Cảnh báo diễn biến khó lường về dịch sởi, người dân cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh
Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới với nguy cơ tiến triển rất nặng. Tuy nhiên, bệnh này có thể dự phòng bằng vắc xin, do đó, ngành y tế khuyến cáo người dân cần tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Điều trị cho bệnh nhi mắc sởi tại BVĐK Nông nghiệp.
Theo thống kê trên địa bàn TP.Hà Nội trong tuần qua đã ghi nhận thêm 16 ca mắc sởi. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 13/30 quận, huyện, 15 xã, phường. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 1.601 trường hợp mắc, không có tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 426/584 xã, phường (73%) Trong đó, có 5/1601 trường hợp đang điều trị (chiếm 0,31%), 1596/1601 trường hợp đã khỏi bệnh (chiếm 99,69%).
Tại BVĐK Nông nghiệp, BS. Nguyễn Tân Trang – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, từ đầu mùa dịch đến nay đã tiếp nhận gần 100 ca mắc sởi, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng hoặc không được tiêm phòng đầy đủ. Nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện với triệu chứng nặng, biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa… đã được các bác sĩ điều trị tích cực, sức khỏe dần ổn định.
Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới với nguy cơ tiến triển rất nặng. Triệu chứng ban đầu của sởi thường là sốt cao, bắt đầu từ 10-12 ngày sau khi phơi nhiễm và kéo dài từ 4-7 ngày. Chảy nước mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt, và những hạt nhỏ màu trắng bên trong vùng má có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu.
Sau vài ngày, bắt đầu nổi ban và thường ở vùng mặt và phía trên cổ. Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến sởi là do các biến chứng của bệnh bao gồm cả mù mắt, viêm não, tiêu chảy mất nước nặng, viêm tai giữa, hoặc viêm phổi.
Theo BS. Trang, để tích cực tham gia phòng chống bệnh sởi, tại khoa Truyền nhiễm, BVĐK Nông nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp như: Tích cực chẩn đoán bệnh sớm, cách ly kịp thời; Giáo dục sức khỏe, tuyên truyền đến người bệnh để phòng tránh; Phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế dự phòng của khu vực để giúp phát hiện, điều trị và phòng dịch bệnh sởi một cách hiệu quả nhất.
Với cộng đồng, bác sĩ khuyến cáo cần ăn uống đảm bảo vệ sinh, tăng cường ăn trái cây, uống nước sinh tố, có chế tập thể dục hợp lý để nâng cao sức khỏe. Chủ động tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng quốc gia và tiêm phòng nhắc lại đối với những người đã tiêm được trên 10 năm.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.
Video đang HOT
Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể và đến những nơi tập trung đông người ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.
Người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin sởi (vắc xin sởi, MR, MMR) tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.
Bộ Y tế cho biết đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng xuất hiện nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn.
Trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi.
Theo Báo Sức khoẻ & Đời sống
Coi nhẹ tiêm phòng, dịch bệnh gia tăng
Cả nước đang bước vào cao điểm của dịch sốt xuất huyết, tay - chân -miệng, viêm não Nhật Bản, đặc biệt bất thường hơn là những dịch bệnh thường xuất hiện vào mùa đông - xuân như sởi, quai bị, thủy đậu, cúm nhưng nay lại có quanh năm.
Di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não - màng não, sởi, ho gà rất nặng nề, thậm chí nhiều trẻ nhỏ đã phải trả giá bằng tính mạng, nhưng rất nhiều người vẫn còn chủ quan, coi nhẹ không tiêm phòng bệnh hoặc tiêm không đầy đủ trong khi đây là những bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng.
Ho gà vẫn xuất hiện do không tiêm phòng
Ho gà, uốn ván, bại liệt... là những bệnh có vaccine phòng ngừa, tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng, Việt Nam đã thanh toán được bệnh ho gà nên chủ quan không tiêm phòng cho con.
