Cánh cửa hợp tác kinh tế với I-ran đã mở
Sau khi I-ran và nhóm P5 1 đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử, hàng loạt các chuyến thăm của lãnh đạo và doanh nghiệp các nước tới Tê-hê-ran đã được lên lịch. Các cuộc tiếp xúc cũng diễn ra nhanh chóng nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế mới tại quốc gia giàu dầu khí này.
Phó Thủ tướng Đức Ga-bri-en (người bên trái) tại cuộc họp báo nhân chuyến thăm I-ran. Ảnh AP
Trải qua thời gian dài chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, I-ran và các đối tác khát khao chờ đợi lệnh cấm vận được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân I-ran. I-ran và Đức, hai nước từng có quan hệ kinh tế thương mại khăng khít, song bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, đã có những động thái nhằm khôi phục quan hệ. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức D. Ga-bri-en dẫn đầu một phái đoàn cấp cao, trong đó có đại diện các tập đoàn công nghiệp và doanh nghiệp Đức, trở thành quan chức cấp cao phương Tây đầu tiên thăm I-ran kể từ khi Tê-hê-ran và các cường quốc đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Ông Ga-bri-en cũng là quan chức cấp cao đầu tiên của Đức thăm I-ran trong 13 năm qua. Tổng thống I-ran H. Ru-ha-ni kêu gọi cải thiện quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai nước, đồng thời bày tỏ hy vọng Đức sẽ đóng vai trò tích cực trong việc mở rộng quan hệ giữa I-ran với châu Âu. Tại các cuộc gặp lãnh đạo I-ran, ông Gabri-en đề cập kế hoạch tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng của Ủy ban kinh tế Đức – I-ran vào năm tới tại Tê-hê-ran sau thời gian dài ủy ban này không hoạt động. Theo thống kê, thương mại hai chiều giữa I-ran và Đức năm 2014 là 2,6 tỷ USD, giảm mạnh so với 8,6 tỷ USD trong giai đoạn 2003-2004. Dự đoán con số này có thể tăng gấp bốn lần, lên 10,8 tỷ USD trong vòng hai đến ba năm tới.
Các lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp ở các nước châu Âu và châu Á khác cũng tìm cách tiếp cận thị trường tiềm năng I-ran. Tây Ban Nha lên kế hoạch cho các chuyến thăm nhằm tạo tiền đề cho hoạt động của các doanh nghiệp nước này tại I-ran trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, năng lượng, thông tin liên lạc, du lịch và cơ sở hạ tầng. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp L. Pha-bi-uýt tuyên bố sẽ tới I-ran trong bối cảnh Pháp tìm kiếm các cơ hội kinh doanh. Hiện các quảng cáo về xe hơi và hàng hóa xa xỉ của châu Âu đã bắt đầu xuất hiện tại Tê-hê-ran.
Video đang HOT
Nhiều công ty Nga cũng khẩn trương xúc tiến kế hoạch quay trở lại thị trường I-ran nhằm nắm bắt các cơ hội đầu tư mới. Lukoil và nhiều tập đoàn năng lượng khác của Nga đang xúc tiến đàm phán với đối tác của I-ran để sớm triển khai các dự án khai thác dầu khí tại quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ này. Lukoil cho biết sẽ trở lại thực hiện Dự án A-na-ran mà tập đoàn này đã buộc phải tạm dừng vì các lệnh cấm vận I-ran hồi năm 2010. Ngoài dầu khí, Nga cũng quan tâm lĩnh vực vận tải. Bộ trưởng Giao thông vận tải của Nga M. Xô-cô-lốp cho biết, Mátxcơ-va đang đàm phán với Tê-hê-ran về dự án cung cấp các máy bay chở khách Sukhoi Superjet 100 (SSJ100). Theo giới chức cấp cao ngành hàng không dân dụng I-ran, các công ty sản xuất máy bay nước ngoài đã đổ xô đến quốc gia vùng Vịnh này để chào mời các hợp đồng cung cấp máy bay thương mại. Các hãng hàng không I-ran đang nhận được những lời mời chào ồ ạt từ các hãng sản xuất máy bay chở khách nước ngoài trong bối cảnh nước này cần khoảng 400 đến 500 máy bay dân sự với tổng trị giá ít nhất 20 tỷ USD trong thập kỷ tới nhằm thay mới đội máy bay cũ. Các hãng sản xuất máy bay thương mại lớn như Boeing và Airbus đã công bố ý định bán máy bay cho Tê-hê-ran. Trong khi đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu mua cổ phiếu tại I-ran, các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc nhanh chóng mở rộng thị trường và siết chặt các mối quan hệ sẵn có với nhiều doanh nghiệp sở tại.
