Cánh cửa “bí mật” của người đàn ông siêu quyền lực
Khi cả khán phòng đang hướng mắt về phía cánh cửa chính để chờ đón Tổng thống Obama bước vào đúng như thời gian thông báo trong lịch trình, thì bất ngờ, ngài Tổng thống đã xuất hiện trên sân khấu. Nhiều người thì thầm hỏi nhau: “Ngài Tổng thống đã vào từ lối nào nhỉ?”.
Có lẽ trong cuộc đời làm phóng viên đối ngoại của tôi, cơ hội được tận mắt nhìn thấy các nguyên thủ hàng đầu thế giới ở khoảng cách gần luôn là một đặc ân của nghề báo. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama tháng 5.2016 cũng đã cho tôi một cơ hội tác nghiệp đặc biệt như vậy
Những lá thư gửi và nhận lúc 0 giờ
Trước khi Tổng thống Obama đến Việt Nam, hàng tháng trời, tại các cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, phóng viên luôn luôn đặt câu hỏi về kế hoạch chuyến thăm. Tuy nhiên câu trả lời chỉ có một: “Chuyến thăm đang được hai bên thu xếp”. Và, ngay cả khi Nhà Trắng đã phát thông cáo về chuyến thăm, phía Việt Nam vẫn… kín như bưng. Cánh phóng viên chỉ còn mỗi cách là “bám” vào Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao, những cuộc gọi tới tấp để hỏi và cuối cùng thông tin chính thức cũng được đưa ra…
Nhưng, công đoạn khó khăn lại là đăng ký thẻ. Theo thông báo, có khoảng 400 phóng viên trong nước và quốc tế được tham gia đưa tin sự kiện, song con số phóng viên Mỹ chiếm khá đông. Một cuộc chạy đua để đăng ký thẻ lại bắt đầu. Ngày 17.5, Vụ Báo chí gửi email đến phóng viên để đăng ký tham gia đưa tin sự kiện, với dòng ghi chú: “Do sự kiện thu hút được sự quan tâm lớn của truyền thông và do không gian tổ chức sự kiện rất hạn chế (dự kiến, tại mỗi địa điểm của các cuộc tiếp xúc song phương, sẽ có không quá 10 phóng viên Việt Nam được tham dự), vì vậy xin các anh chị vui lòng đăng ký nhiều nhất 2 phóng viên/mỗi cơ quan báo chí. Dựa trên đăng ký thực tế nhận được, chúng tôi sẽ có kế hoạch thẻ tác nghiệp cụ thể cho từng sự kiện…”. Gửi đăng ký đi rồi, nhưng phóng viên vẫn không thể chắc chắn được rằng, mình có nằm trong danh sách bị hạn chế hay không.
Hai ngày trước khi Tổng thống Obama đến Hà Nội, các email qua lại giữa Vụ Báo chí và cánh phóng viên đối ngoại được trao đổi liên tục. Cho đến ngày 22.5, khi cầm trên tay tấm thẻ tác nghiệp sự kiện, phóng viên NTNN mới hoàn toàn yên tâm.
Chạy đua thông tin
Thế rồi, ngày quan trọng đã đến. Báo NTNN nhận được 1 thẻ tham gia đưa tin. Chúng tôi có 2 người, gồm một phóng viên ảnh và một phóng viên viết, dĩ nhiên phải thay phiên nhau để sử dụng triệt để tính năng của chiếc thẻ đó.
Thời gian đến Nội Bài của Tổng thống Obama thay đổi bất ngờ, thay vì rạng sáng 23.5 như thông báo trước đó, chiếc Không lực 1 chở Tổng thống Obama hạ cánh ở sân bay sớm hơn so với dự kiến, thời điểm đó là 21 giờ 35 phút đêm 22.5.
Nhưng để chắc ăn, từ 16 giờ chiều phóng viên đã phải có mặt ở sân bay quốc tế Nội Bài để làm thủ tục kiểm tra an ninh và soi các thiết bị tác nghiệp. An ninh tại khu vực sảnh VIP A rất nghiêm ngặt với nhiều vòng kiểm tra. Chó nghiệp vụ cũng được triển khai ở sảnh A để siết chặt an ninh.
Video đang HOT
Tấy cả phương tiện, đồ đạc tác nghiệp của phóng viên đều được để trong 1 căn phòng, sau đó mọi người được yêu cầu ra ngoài. Đến 21 giờ, lực lượng an ninh cho phép các phóng viên được vào từng tốp 5 người một. Công tác kiểm tra an ninh rất kỹ lưỡng đối với từng phóng viên. Sau khi qua 2 cửa kiểm tra, phóng viên được vào phòng lấy đồ. Tại đây, nhất cử nhất động của mỗi người đều được an ninh theo sát.
