Cánh diều vàng 2017: Những gương mặt cạnh tranh giải Nữ chính
Với sự vắng mặt đáng tiếc của “Tháng năm rực rỡ” – “đứa con” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, hạng mục Nữ chính mất đi ứng viên sáng giá nhất là Hoàng Yến Chibi. Nhiều cơ hội dành cho Diệu Nhi, NSƯT Kim Xuân trong khi Minh Hằng, Ninh Dương Lan Ngọc và Kaity Nguyễn xứng đáng góp mặt trong Top 5 đề cử.
Diệu Nhi ( Ngày mai Mai cưới)
Cái tên tiềm năng đầu tiên ở hạng mục Nữ chính giải Cánh diều Vàng năm nay hoàn toàn không phải là những gương mặt “hot”, gây chú ý trên báo chí và mạng xã hội như Miu Lê hay Nhã Phương. Đó là Diệu Nhi của Ngày mai Mai cưới, người trước đó mới chỉ xuất hiện trên sân khấu kịch, đóng phim sitcom và một vài vai phụ điện ảnh.
Nằm trong trào lưu remake đang nở rộ của truyền hình – điện ảnh Việt, Ngày mai Mai cưới của đạo diễn Nguyễn Tấn Phước cũng là một tác phẩm rất đáng xem. Không quá thành công và được chú ý như Em là bà nội của anh hay Tháng năm rực rỡ, song tác phẩm làm lại từ Get married của Indonesia 10 năm trước gây bất ngờ khi Việt hoá cực kỳ mượt mà. Đến mức người xem cứ nghĩ đây là phim làm từ kịch bản gốc của Việt Nam, bởi bối cảnh, câu chuyện và nhân vật đều rất Việt, đậm chất miền Tây.
Câu chuyện về tình bạn, tình cảm gia đình trên bối cảnh một vùng duyên hải được kể một cách khá nhẹ nhàng, duyên dáng. Tuy có phần hơi đơn giản, bình dân (không có sáng tạo nghệ thuật gì đặc biệt), phim vẫn chinh phục người xem bằng việc khắc họa sinh động, gần gũi cuộc sống và con người nơi đây. Tác phẩm cũng ghi điểm về diễn xuất với phần thể hiện của bộ đôi nghệ sỹ giàu kinh nghiệm Trung Dân – Cát Phượng và đặc biệt là sự tỏa sáng của Diệu Nhi.
Với gương mặt mộc hầu như không trang điểm, Diệu Nhi đã vào vai rất tự nhiên và chân thực. Cô thể hiện trọn vẹn những trạng thái tâm lý và tính cách của Mai, cô gái miền biển có phần nam tính, luôn gắn bó bên cạnh đám bạn trai thân khiến bố mẹ lo lắng con gái sẽ… “ế”. Là cái tên kém tiếng nhất trong dàn nữ chính lần này, nhưng Diệu Nhi chính là người xứng đáng nhất với Cánh diều Vàng.
NSƯT Kim Xuân ( Có căn nhà nằm nghe nắng mưa)
Có căn nhà nằm nghe nắng mưa có cái tên thủ thỉ như thơ, đầy hoài niệm. Trên thực tế, bộ phim có số phận khá “gai góc” khi nhà sản xuất Mai Thế Hiệp phải bán nhà để bỏ tiền ra làm phim, đồng thời đảm nhiệm vị trí đồng đạo diễn bên cạnh cái tên mới toanh Bình Nguyên mới 23 tuổi.
Có căn nhà nằm nghe nắng mưa là một trong những bộ phim hiếm hoi có đề tài nghiêm túc trong mùa Cánh diều Vàng năm nay. Tác phẩm có thể xem là sự dũng cảm của những người thực hiện khi đi ngược dòng chảy phim thương mại dường như đang thắng thế và dẫn dắt thị trường.
Video đang HOT
Làm từ kịch bản của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, phim là câu chuyện giản dị và có khả năng gây xúc động về tình mẫu tử, tình làng nghĩa xóm, và tình yêu. Mang hơi hướng diễn biến ly kỳ, nhưng phim chuyển biến khá nhịp nhàng sang thể loại tâm lý. Tính chất liêu trai nêu ra trong phim cho phép hợp lý hoá nhiều chi tiết gây cảm giác chưa thỏa đáng.
Dù chưa hẳn là một phim thực sự tốt, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa vẫn đáng hoan nghênh vì nhiều lẽ. Một trong những điểm đáng khen nhất là phim tái hiện sinh động cảnh sinh hoạt cộng đồng thời xưa với thiết kế bối cảnh tỉ mỉ và diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên có nghề như NSƯT Lê Bình, Kiều Trinh, Kiều Oanh và nhất là vai chính NSƯT Kim Xuân.
