Cảnh báo nguy cơ Mỹ bỏ lỡ cơ hội kiểm soát đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ
Một số chuyên gia y tế lo ngại Mỹ đang đứng trước nguy cơ mất khả năng kiểm soát đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ do phản ứng chưa đủ nhanh.
Các ban đậu mùa khỉ trên da của bệnh nhân. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo The Hill dẫn nhận định của một số chuyên gia y tế cho rằng những gì đang xảy ra hiện nay khá giống với các diễn biến nghiêm trọng trong những ngày đầu đại dịch COVID-19 bùng phát khi các hoạt động xét nghiệm được thực hiện khá hạn chế và chương trình tiêm phòng chưa được chú trọng.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), nước này ghi nhận 460 ca bệnh đậu mùa khỉ tại 30 bang. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại con số trên chưa phản ánh thực tế khi nhiều người có thể đã mắc bệnh nhưng không đi xét nghiệm. Giám đốc điều hành Hiệp hội các trưởng khoa dịch bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục quốc gia Mỹ (NCSD) David Harvey lo ngại sự chậm trễ trong triển khai xét nghiệm, đảm bảo tiếp cận vaccine và các phương thức điều trị tốt nhất có thể sẽ khiến Mỹ bỏ lỡ cơ hội kiểm soát đợt bùng phát lần này.
Dù vậy, Washington khẳng định tự tin với cách tiếp cận xử lý đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay. Giám đốc điều phối ứng phó dịch COVID-19 của Nhà Trắng Ashish Jha cho biết khác với virus SARS-CoV-2, virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã được biết đến từ nhiều thập kỷ và thế giới đã hiểu về cách thức bệnh lây lan, có sẵn phương thức xét nghiệm phát hiện người mắc bệnh và có vaccine hiệu quả bảo vệ cao trước loại virus này.
Washington hiện cũng đang đẩy mạnh các biện pháp ứng phó thông qua mở rộng năng lực xét nghiệm và khả năng tiếp cận vaccine. Từ cuối tháng 6, Chính phủ Mỹ đã bổ sung các cơ sở được phép tiến hành xét nghiệm đậu mùa khỉ, bao gồm các phòng xét nghiệm tư nhân, mở rộng quy mô chương trình tiêm phòng. Chính phủ Mỹ đã công bố kế hoạch triển khai ngay lập tức hàng chục nghìn liều vaccine Jynneos đặc hiệu cho bệnh đậu mùa khỉ, đã được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cấp phép.
Mỹ đặt mục tiêu đến cuối năm, hơn 1 triệu liều vaccine sẽ được chuẩn bị sẵn sàng để đưa vào sử dụng. CDC cũng đã bổ sung các tiêu chí để một người được xác định là phơi nhiễm hoặc nghi ngờ phơi nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ để được tiêm phòng, thay vì chỉ giới hạn trong số những người tiếp xúc với ca bệnh đã được xác nhận. Mới đây, thành phố New York và Washington đã triển khai tiêm phòng cho nhóm nam giới có quan hệ đồng tính. Tuy nhiên, việc đảm bảo đủ số lượng vaccine cho chiến dịch tiêm phòng lớn hơn vẫn đang là một thách thức.
Panama ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 5/7, Bộ Y tế Panama thông báo ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này.
Bàn tay của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Y tế Luis Francisco Sucre cho biết bệnh nhân, một người đàn ông 30 tuổi, đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện. Theo kết quả điều tra dịch tễ, người bệnh trước đó đã tiếp xúc với 3 người nước ngoài, những người đã được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ sau khi trở về nước.
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh lây truyền từ động vật sang người. Bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc với người, linh trưởng, động vật gặm nhấm... bị nhiễm virus, qua đường hô hấp, mắt, mũi, miệng và có thời gian ủ bệnh từ 6 đến 13 ngày. Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa nhưng nhẹ hơn, bao gồm các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban và nổi hạch bạch huyết.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận cho đến cuối tháng 6 vừa qua có khoảng 3.500 ca bệnh đậu mùa khỉ ở 50 quốc gia trên thế giới.
WHO ghi nhận trên 5.300 ca bệnh đậu mùa khỉ trong 6 tháng đầu năm nay Ngày 5/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đến nay đã tiếp nhận báo cáo xác nhận về trên 5.300 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ thông qua các kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Có tới 85% trong số này là các trường hợp tại châu Âu. Bàn tay của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh...