Cảnh báo về tình trạng sử dụng chất kích thích gây nghiện tại Australia
Australia là một trong số những quốc gia có số người sử dụng methylamphetamine (còn gọi là methamphetamine) – thành phần chủ yếu trong các loại ma túy tổng hợp (ma túy đá) cao nhất trên thế giới.
Đó là kết luận được đưa ra sau khi các cơ quan chức năng tiến hành phân tích các mẫu nước thải ở nước này.
Báo cáo của Ủy ban Tình báo Hình sự đã phát hiện ra sự gia tăng tổng thể trong việc tiêu thụ ma túy bất hợp pháp tại Australia. Ảnh: AAP
Ngày 30/6, Ủy ban Tình báo hình sự Australia (ACIC) đã công bố báo cáo thứ 16 của Chương trình Quốc gia về giám sát ma túy thông qua xét nghiệm nước thải, trong đó tập trung vào 12 loại chất kích thích và ma túy trong các xét nghiệm mẫu nước thải thu thập từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022. Kết quả cho thấy trong số 20 quốc gia thực hiện báo cáo tương tự, Australia là nước có mức tiêu thụ methylamphetamine tính trên đầu người ở mức cao nhất.
Methylamphetamine là một chất kích thích có thể gây rối loạn tâm thần, thay đổi tâm trạng và kích động người dùng thực hiện các hành vi bạo lực
Theo Giám đốc điều hành của ACIC – ông Michael Phelan, báo cáo trên cho thấy mức độ sử dụng chất kích thích gây nghiện tại Australia sau khi chính phủ nước này nới lỏng các biện pháp để phòng dịch COVID-19. Năm nay cũng là lần đầu tiên kể từ chương trình giám sát nêu trên được triển khai (năm 2017), số liệu thống kê cho thấy việc sử dụng methylamphetamine, cocaine và thuốc lắc (MDMA) ở các thành phố lớn cao hơn so với các khu vực còn lại trong cả nước.
Cảnh báo xung đột tại Ukraine làm gia tăng hoạt động sản xuất ma túy trái phép
Ngày 27/6, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraine có nguy cơ làm gia tăng hoạt động sản xuất ma túy bất hợp pháp, đặc biệt trong bối cảnh Afghanistan - nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới, đang đối mặt với khủng hoảng.
Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) cho biết các khu vực xung đột thường là nơi chứng kiến hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp gia tăng, nhất là khi khu vực xung đột nằm gần các thị trường tiêu thụ lớn. Báo cáo hằng năm của UNODC cho thấy trong năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện và phá hủy 79 phòng thí nghiệm ma túy tổng hợp tại Ukraine, tăng mạnh so với 17 phòng thí nghiệm trong năm 2019 và là con số cao nhất trên thế giới từ trước đến nay. UNODC cảnh báo hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp bất hợp pháp tại Ukraine có nguy cơ gia tăng nếu cuộc xung đột ở nước này tiếp diễn.
Tuy nhiên, báo cáo của UNODC lưu ý rằng xung đột đã góp phần làm gián đoạn hoạt động vận chuyển và buôn bán ma túy. Điển hình như tại Ukraine, hoạt động vận chuyển, buôn bán ma túy đã giảm từ khi xung đột nổ ra ở nước này vào đầu năm nay.
UNODC cũng cảnh báo rằng tình hình bất ổn tại Afghanistan, nơi sản xuất 86% lượng thuốc phiện trên thế giới vào năm 2021, có thể làm gia tăng hoạt động trồng cây thuốc phiện bất hợp pháp mặc dù chính quyền Taliban đã cấm hoạt động này vào tháng 4 vừa qua.
Theo UNODC, ước tính trong năm 2021 trên thế giới có khoảng 284 triệu người trong độ tuổi 15-64 sử dụng ma túy, tức là cứ 18 người thì có 1 người sử dụng ma túy, tăng 26% so với năm 2010. Trong khi đó, trong năm 2020, sản lượng cocaine đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay là 1.982 tấn.
Myanmar thiêu rụi khối ma túy trị giá hơn nửa tỷ USD Giới chức Myanmar ngày 26/6 tuyên bố đã đốt bỏ lượng ma túy trị giá hơn nửa tỷ USD nhân Ngày Thế giới Phòng chống Ma túy, theo AFP. Các sản phẩm bị tiêu hủy bao gồm gần 2 tấn heroin, hơn 630 triệu viên "yaba" (một loại ma túy chứa methamphetamine) và một số loại ma túy khác với tổng giá trị...