Cảnh báo khẩn từ đợt mưa lũ nghiêm trọng ở Tây Âu
Khi thế giới nói về mục tiêu hạn chế nền nhiệt toàn cầu chỉ tăng dưới 2 độ C, tham vọng hơn là mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp để ngăn tình trạng Trái Đất ấm lên gây hậu quả nghiêm trọng, không ít người nghĩ rằng con số này quá trìu tượng và câu chuyện biến đổi khí hậu là rất xa xôi.
Tuy nhiên, tính từ thời kỳ tiền công nghiệp tới nay, nền nhiệt Trái Đất đã tăng 1,2 độ C và cách không xa mức tới hạn 1,5 độ C mà thế giới đã cam kết. Kèm theo đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra liên tiếp trong những năm qua ở khắp các châu lục: hết khô hạn, nắng nóng bất thường tới mưa bão, lũ lụt hoành hành. Đợt mưa lũ lịch sử tại các nước phát triển ở Tây Âu vừa qua là một ví dụ.
Ngập lụt khi nước sông Rhine tràn bờ sau mưa lớn ở Dusseldorf, miền Tây Đức ngày 16/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tới nay vẫn chưa thể thống kê được hết thiệt hại và hậu quả khủng khiếp do các đợt mưa lũ quét theo một vệt kéo dài từ Đức, Hà Lan tới Áo, Bỉ, CH Séc, Thuỵ Sĩ và Luxembourg, khiến trên 200 người thiệt mạng, hàng trăm người vẫn mất tích và hàng trăm người bị thương, phá hủy và cuốn trôi nhiều cơ sở hạ tầng, nhà cửa. Hàng nghìn hộ gia đình “trắng tay” sau khi mưa lũ cuốn đi tất cả tài sản tích cóp được. Trong số các nước bị ảnh hưởng, hai bang miền Tây nước Đức là Nordrhein-Westfalen và Rheinland-Pfalz chịu thiệt hại nặng nề nhất, với ít nhất 170 người thiệt mạng, trong khi vẫn còn trên 150 người mất tích.
Nhìn vào bản đồ sông ngòi ở Đức, người ta sẽ thấy như hình một rễ cây với hàng chục rễ chính và hàng trăm rễ phụ chằng chịt. Trong lịch sử, những con sông chính như Rhein, Elbe, Donau (Danube), Weser,… từng dâng cao tràn bờ và chính quyền các địa phương đã “trị thủy” bằng cách gia cố hai bờ hoặc mở rộng các khu đồng bằng ngập lũ để giảm tải áp lực khi lưu lượng nước tăng. Tuy nhiên, trong đợt mưa lũ vừa qua ở Đức cũng như một số quốc gia láng giềng, nước ở các nhánh sông dâng quá nhanh và việc bị tràn bờ, vỡ bờ là tất yếu, khiến người dân không kịp trở tay. Mưa lớn (từ 150-200 mm) khiến một lượng nước khổng lồ liên tục trút xuống trong hai ngày, thay vì thông thường phải trải dài lưu lượng như vậy cho cả tháng.
Theo giới chức địa phương, các nhánh sông thường có lưu lượng nước thấp và tốc độ dòng chảy chậm, nhưng một lượng mưa quá lớn như vậy khiến các nhánh sông “thất thủ” và hậu quả là nước tràn bờ, cuốn trôi tất cả những gì chúng đi qua. Sở dĩ những khu vực bị lũ quét biến thành một đống đổ nát khổng lồ là do phần lớn nhà dân ở khu vực thảm họa có tuổi đời hàng trăm năm và được xây dựng chủ yếu trên khung gỗ, không đủ sức chống chịu với sự càn quét của dòng nước lũ.
Ngoài ra, khi đất và hệ thống thoát nước không thể hấp thụ nước nhanh chóng, hoặc các yếu tố như phát triển đô thị ngăn cản hấp thụ lượng nước mưa, dòng chảy bề mặt có thể phát triển thành lũ quét xối xả và gây ra thiệt hại đáng kể. Theo Cục Môi trường liên bang Đức, khoảng 45% diện tích khu dân cư và giao thông của nước này đã được “bê tông hóa”, do đó, nước không thể thấm vào lòng đất một cách tự nhiên, dẫn đến chảy tràn và tăng nguy cơ ngập lụt, tạo lũ quét.
