Cảnh giác trước các “phác đồ” điều trị Covid-19 giả mạo trên MXH
Việc áp dụng các bài thuốc, phác đồ giả mạo có thể khiến cơ thể mọi người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những ngày qua, một số người dùng mạng xã hội chia sẻ các nội dung sai lệch về phác đồ tự chữa Covid-19, thổi phồng công dụng của một số loại dược phẩm. Trước tình trạng này, trao đổi với Zing News, bác sĩ Lưu Quang Minh (Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, bà con không nên tin tưởng, thực hiện theo những phác đồ chưa được kiểm chứng này.
Cẩn trọng trước lời khuyên sử dụng 1 số loại thuốc nguy hiểm
Bản hướng dẫn sử dụng thuốc, vật dụng khi chữa trị Covid-19 và tiêm vaccine giả mạo, không có căn cứ khoa học. (Ảnh: Zing News)
Việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 có thể khiến cơ thể người tiêm gặp một số tác dụng phụ, nhưng đã được chứng minh là không hề nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều đối tượng lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, sau đó lan truyền 1 bản hướng dẫn sử dụng thuốc sau khi tiêm vaccine và tự điều trị bệnh tại nhà với nội dung sai lệch.
Theo vị chuyên gia này, việc đưa nước ép hoa quả vào danh mục y tế thiết yếu là không chính xác; đồng thời cũng chỉ ra, việc khuyến khích bà con dùng Telfast (loại thuốc chống dị ứng) khi chuẩn bị tiêm chủng là thông tin thiếu khoa học. Bởi trong thực tế, nếu uống bất kì thuốc chống dị ứng, thuốc hạ sốt nào trước khi tiêm, khả năng phản ứng miễn dịch của cơ thể với vaccine sẽ bị suy giảm. Thay vào đó, việc uống thuốc chống dị ứng trước khi tiêm chỉ được tiến hành nếu có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa, hoặc sử dụng sau khi tiêm nếu xuất hiện biểu hiện dị ứng.
Nước ép hoa quả không thuộc danh mục y tế thiết yếu. (Ảnh: Điện máy xanh)
Một lưu ý khác là việc chủ động tích trữ Xarelto và Dexamethasone như thông tin phác đồ giả mạo này đăng tải là điều không cần thiết. Lý do là 2 loại thuốc này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu người dân tự ý sử dụng mà không có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Cảnh giác trước bài thuốc chữa Covid-19 với paracetamol
Video đang HOT
Theo đó, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về bài thuốc dưới dạng Đông – Tây kết hợp, yêu cầu người bệnh phải xông 7 ngày liên tục và dùng paracetamol thường xuyên. Bác sĩ Minh nhận định, có nhiều điểm nguy hại, bất cập trong phác đồ điều trị này.
Bài thuốc điều trị Covid-10 tại nhà theo phương pháp Đông – Tây y kết hợp với thông tin không chính xác. (Ảnh: Zing News)
Cụ thể, paracetamol là loại thuốc người dân có thể dễ dàng tự mua về mà không cần được kê đơn, có tác dụng khắc phục các biểu hiện đau, sốt thông thường. Dạng phổ biến của paracetamol là loại viên nén 500 mg. Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 Bộ Y tế ban hành, trong phác đồ điều trị cho người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ, F0 phải được hạ sốt trong trường hợp sốt cao. Lúc này, họ được phép uống paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, tuy nhiên không được quá 2g/ngày với người lớn và 60mg/kg/ngày đối với trẻ nhỏ.
Chính vì vậy, việc sử dụng 6 viên paracetamol (3g) một ngày, kéo dài liên tục trong 1 tuần như yêu cầu của bài thuốc đang được lan truyền có thể khiến người bệnh bị ngộ độc, nghiêm trọng hơn là không qua khỏi.
Paracetamol nếu dùng quá liều sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể. (Ảnh: Báo Tin tức)
Cũng theo nam bác sĩ, “tác giả” của 2 phác đồ điều trị giả mạo này cố tình trình bày, liệt kê các hướng dẫn, bài thuốc sao cho khoa học để đánh lừa người dân. Thế nhưng, những bài đăng này hoàn toàn không có căn cứ và bà con phải thật cẩn trọng trước khi tiếp cận, tin tưởng nội dung này.
Xử phạt nghiêm trường hợp chia sẻ thông tin sai lệch về dịch Covid-19
Theo thông tin từ Người lao động, thời gian qua, có không ít trường hợp đăng tải các bài viết sai sự thật về dịch Covid-19. Theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP Quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có nêu rõ: Người nào “lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị xử phạt nghiêm.
Đăng tin giả về dịch bệnh sẽ bị xử phạt nghiêm. (Ảnh: TTXVN)
Bên cạnh đó, căn cứ vào điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, các đối tượng phải nộp phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng và phải gỡ bỏ bài đăng của mình.
Như vậy, người dân nên cẩn trọng trước khi đăng tải, chia sẻ bất kì thông tin thiếu kiểm chứng nào về các bài thuốc chữa Covid-19 để tránh gây hoang mang trong dư luận, cũng như để không bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Nguy cơ sức khỏe bị ảnh hưởng khi nghe "bác sĩ mạng" tự chữa Covid-19
Theo Thông Tin Chính Phủ, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện những hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách tự chữa Covid-19 tại nhà.
