Cánh chuồn tuổi thơ
Tuổi thơ ai không từng một lần đuổi theo cánh chuồn chuồn. Chiều vàng ươm nắng, cánh đồng quê nằm phơi mình nghỉ ngơi sau chuỗi mùa mệt nhọc.
Con chuồn ớt đậu bên giậu nhà ai đỏ chót như lửa. Cánh chuồn rung rung, mắt chuồn lim dim lãng du, bình yên như cánh đồng sau mùa gặt hái. Đôi cánh mỏng manh như sợi nhớ sợi thương vương vấn trong lòng người tha hương ở một nơi phố xá lắc lơ. Ai từng rong ruổi theo những cánh chuồn hết quãng đường ngày thơ dại, chắc hẳn khi lớn lên, lòng lại sẽ miên man theo những cánh chuồn trong veo của những ngày xa ngái…
Ai từng rong ruổi theo những cánh chuồn hết quãng đường ngày thơ dại, chắc hẳn khi lớn lên, lòng lại sẽ miên man theo những cánh chuồn trong veo của những ngày xa ngái… Ảnh Internet
Chang chang nắng gắt, tôi và Nguyên vẫn thường trốn mẹ đi học sớm để bắt chuồn chuồn. Tuổi thơ ngày ấy khác bây giờ, cánh chuồn chuồn đỏ chót nằm trong tay là cả một niềm vui thích ngất ngây. Chuồn chuồn có sức hấp dẫn kỳ lạ với bất kỳ đứa trẻ nào, gắn bó với hầu hết trẻ con thời ấy.
Chuồn chuồn có đủ loại. Chuồn tương mang màu vàng của nắng hanh, dịu dàng như cô gái vừa độ xuân xanh. Chuồn ngô oai vệ hơn, như chàng trai tuổi mười bảy, nhiều khát khao và dạt dào kiêu hãnh. Chuồn chuồn voi to nhất, dáng như máy bay trực thăng, hai mắt to nom bộ dữ tợn.
Chuồn chuồn ngô sọc vằn ngang, hay đậu nhiều ngoài đồng xa chứ chẳng mấy khi quanh quất ở vườn nhà. Chuồn kim bé xíu, e lệ, cánh mỏng tang, đậu thấp lè tè ở mấy ngọn cỏ và vườn lạc, vườn đỗ. Chuồn chuồn ớt ma mị và có sức hấp dẫn nhất. Trước hết vì nó đẹp. Chao ôi, toàn thân nó đỏ chót như quả ớt chín rực rỡ, kiêu sa và đầy thách thức. “Thằng cu tý” nào trong chúng tôi cũng khát khao chinh phục được nó. Nhưng bắt được chuồn ớt không dễ. Nó tinh lắm. Lò dò, lò dò, nhẹ nhàng tiến lại, rất gần rồi, nó vẫn đậu im, bình thản tưởng như đang chìm trong miên man nghĩ suy điều gì.
Chuồn chuồn ớt đỏ chót như quả ớt chín rực rỡ, kiêu sa và đầy thách thức. Ảnh Internet
Nhưng chỉ cần tiến đến sát, đưa tay ra, thì nó vụt bay trong sự tiếc hùi hụi của bọn trẻ. Nhưng cái hấp dẫn đầy thách thức của loài chuồn chuồn là nó không bay đâu xa, nó lại đậu chỗ khác, ngay trước mặt ta, càng ra chiều thách thức. Vậy nên lại khom lưng, lại lò dò… cả buổi chiều có khi bị quấn vào trò đuổi bắt đầy hào hứng và kích thích với những cánh chuồn chuồn gần gũi mà cao ngạo ấy. Chao ôi tuổi thơ!