Trên thực tế, vài ngày trước khi xảy ra mưa lũ, Cơ quan Khí tượng quốc gia Đức (DWD) cũng như Hệ thống nhận biết lũ lụt châu Âu (EFAS) đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ mưa lớn dẫn tới lũ quét, song điều này đã không được các địa phương và người dân lưu tâm đúng mực. Giới chức địa phương xác nhận đã đưa ra cảnh báo tới người dân ở các khu vực nguy hiểm, nhưng thực tế là cảnh báo không tới được nhiều người dân hoặc khi họ biết tin thì đã quá muộn.
Tuyến đường bị phá hủy do mưa lũ tại Schuld, thị trấn Ahrweiler, Đức ngày 16/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Video đang HOT
Như tại Đức, với hệ thống nhà nước liên bang, việc ban bố tình trạng thảm họa là trách nhiệm của các bang hoặc các địa phương. Nhà chức trách có thể dùng còi ủ, thông báo trên loa hoặc radio và vô tuyến để cảnh báo người dân hoặc ra lệnh sơ tán. Thế nhưng, nhiều người dân ở khu vực lũ quét cho biết họ không nhận được cảnh báo chính thức nào và họ chỉ biết thông tin qua hàng xóm hoặc người thân thông báo.
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận một hạn chế là các cảnh báo thường chỉ tập trung vào hiện tượng thời tiết, chẳng hạn cảnh báo về lượng mưa cực lớn 150-200 mm hầu như không có nhiều ý nghĩa đối với hầu hết mọi người. Phần lớn các trường hợp tử vong là do bị nước cuốn trôi hoặc cố gắng “cứu” đồ đạc dưới tầng hầm, bị điện giật hoặc nước tràn quá nhanh vào nhà.
Các nhà khoa học nhận định hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay chính là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong vài tuần qua, nước Đức đã trải qua một bản đồ thời tiết khá phức tạp, trước đó là nhiệt độ cao và khô hạn nhiều ngày, sau đó là những đợt mưa lớn không dứt. Giới chuyên gia đánh giá đây là đợt mưa lũ gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua và có thể xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai, thậm chí với cường độ mạnh hơn nữa – một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tình trạng biến đối khí hậu đã tác động trực tiếp tới đời sống người dân.
Theo các nhà khoa học, khi nhiệt độ trong khí quyển tăng lên, điểm bão hòa độ ẩm cũng cao hơn. Cụ thể, nhiệt độ khi tăng thêm 1 độ C sẽ làm tăng khả năng giữ ẩm của không khí lên 7%, đồng nghĩa với thời gian mưa xuống sẽ lâu hơn và khi đến thời điểm, mưa lớn hơn nhiều vì khối lượng nước lớn.
Nhiệt độ toàn cầu tăng cao cũng dẫn đến sự bốc hơi nhanh hơn của nước trên đất liền và trên biển, gây ra nhiều hiện tượng mưa cực đoan và các cơn bão mạnh hơn. Các chuyên gia Đại học Oxford (Anh) cho rằng lượng mưa rất lớn những ngày qua ở châu Âu là do thời tiết khắc nghiệt xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu khi nền nhiệt ngày càng ấm hơn.
Trước đó, các nhà khoa học Anh đã thực hiện một nghiên cứu cảnh báo sự ấm lên toàn cầu sẽ làm tăng khả năng xảy ra các trận mưa bão dữ dội trên khắp châu Âu. Nghiên cứu cho thấy do sự chênh lệch nhiệt độ giảm giữa các cực và vùng nhiệt đới, các cơn bão di chuyển chậm hơn vào mùa Hè và điều này có thể dẫn đến lượng mưa lớn, cũng như làm gia tăng nguy cơ lũ quét. Cơ quan Khí tượng quốc gia Đức cũng lưu ý, các trận mưa lớn đã trở nên mạnh hơn do nhiệt độ tăng, đồng thời cảnh báo sự gia tăng mạnh nhất sẽ xảy ra vào mùa Đông.
