Cảnh báo nạn lừa đảo qua điện thoại bằng hình thức trúng thưởng
Với thủ đoạn mạo danh các nhà mạng để nhắn tin hoặc gọi điện thoại cho khách hàng thông báo trúng thưởng với giá trị lớn, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, nạp tiền, chuyển tiền vào tài khoản đã được chỉ định hoặc giả danh bạn bè, người thân nhờ nạp thẻ cào ..vv.. nhiều người đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo qua điện thoại.
Dính bẫy vì hám lợi
Chỉ vì quá tin tưởng, hám lợi và bị thuyết phục bởi những lời dẻo ngọt của kẻ xấu, nhiều người trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo, anh Nguyễn Văn Phúc, ở tiểu khu Nam Hồng, phường Phú Hải, TP. Đồng Hới một nạn nhân, bức xúc kể lại:
“Ngày 30-3, nhận được điện thoại từ số máy 016898848xx và 016756652xx của một người tự xưng là nhân viên của hãng Viettel thông báo tôi đã trúng thưởng món quà giá trị từ hãng gồm: 1 xe máy trị giá 50 triệu, cùng với nhiều món hàng có giá trị cao khác và tiền mặt, tổng trị giá giải thưởng lên đến 180 triệu đồng. Sau đó người này yêu cầu tôi phải trả cước phí vận chuyển quà từ Hà Nội vào Quảng Bình với trị giá 1 triệu đồng, bằng cách cào Card điện thoại và yêu cầu tôi phải giữ kín không được tiết lộ cho người thứ ba biết nếu không sẽ cắt phần thưởng”.
Ông Phạm Thất và bà Quê, ở thôn Phú Trịch, Quảng Lộc, Quảng Trạch nạn nhân của kẻ lừa đảo
Vừa tin người, lại thiếu cảnh giác, anh Phúc chạy đi mua ngay 10 card điện thoại loại mệnh giá 100.000 đồng và lần lượt đọc mã số nạp tài khoản cho người tự xưng là nhân viên hãng Viettel kia mà không mảy may nghi ngờ gì. Chưa đầy 1 giờ sau số điện thoại kia lại tiếp tục gọi vào máy anh Phúc và yêu cầu anh Phúc chuyển số tiền 18 triệu đồng tương đương 10% giá trị lô hàng trúng thưởng, với lý do bị Chi cục Thuế TP. Vinh bắt giữ nên cần tiền để làm luật. Vì số tiền người đàn ông kia yêu cầu quá lớn, phần khác vì bán tính bán nghi nên anh Phúc ra điều kiện là phải giao hàng tận nơi mới giao tiền. Đến chiều thì anh Phúc liên lạc vào 2 số điện thoại trên thì đều đã tắt máy và khi nghe mọi người cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo trên thì anh Phúc mới nhận ra là mình đã bị xấu lợi dụng.
Một nạn nhân khác của trò lừa đảo từ số máy 016448459xx mà nạn nhân là ông Phạm Thất và bà Hoàng Thị Quê, ở thôn Phú Trịch, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch cũng với hình thức tương tự, kẻ gian đã lừa nạp card với trị giá 1 triệu đồng từ việc thông báo trúng thưởng.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp trên địa bàn tỉnh ta mà bọn lừa đảo đã thực hiện trong thời gian qua, đó là còn chưa kể đến nhiều những nạn nhân khác của những trò nhắn tin mạo danh bạn bè, người thân để nhờ nạp card…
Khó truy tìm
Thủ đoạn không hề mới và cũng hết sức đơn giản, bọn chúng chỉ cần ngồi ở một nơi nào đó, nhắn tin hoặc gọi điện thoại đối với những người mà chúng biết được số điện thoại và có thể thực hiện được hành vi lừa đảo. Bằng việc đánh trúng tâm lý của nhiều người dân là thích nhận phần thưởng, rồi yêu cầu người được thông báo trúng thưởng phải trả cước phí vận chuyển, lệ phí nhận hàng..vv.. bằng mọi cách để chiếm đoạt của người mà bọn chúng thông báo. Thượng tá Giã Văn Phương – Phó trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đối với loại tội phạm này rất khó truy tìm, chúng thường sử dụng sim điện thoại trả trước không đăng ký, thay đổi họ tên rồi mạo danh những nhà mạng, cơ quan và tổ chức có uy tín để thực hiện hành vi lừa đảo, sau khi thực hiện xong chúng vứt sim. Do đó, công tác truy xét gặp rất nhiều khó khăn.
