Cảnh giác trước “giới ăn bay”
Nạn cướp giật trên đường phố do bọn dùng xe máy thực hiện (gọi là “giới ăn bay”) đang là mối lo ngại của các cơ quan chức năng và tất nhiên, người dân lương thiện càng có lý do để lo ngại hơn.
Vụ cướp dưới chân cầu Sài Gòn gây xôn xao dư luận
Kẻ bị bắt đầu tiên trong lịch sử “giới ăn bay” là hung thần Lâm “chín ngón”. Do bực mình với cách cư xử của Đại Cathay là đàn anh của mình, Lê Ngọc Lâm rời băng đi cướp giật. Ngay chuyến ra quân đầu tiên, vừa chạy được vài trăm thước thì xe tắt máy. Hóa ra Lâm… quên mở khóa xăng.
Thăng trầm trong “giới ăn bay”
Chiếc Goebel nhập sang Việt Nam trở thành mốt thời thượng của dân chơi Sài Gòn vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20. Với tốc độ cao và gọn gàng, dễ lạng lách, giới giang hồ dùng loại xe này làm phương tiện tẩu thoát khi bị truy đuổi. Đến khi Honda Dame nhập về hàng loạt với giá rẻ, Đặng Đình Đán – trùm nhập xe Goebel và Puch 3 bị phá sản, phải nhảy lầu tự sát. Nhưng tốc độ của chiếc xe 50 cc này không làm giới giang hồ thỏa mãn. Những cao thủ “độ” xe đã biến chiếc Honda S50 thành con quái vật hai bánh với tốc độ lên gần gấp ba lần.
Video đang HOT
Rộ lên thành một nỗi kinh hoàng về tệ nạn cướp giật bằng xe, có lẽ là sau khi những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi miền Nam Việt Nam vào năm 1973. Tình hình xã hội và kinh tế thời hậu chiến đầy nhiễu nhương. Nghề “ăn bay” lộng hành đến mức cảnh sát phải tổ chức một lực lượng riêng để đối phó, gọi là Biệt đội Hình cảnh lưu động. Những vụ bắn hạ bọn cướp giật trên đường phố đông đúc xảy ra như cơm bữa cũng không làm chùn tay bọn chúng. Đơn giản là vì bạch phiến và những cơn vật vã đã thắng thế nỗi sợ hãi chết chóc, tù đày.
Sau ngày đất nước thống nhất 1975, nghề “ăn bay” tưởng chừng đã xóa sổ nhưng đó chỉ là một giai đoạn.
Ma túy và nếp sống thác loạn của một bộ phận nhỏ trong giới trẻ hiện nay đã góp phần đẩy họ trở thành những tên cướp miệng còn hơi sữa nhưng thủ pháp lại hết sức nhuần nhuyễn, già dặn.
Để giảm bớt phần nào loại tội phạm nguy hiểm này, một số quy định ràng buộc về các loại xe phân khối lớn từ 250 cc trở lên được đưa ra. Khổ nỗi, loại mô tô phân khối lớn cồng kềnh khó cơ động, không được giới “ăn bay” ưa chuộng để dùng làm phương tiện đi cướp giật. Đối với chúng, loại xe thích hợp là những chiếc xe 125 cc trở xuống, dễ điều khiển, có khả năng tăng tốc nhanh và quan trọng hơn là rẻ tiền để khi cần có thể bỏ luôn xe tẩu thoát.
Những chiếc Su Sport, Yamaha 110, DH88… không giấy tờ (mua ở biên giới Campuchia, giá rẻ như bèo) tỏ ra thích hợp trong “nghề ăn bay”.
Ba đối tượng trong “giới ăn bay”
Có ba loại đối tượng trong giới ăn bay và tất nhiên cũng có ba cách làm ăn khác nhau:
Loại thứ nhất là chuyên nghiệp, có kỹ thuật phát hiện con mồi, đeo bám và ra tay rất bài bản nên ít khi “rớt” (bị bắt). Ở quận 1, có tên sử dụng xe Honda SS50 đã đôn dên xoáy nòng và đưa cần ly hợp (côn) qua luôn bên phải để sử dụng thoải mái, tay còn lại “mua hàng”. Những tên chuyên nghiệp này đều có tên trong danh sách đối tượng theo dõi của công an địa phương nên chúng đối phó bằng cách cài cắm những chốt báo động gần trụ sở công an quận.
Loại thứ hai không chuyên nghiệp nhưng chỉ sau vài lần trót lọt và thấy “chẳng gì ngon ăn bằng giật đồ”, bèn dấn sâu vào “nghề ăn bay”. Đó là những cậu ấm cô chiêu quen thói ăn chơi và ít bị gia đình kiểm soát. 10 tên đủ 10 đều nghiện ma túy và chốn lui tới thường xuyên là các bar, vũ trường.