Ngập lụt do mưa lũ tại quận Chenee, Liege, Bỉ ngày 16/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau đợt mưa lũ được xem là nghiêm trọng nhất ở nhiều nước châu Âu trong gần 100 năm này, các nhà khoa học cho rằng trước mắt cần tìm cách tái thiết và xây dựng lại các tòa nhà để có thể chống chọi với nước lũ bởi sự cố như vậy sẽ chưa phải là cuối cùng. Chẳng hạn có thể xây dựng theo mô hình các kiến trúc chống động đất với nền móng sâu, kết cấu và vật liệu phù hợp, có biện pháp đặc biệt với tầng hầm, gia cố tường ngoài và mái nhà. Ngoài ra, các nhà xây dựng lại cũng có thể khóa van xả nước thải để chống nước tràn ngược, có hệ thống cửa nhà chống thấm nước ở các tầng thấp. Bên cạnh đó, cần tìm cách gia cố các hồ và đập chứa nước, xây cao hệ thống đê điều để có thể ứng phó khi mực nước dâng cao đột ngột.
Một vấn đề gây tranh cãi lâu nay và cả trong đợt mưa lũ vừa qua là “hệ thống cảnh báo sớm” chưa hiệu quả. Dư luận đặt câu hỏi nếu được thông báo kịp thời và chính xác tới các đối tượng cần được báo tin thì thiệt hại về người có thể đã được hạn chế hơn. Thủ tướng Đức Angela Merkel khi tới thăm khu vực bị ảnh hưởng cũng ủng hộ một cơ chế cảnh báo hiệu quả hơn, giống như hệ thống các còi ủ, để có thể nhanh chóng thông báo tới tất cả mọi người khi có sự cố.
Cục Bảo vệ nhân dân và Hỗ trợ thảm họa (BBK) Đức cho biết trong tương lai có thể gửi cảnh báo nước lũ và các mối nguy hiểm khác cho dân chúng theo tin nhắn SMS thay vì hệ thống cảnh báo số hoá thông qua các ứng dụng di động hiện nay (Đức cho tới nay chưa sử dụng cảnh báo theo tin nhắn SMS do lo ngại vấn đề bảo mật dữ liệu).
Điều quan trọng hơn, như lời Thủ tướng Đức Angela Merkel: “những gì xảy ra ở Đức cho thấy chúng ta cần phải nhanh hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”. Trong mùa Hè này, không chỉ mưa lũ nghiêm trọng ở Trung và Tây Âu, khắp nơi trên thế giới cũng chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Nắng nóng kỷ lục ở Mỹ và Canada với nhiệt độ có lúc lên tới gần 50 độ C khiến hàng trăm người tử vong. Bắc Âu trải qua đợt nắng nóng bất thường.
Nước Nga có một tháng 6 nóng nhất trong 120 năm qua, còn New Zealand là tháng 6 nóng chưa từng có… Tất cả diễn ra trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP- 26), được tổ chức vào tháng 11 tới sau 1 năm bị hoãn vì dịch COVID-19, chính là những hồi còi “cảnh báo khẩn” cho thấy thế giới không còn nhiều thời gian và phải khẩn cấp hành động để có thể ngăn tình trạng biến đổi khí hậu gây những hậu quả tàn khốc.
Lời cảnh báo từ lũ lịch sử ở châu Âu
Lũ kỷ lục ở Tây Âu là hiện tượng thời tiết cực đoan mới nhất thế giới chứng kiến và giới chuyên gia cảnh báo nó sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai.
Khung cảnh tan hoang ở Erftstadt-Blessem, Đức sau trận lũ. REUTERS
Trận lũ tồi tệ nhất trong nhiều thập niên đã gây thiệt hại nặng nề cho Đức và các nước lân cận vài ngày qua. AFP dẫn lời nhà chức trách hôm qua cho biết ít nhất 150 người thiệt mạng, trong đó 133 nạn nhân ở Đức và số còn lại được ghi nhận ở Bỉ. Chính quyền bang Rhineland-Palatinate của Đức, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất, cho biết 1.300 người mất tích ở quận Ahrweiler, CNN đưa tin. Con số thương vong được cho là sẽ tiếp tục tăng trong vài ngày tới khi công tác cứu hộ tiếp diễn.
Thiệt hại diện rộng
Dòng nước đục ngầu đã nhấn chìm nhiều ngôi làng, phá hủy công trình và gây ra hố sụt khổng lồ dọc sông Rhine. Bên cạnh Rhineland-Palatinate, bang North Rhine-Westphalia của Đức cũng có nhiều người chết. Ít nhất 165.000 người ở 2 bang này đang sống trong cảnh mất điện. Mực nước sông ở các nước láng giềng Luxembourg và Hà Lan cũng dâng lên sau nhiều ngày mưa lớn, khiến chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh di tản hơn 10.000 người.
