Cảnh báo: Mua nhà, đất qua vi bằng là mất trắng
Những căn nhà không có giấy chứng nhận được các đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất đai nhờ các văn phòng thừa phát lại lập vi bằng khi chuyển nhượng khiến người mua bị lừa trắng tay.
Ông Lê Trương Hải Hiếu , Chủ tịch UBND quận 12 , TP.HCM, cho biết: UBND quận 12 vừa phát hành thông báo để người dân cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mua bán, chuyển nhượng nhà, đất thông qua hình thức lập vi bằng trên địa bàn quận 12.
Tuyệt đối không mua bán nhà, đất qua vi bằng
Nội dung thông báo nêu rõ trên địa bàn quận xuất hiện nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà, đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng thừa phát lại (TPL). Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở thì hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (trong đó có nhà ở, nhà ở thương mại)… phải được công chứng, chứng thực theo quy định. Tuy nhiên, việc mua bán, chuyển nhượng nhà , đất với hình thức vi bằng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, các đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất đai đã thu gom đất xây nhà, rao bán bằng vi bằng do TPL lập để trục lợi.
Với những căn nhà không có giấy chứng nhận được mua bán bằng giấy tay, để tăng sự tin tưởng các đối tượng này nhờ các văn phòng TPL lập vi bằng. Thậm chí nhiều căn nhà chung một giấy chứng nhận cũng được bán bằng hình thức đồng sở hữu, lập vi bằng. Nhiều nạn nhân dính vào nhà đất tranh chấp, cầm cố ngân hàng, xây dựng trái phép khiến cuộc sống khó khăn.
Thông điệp của UBND quận 12 đưa ra để cảnh báo dân chúng trên địa bàn tuyệt đối không thực hiện mua bán, chuyển nhượng nhà, đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng để tránh bị lừa đảo.
Theo tìm hiểu của PV, những miếng đất phân lô lụi, những căn nhà không đủ điều kiện pháp lý để giao dịch… là miếng mồi béo bở mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để chiêu dụ người mua khi họ đang cần đầu tư hay chỗ ở. Người mua cả tin nghe theo “cò” hoặc các đầu nậu, rằng cứ yên tâm mua bằng giấy tay, mọi thứ có vi bằng do TPL lập. Nhiều người cả tin, cứ nghĩ vi bằng là “bảo bối”, là bằng chứng pháp lý chắc chắn cho việc giao dịch để rồi sau đó lãnh quả đắng.
Thông báo cảnh giác của UBND quận 12, TP.HCM về mua bán nhà, đất qua vi bằng. Ảnh: KIM PHỤNG
Không có cái gọi là “công chứng vi bằng”
Trước đó, UBND huyện Hóc Môn, TP.HCM từng khuyến cáo người dân khi mua nhà, đất phải tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch, vị trí nhà, đất và tính pháp lý của nhà, đất dự kiến giao dịch. Người dân cần liên hệ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương (Phòng Quản lý đô thị, TN&MT, UBND xã, phường, thị trấn nơi có nhà, đất…) để tìm hiểu thông tin chính xác về nhà, đất trước khi thực hiện giao dịch cho an toàn.
Tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TP.HCM) có tình trạng cò đất giả dạng làm người mua đất nông nghiệp với diện tích lớn. Sau đó, họ mượn giấy tờ đất của các hộ gia đình, cá nhân rồi tự phân lô vẽ nền trên giấy để rao bán đất nền bằng tờ rơi quảng cáo, bán trên các trang điện tử, Facebook, Zalo… với giá 12-20 triệu đồng/m2. Thậm chí khách hàng chỉ cần đặt cọc 50-400 triệu đồng thì trong vòng một năm sẽ có giấy chứng nhận để xây nhà ở.
Video đang HOT
Các cò đất chỉ vẽ, làm người mua tin tưởng bằng cách là việc mua bán này được “công chứng vi bằng” có dấu đỏ nên không phải lo. UBND xã kiểm tra thực địa các khu đất mà cò đất rao bán thì đều là đất nông nghiệp, không phải đất ở và cũng không có dự án đất ở nào cả. UBND xã đã báo cáo ngay với cấp trên và ra thông báo, làm biển báo… đặt tại các khu đất nhằm cảnh báo cho người dân.
Công an xã Đông Thạnh từng chuyển hồ sơ để đề nghị công an huyện xử lý những người phân nền đất nông nghiệp và người làm môi giới bán đất nông nghiệp qua vi bằng TPL trái quy định của pháp luật. Được biết hiện nay công an huyện đã chuyển hồ sơ lên Công an TP.HCM để xử lý theo thẩm quyền.
