Cảnh báo từ Hồ sơ Pa-na-ma
Được đánh giá là vụ rò rỉ thông tin có quy mô vượt gấp nhiều lần vụ tiết lộ hồ sơ ngoại giao của trang mạng Wikileaks hồi năm 2010 hay những tài liệu tình báo của E.Xnâu-đơn vào năm 2013, “Hồ sơ Pa-na-ma” trở thành một “cơn địa chấn” truyền thông toàn cầu với 11,5 triệu trang tài liệu ghi lại các hoạt động hằng ngày của Công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Pa-na-ma từ năm 1977. Theo các thông tin mà tập hồ sơ gây tranh cãi này hé lộ, Mossack Fonseca, nhà cung cấp dịch vụ pháp lý lớn thứ tư thế giới với hơn 300 nghìn khách hàng, đã giúp nhiều chính trị gia và tỷ phú trốn thuế, rửa tiền thông qua việc thành lập hơn 200 nghìn công ty “ma” tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Do được mệnh danh là “thiên đường thuế” với nhiều ngân hàng hoạt động bí mật cùng mức thuế thấp, hoặc không tồn tại trên giấy tờ giao dịch, Pa-na-ma trở thành nơi dễ dàng hợp pháp hóa các khoản tiền từ tham nhũng, trốn thuế hay từ các hoạt động phi pháp khác. Dù là khách hàng nổi tiếng hoặc chưa được biết đến, Mossack Fonseca vẫn thực hiện nhiều “chiêu trò” lách luật để giữ bí mật các tài khoản giao dịch cũng như danh tính khách hàng. Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cho biết, tổng giá trị các tài khoản trốn thuế thông qua công ty luật ở quốc gia Trung Mỹ này có thể lên tới nhiều tỷ USD.
Việc đưa “Hồ sơ Pa-na-ma” ra ánh sáng là một phần của dự án hợp tác điều tra giữa ICIJ với gần 400 nhà báo từ hơn 100 cơ quan thông tấn thế giới sau khi tiếp nhận nguồn thông tin mật được tờ Nhật báo Nam Đức (Suddeutsche Zeitung) cung cấp một năm trước. Giới phân tích nhận định, phạm vi tác động của hồ sơ này không chỉ gói gọn trong các mục trốn thuế, rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp…, mà còn liên hệ vấn đề an ninh thế giới. Theo đó, các hồ sơ này cho thấy, những kẻ khủng bố hay các chính quyền độc tài đã dùng Mossack Fonseca để thoát khỏi lệnh cấm vận hoặc cấm mua sắm vũ khí.
Video đang HOT
Ngay sau khi báo chí tiết lộ về “Hồ sơ Pa-na-ma”, hàng loạt quốc gia trên thế giới tuyên bố tiến hành điều tra những thông tin mà tập hồ sơ này hé lộ. Roi-tơ đánh giá, các cuộc điều tra liên tiếp được mở ra tại nhiều nước riêng lẻ đã tạo thành một chuỗi điều tra rộng lớn trên toàn cầu. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma kêu gọi QH nước này cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp, nhằm lấp lỗ hổng pháp lý cho phép các công ty trong nước chuyển trụ sở ra nước ngoài dưới hình thức sáp nhập để trốn thuế.
Liên hiệp châu Âu (EU) hối thúc 28 quốc gia thành viên khẩn cấp tham gia một nỗ lực chung để lên danh sách các “thiên đường” trốn thuế. Giới chức các nước Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Áo, Na Uy, U-crai-na, Cô-xta Ri-ca… cũng cho biết sẽ điều tra các cá nhân, công ty và ngân hàng có tên trong “Hồ sơ Pa-na-ma” về khả năng tiếp tay trốn thuế hoặc gian lận tài chính. Trong khi đó, chỉ một ngày sau khi các trang hồ sơ gây chấn động được công bố, trước nhiều áp lực, Thủ tướng Ai-xơ-len S.Gun-lau-xơn phải từ chức do cáo buộc dính líu vụ việc này.
Về phần mình, Chính quyền Pa-na-ma khẳng định lập trường không khoan nhượng đối với những hành vi sai trái và các hoạt động tài chính mờ ám. Trong một bài viết gửi đến tờ Thời báo Niu Oóc, Tổng thống nước này C.Va-lê-ra cam kết tăng cường sự minh bạch trong dịch vụ tài chính, cũng như xúc tiến thành lập một ủy ban chuyên đề xuất các biện pháp kiểm soát thuế tại quốc gia Trung Mỹ này. Đây được đánh giá là nỗ lực của Chính phủ Pa-na-ma nhằm dần xóa đi “tiếng xấu” là “thiên đường” cho những đối tượng rửa tiền và trốn thuế.
Mặc dù số thông tin được công bố chỉ là một phần nhỏ trên tổng số lượng tài liệu và nhiều khả năng các tình tiết mới trong “Hồ sơ Pa-na-ma” sẽ tiếp tục được công bố trong thời gian tới, song các chuyên gia cho rằng, sau vụ việc này, thế giới sẽ có một cách nhìn mới, hướng giải quyết mới, đồng thời nâng cao nhận thức đối với công dân các nước trong vấn đề trốn thuế, rửa tiền. Mặt khác, điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với Chính phủ nhiều quốc gia trong nỗ lực tăng cường các biện pháp cần thiết để “vá” các lỗ hổng trong hệ thống tài chính của mình trên con đường hướng tới một xã hội công bằng và dân chủ.
BẢO NGUYÊN
Theo_Báo Nhân Dân
Mỹ chính thức vào cuộc điều tra vụ "Hồ sơ Panama"
Ngày 19-4, Bộ Tư pháp Mỹ quyết định mở cuộc điều tra chính thức về các cáo buộc trốn thuế của các công ty, cá nhân của Mỹ trong "Hồ sơ Panama" tài liệu mật mới bị rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca.
Công ty luật Mossack Fonseca, nơi bị rò rỉ 11,5 triệu tài liệu trốn thuế
Theo ông Preet Bharara, luật sư liên bang khu vực Manhattan cho biết, cơ quan chức năng Mỹ đã gửi thư tới Ủy ban các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đề nghị hỗ trợ việc cung cấp thêm thông tin phục vụ cho công tác điều tra. Cuộc điều tra được Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành sau khi Tổng thống Barack Obama cho rằng, hơn 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ từ Mossack Fonseca là "một vấn đề nghiêm trọng", gây chấn động chính trường thế giới, và hình thức trốn thuế trên thế giới đang là "vấn đề lớn" của toàn cầu.
"Không nghi ngờ gì nữa khi vấn đề trốn thuế đang trở thành một rắc rối lớn", Tổng thống Obama phát biểu tại Nhà Trắng hồi đầu tháng vừa qua, ngay sau khi vụ "Hồ sơ Panama" bị rò rỉ. Đồng thời, Tổng thống Obama cũng kêu gọi nhà chức trách Mỹ cũng như thế giới cùng ngăn chặn việc trốn thuế của các công ty, cá nhân trên toàn cầu.
Theo_An ninh thủ đô
Vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama": "Bom tấn" biến thành "địa chấn" 'Quả bom tấn' vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" phát nổ đã nhanh chóng gây ra những cơn "địa chấn" tại nhiều quốc gia cũng như các tổ chức danh tiếng trên toàn cầu. Thành viên Ủy ban đạo đức của FIFA đã phải từ chức sau khi xuất hiện "Hồ sơ Panama" Khi "Hồ sơ Panama" (Panama Papers) bùng nổ ngày 3-4...