhiều" - ông Tùng cho hay.
Ông Tùng nhấn mạnh, trong thời gian tới UBND xã Suối Hoa tiếp tục định hướng, quan tâm, lồng ghép các Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới để đẩy mạnh công tác phát triển du lịch trên địa bàn.
Hang Rồng - Điểm nhấn mới về du lịch trên Cao nguyên đá Hà Giang Đến với Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, bạn sẽ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ; được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc vùng cao, say đắm lòng người. Bởi, đây chính là vùng đất có tiềm năng du lịch lớn nhất, khi tạo hóa ban cho cấu tạo địa chất...