Video đang HOT
Ngoài hình thức lừa đảo bằng hình thức nạp tiền qua điện thoại bằng thẻ cào thì thời gian gần đây trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn đối tượng giả danh cán bộ Công ty xổ số kiến thiết cho đánh lô đề, giả danh nhân viên Kho bạc Nhà nước thông báo trúng thưởng đến các số điện thoại cố định ở các vùng nông thôn, người nhận điện thoại ít hiểu biết dễ tin và hám lời nên đã chuyển tiền vào các tài khoản thẻ ATM do đối tượng sử dụng CMND giả mở tại các ngân hàng để yêu cầu người được thông báo trúng thưởng chuyển tiền vào để chiếm đoạt..vv.. Chúng tôi đã liên tục thông báo về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này, đặc biệt là thông báo công khai các số tài khoản tại các ngân hàng mà bọn chúng dùng CMND giả để mở tài khoản..vv.. để người dân cảnh giác, đề phòng và kịp thời trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện những kiểu lừa này”.
Cần cảnh giác
Không riêng gì nhà mạng Viettel mà nhiều nhà mạng lớn như Vinaphone, MobiFone..vv.. cũng bị những kẻ xấu lợi dụng. “Để bảo vệ khách hàng của mình, chúng tôi đã liên tục đăng tải thông tin trên website và liên tục nhắn tin tới thuê bao toàn mạng để khuyến cáo khách hàng về các hình thức mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng. Trong tất cả các chương trình khuyến mãi hoặc quay số trúng thưởng đều không yêu cầu khách hàng phải cung cấp mã số thẻ cào hoặc nạp tiền hoặc cung cấp các thông tin cá nhân chi tiết, còn ở các địa phương chúng tôi thường xuyên đẩy mạnh việc thông báo và cho nhân viên địa bàn, các điểm cung cấp dịch vụ, các điểm giao dịch cảnh báo, truyền thông cũng như giải đáp cho khách hàng tự đề phòng”, ông Lê Thanh Phong – Giám đốc Chi nhánh Viettel Quảng Bình cho biết.
Hiện nay, tình trạng lợi dụng các nhà mạng điện thoại để lừa thông báo trúng thưởng rất phổ biến, các chiêu lừa là nhắn tin hay gọi điện vào các số thuê bao khác để lừa những nhẹ dạ, thiếu hiểu biết. Nhiều người đã sập bẫy và nạp tiền. Do đó, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác hơn nữa, đặc biệt là những thông tin trúng thưởng qua điện thoại hoặc qua mạng internet; thì phía các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu để truy tìm, đồng thời cần xử lý nghiêm đối với loại tội phạm này.
Để thắt chặt và quản lý thuê bao di động trả trước, hạn chế tối đa hạn chế được những tiêu cực do sim “rác”, sim “vô chủ” gây ra như dùng thuê bao “ma” gọi điện, phát tán các loại tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, khủng bố đến người dùng, gây mất an toàn- an ninh xã hội. Vừa qua Bộ Thông tin và truyền thông ban hành Thông tư số 04/2012/BTTTT thay thế Thông tư 22/2009/BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước và sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2012.