4 lý do không nên mua bán nhà, đất qua vi bằng
Đúng là có tình trạng TPL chưa giải thích rõ giá trị pháp lý của vi bằng, làm một số đối tượng lợi dụng lừa gạt người dân nhầm tưởng giá trị của vi bằng. Vì vậy, việc giải thích giá trị của vi bằng là yêu cầu bắt buộc đối với TPL trước khi lập vi bằng.
Vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Việc lập vi bằng của TPL là để tạo lập chứng cứ mang lại lợi ích cho người dân, phòng ngừa tranh chấp, giảm tải hoạt động của tòa án khi giải quyết vụ án. Người dân cần hiểu đúng về giá trị của vi bằng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Có bốn lý do để người dân không nên mua, bán nhà, đất qua vi bằng. Một là vi bằng là văn bản có giá trị chứng cứ, không phải là hợp đồng, giao dịch. Do đó không thể mua bán nhà, đất bằng vi bằng mà phải mua bán qua công chứng. Khi thực hiện hợp đồng công chứng, các bên có thể yêu cầu TPL lập vi bằng để ghi nhận việc bàn giao tiền, tài sản, ghi nhận hiện trạng tài sản để làm chứng cứ chứ không có giá trị như hợp đồng công chứng mua bán nhà, đất.
Hai là không nên mua bán nhà, đất chưa đủ điều kiện giao dịch theo quy định của pháp luật, mua bán bằng giấy tay. Trường hợp này vi bằng của TPL chỉ có giá trị chứng cứ chứng minh các bên có thực hiện giao dịch, làm cơ sở để tòa án giải quyết, xem xét công nhận hợp đồng, giao dịch hoặc giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Vi bằng không phải là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho người mua.
Ba là người mua cần yêu cầu TPL giải thích rõ giá trị pháp lý của vi bằng, phải đảm bảo mình đã hiểu rõ trước khi giao tiền, tài sản để thực hiện hợp đồng, giao dịch. Hợp đồng công chứng có giá trị pháp lý khi đã được công chứng viên ký tên, đóng dấu phát hành, còn vi bằng chỉ ghi nhận lại sự kiện, hành vi diễn ra trước mặt TPL. Do vậy, nếu như các bên đã giao tiền, tài sản mà sau đó phát sinh tranh chấp, hoặc đổi ý… thì việc đòi lại tiền, tài sản đã giao sẽ rất phức tạp.
Bốn là nên hiểu đúng về vi bằng của TPL. Vi bằng của TPL là chứng cứ trong tố tụng, không phải là hình thức mua bán nhà, đất. Việc hiểu sai giá trị chứng cứ của vi bằng làm chệch hướng hoạt động quản lý về đất đai cũng như quản lý về TPL.
Thừa phát lại NGUYỄN TIẾN PHÁP, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại
Thủ Đức, TP.HCM
Thừa phát lại không được “lập lờ đánh lận con đen”
Trước đây, Bộ Tư pháp từng có công văn (số 560 ngày 30-6-2017) yêu cầu TPL phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ. Bộ Tư pháp yêu cầu: TPL không được cố tình lập vi bằng việc mua bán nhà, đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền, lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.
Mới đây nhất, ngày 10-5-2019, Sở Tư pháp TP.HCM cũng đã có thông báo (số 2634) nhắc lại nội dung liên quan này. Theo đó, trưởng các văn phòng TPL và các TPL tổ chức rút kinh nghiệm, rà soát kỹ về hình thức và nội dung của vi bằng để đảm bảo tính chặt chẽ, hợp pháp của vi bằng và hạn chế đến mức thấp nhất việc sửa lỗi kỹ thuật vi bằng. Trưởng các văn phòng TPL và TPL chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND quận, huyện thực hiện tuyên truyền chế định TPL.
Kim Phụng
Theo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh
6 tháng cuối năm 2019 có thể mua được nhà nội thành giá rẻ
Theo TS Đinh Thế Hiển, khách hàng nên gửi tiết kiệm ngân hàng 6 tháng đầu năm, 6 tháng sau sẽ có khả năng mua được những căn nhà nội thành giá thấp hơn.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho hay, thống kê 3 năm qua, tỷ lệ căn hộ càng ngày càng giảm, tức hàng tồn kho tăng.
Vì vậy, thị trường bất động sản năm 2019 không thiếu sản phẩm cho nhà đầu tư lựa chọn, việc giảm cung sẽ giúp cân bằng cán cân cung - cầu hơn và điều này rất tốt cho thị trường.