Trong khi phóng viên ảnh đang tác nghiệp ở hiện trường, tại toà soạn, bộ phận “bọc lót” gồm Thư ký toà soạn và các Biên tập viên cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để truyền tin trực tiếp.
Những thông tin mới nhất được truyền về từ sân bay, đôi khi chỉ là những dòng tin nhắn vội không có dấu của phóng viên, hoặc những hình ảnh mới nhất, độc nhất được truyền về đều được toà soạn xử lý nhanh gọn và mang đến cho độc giả Báo điện tử Dân Việt sớm nhất. Trong thời gian đó, chúng tôi phải sử dụng tất cả các hình thức liên lạc, từ email, điện thoại, facebook, zalo… miễn sao đạt được hiệu quả nhất trong cuộc đua thông tin này.
Khi chiếc xe “quái thú” chở Tổng thống Obama rời khỏi sân bay, và có tin rằng điểm đến là khách sạn JW Marriott, một cuộc săn tin tiếp theo lại bắt đầu. Nhưng cơ hội tác nghiệp ở đây để chụp được những hình ảnh đầu tiên của Tổng thống đã nhanh chóng khép lại, bởi chiếc xe chở Tổng thống đã bất ngờ đi vào khách sạn từ cửa sau, trong sự hối tiếc của rất nhiều người đón đợi ông ở cửa trước.
Những cánh cửa không ngờ đến
Trong suốt chuỗi hoạt động của Tổng thống Obama trong những ngày ở Việt Nam, có lẽ cuộc họp báo do ông và Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì là cơ hội để cánh phóng viên được tiếp cận ông ở khoảng cách gần nhất và lâu nhất. Như quy định, chúng tôi phải có mặt khoảng 3 giờ trước khi sự kiện diễn ra.
Lọt qua cánh cửa kiểm tra an ninh, chúng tôi vào phòng họp báo, nhưng phải gần 2 giờ sau Tổng thống mới xuất hiện. Trong thời gian chờ đợi, cánh phóng viên chủ yếu ngồi… ngắm mật vụ Mỹ và các đồng nghiệp Mỹ cùng những thiết bị truyền thông “siêu hạng”. Phía Việt Nam chỉ được 5 cơ quan báo chí sử dụng máy ảnh và máy ghi hình trong sự kiện này, còn phía Mỹ cả một dàn máy quay phim, máy ảnh hùng hậu.
Với chúng tôi, những phóng viên đối ngoại, dù phải chạy đua với sự kiện, hay chỉ được ngắm nhìn Tổng thống Obama chớp nhoáng, thậm chí chỉ nghe giọng nói của ông ở khoảng cách gần nhưng không có nhiều cơ hội để nhìn rõ mặt… thì đó cũng là những kỷ niệm khó quên, những đặc ân mà nghề báo đã mang lại.
Quả thực, đã từng tham gia đưa tin rất nhiều sự kiện đối ngoại, nhưng tôi chưa từng thấy một cuộc họp báo nào lại có không khí nghiêm trang và căng thẳng đến vậy. Hai bên lối đi, các đặc vụ Mỹ với khuôn mặt lạnh tanh đứng làm nhiệm vụ, như có cảm giác cặp mắt của họ có thể nhìn thấu mọi thứ, khiến không khí vừa căng thẳng lại thêm phần sốt ruột. Vì không được sử dụng máy ảnh, chúng tôi đành tác nghiệp bằng điện thoại. Khi giờ theo thông báo trong chương trình đã đến, tất cả ánh mắt và thiết bị ảnh, máy ghi hình đều hướng về cánh cửa chính để đón Tổng thống Obama. Nhưng thật bất ngờ, ngài Tổng thống lại bước ra bục phát biểu từ một cánh cửa rất nhỏ mà trước đó được đóng kín không ai ngờ đến.
Lần tác nghiệp thứ hai đó là khi Tổng thống Obama phát biểu trước 2.000 người Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (VNCC) sáng 24.5 cũng vậy. Và dĩ nhiên, cánh phóng viên lại luôn là người đến trước hàng giờ đồng hồ. Quy trình kiểm tra an ninh cũng phức tạp y hệt như những lần tác nghiệp của một ngày trước đó, lần này chỉ khác là vì diện tích của hội trường khá rộng, nên khoảng cách từ Tổng thống đến phóng viên không được gần như tại cuộc họp báo.
Cả hội trường đông nghịt người chờ đợi, thi thoảng lại có những đoàn tiền trạm của Tổng thống đến trước, do ở xa nhìn không rõ mặt người nên mọi người thường vỗ tay chào đón, xong khi phát hiện ra nhầm, những tiếng cười lại vang lên giòn giã, cứ như vậy cái sự “nhầm” diễn ra phải đến ít nhất 5 lần.
