Cảnh báo nhiệt độ nước biển nóng lên đe dọa sự tồn tại của loài bạch tuộc
Sốc nhiệt do nhiệt độ nước biển tăng có nguy cơ làm giảm thị lực của bạch tuộc và đe dọa sự tồn tại của loài sinh vật này.
Các nhà nghiên cứu Australia đưa ra cảnh báo trên trong một nghiên cứu được công bố ngày 5/4.
Các nhà nghiên cứu đã xác định 2 loại protein có vai trò quan trọng đối với thị giác của bạch tuộc, trong đó một loại duy trì độ trong của thủy tinh thể và một loại tái tạo các sắc tố trong các tế bào cảm thụ ánh sáng của mắt. Kết quả nghiên cứu quốc tế do Đại học Adelaide dẫn đầu cho thấy hàm lượng các protein này giảm đáng kể khi nước biển nóng lên, từ đó làm giảm thị lực của bạch tuộc.
Để đưa ra kết luận trên, nhóm nhà khoa học đã cho phôi của bạch tuộc berrima tiếp xúc với các mức nhiệt của nước 19, 22 và 25 độ C để mô phỏng nhiệt độ đại dương vào mùa hè hiện nay và nhiệt độ dự kiến vào mùa hè năm 2100.
Gần 70% não của bạch tuộc dành cho việc cảm nhận thị giác, cao hơn 20% so với não bộ của người. Theo tác giả nghiên cứu Qiaz Hua, bạch tuộc sử dụng thị giác để nhận biết chiều sâu, phát hiện sự chuyển động, giao tiếp và phát hiện con mồi và kẻ săn mồi. Do đó, thị lực giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn của loài này trong môi trường tự nhiên khi khả năng tìm kiếm thức ăn thấp và nguy cơ trở thành thức ăn của các loài khác gia tăng.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phát hiện nhiệt độ nước biển nóng lên trong tương lai cũng làm giảm tỷ lệ trứng nở. Nghiên cứu mô phỏng 3 lứa bạch tuộc và kết quả cho thấy 2 lứa không có trứng nở và 1 lứa còn lại chỉ có 50% số trứng nở.
Bà Qiaz Hua nhấn mạnh nghiên cứu chứng tỏ ngay cả loài sinh vật có khả năng thích nghi cao như bạch tuộc cũng có thể khó tồn tại trước những thay đổi của đại dương trong tương lai.
Muỗi biến đổi gen chống sốt xuất huyết ở Brazil
Brazil đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong những tháng đầu năm 2024.
Để giúp đối phó với sự lây lan của dịch sốt xuất huyết ở người, một nhóm các nhà khoa học đã thử nghiệm một phương pháp đặc biệt, đó là thả một loạt muỗi biến đổi gen vào môi trường tự nhiên.
Tại thành phố Suzano thuộc bang Sao Paolo của Brazil, công ty công nghệ sinh học Oxitec của Anh đang phát triển một phiên bản biến đổi gen của loài muỗi Aedes aegypti. Những con muỗi đực sau khi biến đổi gen sẽ mang một gen có thể tiêu diệt muỗi cái. Do đó, khi được thả ra môi trường tự nhiên, chúng sẽ khiến tỷ lệ sinh sản của loài muỗi này giảm đi, đồng thời giảm số lượng muỗi cái - tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết một cách rõ rệt. Phương pháp này đã được chứng minh có tác dụng giảm 90% số muỗi trong khu vực, giúp giảm rõ rệt số ca bệnh sốt xuất huyết tại địa phương này.
Brazil đang phải đối mặt với một đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong năm nay, khi đã ghi nhận hơn 973.000 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó 195 trường hợp đã tử vong. Đây là một trong các giải pháp nhằm đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết tại Brazil hiện nay, trong bối cảnh số ca bệnh đang tăng lên nhanh chóng.
Gấu trúc có thể bị 'jet lag'? Những con gấu trúc khổng lồ sống trong điều kiện nuôi nhốt có thể bị "chứng jet lag" nếu đồng hồ sinh học của chúng không phù hợp với môi trường. Dựa trên nghiên cứu mới được công bố trên chuyên san Frontiers in Psychology ngày 18.9, "jet lag" (tình trạng mệt mỏi sau chặng bay dài giữa hai vùng chênh lệch múi...