Cảnh báo về tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng tại khu vực Sahel
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 7/4 cảnh báo gần 1 triệu trẻ nhỏ ở khu vực Sahel của châu Phi sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng trong năm nay do giá lương thực tăng cao, xung đột và biến đổi khí hậu.
Trẻ em suy dinh dưỡng được điều trị tại trung tâm y tế ở Hajjah, Yemen ngày 21/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo UNICEF, khoảng 970.000 trẻ em dưới 5 tuổi tại 3 quốc gia ở khu vực này gồm Burkina Faso, Mali và Niger sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong năm 2023. Đây là những nước nghèo, không giáp biển và đang đối mặt các cuộc tấn công của các phần tử thánh chiến.
Niger được dự báo có khoảng 430.000 trẻ suy dinh dưỡng, giảm 14% so với năm 2022 nhờ những nỗ lực của chính phủ. Trong khi đó, tại Mali, 367.000 trẻ em được dự báo sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng, tăng hơn 18% so với năm ngoái.
Giám đốc phụ trách khu vực Tây và Trung Phi của UNICEF, Marie-Pierre Poirier nêu rõ: “Tình trạng mất an ninh và xung đột đang gia tăng đồng nghĩa với việc mức độ dễ bị tổn thương trong khu vực đang tăng lên và việc hỗ trợ các cộng đồng ở những khu vực bị cô lập trở nên khó khăn hơn”.
Cũng theo UNICEF, các dữ liệu cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em gia tăng trên khắp khu vực Sahel trong năm 2023, bao gồm cả một số vùng của Benin, Burkina Faso, Cameroon, Mali, Mauritania, Senegal và Togo. UNICEF kêu gọi chính phủ các nước đưa vấn đề dinh dưỡng trẻ em lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự quốc gia và tăng cường đầu tư vào việc ngăn ngừa, phát hiện cũng như điều trị sớm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Lạm phát giá lương thực ở Anh tăng cao kỷ lục
Tình trạng khan hiếm trái cây và rau củ đã đẩy lạm phát giá lương thực của Anh lên mức cao kỷ lục trong tháng 3/2023, cho thấy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nước này vẫn chưa lắng dịu.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Walthamstow, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại London, Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC) cho biết, trong tháng 3, lạm phát giá thực phẩm tính theo năm tại Anh đạt 15%, tăng từ mức 14,5% trong tháng 2 và là mức cao nhất kể từ năm 2005. Mặt hàng tăng giá mạnh nhất là thực phẩm tươi sống, với mức tăng 17%.
Bà Helen Dickinson, Giám đốc điều hành của BRC, nhận định sản lượng thu hoạch kém ở châu Âu và Bắc Phi khiến tình trạng khan hiếm trái cây và rau quả ở Anh trở nên tồi tệ hơn, trong khi đồng bảng Anh yếu hơn đẩy chi phí nhập khẩu lên cao. Giá trái cây và rau trồng trái vụ trong nhà kính ở Anh và các nước Bắc Âu khác cũng bị ảnh hưởng do chi phí năng lượng cao.
Bà Dickinson cũng cho biết chi phí sản xuất đường tăng cao cũng dẫn đến giá sôcôla và các loại đồ ngọt khác cao hơn, khi kỳ nghỉ lễ Phục sinh đến gần. Lạm phát giá lương thực ảnh hưởng nặng nề nhất đến các hộ gia đình nghèo nhất vì việc mua sắm thực phẩm chiếm phần lớn hơn trong chi tiêu của họ.
Ông Mike Watkins, người đứng đầu bộ phận bán lẻ và kinh doanh Insight tại NielsenIQ, cho biết áp lực lạm phát đã buộc người tiêu dùng phải thay đổi thói quen. Theo ghi nhận của các nhà bán lẻ, người tiêu dùng mua ít thực phẩm hơn và có xu hướng tìm kiếm mức giá thấp nhất.
Dữ liệu của BRC cũng cho thấy tốc độ tăng giá của thực phẩm và đồ uống không cồn tiếp tục tăng trong tháng 3. Vào tháng 2, lạm phát giá lương thực của Anh đạt 18,2%, mức cao nhất trong 45 năm qua, theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh công bố tuần trước. Dữ liệu cho thấy lạm phát tại Anh tăng vọt lên 10,4% trong tháng 2, từ mức 10,1% của tháng 1. Ngân hàng trung ương Anh, vốn đặt mục tiêu lạm phát 2%, sau đó đã tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm lên 4,25% trong nỗ lực kiềm chế áp lực tăng giá.
Bà Susannah Streeter, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, cho biết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt "không có mấy dấu hiệu lắng dịu".
Đức cảnh báo giá lương thực thế giới tăng cao nhất từ trước tới nay Bộ trưởng Phát triển và Hợp tác Kinh tế Đức Svenja Schulze ngày 8/5 cảnh báo đại dịch COVID-19, hạn hán và cuộc chiến ở Ukraine đang đẩy giá lương thực lên cao nhất từ trước tới nay, gây nguy cơ xảy ra nạn đói tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Người dân mua bột mì tại một...