Ông Hiển cũng khuyến cáo, nhà đầu tư đừng vội vã trong lúc thị trường khan hiếm nguồn cung cục bộ. Đây là thời gian thử thách cần thiết để xem xét lại hướng đi của thị trường.
Sự thiếu hụt nguồn cung sẽ khiến nhà đầu tư không có nhiều sản phẩm mới để chọn lựa và vì thế, họ sẽ quay sang cân nhắc tiêu thụ nguồn cung cũ.
Phân khúc bất động sản nào khách hàng nên đầu tư?
Sự trì hoãn của dòng vốn cũng là phép thử đối với giá nhà , vốn đang ở ngưỡng cao ngất hiện nay, từ đó, giúp nhà đầu tư xác định được đâu là mức giá hợp lý.
"Nếu có người hỏi tôi có nên đầu tư vào bất động sản hiện nay hay không, thì theo kinh nghiệm, tôi sẽ khuyên người đó nên gửi tiết kiệm ngân hàng, 6 tháng sau sẽ có khả năng mua được những căn nhà nội thành mà mình thích với mức giá thấp hơn", ông Hiển nói.
Còn theo quan điểm của ông Lê Hoàng Châu, cuối năm 2019, việc thiếu hụt nguồn cùng quỹ đất, bồi thường giải phóng mặt bằng khó khăn, tín dụng có xu hướng thắt chặt hơn... sẽ khiến thị trường bất động sản đứng trước nhiều thách thức.
Ông Châu cho rằng, kịch bản xấu của thị trường bất động sản 2019 ngày càng lớn dần khi thị trường có sự sụt giảm nguồn cung liên tục nhiều quý liền và giao dịch cũng ảm đạm hơn năm 2017, đặc biệt là nguồn cung căn hộ bình dân, vừa túi tiền giảm mạnh.
Chọn phân khúc nào để đầu tư?
Đánh giá về tiềm năng của các phân khúc, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nếu mua bất động sản để đầu tư, cách an toàn nhất hiện nay là chọn căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, diện tích từ nhỏ đến trung bình, tại các dự án có vị trí thuận tiện, kết nối hạ tầng tốt.
Đặc tính của nhà nhỏ là dễ mua, dễ bán, dễ cho thuê, ít rủi ro. Dòng sản phẩm này thị trường luôn có nhu cầu, nên không lo ứ đọng vốn và đạt tỷ suất sinh lời ổn định.
"Bên cạnh đó, với sự phát triển của hạ tầng liên kết vùng, cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản các tỉnh giáp ranh TP.HCM cũng khá lớn", ông Châu đánh giá.
Để thích ứng với lộ trình giảm dần nguồn tín dụng vào thị trường bất động sản, ông Châu khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty Bất động sản Gamigroup cho biết, để sinh lời tốt, nhà đầu tư nên chọn cách đón đầu xu hướng hạ tầng và giãn dân.
Đầu tư hướng vào các khu vực mà tương lai có mật độ dân sinh cao, cơ sở dịch vụ lưu trú bùng nổ. Nguyên nhân do mật độ dân sinh là yếu tố chủ chốt quyết định sự lên xuống của giá trị bất động sản.
Khách hàng không nhất thiết phải mua khu vực có lượng dân cư sinh sống đông, mà có thể chọn khu vực có mật độ khách du lịch, lưu trú tạm thời lớn để đầu tư.
Mặc dù vậy, ông Sơn cho rằng, nếu đầu tư đón đầu quy hoạch để có lợi nhuận lớn, nhà đầu tư phải chờ đợi và phải chấp nhận rủi ro.
Còn nếu nhà đầu tư quan tâm hệ số sinh lời thấp thì có thể đầu tư dạng officetel, căn hộ 1 - 2 phòng ngủ cho thuê.
"Xét về hiệu quả sinh lời, thì phân khúc đất nền có giá dưới 2 tỷ đồng/sản phẩm tại những khu vực đông dân cư trong tương lai sẽ là xu hướng đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận trong năm 2019. Tất nhiên ở phân khúc này cần có yếu tố đi kèm là phải có hạ tầng, tiện ích tốt, chủ đầu tư uy tín", ông Sơn nhận định.
Ngọc Vy
Theo VTC News
Dự án bất động sản sẽ minh bạch hơn khi được ngân hàng cho vay vốn, người mua an toàn hơn? Thời gian qua, thông tin một số chủ đầu tư thế chấp dự án bất động sản (BĐS) ở ngân hàng khiến khách hàng lo lắng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu việc dự án thế chấp ngân hàng là bình thường. Dự án sẽ minh bạch hơn qua bàn tay thẩm định của ngân hàng Có thể nói, trong bối cảnh...