Cảnh đẹp làm say lòng người ở đảo Phú Quý
Vịnh Triều Dương, gành Hang, bãi Nhỏ, chùa Linh Sơn… là những điểm dừng chân lý tưởng để thưởng ngoạn phong cảnh, cũng như trải nghiệm nhiều điều thú vị nơi đảo xa.
Vịnh Triều Dương thuộc xã Tam Thanh, nằm cách cảng Phú Qúy khoảng chừng 1 km. Nơi đây có bãi tắm rộng, cát trắng phau trải dài tít tắp đến tận cảng cùng với làn nước biển xanh trong. Trên bờ có hàng dương, hàng dừa xanh mát, thích hợp cho dân địa phương cũng như du khách tìm đến tắm biển, cắm trại, dã ngoại.
Hòn Tranh nhìn từ bản đồ vệ tinh trong như một con cá khổng lồ. Từ vịnh Triều Dương nhìn sang, Hòn Tranh quyến rũ bước chân bởi bãi cát trắng phau, những đợt sóng nhẹ nhàng lả lướt vỗ vào bờ.
Cột cờ trên đảo Phú Quý thể hiện chủ quyền và quyền lãnh thổ của Việt Nam, hiên ngang với cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong chiều lộng gió.
Nhìn từ cột cờ, bãi Nhỏ tuyệt đẹp. Nơi đây cuốn hút du khách bởi bãi biển sạch đẹp, cát trắng mịn, làn nước biển xanh hai màu xanh lam – dương hòa trong cảnh sắc đen thẫm của bãi đá kề bên, ánh bình mình mỗi sớm mai, tạo nên cảnh tượng vô cùng thơ mộng.
Ở Phú Quý, khoảng 5h30, mặt trời bắt đầu lên, đỏ rực một vùng biển. Bạn nên ra bãi Nhỏ để ngắm và tắm biển sáng.
Mũi Doi Thầy (Mộ Thầy) được xây dựng từ thế kỷ 17, là điểm đến tâm linh của cư dân ở đây. Lễ cúng Thầy được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 4/4 (Âm lịch). Đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người dân trên đảo với những nghi thức cổ truyền, cầu trời yên biển lặng, quốc thái dân an.
Video đang HOT
Bãi Doi Thầy thuộc xã Long Hải, nằm dưới chân núi Cao Cát, cạnh Mộ Thầy, là điểm đến lý tưởng để tắm biển, ngắm cảnh.
Bể đá khổng lồ của Long Vĩ được dùng để nuôi hải sản. Đây cũng là điểm săn ảnh tuyệt vời khi những cơn sóng dữ đập vào thành vách, tạo nên những cảnh tượng thật hùng vĩ.
Chùa Linh Sơn – Núi Cao Cát là một quần thể thắng cảnh đẹp của huyện Phú Quý. Núi Cao Cát được dân đảo xem như ngọn núi thiêng, nằm ở phía bắc đảo. Nơi đây có ngôi chùa cổ Linh Sơn tọa lạc trên núi ở độ cao gần 80 m so với mực nước biển. Điểm nhấn của ngôi chùa cổ này là bức tượng Phật Bà Quan Âm uy nghi trên đỉnh núi. Từ trên đỉnh Cao Cát, du khách có thể phóng tầm mắt xuống cả một vùng không gian rộng lớn quanh đảo.
Những trạm phong điện khổng lồ nằm ở phía bắc đảo cùng với khung cảnh hoang sơ nơi đây luôn gây sự tò mò và thích thú với hầu hết du khách.
Bãi Ngũ Phụng khá nhỏ, có hàng dừa xanh mát rủ bóng giữa trưa hè. Khu vực này không thích hợp tắm biển vì có nhiều bãi đá.
Bờ kè Ngũ Phụng.
Từ đỉnh ngọn hải đăng, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát toàn đảo Phú Qúy với 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải.
Chuyến đi sẽ kém phần thú vị nếu như không đi thuyền ra nhà bè để mua và thưởng thức hải sản tươi ngon. Bạn có thể chọn những hải sản mình thích và nhờ nhà bè chế biến, hoặc có thể mua về đất liền làm quà.
Đảo Phú Quý nằm cách đất liền Phan Thiết, Bình Thuận khoảng 120 km, có diện tích khoảng 16,4 km2. Nơi đây có nhiều thắng cảnh đẹp, văn hóa tâm linh đa dạng, hải sản tươi ngon… tuy nhiên vẫn còn khá hoang sơ và chưa phát triển du lịch nhiều. Đây cũng chính là yếu tố cuốn hút các dân mê du lịch bụi, ưa khám phá tìm đến tham quan.
Theo Zing News
Biển trời hùng vĩ ở Phú Quý
Không nổi tiếng như Phú Quốc (Kiên Giang), nhưng đảo Phú Quý (Bình Thuận) cũng là địa điểm du lịch được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là khách du lịch bụi.