Cho đến khi tiếng của người dẫn chương trình vang lên thông báo, Tổng thống Obama đã đến, mọi ánh mắt lại đổ dồn về phía cánh cửa lớn thì thật bất ngờ, một giọng nói trầm ấm bằng tiếng Việt “Xin chào!” được vang lên từ sân khấu chính. Ngài Tổng thống đã đi ra từ một lối cửa nhỏ được nguỵ trang phía sau cánh gà của sân khấu trong sự reo hò, vỗ tay chào đón của hàng ngàn người. Trong khi mọi người vui mừng chào đón ông, cánh phóng viên lại có phần tiếc nuối vì đã bỏ qua những khoảnh khắc đầu tiên khi ông bước ra. Nhiều người thì thầm hỏi nhau: “Ngài Tổng thống đã vào từ lối nào nhỉ?”…
Ngài Tổng thống bắt đầu bài phát biểu. Mỗi khi ông dừng lại, những tiếng vỗ tay lại vang lên, còn chúng tôi quả thực nghe như nuối từng lời của Tổng thống, song lại không có thời gian để ngẩng lên nhìn ông, bởi ai nấy đều cắm mặt vào bàn phím máy tính và làm nhanh nhất có thể để chuyển tải các nội dung bài phát biểu đến bạn đọc…
Lời chia tay bình dị Tôi nhớ mãi buổi trưa hôm đó (24.5), lúc đoàn xe của Tổng thống Obama rời đi khỏi Trung tâm Hội nghị quốc gia (VNCC), cũng là lúc mưa trút xuống. Khi chúng tôi đang tìm cách rút khỏi VNCC thì cánh phóng viên ảnh đã báo về Tổng thống Obama dừng chân trú mưa ở mái hiên nhà dân gần VNCC và đoàn của ông đã ghé chợ Mễ Trì để mua cốm. Tổng thống Obama đã tạm biệt Hà Nội bằng những hình ảnh bình dị song vô cùng ấn tượng như vậy. Cũng thật dễ hiểu vì sao ông được chào đón và yêu quý như vậy khi ông đến thăm đất nước Việt Nam.
Theo Danviet
Yêu cầu an ninh của Mỹ khi Bill Clinton lần đầu thăm Việt Nam
"Washington đề nghị Hà Nội thực hiện những tiêu chuẩn an ninh mang tính luật lệ khi tổng thống công du, họ yêu cầu có xe bọc thép, pháo cao xạ, máy bay lên thẳng", ông Lê Văn Bàng, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ, kể lại.
Các đặc vụ theo sát Tổng thống Mỹ Bill Clinton thời điểm 2000 khi người dân Việt Nam vây quanh ông. Ảnh: AP
An ninh của Mỹ lúc bấy giờ rất lo lắng, đưa ra các đòi hỏi rất cao, vì khi đó ông Clinton đến thăm một nước cựu thù, ông Bàng chia sẻ với VnExpressnhân dịp ông Barack Obama, tổng thống Mỹ thứ ba sắp đến Việt Nam.
Theo cựu đại sứ, các quan chức Mỹ và Việt Nam thời điểm đó không thể tránh khỏi những cuộc tranh luận mang tính "giằng co" về lịch trình làm việc của ông Clinton. Một chương trình được coi là căng thẳng nhất là Mỹ đề nghị Việt Nam sắp xếp để tổng thống đến thăm địa điểm khai quật máy bay Mỹ bị bắn rơi vào năm 1967 ở huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc.
"Vị trí đó ở trong một ngôi làng, đường sá không thuận lợi nên có khá nhiều ý kiến từ Việt Nam không đồng ý, có những người còn lo ngại người dân có thể có phản ứng gì đó. Tuy nhiên, Washington kiên quyết muốn thực hiện, thậm chí muốn đưa cả người quay phim đi theo để cho nhân dân Mỹ thấy Hà Nội đáp ứng yêu cầu của họ, rằng tổng thống rất chú ý tới vấn đề quân nhân mất tích sau chiến tranh", ông Bàng nói.
Là người luôn đi sát tổng thống Clinton, ông Bàng có thể cảm nhận được "sức nóng" của các mật vụ Mỹ đi theo bảo vệ. Họ thậm chí sẵn sàng "xô đẩy" các quan chức Việt Nam ở những địa điểm đông người. Thời điểm ông Clinton lên ban công trên tầng hai một tòa nhà đối diện Văn Miếu và bắt tay một số thanh niên ở nhà kế bên, ông Bàng đánh giá các mật vụ chắc hẳn phải có chuẩn bị rất kỹ lưỡng thì mới "không hoảng loạn" trong những diễn biến bất ngờ như thế.
