Canh cải trời nấu cá rô
Canh cải trời nấu với cá rô luôn là món ăn gợi thương, gợi nhớ với người dân xứ miệt vườn.
Cải trời là thứ rau dại, mọc hoang khắp trong vườn. Không ai trồng, không ai chăm sóc, cải trời vẫn lên tươi tốt. Sau một trận mưa, tự nhiên trong vườn thấy những mầm xanh non nhú lên. Thêm vài trận mưa nữa, ngọn cải trời đã vượt lên mơn mởn. Ông bà ta xưa không phải bỗng dưng mà lại đặt cho cây cái tên như vậy. Cải trời là ngụ ý chỉ thứ cải dân dã mà ông trời đã dành tặng con người.
Cải trời ngon nhất là nấu canh với cá rô, mà phải là thứ cá rô đồng, con nhỏ và chắc thịt. Cá rô làm sạch, nấu nồi nước sôi, bỏ cá vào luộc. Khi cá chín thì vớt ra, tách thịt cá khỏi xương. Phải tỉ mẩn lấy hết những cái xương nhỏ để ăn canh khỏi bị hóc. Phần xương lại đem giã nhỏ, lọc lấy nước, cùng với nước luộc cá để nấu canh. Cải trời rửa sạch, chờ nồi nước sủi tăm thì bỏ rau vào, đợi cho nước sôi trở lại, nêm nếm vừa ăn, bỏ thêm chút gừng xắt sợi là được. Khi múc canh ra, rắc ít tiêu giã nhỏ, trang trí thêm vài cọng ngò rí thì đã có tô canh cải trời nấu cá rô đồng nóng hổi, ngon lành.
Canh cải trời nấu cá rô đồng thấy đơn giản vậy nhưng mùi vị rất đậm đà. Rau cải trời lá hơi nhám, mới ăn thì thấy đắng nhè nhẹ nhưng ăn lâu lại có vị thanh. Cá rô lấy cả thịt và chất nước từ xương, tạo nên vị ngọt rất tự nhiên mà chỉ có những loại cá lớn lên từ sông, từ ruộng đồng mới có. Gừng và tiêu, hai thứ gia vị cay cay, ấm nóng vừa giúp khử mùi tanh của cá, vừa tạo ra hương vị khó lẫn với các loại canh khác.
Giờ mà muốn ăn một tô canh cải trời nấu cá rô đúng phong vị dân dã không phải dễ. Thứ cải trời dại chẳng còn nhiều đất để mọc. Hiện nay, cải trời đã được nâng lên thành rau đặc sản. Người ta cũng lên liếp, bón phân, xịt thuốc cho cải trời như bất kỳ loại rau nào khác. Rau cải trời bây giờ thân cao, lá to nhưng mùi vị không thể nào bằng cây cải trời mọc hoang. Ở thành phố cũng khó kiếm được con cá rô đồng. Cá rô nuôi tuy con to nhưng thịt ăn bở mà lại hôi rong. Nấu cải trời trồng với con cá rô nuôi thì làm sao có được tô canh đúng điệu.
Video đang HOT
Nhiều khi thèm mà không biết kiếm đâu ra. Chỉ còn nước chạy về quê, ra vườn, tìm hái từng cọng cải trời rồi đi chợ thiệt sớm để mua mấy con cá rô mới bắt hồi hôm của mấy dì, mấy thím. Có như vậy mới tìm lại được mùi vị thân quen của tô canh cải trời ngày thơ ấu…
Theo TNO
Canh cá rô
Không khí oi bức ngày đầu hạ khiến mọi người cảm thấy chán ngán những món ăn vừa nóng vừa lắm dầu mỡ. Vì thế mà hương vị của bát canh với các nguyên liệu đồng quê chắc chắn sẽ mang lại cho bạn sự thoải mái và nhẹ nhàng. Và tôi tìm về với món canh cá rô rau cải - món ăn thanh mát, đậm ngọt, mang nhiều kỉ niệm của tuổi thơ tôi.
