Canh chua – Bình dị mà độc đáo
Canh chua chưa từng được xếp hạng, nhưng lại chiếm vị trí khá quan trọng trong ẩm thực Việt Nam. Sự bình dị, dân dã đã giúp món ăn này trở thành không thể thiếu trên bàn ăn của người Việt.
Món gì khác có thể ngán, nhưng canh chua thì ăn hoài quanh năm vẫn còn thèm, có thể là nhờ vị chua nên ăn cơm với canh chua ngon miệng hơn, lại giúp giải ngán cho những món chiên xào nhiều dầu mỡ. Canh chua lại biến tấu rất phong phú và đa dạng, từ nguyên liệu chính đến gia vị tạo chua, đặc biệt vị chua của canh cũng rất khác biệt giữa các vùng miền. Miền Bắc chuộng vị chua thanh dịu, miền Trung ưa vị chua lẫn chát, trong khi miền Nam thì khoái khẩu với cái vị chua chua ngọt ngọt.
Gia vị để tạo chua có thể là lá như lá giang, me non, cóc non, lá dít…; có thể là quả như sấu, tai chua, dọc, nhót, khế, me, chanh, bần, giác, cà chua, thơm…; có thể là dưa muối như cải chua, măng chua, bông súng… hay cả từ cơm mẻ. Nguyên liệu chính để nấu canh chua có thịt, thủy hải sản (cá, mực, tôm, hến, nghêu), phổ biến nhất là canh chua nấu cá. Miền nào thức ấy, mỗi vung có một loại cá “đặc sản” làm nên món canh chua của địa phương mình, không thể lẫn với nơi khác. Nhưng, dù là cá sông hay cá biển, tô canh chua muốn ngon thì cá phải tươi. Rau ăn kèm trong nồi canh chua cũng tùy nơi, phổ biến nhất bạc hà, giá, đậu bắp, đặc biệt miền Nam có những loại ăn kèm độc đáo như bông so đũa, bông điên điển, bông lục bình…
Mỗi món canh chua có hương vị khác nhau nên cũng có sức hấp dẫn riêng. Canh cá rô nấu với lá me non. Canh cá lạt nấu với lá dít. Canh cá cờ hay cá lóc nấu với lá cóc non. Canh cá bống nấu với lá giang. Lá nấu thường phải vò nát trước khi cho vào nồi mới ra hết chất chua. Canh tép nấu với trái giấm. Canh cá ngát nấu với trái bần. Canh cá lăng nấu với măng chua. Canh cá chạch nấu với cơm mẻ và bông so đũa. Đặc biệt ở vùng Kiên Giang còn có canh chua nấu với sả nghệ không vùng nào có. Cá chai, cá dẩu, cá cơm, cá nục, cá ngạnh, cá dò, cá linh, cá bông lau, cá lóc…, ca nao nâu canh chua cũng ngon.
Ăn canh chua phải có chén nước mắm nguyên không pha, giằm thêm vài trái ớt hiểm, vừa ăn vừa hít hà mới đã. Có thể nói, canh chua chứa đựng cả một nghệ thuật ẩm thực với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt. Và vì vậy, ăn canh chua không chỉ ăn bằng miệng, mà còn bằng mắt, bằng mũi. Tô canh thường đủ sắc trắng, xanh, vàng, đỏ và phải thật nóng, khói bốc nghi ngút mang theo mùi chua cay lẫn mặn ngọt, ngửi thôi đã thấy thèm. Canh chua ăn thường ngày với bát cơm trắng nóng hổi, nhưng khi có khách lại biến tấu thành “lẩu chua”. Cái nồi lẩu cho vào gia vị chua, rồi thả cá vào, nêm nếm cho vừa miệng. Rổ rau để bên cạnh: rau muống, bắp chuối, rau nhút…, vừa ăn vừa nhúng rau, đơn giản vậy mà có khi lai rai đến hết buổi.
Video đang HOT
Theo PNO
Canh chua 3 miền và tâm hồn bình dị của ẩm thực Việt Nam
Không cần cầu kỳ phức tạp, ở mỗi miền đất nước, món canh chua lại có cách đi vào lòng người rất riêng.
Nhắc đến ẩm thực Việt, người ta thường nói tới phở như món ăn quốc hồn quốc túy và mang tính đại diện cho quốc gia. Song sẽ thật thiếu sót nếu chỉ chọn duy nhất Phở để thay mặt cho văn hóa ẩm thực nước nhà. Bên cạnh món Phở quá quen thuộc, ẩm thực Việt Nam còn rất nhiều gương mặt đại diện xuất sắc và một trong số đó chính là canh chua.
Gói gọn tinh túy của đất trời
Trong chương trình thực tế về nấu nướng của mình, Luke Nguyễn - đầu bếp Úc gốc Việt trứ danh đã đưa ra một ý kiến thú vị: Nếu phải chọn lựa một món ăn đại diện cho ẩm thực Việt Nam, anh sẽ chọn canh chua thay vì Phở như thông thường. Lí do rất đơn giản, bởi không có món ăn nào lại gói gọn trong mình đủ vị chua-cay-mặn-ngọt đặc trưng của ẩm thực Việt Nam, cũng không có món ăn nào lại đầy đủ ba phiên bản Bắc-Trung-Nam vừa tương đồng, vừa khác biệt với những đường nét rất riêng. Làm từ những nguyên liệu đơn giản, có sẵn, nhưng món canh chua qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp luôn có một vị trí nhất định trong văn hóa ẩm thực Việt.