Do không chuyên nghiệp và đi làm ăn trong cơn phê thuốc hoặc vật vã do thiếu cữ, làm sao có sự chính xác, tỉnh táo? Đa số vụ cướp giật trên đường phố bị bắt là bọn này. Thỉnh thoảng lại có những vụ “bắt nguội” chính là do khâu tiêu thụ. Chẳng hề có mối quen như bọn chuyên nghiệp nên đa phần chúng tìm đến những tiệm vàng dễ tính, có đầy rẫy ở các địa bàn phức tạp để thò ra các sợi dây chuyền đứt khúc, sút khoen móc…
Loại thứ ba là bọn học đòi, gặp những bức xúc tiền bạc trong cuộc sống bèn “thử một lần cho biết”. Đa số đều sa lưới pháp luật ngay lần đầu tiên. Khổ nỗi, chính bọn này khi cướp giật thường gây ra tai nạn cho khổ chủ nhất. Một tay thợ làm giày trên đường Hoàng Diệu, do cãi nhau với vợ khi mối hàng không ổn định gây nên lỗ lã, đã rủ bạn dùng chiếc Citi 100 về miền Tây cướp giật. Dân miền Tây đeo vàng hết sức “vô tư” làm hai gã này tha hồ ra tay. Đến sợi thứ bảy trong ngày, cả hai tên “ăn bay” nghiệp dư bị tóm cổ.
Vài biện pháp phòng chống
Việc đeo những loại nữ trang hoặc sử dụng điện thoại di động loại đắt tiền một cách thiếu cẩn trọng khi di chuyển ngoài đường phố thì có khác nào… “mỡ treo trước miệng mèo”, khiêu khích kẻ cướp ra tay. Tốt nhất là cố gắng kiềm chế tâm lý khoe của, tự rơi vào bẫy “tham sân si” của chính mình để rồi sau đó rơi vào bẫy của bọn cướp với đủ thứ chiêu trò.
Để tránh việc mất mát tài sản và không bị tai nạn trên đường do chạy xe mất thăng bằng hoặc hốt hoảng (đa số là phụ nữ), có thể áp dụng vài biện pháp sau:
Một là mặc áo có cổ, giấu dây chuyền khi di chuyển ngoài đường. Không đeo lắc vàng khi đi xe hoặc nếu sử dụng điện thoại di động khi cần liên lạc thì dừng xe lại, đứng sát lề đường và khi có tiếng xe bất thường tiến lại quá gần, cần lùi vào sâu hơn ngay lập tức.
Đã có những trường hợp ở quãng đường vắng, nếu đối tượng là phụ nữ, bọn ăn bay sẵn sàng ngừng hẳn xe lại để đường hoàng bước xuống… giật ngay trên tay khổ chủ! Nếu cần, bọn chúng còn thập thò một lưỡi dao bén ngót để làm nản lòng ai muốn tri hô. Chính vì vậy, cần tránh di chuyển ở những quãng đường vắng vào ban đêm.
Hai là cố gắng đừng ngã xe khi bị giật một cách bất ngờ. Phản ứng tốt nhất (nếu không chở phụ nữ và trẻ con) là ngoặc luôn xe vào xe của chúng và tri hô kêu cứu.
Những cô gái có nhan sắc, nếu có đeo nữ trang hoặc sử dụng xe đắt tiền, khi gặp vài ba tên tỏ ra càn rỡ ghẹo chọc thì chớ nghĩ là bọn chúng muốn làm quen. Khi gặp quãng đường thuận tiện, chúng sẽ ra tay và chẳng kể gì đến nhan sắc của khổ chủ. Tốt nhất nên tìm một chỗ đông người tấp vào và dừng hẳn xe lại.
Lại có một thủ đoạn khác cần nêu ra để đề phòng: Trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), một cô gái đeo sợi dây chuyền khá “trọng” chạy chiếc Dream II Thái. Bất ngờ một chiếc Spacy áp sát và tên ngồi sau giật phắt sợi dây chuyền. Chưa kịp hoàn hồn để tri hô, bọn chúng đã quay lại và ném sợi dây xuống đường kèm theo câu chửi “mặt mũi ngon lành té ra lại đeo vàng giả!”, rồi bọn chúng vọt đi. Mừng rỡ vì không mất của, cô gái lật đật chống xe và chạy đến nhặt lại sợi dây đang nằm cách đó không xa… Bất ngờ một chiếc xe khác lặng lẽ bám theo suốt thời gian diễn ra sự việc, ngay lập tức kè vào và thả tên ngồi sau xuống. Nhanh như chớp tên này trèo lên chiếc Dream II vọt đi trước sự ngỡ ngàng của cô gái. Hóa ra đây là trò “liên hoàn chi kế” của bọn ăn bay!
Theo Thanh Trì (Pháp luật TPHCM)