"Đầu mùa rô ron, cuối mùa rô trứng" là câu nói thể hiện kinh nghiệm của những người nông dân. Ở quê, mùa cá rô đồng bắt đầu vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch. Lúc đó thật dễ dàng để bắt được cả bầy rô ron dưới những kênh mương hay đám lúa đang "thời con gái". Khoảng tháng 5 tháng 6 trở đi, vào khoảng cuối mùa mưa hằng năm thật dễ dàng bắt được những chú cá rô trứng thịt thơm ngọt, béo chắc.
Cá rô được bắt về, dù là rô ron hay rô trứng đều có thể chế biến hàng chục món ăn khác nhau, vừa thơm ngon, nhẹ nhàng mà vị lại không ngán, rất hợp với thời tiết oi bức của mùa hạ. Từ các món đơn giản như cá rô rán, cá rô kho tương khế đến những món chế biến khá phức tạp như cháo cá rô, cá rô om củ chuối...
Người nhà quê vẫn ngâm nga: "Cá rô canh cải nấu gừng/ Không ăn thì chớ, xin đừng mỉa mai". Tôi vẫn cho rằng trong các món chế biến từ cá rô thì món canh cá rô nấu rau cải là món ăn dân dã, thanh mát hợp với cái nóng của mùa hạ miền Bắc nhất.
Canh cá rô rau cải được chế biến tương đối cầu kì với những công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu. Sau khi mổ cá, tróc vảy và rửa sạch cá rô, phải ướp cá với muối để thịt cũng như canh nấu xong được đậm đà. Tất cả nguyên liệu làm món này chỉ đơn giản có cá rô đồng, rau cải ngọt và điểm thêm chút gừng củ giã nhỏ.
Bước đầu tiên là tách thịt cá. Để lọc được thịt và lấy hết xương răm trên thân cá, người nội trợ nên khéo léo luộc cá trước. Phần xương sẽ được đem giã nhỏ, mịn và bỏ vào nước luộc để nấu kỹ. Nước luộc cá thường vị ngọt tự nhiên của thịt cá rô lẫn gia vị nêm vừa phải.
Thịt cá rô khi tách riêng cũng được đem giã vừa nhỏ để thêm ngọt cho phần nước dùng. Nhưng khi giã (xay) thịt cá cần tinh ý và khéo léo để thịt không nhỏ quá, không nát nhừ mà vẫn thấy từng thớ trắng vừa mỏng và nhỏ. Đối với tôi, việc giã thịt cá bao giờ cũng khó khăn nhất, nếu không dừng đúng lúc thịt sẽ nhuyễn quá và mất vị.
Cũng có nhiều người không chọn cách giã thịt cá mà thay vào đó họ dùng thìa dĩa tách vừa miếng để nấu. Nhưng người xưa vốn quan niệm thịt cá giã vừa sẽ khiến món canh ngọt thơm và đậm đà hơn.
Ngày trước, người ở quê tôi vẫn dùng cối đa để giã cá rô nấu canh cải. Những tiếng chày, tiếng cười nói ríu rít phần nào tạo nên chút ấm cúng, ngọt ngào cho hương vị món ăn.
Nước luộc cá lẫn những thớ thịt rô đồng thơm ngon được nấu sôi và nêm vừa gia vị. Khi nước sôi sẽ bỏ rau cải và gừng đã xay nhỏ vào và nấu chín đều là được món canh thơm ngon, dịu mát.
Nay, canh cá rô rau cải không chỉ là "món nhà quê" mà còn là món khoái khẩu của những người dân thành phố. Trong các nhà hàng, khách sạn, món canh này vẫn là một thực đơn hút khách nhất là trong cái oi bức đầu tháng 5 này.
Hơn thế, bát canh cá rô nấu rau cải ngọt dịu, bỗ dưỡng ấy còn mang hồn quê và tình cảm với miền quê xa xôi của những người con đất Việt.
Theo PNO
Dây mỏ quạ - món ngon nơi miền Tây Trong số nhiều loại rau "cây nhà lá vườn" ở Cần Thơ như cải trời, cù nèo, rau nhút, lá cách... có đọt và bông của một loài rau rất lạ đó là dây mỏ quạ. Mỏ quạ là loại dây leo, mọc hoang trong tự nhiên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dây mỏ quạ thường mọc vào đầu mùa mưa...