Cảnh báo dư cung đẩy giá dầu xuống dốc
Sau một tuần nỗ lực tăng giá, vượt qua mốc 60USD/thùng, dầu bắt đầu quay lại chu kỳ giảm giá. Những lo ngại về nguồn cung dự thừa cùng với nhu cầu sử dụng dầu mỏ vẫn ở mức thấp khiến dầu “không thể đứng vững” .
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 11/2019 giảm 0,13% xuống 60,33 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 9/2019 giảm 0,3% và được giao dịch ở mức 55 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đang chịu sức ép giảm giá khi các dự báo về nhu cầu dầu không mấy lạc quan được đưa ra hôm qua.
Giá dầu Brent quay đầu giảm trong ngày hôm nay
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất (ngày 12/9), cơ quan năng lượng Quốc tế ( IEA) cho biết nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng “ảm đạm”, trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu và bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Theo đó, IEA cho rằng các quan hệ thương mại quốc tế đã suy yếu hơn nữa trong vài tuần trở lại đây mặc dù các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố sẽ nối lại đàm phán thương mại vào đầu tháng 10 tới.
Biểu đồ giá dầu thô wti trong 3 tháng qua
Theo IEA, căng thẳng thương mại và tình hình bất ổn gia tăng liên quan đến tác động từ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã làm giảm niềm tin kinh doanh và tiêu dùng, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, làm suy giảm đầu tư và thương mại, từ đó làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Video đang HOT
Trong bối cảnh bất ổn như vậy, IEA đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2019 và 2020 lần lượt ở mức 1,1 triệu thùng/ngày và 1,3 triệu thùng/ngày, vốn đã bị hạ xuống trong báo cáo của tháng trước đó. Trong sáu tháng đầu năm nay, nhu cầu dầu chỉ tăng 0,5 triệu thùng/ngày và đạt mức tăng trưởng thấp nhất là 0,2 triệu thùng/ngày trong tháng Sáu.
IEA dự đoán điều kiện kinh tế và tình hình căng thẳng thương mại sẽ không diễn biến xấu thêm trong nửa cuối năm nay. Cùng lúc đó, nhu cầu dầu được dự đoán sẽ tăng khá so với cùng kỳ năm 2018. Về nguồn cung, IEA cho biết sản lượng dầu toàn cầu đã tăng 0,53 triệu thùng/ngày lên 100,7 triệu thùng/ngày trong tháng Tám.
Bên cạnh đó, sự gia tăng sản lượng tại Mỹ, Na Uy và Brazil sẽ khiến sản lượng của các nước ngoài thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng từ 1,9 triệu thùng/ngày trong năm nay lên 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2020, từ đó làm giảm nhu cầu đối với dầu từ OPEC.
Nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng “ảm đạm”
Báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 6,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 6/9. Đây là tuần thứ tư liên tiếp tồn kho dầu của Mỹ sụt giảm, và là mức giảm vượt xa dự báo của giới phân tích. Đến nay, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 69 triệu thùng, tương đương giảm 14%, so với mức đỉnh của năm 2019 thiết lập vào đầu tháng 6.
Trước đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ ( OPEC) trong một báo cáo hàng tháng cho biết nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,08 triệu thùng/ngày, ít hơn 60.000 thùng/ngày so với dự đoán trước đó, đồng thời cho rằng thị trường dầu sẽ rơi vào tình trạng dư cung. Dự báo bi quan này cũng gây áp lực giảm lên giá dầu cho dù dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô giảm tuần thứ tư liên tục.
Nhà phân tích Tariq Zahir thuộc Tyche Capital Advisors dự báo nguồn cung dầu Mỹ có thể tăng trong quý 4/2019 và quý 1/2020, và giá dầu sẽ khó hồi phục vì nhu cầu tiêu thụ dầu trong khoảng thời gian đó hàng năm thường yếu.
Dự báo của OPEC được đưa ra trong bối cảnh tiến trình Brexit ở Anh vẫn đang bế tắc, trong khi vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mới đạt được kết quả khiêm tốn. Trước đó, Mỹ cũng đã phát đi thông tin về việc xem xét nới lỏng lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Việc này nếu được thực hiện sẽ làm tăng áp lực dư cung trên thị trường khi Iran là một trong những nhà cung cấp dầu lớn trên thị trường.
Nguyên Hà
Theo tapchicongthuong
Giá dầu tuột dốc do thương chiến, còn hy vọng nào cho tuần tới
Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, cả dầu Brent và WTI đều đánh mất mốc 60USD/thùng. Tuần tới, chưa thấy yếu tố nào có thể hỗ trợ cho giá dầu tăng trở lại, thậm chí những tác động từ thương chiến Mỹ - Trung được dự báo sẽ tiếp tục phản ứng tiêu cực với mặt hàng này.
Phiên giao dịch cuối tuần (ngày 24/8), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2019 đứng ở mức 53,97 USD/thùng, giảm 1,38 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2019 đứng ở mức 59,12 USD/thùng, giảm 0,80 USD/thùng trong phiên và giảm tới 0,92 USD/thùng so với ngày 23/8.
