Cảnh báo trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở Mỹ Latinh
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 24/5 cảnh báo “hiệu ứng domino” từ xung đột ở Ukraine đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở Mỹ Latinh và Caribe, làm gia tăng nhu cầu về nguồn lực hỗ trợ các nhóm dễ tổn thương trong khu vực.
Người vô gia cư xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ bên ngoài một bệnh viện ở Mexico City, Mexico ngày 9/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh dẫn thông cáo của WFP nhấn mạnh, trong khi Mỹ Latinh và Caribe còn đang trầy trật khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, số người sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng hơn nửa triệu người trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022. Tổ chức này nhấn mạnh, xung đột ở Ukraine đã khiến giá nguyên liệu và năng lượng tăng vọt. Lạm phát lương thực trở thành mối đe dọa đối với các nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu ngũ cốc trong khu vực. Các quốc đảo Caribe, vốn phải nhập khẩu phần lớn lương thực để đáp ứng nhu cầu trong nước, sẽ chịu ảnh hưởng khi chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển gia tăng.
Bên cạnh đó, WFP cảnh báo giá lương thực và nhiên liệu tăng cũng đẩy chi phí hoạt động của tổ chức này ở khu vực tăng theo. Tổ chức chuyên thu mua gạo, đậu đen, đậu lăng và dầu thực vật ở Mỹ Latinh và Caribe cho biết, chi phí trung bình cho mỗi tấn của 4 mặt hàng cơ bản này đã tăng 27% trong 4 tháng đầu năm nay và 111% trong giai đoạn từ tháng 1/2019 đến tháng 4/2022.
Theo WFP, việc chuyển tiền mặt tới các nhóm dân cư dễ bị tổn thương cũng bị ảnh hưởng. Giám đốc WFP tại Mỹ Latinh và Caribe, Lola Castro cho biết dòng tài chính nhân đạo của tổ chức đã bị “kéo căng tới mức giới hạn” trong một năm có nhu cầu cao chưa từng có. Bà Castro nhấn mạnh rằng trong khi số người bị mất an ninh lương thực tiếp tục gia tăng, khoảng cách giữa nhu cầu tài chính và khả năng của các nguồn lực sẵn có lại không ngừng nới rộng. Quan chức này ước tính WFP sẽ cần khẩn cấp 315 triệu USD để trang trải chi phí hoạt động trên toàn khu vực trong 6 tháng tới và cảnh báo hàng triệu người có thể rơi vào cảnh đói nghèo nếu xung đột tiếp diễn.
Video đang HOT
Một mối lo ngại khác là mùa mưa bão trên Đại Tây Dương đang đến gần, dự báo sẽ có cường độ lớn hơn bình thường và đe dọa đẩy thêm nhiều người vào cảnh mất an ninh lương thực.
FAO: Mỹ Latinh - chìa khóa cho an ninh lương thực thế giới
Mỹ Latinh và Caribe đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu, hiện khu vực này sản xuất đủ lương thực (tính theo calo) cho khoảng 1,3 tỷ người, tức 1/6 dân số thế giới.
Đây là nhận định của Tổng giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) Khuất Đông Ngọc.
Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) Khuất Đông Ngọc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại khu vực cho biết, trước thềm Hội nghị khu vực của FAO tại Quito, Ecuador, Tổng giám đốc FAO nhận định Mỹ Latinh và Caribe đang đối mặt với tình hình phức tạp do tốc độ phục hồi kinh tế không đạt mong đợi.
Theo số liệu của FAO, năm 2020 trong tổng số 650 triệu dân Mỹ Latinh và Caribe có 267 triệu người sống trong tình trạng mất an ninh lương thực, tăng 60 triệu người chỉ trong 1 năm. Gần 60 triệu người bị thiếu đói triền miên, trong khi một nửa dân số nông thôn sống trong nghèo đói, và 1/4 sống trong cảnh nghèo cùng cực.
Trong bối cảnh đó, hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraine với nguồn cung và giá lương thực toàn cầu càng làm gia tăng sức ép đối với khu vực. Không những thế, nhiều quốc gia Mỹ Latinh và Caribe cũng nằm trong số các nước dễ tổn thương nhất trước khủng hoảng khí hậu, khi bão lũ, hạn hán đã trở thành mối đe dọa hàng năm.
Tổng giám đốc FAO ước tính, để duy trì đóng góp vào an ninh lương thực thế giới, khu vực này phải có đủ năng lực hỗ trợ thêm 300 triệu người trong vòng 28 năm tới. Đó là trách nhiệm lớn đối với khoảng 22 triệu nông dân và ngư dân trong khu vực, phần lớn trong số này là các hộ sản xuất gia đình quy mô vừa và nhỏ.
Trước thách thức này, FAO nhận định khu vực cần chuyển đổi sang các hệ thống nông sản thực phẩm hiệu quả, bao trùm, linh hoạt và bền vững hơn, phù hợp với các điều kiện và ưu tiên của mỗi quốc gia.
Cuộc khủng hoảng hiện tại không phải là cuối cùng, và Mỹ Latinh, cũng như phần còn lại của thế giới, cần có tầm nhìn dài hạn, xác định phương hướng phát triển mới cho hệ thống nông sản thực phẩm.
Ông Khuất Đông Ngọc khẳng định chìa khóa cho chuyển đổi chính là đổi mới: Từ khoa học-công nghệ, số hóa, đến thể chế và hệ thống quản trị. Một ví dụ về đổi mới quản trị, để giải quyết tình trạng khan hiếm nước dai dẳng ở nhiều quốc gia, tất cả các bên liên quan cần hợp tác trong chiến lược ngắn và dài hạn để điều chỉnh hệ thống nông sản thực phẩm của mỗi nước.
Ngoài ra, các nước sẽ phải thiết kế các quy phạm pháp luật mới để điều chỉnh việc tiếp cận và sử dụng nước: đó là đổi mới thể chế. Và cuối cùng, cần thực hiện những đổi mới công nghệ lớn để nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp, khôi phục và bảo vệ đất và quản lý các lưu vực đầu nguồn bền vững hơn.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine làm trầm trọng thêm thách thức đối với an ninh lương thực toàn cầu, FAO khẳng định đổi mới là con đường duy nhất có thể đảm bảo hệ thống nông sản thực phẩm của khu vực sẽ tiếp tục hoạt động tốt trong tương lai. Nếu không thay đổi, Mỹ Latinh và Caribe chỉ "vá tạm" các lỗ hổng hiện tại và không thể sẵn sàng trước các cuộc khủng hoảng tương lai.
Ông Khuất Đông Ngọc bày tỏ hi vọng trong hội nghị khu vực khai mạc ngày 28/3 tới, cả 33 nước thành viên sẽ ủng hộ Khung chiến lược 2022-2031 của FAO, bởi đây không chỉ là một văn bản đơn thuần, mà là con đường hướng tới tương lai của các hệ thống nông sản thực phẩm.
Nạn đói gia tăng kỷ lục tại Mỹ Latinh Liên hợp quốc (LHQ) mới đây công bố báo cáo cho thấy tỉ lệ thiếu đói tại các quốc gia Mỹ Latinh đã lên đến 9,1%, cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 đã tàn phá thị trường việc làm, khiến nhiều người lâm vào cảnh đói nghèo. Phụ nữ và trẻ em tại...