Cảnh hoang vắng chưa từng thấy ở làng hoa lớn nhất Thủ đô
Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, chợ hoa đầu mối đóng cửa để ‘cách ly xã hội’, bán online cũng ít người mua, người nông dân đành ngậm ngùi chấp nhận bỏ ruộng, thậm chí vứt bỏ hoa ngay ven đường, một số hộ chuyển sang trồng rau.
Thời điểm giãn cách xã hội, chợ hoa đầu mối đóng cửa cũng chính là những ngày hoa cúc, hoa hồng, hoa ly, hoa loa kèn… vào vụ, nở rộ. Thay vì thu hoạch mang đi bán như mọi năm, người dân trồng hoa ở Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đành cắt hoa mang về để trong kho, bảo quản chờ thời điểm thuận lợi sẽ đem bán. Một số loại hoa không thể bảo quản như hoa cúc vàng, chủ vườn cắt bỏ, chất đống ngay đường ven.
Không có người mua hoa, chợ đầu mối đóng cửa để thực hiện cách ly xã hội, nhiều chủ vườn ở làng hoa Tây Tựu đã phải nhổ hoa bỏ đi.
Tây Tựu nổi tiếng là một làng hoa lớn ở Hà Nội, chuyên cung cấp hoa cho khu vực nội thành và các vùng phụ cận. Do việc trồng hoa mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân nên khi chợ đầu mối, chợ hoa đóng cửa, người dân không bán được hoa, không có thu nhập, cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều.
Nhiều diện tích trồng hoa bị bỏ hoang sau khi thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Liên, người dân trồng hoa ở Tây Tựu cho biết: Từ khi phát hiện bệnh nhân số 243 có lịch trình qua các chợ hoa Mê Linh, Quảng Bá…, chẳng thấy ai tới hỏi mua hoa nữa. Hoa cúc vàng giá rẻ nhất, trước đây bán đắt hàng mà giờ không ai hỏi mua. Hoa cúc chúng tôi bán 50-60 nghìn đồng một bó 50-100 bông. Hoa hồng giá cũng “rẻ như cho”, 20-30 nghìn đồng một bó khoảng 30 bông mà cũng ế ẩm. Những nhà nào trồng ly là lỗ nặng nhất vì cây giống nhập giá cao.
Bà Nguyễn Thị Liên vẫn ra ruộng chăm sóc hoa hàng ngày.
“Trung bình chúng tôi lỗ khoảng 30-50 triệu đồng nếu trồng 1 mẫu trồng hoa cúc hoặc hoa hồng. Nhà tôi trồng 2 mẫu lỗ gần trăm triệu đồng. Nếu dịch kéo dài, con số lỗ sẽ còn gấp đôi gấp ba vì còn nhiều diện tích hoa đang chuẩn bị nở”, bà Liên chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ với bà Liên, gia đình anh Nguyễn Thế Hùng cũng “đau đầu” vì thất thu bởi có 4 sào hoa loa kèn đang đến độ thu hoạch. Do nguồn cung dồi dào nhưng thị trường “đóng cửa” khiến giá hoa thấp chỉ bằng 20-30% so cùng kỳ năm trước.
Ngậm ngùi nhổ những cành hoa đã đến mùa thu hoạch, anh Hà Công Cường bộc bạch: “Từ khi có dịch đến giờ chúng tôi khó khăn lắm, hoa không bán được, khi hoa đã nở rồi bắt buộc phải nhổ đi để còn trồng lứa khác. Trước đây, hoa được bán cho các tiểu thương ở chợ đầu mối, chợ Quảng An, chợ Hà Đông… nhưng nay các chợ đều đóng cửa phòng dịch hết rồi. Chúng tôi mong sớm hết thời gian cách ly xã hội, mong sớm hết dịch, các chợ mở cửa trở lại thì mới có thể buôn bán được”.
Nhiều loại hoa đã đến mùa thu hoạch nhưng đành nhổ bỏ vì không có nơi tiêu thụ.
Còn 2 sào hoa cúc nở vàng ruộm nhưng chưa cắt do không bán được, gia đình chị Hương linh hoạt chuyển hướng sang trồng rau. Chị Hương chia sẻ: “Những nhà nào có nền kinh tế vững còn trụ được chứ những hộ đi vay vốn để đầu tư thì giờ không biết làm thế nào để trả nợ…. Năm nay hoa bán không được chạy như mọi năm. Từ hồi Tết đến giờ các hộ chỉ bán được số lượng rất nhỏ.
Video đang HOT
Giờ người dân ở nhà, hạn chế đi lại, tập trung mua sắm những hàng hóa thiết yếu nên hoa không phải là mặt hàng được ưu tiên. Nhà tôi và một số người khác trong làng cắt hoa xong đành trồng tạm rau ngắn ngày để cải tạo đất và có thêm thu nhập”, chị Hương kể.
Vì không bán được hoa, gia đình chị Hương đã phải chuyển sang trồng rau ngắn ngày để cải tạo đất và có thêm thu nhập.
Những ruộng hoa đến ngày thu hoạch không có người mua.