Video đang HOT
Hành trình vòng đời của chuồn chuồn ngẫm ra là cả một bài học nhân sinh muôn đời không cũ. Cái loài thường bay cao, thích không trung ngan ngát gió và nắng ấy lại sinh ra từ đầm lầy, ven các ao, hồ, sông nước. Loài chuồn chuồn thường chọn một cành lá nào đó ven ao nước để đẻ trứng. Trải qua những ngày tháng ấu trùng sống trong ào tù chật hẹp với bao hiểm nguy rình rập, một ngày kia, ấu trùng lột xác để thành chú chuồn chuồn rực rỡ và kiêu hãnh.
Chuồn chuồn ngô sọc vằn ngang, hay đậu nhiều ngoài đồng xa chứ chẳng mấy khi quanh quất ở vườn nhà. Ảnh Internet
Để dang cánh bay giữa cao rộng nắng và gió, ấu trùng mong manh yếu ớt ấy phải qua cửa tử của bao loài dòm ngó, thiếu chút may mắn thôi, nó có thể trở thành mồi ngon cho chính đồng loại. Và để có những tháng ngày ngắn ngủi được làm chú chuồn chuồn rực rỡ, nó phải trải qua tháng ngày đằng đẵng nơi chốn ao tù. Sau này lớn lên tôi mới biết, chuồn chuồn chỉ sống tầm 6 tháng, nhưng quãng thời gian là ấu trùng của nó kéo dài hằng năm!
Một ngày kia, chuồn đau đớn sinh thành lần nữa, bóc chiếc vỏ bên ngoài, toàn thân run rẩy yếu ớt, đợi chờ giây phút được sống một cuộc đời khác rực rỡ hơn, với nắng, với gió, với những cánh đồng xanh thẳm, ánh nắng trải vàng lung linh, hay phiêu du khi mùa sang, chập chờn theo cánh đồng cỏ may ở những triền đê vắng, hoặc có khi lại cùng đàn cùng lũ vượt qua cả những cánh rừng dài để về miền đất ước mơ của mình, cũng có khi chấp chới cùng dòng nước ven sông, kết duyên đôi lứa và gửi lại tình yêu bên những chiếc lá xanh non…
Những chiều hoàng hôn buông dần trên cánh đồng xa vắng, mặt trời chiếu những tia nắng yếu ớt tiễn biệt ngày cũ, vẳng đâu đây tiếng dế chào mừng màn đêm để cất điệu hoan ca, tôi thường ngồi bên Nguyên thật lâu. Cậu thả cánh chuồn, khẽ tung nó trên bầu trời, mắt nhìn theo đăm chiêu, xa ngái. Cánh chuồn chao đảo rồi chấp chới bay giữa màn đêm dần buông xuống. Bay đi chuồn ơi! Qua cánh đồng xanh. Qua con đê dài thẳm. Qua lũy tre làng rì rào trong nắng dìu dặt. Bay lên nữa, có bao giờ bay tận được đến trời xanh, gọi nắng, gọi gió, gọi những xôn xao, gọi những yêu thương khấp khởi quay về?
Chuồn kim bé xíu, e lệ, cánh mỏng tang. Ảnh Internet
Chiều nay nghe lòng trống trải giữa phố xá tấp nập, nhìn nắng lên cao, bất chợt gặp một cánh chuồn lạc phố, ngập ngừng bay, đắn đo đậu, dáng vẻ âu lo, lạc lõng. Về đâu hỡi cánh chuồn lạc phố, đồng quê xanh ngát rì rào nơi đâu? Lòng tôi chợt nhớ nôn nao những cánh chuồn ngày thơ dại, những cánh chuồn trong trẻo của tuổi thơ chạy dài nhung nhớ trên những bãi bờ quê hương.
Về đâu rồi cánh chuồn tuổi thơ tôi? Liệu ngày ấy, cánh chuồn có chở được niềm hy vọng của Nguyên vượt qua những hàng chuối, triền đê và lũy tre đầu làng trong hoàng hôn chuếnh choáng, để bay cao, bay nữa trên bầu trời xanh rộng?