Thực ra NSƯT Kim Xuân chỉ diễn đủ đạt vai một bà mẹ nhiều đau khổ – dạng vai dường như quen thuộc với cô từ 25 năm nay, khi lần đầu đóng vai mẹ Lý Hùngtrong bộ phim thương mại đình đám Nước mắt học trò. Với bề dày hoạt động, có thể cô sẽ được điểm cộng thêm trong cuộc đua Nữ chính lần này.
Minh Hằng ( Sắc đẹp ngàn cân)
Sắc đẹp ngàn cân của đạo diễn James Ngô là phim remake từ 200 Pounds Beauty của Hàn Quốc ra mắt năm 2006. Phiên bản Việt không có gì sáng tạo khi gần như “copy” toàn bộ bản chính từ nhân vật, tình huống, lời thoại và thậm chí là góc quay. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tác phẩm độc lập thì đây cũng là một phim giải trí xem được: Câu chuyện có nhẹ nhàng có xúc động; diễn viên chính – phụ đều bắt mắt, diễn xuất tròn vai; trang phục, bối cảnh đẹp; dàn cảnh quay phim đều ổn. Điểm trừ nếu có là ở khâu hoá trang mặc silicon cho nhân vật của Minh Hằng lúc thừa cân, và phần âm nhạc chưa tạo được hiệu ứng tích cực như bản gốc.
Vào vai chính Hà My, Minh Hằng có màn hoá thân vừa vặn, đáng tin, gây cảm tình. Đây không phải là một vai quá khó nhưng lại gây nhiều bất lợi cho cô trong cuộc đua Nữ chính xuất sắc của Cánh diều. Ở khía cạnh khác, vai diễn này đủ hay, đủ đầy đặn và có đất cho Minh Hằng thể hiện nét diễn nhẹ nhàng của mình. Nhìn trong mặt bằng các vai nữ năm nay thì cô xứng đáng một chân đề cử.
Năm ngoái, Minh Hằng có màn diễn khó, đòi hỏi thể hiện nhiều trạng thái tâm lý phức tạp khi vào vai 2 chị em trong bộ phim Bao giờ có yêu nhau của đạo diễn Dustin Nguyễn. Cô được tán thưởng nhiệt liệt, song bản thân nhân vật có nhiều cảm xúc thiếu chân thật. Trong một kịch bản phim đôi chỗ cũng cố tình bi kịch hoá. Vì thế, so với sự tung hô mà cô nhận được quá nhiều cho Bao giờ có yêu nhau, thì một nhân vật “đáng tin” hơn như Hà My xứng đáng được nói đến hơn.
31 tuổi, Minh Hằng là một diễn viên có thực lực, và chưa may mắn dành được giải thưởng nào. Một Cánh diều ghi nhận cô ở thời điểm này chính là động lực rất lớn cho cô.
Ninh Dương Lan Ngọc ( Cô Ba Sài Gòn)
Ninh Dương Lan Ngọc có lẽ là gương mặt nữ nổi bật nhất thế hệ của cô trong làng điện ảnh Việt. Vừa có nhan sắc vừa có khả năng diễn xuất, lại vừa có cơ hội thủ diễn những vai hay trong những bộ phim nghiêm túc, cô gái 28 tuổi này đã sớm giành được những giải thưởng đáng quý: một Bông sen vàng (cho vai Nương trong Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) và 2 Cánh diều vàng (cho vai Nương và vai Thơm trong Trúng số của đạo diễn Dustin Nguyễn).
Cô có khả năng hoá thân đa dạng, vào được vai gái quê hiền lành (Nương, Thơm), làm ra chất vai đanh đá ( Cám trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân) lại vừa sắm vai nữ sát thủ lạnh lùng, ấn tượng ( Băng Tâm trong Găng tay đỏ của Nguyễn Tuấn Anh). Cho đến kiểu nhân vật đỏng đảnh ( Như Ýtrong Cô Ba Sài Gòn của Kay Nguyễn – Trần Bửu Lộc) cũng không thể làm khó Lan Ngọc.
Trong Cô Ba Sài Gòn – bộ phim thể loại xuyên không về đề tài thời trang – văn hoá, Lan Ngọc có rất nhiều đất diễn. Đó là một lợi thế khi so với những diễn viên có nhân vật hay nhưng mỏng hơn như vai Chu của Ngọc Thanh Tâm trong Đảo của dân ngụ cư (đạo diễn Hồng Ánh). Đây cũng là một bộ phim nghiêm túc, có thể giúp cô có lợi thế hơn một vai diễn cũng “steal the show” nhưng trong một bộ phim có tính giải trí như vai của Miu Lê trong Bạn gái tôi là sếp (đạo diễn Hàm Trần).