Đáng chú ý trong đó có bài thuốc khuyên sử dụng paracetamol liều cao mà nếu làm theo sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc cho người dùng.
Paracetamol là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình. Thời gian gần đây, rất nhiều người đã tìm mua với mục đích dự trữ để tự chữa các biểu hiện của Covid-19.
Bài thuốc tự chữa Covid-19 trong 7 ngày tại nhà lan truyền trên mạng. (Ảnh: Thông Tin Chính Phủ)
Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, lạm dụng thuốc, dùng sai, dẫn tới quá liều sẽ gây ra tình trạng ngộ độc. Các biểu hiện ngộ độc paracetamol lại kín đáo, thậm chí trong vài ngày đầu nếu không xét nghiệm, theo dõi thì khó có thể biết được. Vì vậy, nhiều trường hợp khi phát hiện ra thì đã quá muộn, gan bị tổn thương, suy gan... dẫn đến không qua khỏi.
Paracetamol lại là thuốc thuộc diện không phải kê theo đơn nên mọi người đều có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc. Và khi nghe theo các chỉ dẫn qua mạng, cứ có biểu hiện ho, sốt là người bệnh lại sử dụng paracetamol.
Paracetamol là loại thuốc không thể lạm dụng vì có nguy cơ gây ngộ độc. (Ảnh: Playtech)
Trên thực tế, các bác sĩ khi kê đơn thuốc cho người bệnh trưởng thành chỉ kê 2-3 viên hàm lượng 500mg cho mỗi 24 giờ. Song tốt nhất vẫn là dùng liều thấp nhất có thể.
Thế nhưng theo như chỉ dẫn của 1 bài thuốc trên mạng, với tình trạng sốt nhẹ đi kèm ho và khó thở được khuyên dùng paracetamol ngày 3 lần, mỗi lần 2 viên, tức là gấp 3 lần chỉ định thông thường của bác sĩ.
Đặc biệt đối với những người có thể trạng gầy yếu, suy nhược, ăn kém... nếu áp dụng theo chỉ dẫn bừa bãi trên mạng thì nguy cơ ngộ độc là rất cao.
Bác sĩ đang điều trị cho 1 người bệnh lạm dụng thuốc. (Ảnh: Bệnh Viện Bạch Mai)
Không chỉ paracetamol mà gần đây rất nhiều người còn truyền tay nhau công thức pha nước chanh sả gừng cùng với "niềm tin" chữa khỏi Covid-19. Trên thực tế, cách chữa bệnh này không có căn cứ và cơ sở khoa học. Các nguyên liệu trên chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp phòng ngừa viêm nhiễm hô hấp mà thôi.
Theo Giáo Dục Thời Đại, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng mọi người nên cẩn trọng về loại thức uống đang được "thần thánh hóa" tác dụng này.
Nước chanh sả gừng cũng không có tác dụng chữa Covid-19 như đồn thổi. (Ảnh: Foody)
Cùng với đó, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ chia sẻ trên Sức Khỏe Đời Sống cho biết, bài thuốc dùng chanh sả gừng vẫn có thể cải thiện được sức khỏe nhưng nên dùng theo chỉ định. Nếu sử dụng vô tội vạ trong thời gian dài, uống thay nước lọc cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trước những cảnh báo này, cư dân mạng cũng đã cảnh giác hơn về các bài thuốc chữa Covid-19 đang lan truyền. Phần lớn mọi người cũng ý thức được rằng sử dụng thuốc bừa bãi, không theo chỉ dẫn của bác sĩ đều có thể mang lại hậu quả khó lường.
Nhiều người kêu gọi không chia sẻ các bài thuốc không rõ nguồn gốc. (Ảnh: Chụp màn hình)
- Cái trò uống paracetamol cả đống thế này nhiều người hưởng ứng lắm. Phải cho họ thấy những gì bác sĩ cảnh báo mới tỉnh ngộ được.
- Đến cơm hay nước lọc còn cần có liều lượng mà thuốc lại uống vô tội vạ thì sức khỏe nào chịu được.
- Phương thuốc này có mà dẫn cả người bệnh lẫn Covid đến thiên đường luôn.
- Toàn những người nghĩ mình giỏi hơn bác sĩ rồi khuyên linh tinh. Mọi người đừng có nghe theo nhé.
Đã có không ít trường hợp sức khỏe bị ảnh hưởng do tin tưởng vào các "bác sĩ mạng". Do đó, thay vì nghe theo những phương thuốc không được kiểm chứng này thì hãy thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch mà Bộ Y tế đưa ra nếu muốn tránh xa Covid-19.
Bài thuốc chữa say nắng, say nóng Mùa hè nhiệt độ không khí rất cao dễ bị say nắng, say nóng. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng thần kinh không hồi phục và có thể tử vong. Y học cổ truyền có những bài thuốc hay trị chứng bệnh này. Theo Y học hiện đại, say nóng do trung tâm điều hòa nhiệt của...