Vẻ thanh bình của vùng đồng quê Nhật Bản
Lúa chín vàng, hoàng hôn rực rỡ như cảnh trong phim hoạt hình là những điều bạn sẽ thấy ở vùng quê Nhật Bản.
Không quá khó để tới với những vùng đồng quê Nhật. Chỉ khoảng 30 phút ngồi tàu từ các thành phố lớn là bạn được hoà mình vào thiên nhiên trong vắt. Vùng nông thôn Nhật thường rất thưa thớt người, đường xá rộng rãi, sạch sẽ. Trong ảnh là một con đường điển hình của vùng nông thôn Nhật, giống như trong các phim hoạt hình.
Khác với khu vực thành phố, học sinh cấp 2 sống ở nông thôn thường đạp xe đi học thay vì sử dụng phương tiện công cộng. Do không bị các toà nhà che chắn nên ngắm hoàng hôn ở vùng đồng quê Nhật thường dễ dàng hơn và quang cảnh rất tuyệt vời.
Vào đầu mùa hè, lúa mì ở trên các cánh đồng bắt đầu chín vàng. Cảnh sắc này sẽ chỉ tồn tại trong vài ngày trước khi người nông dân gặt sạch lúa và cuộn rơm thành những ụ to. Lang thang trên những cánh đồng lúa vàng rực vào thời điểm lúa chín là một trải nghiệm tuyệt vời du khách nên thử.
Trước khi mùa thu bắt đầu, vùng nông thôn Nhật ngày nào cũng như ngày hội. Chớm thu còn được gọi là mùa shinmai, tức là mùa ăn lúa mới ở Nhật. Người nông dân sẽ gặt lúa, chế biến và đóng gói thành gạo mới bán trong năm. Shinmai là gạo mới, còn gạo năm trước gọi là komai, năm trước nữa là kokomai (cứ thêm một chữ "ko" tức là cũ đi một năm). Người Nhật có một lễ mừng shinmai. Họ sẽ ăn gạo mới, uống trà mới thu hoạch và làm nước sake mới.
Ở các cánh đồng, người dân thường dựng những chú bù nhìn để đuổi quạ, tránh phá họa mùa màng.
Trái ngược với hình ảnh chật ních người ở những ga tàu trên thành phố, tàu dưới nông thôn thường vắng vẻ hơn rất nhiều. Trong ảnh là một ga tàu ở vùng ngoại ô Fukuoka.
Các vùng nông thôn Nhật rất ít cửa hàng tiện lợi hay máy bán nước tự động. Vậy nên để khám phá trọn vẹn, bạn hãy tự mang nước, thức ăn và một chiếc bạt theo. Bạt trải để ngồi dã ngoại có bán rất nhiều trong các siêu thị.
Vào mùa hoa bỉ ngạn, bạn có thể tìm thấy loại hoa đặc biệt này trồng sát các cánh đồng quê.
Một khung cảnh thường thấy vào những ngày hè. Không khí tại Nhật Bản vốn trong lành, ở các vùng ngoại ô bầu không khí còn tuyệt vời hơn gấp bội.
Dân Nhật ở vùng nông thôn luôn thân thiện hơn rất nhiều so với dân thành phố.
Những ngôi nhà ở thành phố luôn trong tình trạng đóng cửa, kéo rèm kín mít. Nhưng ở nông thôn, người dân thoải mái hơn. Họ mở cửa, thậm chí là tạo những bể bơi bằng phao ở ngoài sân vui đùa.
'Bỏ túi' những điểm check in ở Cao nguyên Vân Hòa mộng mơ của Phú Yên Thiên nhiên tươi đẹp tựa nhưng những vùng đồng quê của trời Âu và nét văn hóa bản địa hấp dẫn chính là dấu ấn nổi bật của các đến đến tại xứ Đà Lạt giữa lòng Phú Yên này. Cao nguyên Vân Hòa của Phú Yên có rất nhiều điểm check-in đẹp mê hoặc du khách. Không chỉ có những bãi biển...