Cảnh báo nguy cơ khủng bố ở Đông Nam Á
Mỹ, Úc, Anh đồng loạt cảnh báo các nước Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ bị tổ chức nhà nước Hồi giáo IS tấn công.
Cảnh sát và binh sĩ Indonesia diễn tập chống khủng bố ngày 22.2 – Ảnh: AFP
Ngày 22.2, tờ The Sydney Morning Herald đưa tin các cơ quan tình báo Mỹ vừa cảnh báo những đối tượng liên quan tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể tiến hành tấn công khủng bố ở Đông Nam Á.
Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok đã khuyến cáo cảnh sát hoàng gia Thái Lan đặc biệt chú ý đến khả năng bị tấn công tại hệ thống giao thông công cộng, điểm nóng du lịch, trung tâm mua sắm, giải trí… Trong khi đó, Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Thái Lan Thawip Netniyom khẳng định với báo chí rằng Mỹ đưa ra cảnh báo mới cho toàn khu vực chứ không chỉ riêng Thái Lan. Ông Thawip nhấn mạnh lực lượng tình báo Thái “không phớt lờ” bất kỳ cảnh báo nào và kêu gọi mọi người “không nên hoảng sợ”. Cảnh sát Thái Lan hiện đang tăng cường tuần tra và kiểm tra an ninh tại những nơi có nhiều tụ tập và người nước ngoài.
Bên cạnh đó, chính phủ Úc tối 21.1 cảnh báo về một cuộc tấn công tiềm tàng ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. “Những kẻ khủng bố có thể đang lập kế hoạch tấn công ở trong và xung quanh Kuala Lumpur. Những cuộc tấn công có thể… nhắm vào lợi ích của phương Tây hoặc những địa điểm có người phương Tây hay lui tới. Mọi người nên đặc biệt cảnh giác trong thời điểm này”, AFP dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho hay. Bộ này nói rõ rằng “có mối đe dọa về khủng bố đang nổi lên ở Malaysia, bao gồm Kuala Lumpur và những thành phố lớn khác”.
Video đang HOT
Trong thông báo, chính phủ Úc còn lưu ý rằng giới chức Malaysia vừa bắt giữ nhiều đối tượng bị tình nghi lên kế hoạch tấn công những khu vực giải trí ở Kuala Lumpur. Cảnh sát Malaysia hồi cuối tháng trước loan báo họ đã bắt 7 tay súng IS bị nghi ngờ đang lên kế hoạch khủng bố. Trong đó có một người bị cho là đã liên hệ với tay súng cực đoan người Indonesia Bahrun Naim. Naim chính là nhân vật mà giới chức Indonesia tình nghi chủ mưu vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Jakarta ngày 14.1, khiến 4 dân thường thiệt mạng và 23 người bị thương.
Trước đó vài ngày, Bộ Ngoại giao Anh cũng đã phát cảnh báo tương tự Úc, nâng mức báo động về nguy cơ khủng bố dành cho du khách Anh từ bình thường lên “cao”, khuyến cáo họ không nên đến những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Malaysia, theo tờ Daily Mail.
Phản ứng về cảnh báo mới của Úc, Bộ Ngoại giao Malaysia khẳng định tình hình an ninh vẫn được kiểm soát, “không có gì phải báo động”, theo tờ The Sydney Morning Herald. Chính quyền Kuala Lumpur đặt trong tình trạng cảnh giác cao kể từ khi IS nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Jakarta hồi tháng trước và hàng loạt âm mưu tấn công khủng bố bị phát hiện ở Malaysia.
Sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Jakarta, giới chức Indonesia cũng đã siết chặt quy định về chống khủng bố, mở rộng các cuộc bố ráp nhằm vào những đối tượng khả nghi và tăng cường diễn tập chống khủng bố. Ngày 22.2, cảnh sát và binh sĩ lục quân Indonesia đã tiến hành cuộc diễn tập chống khủng bố quy mô lớn ở thành phố Banda Aceh, thủ phủ của tỉnh Aceh.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Máy bay Boeing 787 Nhật đáp khẩn cấp ở Malaysia vì trục trặc động cơ
Một máy bay Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không ANA (Nhật Bản) chở theo 214 người đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay tại Kuala Lumpur (Malaysia) vì trục trặc động cơ.
Một máy bay Boeing 787 của hãng ANA hạ cánh khẩn cấp tại tỉnh Kagawa (Nhật Bản) hồi năm 2013 - Ảnh: Bloomberg
Sự cố xảy ra vào ngày 22.2 với chiếc Boeing 787 chở theo 203 hành khách và 11 phi hành đoàn, theo Bloomberg ngày 22.2. Máy bay này cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur vào lúc 8 giờ 10 để đến thủ đô Tokyo (Nhật Bản) nhưng phải quay lại hạ cánh vào lúc 9 giờ 27.
Trang theo dõi hoạt động của các chuyến bay Flightradar24.com cho hay máy bay trên đã lên đến độ cao khoảng 8.535 m, 40 phút sau khi cất cánh thì phải quay trở lại sân bay Kuala Lumpur.
Các phi công nhận được cảnh báo rằng khí thải từ động cơ cánh phải máy bay có nhiệt độ rất cao. Người phát ngôn Kenichi Furukawa của hãng ANA cho hay các phi công đã ngắt nguồn điện động cơ bên phải và hạ cánh bằng động cơ bên trái.
Toàn bộ hành khách đều an toàn và được sắp xếp để đi các chuyến bay khác đến Tokyo. Hãng ANA đang xác minh nguyên nhân sự cố.
Máy bay Boeing 787 sử dụng động cơ do hãng Rolls-Royce sản xuất. Boeing và Rolls-Royce cho hay đã được thông tin về sự cố và làm việc với hãng hàng không.
Trang 24/7 Wall Street cho biết máy bay gặp sự cố là mẫu Boeing 787-8 Dreamliner, dòng máy bay hiện đại này được đưa vào sử dụng vào năm 2011 sau hơn 3 năm trì hoãn.
Đã có nhiều sự cố xảy ra ngay sau khi máy bay Dreamliner được sử dụng. Năm 2011, sau khi hãng ANA nhận các máy bay Dreamliner đầu tiên, một sự cố về càng hạ cánh được phát hiện. Tháng 7.2012, 5 trong số 11 chiếc Dreamliner của ANA bị ngưng sử dụng do trục trặc ở động cơ do Rolls-Royce sản xuất. Ngoài ra là sự cố về pin Lithium trên máy bay.
Hồi tháng 1.2013, một chiếc Boeing 787 cũng của hãng ANA phải hạ cánh khẩn cấp khiến các cơ quan quản lý Mỹ phải cho ngừng sử dụng toàn bộ mẫu máy bay này lần đầu tiên sau 34 năm.
Một chiếc Boeing 787-8 có giá 224,6 triệu USD, mẫu 787-9 lớn hơn có giá 264,6 triệu USD và mẫu 787-10 có giá 306,1 triệu USD.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Máy bay Boeing 787 Dreamliner của Nhật phải hạ cánh khẩn cấp Ngày 22/2, máy bay Boeing 787-8 Dreamliner của hãng hàng không All Nippon Airways (Nhật Bản) đã buộc phải quay trở lại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) do bị trục trặc động cơ. Một chiếc Boeing 787-8 Dreamliner của hãng hàng không All Nippon Airways. Phát ngôn viên của hãng hàng không Nhật Bản, Shoichiro Horii cho biết máy bay Boeing 787-8 Dreamliner...