Theo đó, một số hành vi của người sử dụng và các đại lý bán sim điện thoại sẽ bị cấm triệt để là: Sử dụng CMND hoặc hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; sử dụng CMND hoặc hộ chiếu của mình để đăng ký thông tin thuê bao cho người khác; kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao vẫn chưa thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao theo quy định; mua bán, lưu thông trên thị trường sim đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao theo quy định; tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước trái pháp luật; mua bán, lưu thông, sử dụng sim đa năng để đăng ký thông tin thuê bao, thiết bị có chức năng kích hoạt sim thuê bao không cần phải bẻ sim.
DN cung cấp dịch vụ di động, chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao, đại lý phân phối sim thuê bao và người sử dụng dịch vụ TBTT vi phạm các quy định tại Thông tư này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo ANTD
Thái Bình: Ông lão làm việc nghĩa bị "nữ quái" lừa tiền
Theo phản ánh của ông Lê Văn Cam (74 tuổi; trú tại xã Vũ Phúc, TP.Thái Bình), từ một email (thư điện tử) thông báo trúng thưởng hàng triệu EUR từ quay xổ số, Trần Thị Thu Thuỷ (SN 1984, trú tại thôn Phú Lạc, xã Phú Xuân, TP.Thái Bình) đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của ông gần 300 triệu đồng.
Ông Cam là một người tìm mộ liệt sĩ nổi tiếng của Thái Bình; đã có rất nhiều bài báo viết về ông. Trong 15 năm qua, ông đã bỏ công sức thu thập thông tin để có trong tay danh sách hơn 27.000 liệt sĩ; viết hơn 16.000 lá thư giúp tìm mộ liệt sĩ cho những thân nhân của họ.
Ông Lê Văn Cam - nạn nhân bị Thuỷ lừa đảo.
Trò lừa ngoạn mục!
Theo trình báo của ông Cam: Vào khoảng đầu năm 2010, Thủy đã gửi tặng cho ông một website, một địa chỉ email, rồi sau đó 2 người quen nhau. Thủy giới thiệu với ông là cộng tác viên của báo điện tử (không nói rõ báo nào). Vào ngày 30.8.2010, ông Cam nhận được một email gửi tới địa chỉ email mà Thủy gửi tặng, có nội dung "Chúng tôi xin được thông báo cho bạn rằng, Minístero de Justicia (?) của Tây Ban Nha đã phê duyệt thanh toán của bạn đạt giải này 5 triệu EUR Quốc tế chương trình sổ số (nguyên văn viết sai chính tả - PV) kiến thiết thường niên". Tuy nhiên, muốn được nhận số tiền trên, thì phải nộp trước cho nơi quay trúng xổ số 450USD.
Tin tưởng vào nội dung bức thư trên, ông Cam đã ra ngân hàng thực hiện theo yêu cầu, nhưng một nhân viên ngân hàng bảo rằng đó là hành vi lừa đảo, nên ông trở về. Ông đặt vấn đề về sự việc trên với Thủy. Thủy đã nhận giúp đỡ ông mọi khâu giao dịch theo yêu cầu của đối tác, ông chỉ cần... đưa tiền cho Thủy.
Ông Cam thuật lại các lần ông phải đưa tiền cho Thủy: Lần thứ nhất, đối tác yêu cầu nộp 400USD, ông đã đưa cho Thủy 9 triệu đồng; lần 2 đối tác yêu cầu nộp 850EUR gửi sang một ngân hàng ở London (Anh), tương đương 24 triệu đồng, Thủy cũng đứng nhận tiền chuyển vào tài khoản của chị để "giao dịch". Sau đó, ông nhận thông báo số tiền thưởng đã về một ngân hàng ở TPHCM, phí chuyển tiền là 18,5 triệu đồng. Thủy cũng nhận tiền và "giao dịch".