Đã giành nhiều vinh quang, có lẽ Lan Ngọc sẽ bớt được BGK ưu ái trong cán cân tính điểm. Dù vậy, cô vẫn xứng là một trong những diễn viên tốt nhất năm nay.
Kaity Nguyễn ( Em chưa 18)
Kaity Nguyễn có một may mắn quá lớn khi được chọn vào phim Em chưa 18(đạo diễn Lê Thanh Sơn) ở cái tuổi 18. Bộ phim đình đám, thành công vang dội về doanh thu phòng vé không chỉ đem lại cho cô danh tiếng mà còn mở rộng cơ hội nghề nghiệp khi ngay lập tức đã được đưa vào tầm ngắm cho những dự án kế tiếp.
Em chưa 18 có ý tưởng kịch bản gốc sáng tạo, câu chuyện mới mẻ, hấp dẫn, thậm chí có phần độc đáo và được làm chuyên nghiệp, có nghề. Đây có thể nói là một phim tốt nổi bật trong dòng phim thương mại hiện nay.
Thế nhưng, khi đặt vào khu vực các giải thưởng điện ảnh của giới chuyên môn, rõ ràng phim thiếu sức nặng so với ngay những tác phẩm thương mại nghiêm túc như Sài Gòn anh yêu em, Tháng năm rực rỡ, Cô Ba Sài Gòn; hay những phim thuộc dòng chính thống chất lượng như Lô tô, Khi con là nhà, chứ chưa nói đến ở khoảng cách tương đối xa so với những phim nghệ thuật sâu sắc như Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư.
Vì thế, có thể nói việc bộ phim này vượt các tác phẩm hơn tầm để giành giải Bông sen vàng năm ngoái là một điều chưa phản ánh chính xác tương quan chất lượng của các bộ phim dự giải, rộng hơn là chưa phản ánh đúng đắn bộ mặt điện ảnh Việt. Hy vọng điều này không xảy ra với Ban Giám khảo Cánh diều.
Về phần diễn viên, Kaity Nguyễn có một vai nhiều đất diễn và cô, với thuận lợi hợp vai nhân vật, đã thể hiện tròn trịa cô bé Linh Đan. Ở Bông sen Vàng năm ngoái, cô lên ngôi Nữ chính. Công bằng thì một đề cử trong Top 5 là hợp lý với tình hình phim năm nay.
Theo Saostar
Cánh diều Vàng 2017 nói không với phim Việt hóa
Các bộ phim Việt hóa kịch bản sẽ không được xét trao tặng giải Cánh diều Vàng, Cánh diều Bạc và Bằng khen, mà chỉ trao giải cho các cá nhân diễn viên đóng góp cho bộ phim.
Bộ phim "Em chưa 18" hứa hẹn sẽ làm nên chuyện tại Cánh diều vàng 2017
Sáng 5.4, buổi họp báo thông tin giải Cánh diều Vàng đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam.
Cánh diều Vàng năm nay thu hút hơn 51 phim tham gia tranh giải bao gồm 13 phim truyện điện ảnh, 16 phim truyền hình, 13 phim hoạt hình, 34 phim tài liệu, 9 phim khoa học, 32 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.
Do lượng phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài năm nay khá lớn, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết sẽ không trao giải chung cho phim nhưng sẽ xem xét các giải cá nhân để ghi nhận những đóng góp xứng đáng của các nghệ sĩ, diễn viên.
13 bộ phim sẽ tranh giải Cánh diều Vàng năm nay bao gồm: Bạn gái tôi là sếp, Giấc mơ Mỹ, Em chưa 18, Mẹ chồng, Cô gái đến từ hôm qua, Ở đây có nắng, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Sắc đẹp ngàn cân, Ngày mai Mai cưới, Đảo của dân ngụ cư, Cô Ba Sài Gòn, Yêu đi đừng sợ, Dạ cổ Hoài Lang.
Cánh diều Vàng là giải thưởng Điện ảnh thường niên do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức để trao giải cho các tác phẩm và nghệ sĩ xuất sắc có những sáng tạo độc đáo trong năm 2017.
Được biết, Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2017 sẽ diễn ra vào ngày 15.4.2018 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Theo Linh Chi (Lao Động)
Cánh diều vàng 2017 liệu có tôn vinh phim nghệ thuật? Dòng phim nghệ thuật vốn đã luôn thiệt thòi so với dòng phim thương mại tại các rạp chiếu của khán giả đại chúng. Ở lãnh địa của mình là các giải thưởng điện ảnh, chúng có được đối xử đúng tầm? Hãy chờ câu trả lời tại lễ trao giải Cánh diều vàng tối 15/4 tới đây. Phim thương mại chiếm sóng...