I-ran cho biết sản lượng dầu thô của nước này sẽ tăng đáng kể sau khi phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với ngành dầu mỏ nước này. Tê-hê-ran dự kiến nâng sản lượng dầu thô lên tới gần 4,7 triệu thùng/ngày trong tương lai gần. Theo tờ Thời báo Tài chính (Anh), việc dỡ bỏ cấm vận có thể giúp I-ran gia tăng nhanh chóng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu ra thị trường toàn cầu, trong khi sản lượng khai thác dầu của I-ran có thể đạt mức một triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian từ một đến hai năm tới. Với sự tái xuất của lĩnh vực dầu mỏ I-ran trong khu vực, dự báo thị trường “vàng đen” sẽ có nhiều thay đổi.
ANH THƯ
Theo_Báo Nhân Dân
2 mục tiêu của 1 chuyến công du
Thủ tướng Anh David Cameron đã bắt đầu chuyến công du 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác kinh tế thương mại và chống lại mối đe dọa chung của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Thủ tướng Anh David Cameron đến Thủ đô Jakarta của Indonesia bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á 4 ngày
Thủ tướng Anh David Cameron ngày 27-7 đã tới Thủ đô Jakarta, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 ngày tới thăm 4 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Tháp tùng Thủ tướng Cameron có Bộ trưởng Thương mại và 31 lãnh đạo doanh nghiệp Anh, điều này cho thấy kinh tế - thương mại là trọng tâm trong chuyến thăm Đông Nam Á lần này của ông chủ số 10 phố Downing.
Ngay trước thềm chuyến công du đầu tiên đến Đông Nam Á trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Anh, ông Cameron nhấn mạnh, nước Anh muốn liên kết chặt chẽ hơn với các thị trường tăng trưởng mạnh tại khu vực này để tạo điều kiện thúc đẩy cho hàng hóa và dịch vụ của Anh. Theo Thủ tướng, trong vòng 20 năm tới, 90% tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ đến từ bên ngoài châu Âu, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á, vì thế nước Anh phải sẵn sàng chớp lấy cơ hội đó.
Xác định Liên minh châu Âu (EU) vẫn là đối tác kinh tế chính của Anh song không phải vì vậy mà London không nhanh chân nhảy vào một thị trường năng động với hơn 500 triệu dân như Đông Nam Á. "Đó là lý do vì sao tôi rất phấn khởi khi đưa các doanh nghiệp Anh tới thị trường lớn và năng động này, ký các hợp đồng trị giá hơn 750 triệu bảng (1,2 tỷ USD) và tạo cơ hội cho người lao động cần cù tại Anh"- Thủ tướng Cameron cho hay.
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Anh tiếp cận thị trường Đông Nam Á trong tương lai, Thủ tướng Cameron có chương trình làm việc dày đặc với người đồng cấp các quốc gia tới thăm cũng như ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN khi lần đầu tiên một Thủ tướng Anh tới thăm trụ sở khối ASEAN để sớm ký kết một thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và ASEAN. Thủ tướng Cameron tin rằng, thỏa thuận này có thể mang lại cho nền kinh tế Anh 3 tỷ bảng mỗi năm.
Cùng với kinh tế, sự trỗi dậy và hoành hành của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà LHQ đã xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố nguy hiểm bậc nhất trên thế giới hiện nay cũng sẽ là chủ đề được Thủ tướng Cameron thảo luận với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. Nhận định đây là "một trong những mối đe dọa lớn nhất mà thế giới của chúng ta đang phải đối mặt", ông Cameron cho rằng: "Chúng ta sẽ chỉ có thể đánh bại những kẻ khủng bố tàn bạo này nếu phối hợp hành động ngay tại nước mình, ở nước ngoài, trên mạng Internet, cũng như đoàn kết với tất cả các nước trên thế giới cùng chống lại kẻ thù chung".
Trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến thăm Đông Nam Á, Thủ tướng Cameron sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29 đến 30-7 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trở thành người đứng đầu Chính phủ Anh đầu tiên thăm Việt Nam khi còn đương chức, Thủ tướng Cameron sẽ hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hội kiến với các nhà lãnh đạo Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, trong đó có kinh tế -thương mại cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Theo_An ninh thủ đô
Thủ tướng Anh thăm Đông Nam Á: Thúc đẩy hợp tác kinh tế là trọng tâm Thủ tướng Anh David Cameron ngày 27/7, bắt đầu chuyến công du 4 ngày đến Đông Nam Á và Indonesia là chặng dừng chân đầu tiên. Mặc dù chủ đề chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác chống tư tưởng cực đoan và tăng cường thương mại nhưng lợi ích kinh tế dường như mới là mục tiêu chính trong chuyến công du...