Tiếp theo, Thủy nói rằng ngân hàng yêu cầu lập 2 tài khoản, một mang tên ông, một mang tên người từ trước đến nay đứng ra giao dịch (tức Thủy), mỗi thẻ phải có số dư 50 triệu đồng để tránh thẻ ảo, mới nhận được tiền. Ban đầu ông chỉ đưa Thủy 50 triệu đồng. Thấy vậy, Thủy nói Thủy sẽ cho ông vay 30 triệu, ông chỉ cần chạy 20 triệu để đủ tiền lập 2 thẻ. Ông Cam lại phải đi vay mượn cho đủ 20 triệu.
Đối tượng Trần Thị Thu Thuỷ (ảnh do ông Cam chụp lại).
Thấy bở, đào mãi!
Sau đó, "đối tác" lại yêu cầu nộp 300 triệu tiền thuế thu nhập đặc biệt. Ông Cam nói với Thủy không thể "chạy" được nữa. Giở trò cũ, Thủy bảo ông cố "chạy" 130 triệu đồng, Thủy cho vay 170 triệu đồng. Ông Cam lại cố chạy vạy, vay mượn. Ngày 18.11.2011, ông ra ngân hàng làm thủ tục, thì Thủy bảo rằng đã làm thủ tục vào ngày trước, ông chỉ cần đưa tiền cho Thủy. Nhưng tiền đưa cho Thủy rồi mà tiền thưởng thì chẳng thấy đâu.
Đầu tháng 12.2010, ông Cam lại nhận được thư điện tử thông báo trúng thưởng 3 gói hàng từ London gửi về qua sân bay Nội Bài trị giá 9 tỉ đồng, nhưng nếu muốn nhận, phải đóng cước 1.345USD. Ông Cam lại đưa Thủy 28 triệu đồng để lo thủ tục.
Thủy còn yêu cầu ông Cam trả số lãi vay của 200 triệu đồng (là số tiền trước đó Thủy đã cho ông "vay"), khiến ông phải vay bạn 4 triệu đồng để trả Thủy. Theo ông Cam, tổng cộng Thủy đã nhận của ông 283,5 triệu đồng. Số tiền trên chủ yếu do ông và các con dâu vay mượn. Chưa hết, tối 27.11.2010, Thủy còn ép ông viết giấy vay nợ 200 triệu đồng.
Trước tình hình trên, ông mới vỡ lẽ đây là lừa đảo. Vào tháng 1.2011, ông đã có đơn trình báo cơ quan CA. Trao đổi với PV, Cơ quan CSĐT CA TP.Thái Bình cho biết: Sau khi nhận được đơn trình báo của ông Cam, cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam đối với Trần Thị Thu Thủy về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Do đang trong quá trình điều tra, nên cơ quan này từ chối cung cấp thêm thông tin.
Ông Cam cho biết thêm: Sau khi sự việc bị phát giác, bố của Thủy đã đưa cho ông 40 triệu đồng tiền khắc phục hậu quả. Ông Cam chua xót: "Tôi tin tưởng quá nên mới bị lừa đau như vậy. Số tiền trên chủ yếu do các con dâu, con gái vay cho tôi. Trừ đi 40 triệu phía gia đình Thủy khắc phục hậu quả, hiện giờ số tiền Thủy lấy của tôi là hơn 243 triệu đồng, tôi không biết lấy ở đâu để trả nợ cho người ta". Ông mong cơ quan chức năng có biện pháp giúp ông được hoàn lại số tiền Thủy đã lừa, để ông có thể trả những khoản nợ đã vay.
Theo Lao Động
Những cặp vợ chồng lừa đảo bằng chiêu trúng thưởng Vừa mở xong gói cà phê tìm vé trúng thưởng, chị Mỵ chưa kịp mừng thì bị 2 phụ nữ lột sạch vòng vàng để chờ nhận giải thưởng. Ra xe định tẩu thoát, nhóm này đã bị hiệp sĩ SBC tóm gọn. Sáng 7/4, sau hơn một giờ theo dõi 4 kẻ khả nghi điều khiển xe máy đảo quanh khu vực...