Hoa cúc vàng đang vào vụ nở rộ nhưng không thể bán được.
Dù việc buôn bán bị đình trệ nhưng việc chăm sóc các cánh đồng hoa vẫn phải duy trì hàng ngày.
Hoa đồng tiền bị vặt bỏ, vứt ngay tại ruộng.
Hoa ly từng là sản phẩm mang lại thu nhập cao cho người dân, nay nhà nào trồng nhiều lại bị lỗ nặng vì cây giống phải nhập với giá cao.
Hoa cúc vàng chất đống bên ven đường.
Những mảnh ruộng trơ trọi, cánh đồng hoa không người chăm sóc là cảnh tượng có lẽ xưa nay chưa từng có tại làng hoa Tây Tựu.
Những ruộng hoa xanh mướt sắp đến ngày thu hoạch nhưng không biết có tiêu thụ được không.
Mong muốn lớn nhất của người dân làng hoa bây giờ chính là sớm hết thời gian cách ly xã hội, các chợ mở cửa trở lại để có thể buôn bán bù lỗ.
Anh Hùng
Làng hoa lớn nhất Hà Nội ủ rũ vì dịch Covid-19
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chợ hoa lớn nhất của Hà Nội đang tạm đóng cửa, khiến làng hoa Tây Tựu gần như bị chặn đứng bởi không có đầu ra.
Làng hoa Tây Tựu được biết đến là một trong những làng hoa lớn nhất của miền Bắc, chuyên cung ứng hoa tươi cho Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc. Tuy nhiên, trong những ngày này, dù đang bước vào thời điểm cuối vụ nhưng không khí thu hoạch hoa tại đây rất ảm đạm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chợ hoa lớn nhất của Hà Nội cũng đang tạm đóng cửa khiến gần như bị chặn đứng bởi không tìm được đầu ra. Cuộc sống của dân làng thêm chật vật với gánh nặng mưu sinh.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chợ hoa lớn nhất của Hà Nội cũng đang tạm đóng cửa khiến thị trường tiêu thụ hoa của Tây Tựu gần như bị chặn đứng bởi không tìm được đầu ra.
Về làng hoa Tây Tựu trong những ngày cuối tháng 3, ai đó sẽ cảm thấy trong lòng thêm bồi hồi xao xuyến khi nghe được những câu hát ngợi ca vẻ đẹp của ngôi làng này. "Nắng ấm xuân về vui cùng hoa lá. Ngàn hoa khoe sắc năm cánh nở thơm hương, rực rỡ lung linh mộng mơ huyền diệu".
Vậy nhưng không khí mùa thu hoạch năm nay của làng hoa Tây Tựu khác hoàn toàn so với mọi năm. Trên cánh đồng, ngàn hoa đua nhau khoe sắc nhưng người nông dân không mấy ai nở được nụ cười. Dù đa số các loại hoa như hoa cúc, hồng, hoa ly, hoa loa kèn đều đã vào vụ nhưng không khí trên các cánh đồng hoa vẫn vô cùng ảm đạm.
Tại một vườn hoa nằm sát một con mương, ông Đinh Duy Thành ở tổ dân phố Trung 6, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm đang cần mẫn phun thuốc tưới luống hoa nhưng mặt buồn rười rượi: "Hoa không bán được nhưng vẫn phải phun thuốc trừ sâu".
Theo ông Thành, tùy theo nhà làm nhiều hoa thì mất nhiều, nhà làm ít mất ít. Nhà ông Thành có 3 sào đất trồng hoa Cúc. Gia đình ông bỏ bao công sức chăm sóc, tưới trồng, trông chờ từng ngày hoa nở để được cắt luống đem bán nhưng nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoa đẹp mấy cũng chẳng có khách mua. Giờ ông chỉ biết ngồi ngắm hoa mà thở dài.
Hoa không bán được nhưng vẫn phải phun thuốc trừ sâu không cây hoa sẽ bị hỏng hết.
"3 sào ăn hết 2 sào rồi, không bán được, vứt đi hỏng hết rồi. Cấm chợ thì có đi chợ đâu mà bán. Thu cố được gốc là cùng thôi, mất công làm. Thu lại tiền thuốc, tiền phân bón, cây giống thôi. Chỉ đưa được ít hàng đẹp cho ô tô về lấy được đâu thì được còn không hỏng vứt đi", ông Thành than thở.
Cách đó không xa, bên luống hoa cúc đang hé nụ chờ đơm bông, bà Nguyễn Thị Nhung ở thôn 2 chậm rãi đi tỉa lá cho từng búp hoa. Dù tuổi đã cao, đôi mắt không còn tinh tường nhưng bà Nhung vẫn cố gắng làm việc.
Với 5 sào hoa cúc, gia đình bà Nhung đã phải chi trả hơn 50 triệu đồng chi phí tiền phân bón, thuốc trừ sâu, chưa kể công sức bỏ ra rất lớn. Thế nhưng với giá hoa xuống thấp như hiện nay, nếu không bán được, gia đình bà sẽ lỗ nặng.