Mưa như trút nước ở Tây Âu từ ngày 14 - 15.7 đã gây ra thảm họa lũ quét. Cơ quan thời tiết Đức cho biết một số khu vực chưa từng ghi nhận lượng mưa như vậy trong 100 năm qua. Lượng mưa trong 24 giờ ở Rhineland-Palatinate và North Rhine-Westphalia đạt đến 100 - 150 mm, bằng lượng mưa trong hơn một tháng ở vùng này. Lượng mưa lớn bất thường đặt ra câu hỏi về vai trò của biến đổi khí hậu trong thảm họa trên. Mặc dù cần nhiều tuần để nghiên cứu nhưng một số nhà khoa học đã khẳng định với The New York Times rằng trận mưa lớn này do biến đổi khí hậu gây ra, tương tự các sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác. Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze ngày 15.7 cũng viết trên Twitter rằng: "Biến đổi khí hậu đã đến Đức".
Dù biến đổi khí hậu đóng vai trò gì đi nữa, các nhà khoa học chắc chắn trời nóng hơn làm đẩy nhanh quá trình bay hơi, giữ lại nhiều độ ẩm trong không khí, tăng khả năng mưa lớn. Mỗi 1 độ C tăng lên, không khí sẽ giữ được thêm 7% độ ẩm, theo Reuters. Từ thế kỷ 19 đến nay, trái đất đã ấm lên hơn 1 độ C.
Thế giới cần hành động
Lũ lụt do mưa lớn ở Tây Âu tương thích với dự đoán của giới khoa học về việc biến đổi khí hậu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn. Các hiện tượng này không chỉ bao gồm mưa, bão, lũ thất thường mà những đợt nắng nóng kỷ lục ở Bắc Mỹ trong tuần vừa qua cũng được cho là do biến đổi khí hậu gây nên. Nhiệt độ ở Thung lũng Chết (Mỹ) vào tuần trước đạt 54,4 độ C, phá kỷ lục được ghi nhận vào năm 1913, theo tạp chí Forbes . Bên cạnh việc khiến hàng trăm người chết, các đợt sóng nhiệt này còn gây ra cháy rừng ở Mỹ và Canada, thiêu rụi và phá hủy nhiều khu dân cư.
Không chỉ ở Bắc Mỹ, Đông Nam Á và nhiều khu vực khác cũng đang hứng chịu các tác động lớn từ nắng nóng. Channel NewsAsia dẫn lại một nghiên cứu công bố mới đây cho thấy 9,4% số ca tử vong trên toàn cầu trong 2 thập niên qua có thể liên quan đến nhiệt độ khắc nghiệt. Ở Đông Nam Á, 190.000 người tử vong mỗi năm do "nhiệt độ không tối ưu".
Việc các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và để lại thiệt hại ngày càng lớn cho thấy thế giới cần hành động ngay để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen ngày 16.7 tuyên bố cường độ và thời gian các thảm họa xảy ra là bằng chứng cho sự cấp thiết trong việc phải hành động.
Kế hoạch giảm phát thải của Trung Quốc và EU
Tờ The Wall Street Journal đưa tin Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc tuần này đã trình bày các kế hoạch hạn chế phát thải khí nhà kính, nguyên nhân làm trái đất nóng lên. EU vào ngày 14.7 đề xuất giảm sự phụ thuộc của khối vào nhiên liệu hóa thạch và đánh thuế hàng hóa của các nước phát thải cao. Kế hoạch cũng kêu gọi các hộ gia đình và doanh nghiệp chuyển sang dùng năng lượng sạch. Trung Quốc, nước phát thải khí carbon lớn nhất thế giới, cùng ngày công bố kế hoạch khởi động hệ thống mua bán phát thải, thiết lập thị trường carbon lớn nhất thế giới. Với hệ thống này, các doanh nghiệp phải trả tiền cho lượng carbon họ thải ra.
1.300 người mất tích trong mưa lũ lịch sử ở Đức Số người mất tích trong trận mưa lũ lịch sử tại Đức, được đánh giá là trăm năm mới xảy ra một lần, đã tăng vọt từ 70 lên hơn 1.300, trong khi hàng chục người khác cũng thiệt mạng. Mưa lớn và lũ lụt lịch sử đã càn quét qua khu vực Tây Âu những ngày qua gây ra cảnh tượng tàn...