Cảnh giác khi trẻ đau bụng bất thường
Bé Hoài 2 tuổi rưỡi ở Thái Bình, được gia đình đưa vào BV Nhi Trung ương trong tình trạng đau bụng, sốt, mệt mỏi, có lúc đi ngoài phân bạc màu.
Bé Hoài đã bình phục sau ca mổ cấp cứu chữa biến chứng do nang ống mật chủ vỡ. Ảnh: Lê Mai.
Gia đình cho biết, trước đó một tuần cháu đã xuất hiện những cơn đau bụng kèm theo sốt nhẹ. Qua thăm khám kết hợp siêu âm, các bác sĩ ngoại khoa phát hiện bệnh nhi có nang ống mật chủ, ổ bụng có dịch tự do, chọc dò ổ bụng thấy có dịch mật.
Bé Hoài được chẩn đoán viêm phúc mạc mật do hoại tử nang ống mật chủ và được chỉ định mổ cấp cứu điều trị triệt để. Một tuần sau phẫu thuật, sức khỏe cháu đã ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Tiến sĩ Trần Ngọc Sơn – Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện nhi trung ương – người thực hiện ca mổ cho biết, nang ống mật chủ là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em. Trường hợp cháu Hoài ống mật chủ bị giãn rộng, tạo thành nang.
Nang ống mật chủ là một dị tật do ống mật chủ bị giãn bẩm sinh, được chia thành 5 loại tùy theo vị trí đoạn giãn, trong đó giãn thành nang như trường hợp của cháu Hoài là loại thường gặp nhất. Nguyên nhân gây bệnh thường là do còn tồn tại ống tụy mật chung làm cho dịch tụy trào ngược vào đường mật, gây giãn ống mật chủ.
Video đang HOT
Phẫu thuật điều trị nang ống mật chủ thông thường gồm nhiều bước: cắt túi mật, cắt nang ống mật chủ, nối ống gan chung với ruột, nối ruột -ruột. Đây là một phẫu thuật phức tạp, có thể có nguy cơ biến chứng. Trường hợp bé Hoài mức độ khó càng tăng do nang ống mật chủ đã biến chứng hoại tử, dịch mật chảy tự do vào ổ bụng gây viêm phúc mạc mật.
Hệ thống đường mật bình thường và trong bệnh nang ống mật chủ do giãn ống mật chủ. Ảnh: Bệnh viện nhi trung ương.
Bác sĩ Sơn khuyến cáo, bệnh lý nang ống mật chủ lúc đầu thường có biểu hiện không đặc hiệu. Gia đình cần cảnh giác khi bé xuất hiện các cơn đau bụng, nôn, một số ít trường hợp có thể đi kèm biểu hiện tắc mật ( vàng da, vàng mắt, phân bạc màu, nước tiểu sẫm màu). Khi thấy trẻ đau bụng bất thường gia đình nên cho con đi khám và siêu âm bụng. Nếu nghi ngờ nang ống mật chủ, cần đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên sâu về phẫu thuật nhi để làm đầy đủ các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo Lê Mai
VnExpress
Dấu hiệu sớm báo trẻ bị viêm màng não
Sốt, đau đầu, nôn,... là những triệu chứng của các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên, sốt virut,... nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não.
Cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để phát hiện sớm dấu hiệu viêm màng não và điều trị kịp thời. Ảnh: MH
Vì vậy cần phát hiện và điều trị kịp thời để tránh hậu quả nghiêm trọng.
Bệnh viêm màng não thường xảy ra trong mùa nắng nóng hay lúc chuyển mùa vì có nhiều trẻ mắc bệnh đường hô hấp và là thời điểm thuận lợi để một số vi trùng và siêu vi trùng xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm màng não.
Đây là loại bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu, nếu không có thể gây tử vong hay để lại những di chứng như điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân hoặc chậm phát triển tâm thần vận động,...
Cách nhận biết dấu hiệu trẻ bị viêm màng não
Do đó để phát hiện dấu hiệu trẻ mắc viêm màng não, ngay khi trẻ có biểu hiện bị sốt cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần chú ý các dấu hiệu quan trọng như sau:
- Biểu hiện của viêm màng não thường bắt đầu với các biểu hiện sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi... rất dễ nhầm lẫn với viêm nhiễm đường hô hấp thông thường, sốt virut,... Do đó cần phải cặp nhiệt độ cho trẻ thường xuyên. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5oC cần lau mát và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ dẫn liều lượng và cân nặng. Theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ. Chú ý các dấu hiệu gợi ý viêm màng não như:
Co giật: Có thể ở tay, chân, mắt, miệng hoặc toàn thân. Một số trẻ co giật đơn thuần do sốt cao hoặc có một số trẻ do rối loạn điện giải, nhưng cũng cần phải theo dõi xem trẻ có bị viêm màng não không.
Rối loạn ý thức: Lúc đầu trẻ trong tình trạng dễ bị kích động, sau đó có thể ngủ li bì, lờ đờ, hôn mê.
Trẻ thường kêu đau đầu, nôn hoặc có biểu hiện liệt mặt, liệt hoặc giảm vận động ở chân, tay hoặc nửa người.
- Đối với trẻ sơ sinh: Các dấu hiệu ban đầu thường không đặc hiệu và rất khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác ở trẻ sơ sinh, có thể không sốt hoặc có sốt và có kèm theo một trong các triệu chứng trên.
Nếu thấy trẻ có biểu hiện trên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không được thầy thuốc chỉ định hoặc cho trẻ uống các loại thuốc lá theo mách bảo hoặc chậm trễ đưa trẻ đến bệnh viện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và làm tăng nguy cơ để lại nhiều di chứng thần kinh do điều trị muộn.
Theo SKĐS
Những 'điểm cộng' đặc biệt khi mang thai Đôi khi mang thai có vẻ như là tuyệt hơn so với sự khó chịu mà bạn phải chịu và là một kết thúc "có hậu". Mang thai là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời mỗi người phụ nữ nhưng có lẽ không phải mẹ bầu nào cũng nghĩ vậy. Ốm nghén, mệt mỏi, đau nhức... có thể khiến mẹ...