"Giá nếu không có dịch thì được nghìn rưởi, hai nghìn chứ có dịch như này thì được 500, 600, 10 nghìn một mớ cũng có. Đi bán nhưng bây giờ không có người đi chợ thì không có người mua, đi bán lẻ thì họ đuổi chợ thì bán sao được, đi bán buôn cũng không được. Bây giờ cứ bỏ vốn ra chăm bón, thuốc men, 3 hôm lại bơm thuốc 1 lần, mưa gió thế này không bơm thuốc nó cũng hỏng. Vì cây giống này nó cũng đắt, bỏ ra hơn mấy triệu tiền cây giống lại tiền nứa, tiền lưới, phân bón các thứ, thuốc men mất gần chục triệu rồi, làm ra không biết có bán được không, làm là làm tù mù thôi", bà Nhung buồn bã nói.
Đang là tháng Tư nên làng hoa Tây Tựu hoa loa kèn đang có rất nhiều.
Thay vì đi bán ở chợ hoa Quảng Bá như mọi khi, những đơn hàng hoa được chị Hà Thu Hương ở thôn 2, làng hoa Tây Tựu giao buôn cho một thương lái trong làng. Theo chị Hương, chị phải đổi mối buôn hoa vì hiện tại xe cộ vận chuyển khó khăn, hoa rớt giá nên việc buôn bán cũng không mấy thuận lợi.
"Bây giờ thì rẻ lắm em ạ. Bây giờ loại hoa đẹp như thế này cũng chỉ mấy chục thôi, độ 8 chục một mớ thôi. Mà còn không có người mua, hoa vứt đi nhiều. Người đi buôn không có người thu mua vì các chợ cấm hết, chẳng có người mua mấy, chợ vắng lắm. họ đi túc tắc được vài mớ hoa thôi. Ai mà trồng loại đắt tiền thì thiệt nhiều mà ai trồng loại rẻ tiền thì thiệt hại ít", chị Hương cho hay.
Thời điểm hiện tại, hầu hết người trồng hoa ở Tây Tựu rơi vào tình cảnh bán không ai mua. Tại chợ hoa Quảng An - chợ hoa đầu mối lớn nhất Hà Nội, hàng trăm gian hàng đã đồng loạt đóng cửa vì dịch Covid-19. Điều đó càng khiến cho việc giao thương của người buôn bán hoa trở nên khó khăn.
"Giờ mùa dịch là người đi chợ không có người mua, toàn người bán mà không có người mua, rất khó khăn cho người nông dân ở thời điểm bây giờ. Cũng mong là nhà nước hỗ trợ cho người nông dân như chúng tôi để bước qua thời kỳ khó khăn này...", anh Nguyễn Thanh Hải ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội buồn rầu nói.
Theo nhiều người dân làng hoa Tây Tựu, việc trồng hoa đem lại nguồn thu nhập chính cho dân làng. Nghề trồng hoa từ trước đến nay vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, do đó khi đã đầu tư trồng hoa, ai nấy đều xác định sẵn tinh thần cho mọi "sự cố" có thể xảy ra và đón nhận nó.
Ông Đặng Trần Thi - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tây Tựu mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ để người dân có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
"Do ảnh hưởng của dịch Covid 19 diễn ra mấy tháng nay thì về kinh tế, không riêng gì làng nông nghiệp trồng hoa của Tây Tựu mà cả các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ cũng ảnh hưởng đến cuộc sống, đời sống sinh hoạt và kinh tế của các hộ gia đình. Và vừa rồi chính phủ cũng có chủ trương hỗ trợ thì chúng tôi mong muốn sau này có các văn bản, chính sách cụ thể đối với từng trường hợp hỗ trợ, cũng mong muốn các cấp các ngành quan tâm để hỗ trợ cho người nông dân không bị ảnh hưởng lớn về kinh tế, thu nhập gia đình và sau đợt dịch sớm đi vào ổn định sinh hoạt bình thường", ông Thi mong muốn.
Trong khi dịch bệnh đang có những diễn biến khó lường, người dân làng Tây Tựu không thể bán được hoa mà vẫn đang phải gồng mình chống dịch. Thậm chí, nhiều gia đình trong làng còn đang trăn trở tìm phương pháp chăm sóc hoa sao cho hợp lý để đảm bảo nguồn cung cho thị trường sau mùa dịch.
Hy vọng rằng khi dịch bệnh qua đi, những người nông dân ở làng hoa Tây Tựu sẽ sớm quay trở lại được nhịp sống như bình thường và tiêu thụ được nhiều hoa hơn./.
Huyền Trang
Chùm ảnh: Cảnh tượng chưa từng có ở chợ hoa lớn nhất Hà Nội mùa Covid-19 Hàng trăm cửa hàng hoa ở chợ hoa Quảng An đóng cửa im lìm, hàng trăm tiểu thương tạm thời mất việc và hàng nghìn loại hoa không còn nơi để tiêu thụ. Được coi là chợ hoa lớn nhất Hà Nội nhưng giờ đây những người buôn bán hoa tại chợ này chỉ biết ngậm ngùi mong chờ ngày hết dịch. Tuy...