Giá dầu WTI chốt phiên cuối tuần qua dưới 60 USD/thùng
Giá dầu thế giới đồng loạt lao dốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bất ngờ "bùng nổ" khi cả 2 bên đều đưa ra những biện pháp thuế quan nhắm về hàng hoá của nhau. Cho dù từ đầu tuần giá dầu đã lấy lại được mốc 60 USD/thùng.
Qua một loạt bài tweet, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ có hành động tiếp theo đối phó Bắc Kinh và cho biết ông đã "ra lệnh" cho các các công ty Mỹ tìm kiếm lựa chọn thay thế Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến một làn sóng bán tháo mạnh mẽ trong chứng khoán Mỹ và gây sức ép lên đồng USD, đồng thời thúc đẩy nhu cầu các tài sản trú ẩn an toàn như vàng và trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Động thái này được đưa ra khi kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc trong tháng này vọt lên mức cao nhất trong 1 năm ở mức 300,000 thùng/ngày, với một số lượng tàu chở dầu thô của Mỹ sẽ cập bến Trung Quốc.
Trong khi đó, dữ liệu định kỳ hàng tuần về số giàn khoan tại Mỹ cho thấy hoạt động sản xuất đã suy giảm. Cụ thể, vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 16 giàn xuống 754 giàn trong tuần này, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 4/2019.
Trong một nghiên cứu mới đây, các chuyên gia tin rằng, dầu có thể sẽ giảm giá xuống còn 30 USD/thùng trong tương lai gần. Ít nhất đã có 2 đơn vị là Công ty tư vấn PVM - Anh và Ngân hàng Bank of America - Mỹ đưa ra nhận định về giá dầu 30 USD/thùng. Thực tế hiện nay, trên thị trường thế giới, nguồn cung khí đốt đang vượt cầu đáng kể và giá khí đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, nhưng giá dầu lại không giảm tương ứng. Nếu xem xét mối tương quan truyền thống giữa giá khí và giá dầu, mức giá hợp lý đối với dầu sẽ là dưới 30 USD/thùng. Ngoài ra, nếu Trung Quốc quyết tâm phớt lờ lệnh cấm mua dầu Iran, giá dầu có thể còn giảm sâu hơn nữa, về mức 20 USD/thùng.
Giá dầu Brent cuối tuần qua cũng giảm mạnh
Bên cạnh đó, các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục giảm nhẹ do chịu sức ép bởi dự báo nguồn cung dư thừa. "Câu chuyện về dầu mỏ đều là về nhu cầu", Scott Gecas, Giám đốc chiến lược thị trường tại Walsh Trading, nhận định. "Với tất cả những dự đoán tiêu cực rằng nền kinh tế đang đối mặt với suy thoái, mọi tiêu đề khác đều đang nói rằng 'bầu trời sụp đổ' - góp phần làm tăng áp lực lên giá dầu".
"Dường như nhà đầu tư đang lo lo lắng về vấn đề dư cung. Chúng tôi thấy điều này trong dữ liệu về dự trữ dầu công bố hôm thứ Tư (21/08)", Naeem Aslam, Giám đốc phân tích thị trường tại TF Global Markets, cho hay. Được biết, vào ngày thứ Tư (21/08), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa giảm 2.7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/08/2019, nhưng thấp hơn so với dự báo, và sau 2 tuần tăng liên tiếp. Giá dầu WTI đã suy yếu trong ngày thứ Tư (21/08).
Giá dầu trong tuần tới được dự báo vẫn nằm trong xu hướng giảm giá.
"Tuy nhiên, không có nghi ngờ gì về hy vọng đường cong nhu cầu sẽ phục hồi vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất tại cuộc họp tháng tới", ông Aslam lưu ý. "Đó là lí do giá dầu thực sự có thể khép lại tuần qua với đà tăng, và nếu điều này xảy ra, đó sẽ là 2 tuần tăng đầu tiên đầu tiên trong 2 tháng qua".
Trong một nghiên cứu công bố vào ngày thứ Năm, DNB Markets đã hạ dự báo giá dầu Brent từ 73 USD xuống 66 USD/thùng trong năm 2019 và hạ dự báo giá dầu Brent trong năm 2020 từ 75 USD xuống 64 USD/thùng, với lí do suy giảm trong triển vọng GDP toàn cầu và do đó tăng trưởng nhu cầu năng lượng yếu hơn.
DNB Markets đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2019 từ 1.1 triệu thùng/ngày xuống 800,000 thùng/ngày, và Cơ quan này thấy tăng trưởng nhu cầu trong năm 2020 giảm từ 1.6 triệu thùng/ngày xuống 1.1 triệu thùng/ngày. DNB Markets cũng cho biết không còn thấy sự thiếu hụt nguồn cung trong năm 2020, thay vào đó, Cơ quan này thấy sự dư cung nhẹ 200,000 thùng/ngày.
Nguyên Hà
Theo tapchicongthuong.vn
Giá vàng phản ứng tăng, ngay sau quyết định kỷ lục của ECB (ngày 13/9) Không nằm ngoài kỳ vọng, giá vàng đảo chiều tăng trở lại khi đón nhận thông tin Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố các hành động nới lỏng chính sách tiền tệ. Sáng sớm nay (theo giờ Việt Nam), giá vàng tăng qua mức kháng cự 1.500 USD/ounce, giao dịch ở mức 1.503 USD/ounce tăng 0,15% so với ngày hôm...