Ngoài chi phí bình dân, cảnh quan thiên nhiên nơi đây còn có những bãi biển xanh biếc, nguyên sơ, cùng phong cảnh núi non - biển trời hùng vĩ và những di tích lịch sử văn hóa đặc sắc.
Đúng như tên gọi, Phú Quý được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng hoang sơ, quyến rũ như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ - gành Hang, hòn Tranh... Nổi bật nhất là vịnh Triều Dương với dải cát uốn cong hình chữ S.
Cát ở đây trắng mịn, màu nước biển xanh biếc và rừng dương rợp bóng mát, rất thích hợp để tắm biển và tổ chức dã ngoại. Từ vịnh Triều Dương, đi tiếp sẽ tới bãi Nhỏ - gành Hang, là một bãi tắm hình lưỡi liềm nằm dưới chân núi hùng vĩ.
Tại đây, du khách sẽ thấy những mẩu đá xù xì, cứng như thép vốn là sự kết tinh qua hàng trăm triệu năm từ quá trình phong hóa.
Đặc biệt, dưới chân núi còn có những gành đá nham thạch giống như gành Đá Dĩa (tỉnh Phú Yên), là dấu tích của những đợt phun trào núi lửa. Theo các cư dân sống trên đảo, Phú Quý vốn là miệng núi lửa đã ngưng hoạt động từ lâu.
Điểm cao nhất ở Phú Quý hiện nay là ngọn hải đăng trên núi Cấm thuộc xã Ngũ Phụng. Hải đăng này nằm ở độ cao 108 m trên núi Cấm và thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Muốn chinh phục ngọn hải đăng, du khách phải leo qua hơn 120 bậc đá uốn lượn theo triền núi, dài khoảng 200 m.
Từ trên hải đăng, du khách có thể thưởng thức trọn vẹn toàn cảnh thiên nhiên và cuộc sống trên hòn đảo tiền tiêu này.
Ngày nay, đến với Phú Quý, du khách không nên bỏ qua nhà máy điện gió, được xem là công trình điện gió trên đảo đầu tiên tại Việt Nam. Thực tế, trước khi tàu cập cảng, du khách đã có thể thấy ba tuôcbin điện gió đang quay chầm chậm giống như một lời mời chào thân thiện đối với những vị khách từ đất liền ra đảo.
Một góc bãi Nhỏ - gành Hang xanh biếc. Ảnh: T.Thành.
Dù diện tích khiêm tốn (16,4 km2), Phú Quý có đến gần 30 di tích văn hóa với nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau. Nổi bật nhất là tập tục, tín ngưỡng thờ cúng cá ông (cá voi) không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân xứ đảo.
Bằng chứng là số lượng các kiến trúc về thờ thần Nam Hải trên đảo Phú Quý có tới gần 10 địa điểm.
Trong số đó, vạn An Thạnh (thuộc thôn Triều Dương, xã Tam Thanh) nổi bật với kiến trúc bề thế, được xây dựng năm Tân Sửu (1781) để tôn thờ thần Nam Hải (tên gọi cung kính của người dân miền biển đối với cá voi).
Ngoài ra, vạn An Thạnh còn thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khẩn hoang, lập làng dựng vạn và cũng là nơi thực hiện các nghi lễ liên quan đến phong tục tập quán, tín ngưỡng của ngư dân trên đảo.
Đáng chú ý nhất, tại đây đang lưu giữ và thờ phụng trên 70 bộ xương cốt cá voi, cá heo và một số sắc phong do vua triều Nguyễn ban tặng. Mỗi bộ xương cá voi, cá heo khổng lồ sẽ gắn liền với câu chuyện ly kỳ để du khách tìm hiểu, khám phá.
Thông thường, vạn An Thạnh chỉ mở cửa vào dịp tế lễ, cầu ngư, khách muốn tham quan cần liên hệ với ông Đỗ Muông, một người dân sống gần di tích, để mở cửa.
Đảo Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu) cách TP Phan Thiết khoảng 120 km về hướng đông nam.
Mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu từ đất liền ra đảo, khởi hành lúc 11h hoặc 12h tại cảng Phan Thiết, do đó du khách nên có mặt sớm tại cảng để mua vé, cũng như hỏi thông tin về lịch trình ra đảo.
Từ Phú Quý mua vé về đất liền linh hoạt hơn, với 1-2 chuyến tàu mỗi ngày tùy theo số lượng khách.
Theo Zing
Thanh bình đảo Phú Quý Với những bãi biển hoang sơ, nước biển xanh như ngọc, núi non hùng vĩ và những di tích lịch sử văn hóa đặc sắc, thời gian gần đây đảo Phú Quý hấp dẫn dân mê khám phá tìm đến. Phú Quý (còn gọi Cù Lao Thu) có diện tích 16,4 km2, cách TP Phan Thiết (Bình Thuận) khoảng 120 km về hướng...