Thừa nhận chuyến thăm của ông Clinton diễn ra khi Việt Nam và Mỹ vẫn phải nỗ lực vượt qua những hội chứng chiến tranh, ông Bàng chia sẻ ông cảm thấy rất tự hào về sự chào đón của người dân Việt dành cho tổng thống Mỹ. Sau khi chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào lúc 24h, có nhiều người dân đứng hai bên đường vẫy chào rất nồng nhiệt xe chở ông Clinton vào thành phố, hoạt động của họ là tự phát chứ không phải do Nhà nước tổ chức. Khi ông Clinton đến thăm Văn Miếu, khoảng hơn 10 cô gái nhận nhiệm vụ giới thiệu về di tích mặc áo dài cùng xúm vào xin chụp ảnh cùng tổng thống.
"Tất cả những gì diễn ra trong chuyến thăm của ông Clinton, từ việc thăm địa điểm khai quật máy bay ở Vĩnh Phúc, thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam, buổi nói chuyện với sinh viên ở Đại học Quốc gia, thăm Văn Miếu, đi ăn phở 2000 ở TP HCM cho tới việc bảo đảm an ninh, đã góp phần tạo nên không khí cho mối quan hệ giữa hai nước", ông Bàng nói.
Theo cựu đại sứ, một vấn đề chính thu hút sự quan tâm của dư luận khi ông Clinton đến thăm Việt Nam lúc đó là Hiệp định thương mại song phương (BTA). Mặc dù hai nước đã ký kết vào tháng 7/2000, 4 tháng trước chuyến đi của tổng thống nhưng vẫn cần Quốc hội Mỹ thông qua để có hiệu lực chính thức. Do đó, chuyến thăm của ông Clinton cần phải thể hiện những điều cần thiết để thuyết phục cả Thượng viện và Hạ viện. Sau đó, đến đầu tháng 10/2001, Quốc hội Mỹ đã thông qua BTA, rồi tổng thống mới lúc đó là George Bush đã ký duyệt hiệp định này.
Khi được hỏi về kỳ vọng của mình trong chuyến thăm sắp tới của ông Obama, ông Bàng cho biết điều ông quan tâm nhất là hai nước làm sao nâng hợp tác lên mức cao hơn so với thời điểm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ tháng 7 năm ngoái. Theo đó, có hai vấn đề lớn là Mỹ sẽ tạo điều kiện thế nào để Việt Nam thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hợp tác an ninh ở Biển Đông có những tiến triển mới, để tăng cường bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực.
Trước mối quan tâm của dư luận về việc Mỹ có dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam hay không, cựu đại sứ cho biết bản thân ông gần đây đã gặp một số người Mỹ thể hiện sự ủng hộ. Mặc dù Việt Nam và Mỹ còn cần bàn thảo thêm nhưng nếu nhận thấy việc này có lợi cho sự hiện diện của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương, giúp ích cho an ninh khu vực thì chính quyền Obama vẫn có thể thực hiện. Ông Bàng cũng trông đợi Mỹ có thể cấp thêm tàu tuần tra nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.
Đánh giá về thời điểm diễn ra chuyến thăm của ông Obama, khi sắp kết thúc nhiệm kỳ, đặc biệt là triển vọng hợp tác giữa hai nước khi Mỹ sắp có tân tổng thống, cựu đại sứ bày tỏ ông không "bi quan". Ông Bàng cho rằng gần đây ông Obama vẫn thực hiện những kế hoạch mang tính lịch sử, chẳng hạn như đến thăm Cuba và sắp tới sẽ thăm Hiroshima tại Nhật Bản.
Với tư cách là một người theo dõi quan hệ Việt - Mỹ từ lâu, ông Bàng cho rằng hợp tác giữa hai nước có lúc xấu đi hoặc tốt lên, chịu ảnh hưởng lớn từ mối tương tác giữa các nước lớn và tình hình quốc tế. Trong khi đó vấn đề nội bộ nước Mỹ lại không phải là nhân tố quyết định.
"Trong tình hình hiện nay và trong tương lai gần, dù ai lên làm tổng thống Mỹ thì nước này vẫn cần tăng cường quan hệ với Việt Nam, kể cả là đại diện của đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Tất nhiên mỗi người có phong cách riêng nhưng tôi tin tưởng hợp tác hai nước sẽ có tiến triển tốt", ông Bàng nói.
Việt Anh
Theo VNE
Báo The Straits Times: 'Việt Nam sẽ 'xoay trục' liên minh với Mỹ nếu mất thêm đảo ở Biển Đông' Chuyến thăm thành công của Tổng thống Obama tới Việt Nam đã làm gia tăng khả năng Việt Nam xoay trục hướng về Mỹ và nếu Việt Nam mất thêm đảo trên Biển Đông sẽ có thể dẫn tới việc thiết lập một liên minh Việt - Mỹ, The Straits Times (Singapore) nhận định. Tổng thống Barack Obama đã có chuyến thăm lịch...