Cảnh báo sóng Covid-19 thứ tư ở Pháp
Giáo sư Jean-Franois Delfraissy, cố vấn khoa học hàng đầu của chính phủ Pháp, cảnh báo sóng Covid-19 thứ tư do biến chủng Delta.
“Tôi cho rằng chúng ta sẽ đón sóng Covid-19 thứ tư, nhưng sẽ ôn hòa hơn nhiều so với ba lần trước bởi tỷ lệ tiêm chủng đã khác so với trước”, giáo sư Delfraissy trao đổi trong buổi phỏng vấn với đài France Info sáng nay.
Một cô gái tiêm vaccine Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng ngoài trời do Hội Chữ thập Đỏ tổ chức ở Paris ngày 29/6. Ảnh: AFP.
Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo Pháp sẽ đón làn sóng Covid-19 thứ tư vào tháng 9 hoặc tháng 10 do biến chủng Delta, chủng nCoV xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ và có khả năng siêu lây nhiễm.
Video đang HOT
Nhà dịch tễ học người Pháp Arnaud Fontanet, cố vấn khoa học cho chính phủ Pháp, cũng dự đoán số ca nhiễm tại Pháp sẽ tăng lên vào tháng 9 và tháng 10.
Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho hay biến chủng Delta đang lây lan khắp thế giới buộc một số quốc gia phải tái áp đặt lệnh hạn chế đi lại. Biến chủng này chiếm 20% số ca Covid-19 ở Pháp, vùng dịch lớn thứ 4 thế giới với hơn 5,7 triệu ca nhiễm và hơn 111.000 ca tử vong.
Thế giới tiêm hơn ba tỷ liều vaccine Covid-19
Hơn ba tỷ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên khắp thế giới tính đến 29/6, khi các nước đang chạy đua để kiểm soát biến chủng Delta.
Ít nhất 3,9 triệu người đã chết vì Covid-19, và trong khi một số quốc gia giàu có đang giảm ca nhiễm thành công nhờ các đợt tiêm chủng quyết liệt, những quốc gia khác không có sẵn nguồn cung vaccine lại đang gặp khó khăn.
Theo thống kê của AFP, các quốc gia có thu nhập cao đã tiêm trung bình 79 liều/100 dân, trong đó Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Israel dẫn đầu. Ở các quốc gia có thu nhập thấp, con số này chỉ là 1/100 người.
Tại hội nghị các ngoại trưởng G20 ở Italy hôm 29/6, các nhà ngoại giao nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác toàn cầu khi đối mặt đại dịch. "Hợp tác đa phương sẽ là chìa khóa cho năng lực tập thể của chúng ta để ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ở Paris, Pháp hôm 29/6. Ảnh: AFP .
Các lãnh đạo phương Tây đã cam kết tài trợ một tỷ liều vaccine cho các nước nghèo hơn, nhưng vẫn bị chỉ trích vì hỗ trợ quá chậm chạp.
Việc người dân do dự tiêm chủng cũng khiến chiến dịch tiêm chủng ở một số nơi không đạt tiến độ như mong đợi. Tại Nga, nơi ghi nhận số người chết do Covid-19 cao kỷ lục hôm 29/6, giới chức phải đưa ra các biện pháp tiêm chủng bắt buộc đối với một số nhóm công dân.
Trong khi đó, sự giận dữ của công chúng Australia đang tăng lên vì tốc độ tiêm chủng chậm chạp ở quốc gia đã chống dịch thành công trên diện rộng và có cuộc sống gần như bình thường. Hiện chưa đến 6% người trưởng thành ở Australia đã tiêm đủ hai liều vaccine.
Biến thể Delta đã đẩy các thành phố của Australia gồm Sydney, Perth, Darwin và Brisbane vào tình trạng phong tỏa, đồng nghĩa hơn 10 triệu người Australia đang phải ở nhà.
Nicola Hungerford, 57 tuổi, cư dân Brisbane, cho biết bà mong việc phong tỏa tiếp tục diễn ra cho đến khi chính phủ hành động quyết liệt trong triển khai vaccine. "Không thể tin nổi, họ thật vô trách nhiệm. Điều đó cho thấy họ thiếu tôn trọng người dân đến thế nào", bà cho hay.
Tốc độ lây nhiễm của biến chủng Delta cũng làm dấy lên những lo ngại về các sự kiện thể thao đang hoặc sắp diễn ra. Đức hôm qua kêu gọi chính phủ Anh hạn chế số lượng người hâm mộ được phép vào sân vận động Wembley theo dõi các trận đấu cuối cùng của Euro 2020.
"Tôi nghĩ việc hàng chục nghìn người tụ tập gần nhau là vô trách nhiệm" ở những quốc gia biến chủng Delta đang lan rộng, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer nói.
Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) và giới chức Anh cho biết khoảng 45.000 người hâm mộ được phép tham dự trận đấu giữa Anh và Đức chiều 29/6, tương đương 50% sức chứa. Số người tham dự sẽ tăng lên 75%, tương đương hơn 60.000 người, cho trận bán kết và chung kết tại Wembley, đám đông lớn nhất tại một sự kiện thể thao ở Anh từ khi đại dịch bùng phát.
Vaccine Moderna hiệu quả với biến chủng Delta Hãng dược Moderna dẫn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy vaccine của họ giúp cơ thể sản sinh kháng thể tương đối tốt chống biến chủng Delta. Nghiên cứu mà hãng dược Moderna trích dẫn hôm 29/6 được thực hiện trên mẫu huyết thanh của 8 người, thu được một tuần sau khi họ tiêm liều vaccine Covid-19 Moderna thứ hai....