Bản thân canh chua luôn được người Việt ưa chuộng và dùng quanh năm. Ở đất nước nhiệt đới, vị chua có vai trò quan trọng, vừa bổ sung nước cho cơ thể, cân bằng thanh nhiệt lại hợp vị, đưa cơm. Gắn bó với đời sống người Việt, canh chua cũng dần thay đổi theo từng tập quán vùng miền mà biến thành những phiên bản đặc trưng. Ăn bát canh chua miền nào, cũng phần nào thưởng thức những gì tinh túy và đặc sắc nhất của vùng miền đó. Canh chua - vì thế - hoàn toàn xứng đáng là đại diện cho ẩm thực Việt đúng như lựa chọn của đầu bếp cừ khôi Luke Nguyễn.
Canh chua thanh nhã miền Bắc
Đúng với tính chất nhẹ nhàng và thanh tao từ bao đời nay của ẩm thực kinh kì, món canh chua phiên bản miền Bắc có đặc trưng là vị chua thanh thanh, hương thơm dịu nhẹ, rất chừng mực mà cũng thực tinh tế. Chất chua trong canh thường được tạo bởi những loại trái cây đặc trưng như me, khế, sấu, và các gia vị lên men tự nhiên như giấm, mẻ... Người đầu bếp thường tự tay làm những mẻ giấm bỗng thật thơm ngon vừa vị, không quá nồng cũng không quá nhạt để chế biến món canh chua của mình. Công đoạn nấu canh chua, vì thế, cũng phức tạp và tỉ mẩn hệt như mọi món ăn xứ Bắc khác vậy.
Đề cao vị chua thanh nhẹ, thịt cá đi cùng canh chua cũng phải có vị ngọt dìu dịu. Phổ biến nhất là các loại cá sông ngon lành tươi mát, hoặc tôm, tép nhỏ nhỏ. Đặc biệt ở miền Bắc còn có món riêu như một phiên bản sáng tạo của canh chua. Bao lâu nay bát riêu cá, riêu ốc với màu nước vàng óng và chút chua chua rất nhẹ nhàng vẫn đủ làm người ăn nhớ hoài, tiếc mãi.
Chan chát canh chua miền Trung
Nếu miền Bắc lấy cái chua dịu dàng làm quyến luyến thực khách, thì canh chua miền Trung với vị chua-chát rõ nét cũng làm nên ấn tượng khó phai cho người thưởng thức. Vị chua lúc này thường được lấy từ trái cây, mà đặc biệt là khế. Khế còn xanh xanh có cái chát thoang thoảng, đi cùng rau dăm với cái chát rất đằm tạo nên một gia vị "có một không hai" cho bát canh chua miền Trung.
Miền Trung ven biển, chẳng có thịt thà nhiều, chỉ có thể tận dụng hải sản để nấu canh như một thói quen giản dị mà thân thương. Cũng bởi thường xuyên nấu cùng hải sản mà canh chua nơi đây đã dần hình thành hỗn hợp hương vị chua-chát để át đi mùi tanh cá tôm. Một bát canh chua điển hình sẽ mộc mạc và thô sơ hệt như miền đất này, chỉ một chút hến, một chút tép tôm còn dính lưới quyện trong nước dùng đủ vị chua-chát-mặn-cay, nhưng canh chua miền Trung vẫn đủ quyến rũ lòng người bằng tất cả những dung dị vốn có.
Chua chua ngọt ngọt bát canh miền Nam
Nhắc đến miền Nam trù phú và tươi vui, người ta liền nghĩ ngay đến vị ngọt. Quả thực ngọt là một trong những gia vị đặc trưng cho vùng đất này. Người miền Nam ưa ngọt, không chỉ thể hiện qua các món chè cháo ngọt ngào mà còn qua thói quen nấu nướng hàng ngày: kho nồi cá, ram nồi thịt cũng không thể thiếu đường. Thói quen này đã tạo ra phiên bản canh chua miền Nam chua-ngọt rất vừa miệng, đưa cơm.
Bát canh chua miền Nam cũng thể hiện tính chất trù phú của vựa lúa lớn nhất đất nước, khi độ "hoành tráng" về nguyên liệu khiến người ta phải bất ngờ: Thịt cá tôm cua có đủ, cá cắt khúc lớn, nước canh đậm đà và rau phải thật nhiều. Chất chua trong canh cũng được tạo ra bởi đa dạng nguyên liệu: cà chua, me, dứa, khế, chùm ruột, trái giác, trái bần...Thưởng thức canh chua miền Nam là thưởng thức cái đa dạng, phong phú của ẩm thực miệt vườn, tuy nhiều chủng loại mà kết hợp vẫn hài hòa, khéo léo.
Ẩm thực là sự giao thoa và biến đổi không ngừng. Mỗi món ăn khi đi qua những vùng đất khác nhau, thổ nhưỡng và phong tục khác nhau lại là mỗi lần thay áo, mang trong mình những điểm chung vốn có lẫn nét riêng của vùng đất ấy. Món canh chua với những phiên bản Bắc-Trung-Nam thực sự đã hoàn thành xuất sắc vai trò truyền tải, gìn giữ những nét đặc sắc của ẩm thực ba miền. Và nếu bỏ qua dịp thưởng thức canh chua ba miền, hẳn bạn đã bỏ qua một phần không nhỏ của ẩm thực Việt Nam.
Theo Tapchiamthuc
Chống ngấy với những món canh dưa cải chua Nếu trong nhà bạn chẳng còn loại rau nào thì hãy lấy dưa cải muối chua chế thành món canh vừa nhanh mà lại dễ ăn, ai cũng thích. 1. Canh dưa cải chua và thịt bò Vị ngọt từ thịt bắp bò mềm, điểm thêm một chút chua của dưa cải chua và cà chua, là món canh được nhiều người yêu...