Những năm trước, rải rác vẫn có trường hợp ho gà nhập viện, nhưng năm nay tỷ lệ này tăng cao. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ho gà vẫn tăng, từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố ghi nhận 81 trường hợp mắc ho gà ở 26 quận, huyện, 68 xã phường và không có tử vong.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có gần 100 ca ho gà nhập viện từ đầu năm đến nay, trong đó có nhiều ca biến chứng viêm phổi nặng. Chứng kiến những đứa trẻ vật vã với cơn ho xé lòng, mặt tím tái, nước mắt giàn giụa, chúng tôi không khỏi thương cảm. Thế nhưng, dù ngay từ đầu năm, bác sĩ của bệnh viện đã khuyến cáo phụ huynh cho con tiêm phòng đầy đủ, nhưng đến nay vẫn tiếp tục có bệnh nhi vào nhập viện do mắc ho gà.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị M (Quảng Ninh) có con 1 tuổi phải nhập viện vì ho gà đã vô cùng ân hận cho biết: "Em nghĩ bệnh ho gà không còn nên cũng chủ quan chưa tiêm cho con, ai ngờ con lại mắc, biến chứng sang phổi ngày càng nặng. Nhìn con ho rũ rượi em thật đau lòng, vô cùng hối hận".
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tỷ lệ mắc ho gà ở trẻ nhỏ thời gian gần đây xuất hiện nhiều với mức độ bệnh nặng. Hiện có 14 bệnh nhân đang điều trị.
Mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận điều trị cho từ 200-250 bệnh nhân ho gà, trong đó bệnh nhân nặng rất nhiều, với tình hình này thì vẫn có tỷ lệ tử vong do ho gà. Ngoài bệnh nhân chưa tiêm phòng thì còn có bệnh nhi dưới 3 tháng tuổi (chưa đến độ tuổi tiêm phòng) mắc ho gà. PGS.TS Trần Minh Điển đánh giá: Do miễn dịch trong cộng đồng giảm, đặc biệt là miễn dịch của các bà mẹ không đủ truyền sang con.
Một trong những lý do khiến bệnh ho gà tăng trong thời gian gần đây là nhiều phụ huynh ngần ngại không tiêm vaccine 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho con, bỏ lỡ thời gian phòng bệnh cho trẻ.
"Tôi nghĩ với những bệnh đã có chiến lược sử dụng vaccine thì phụ huynh cho con em đi tiêm phòng. Tiêm phòng tạo miễn dịch đặc hiệu cho con chúng ta, không có lý do gì chúng ta e ngại vì tỷ lệ phản ứng ở mức độ nặng rất ít xảy ra, hầu hết phản ứng sau tiêm phòng đều ở mức độ nhẹ như sốt.
Để đảm bảo an toàn cho con, các bà mẹ khi con tiêm xong thì theo dõi theo chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ xem con có phản ứng với vaccine hay không. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường phải đưa con đến cơ sở y tế ngay, thông báo cho bác sĩ để bác sĩ phân loại, xử lý kịp thời"- ông Điển cho biết.
Một ca viêm màng não nặng phải thở máy điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Chủ quan chết người
Hiện đang là thời gian cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản B, viêm màng não nhưng nhiều gia đình vẫn chủ quan không tiêm phòng cho con. Tới Khoa điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, chứng kiến những cháu bé bị viêm não Nhật Bản và viêm màng não đang điều trị, mới thấy hết được hậu quả khôn lường của việc các cháu không được tiêm phòng vaccine.
Có cháu bé 3-4 tháng tuổi đã mắc viêm màng não rơi vào hôn mê, co giật, tiên lượng rất xấu. Thậm chí, có cháu 14 tuổi đang đi học thì sốt cao, đau đầu, co giật, khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương đã rơi vào tình thế nặng, hôn mê, phải thở máy, tổn thương thần kinh.
Đứng nhìn con ở ngoài phòng bệnh, mẹ cháu không cầm được nước mắt cho biết: "Cháu nằm đó gần 1 tháng mới có phản xạ nhưng vẫn chưa nhận biết được xung quanh. Tôi sợ sau này cháu có tỉnh lại thì cũng ảnh hưởng nặng nề tới thần kinh".
Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm màng não do vi khuẩn là một trong những bệnh nhiễm trùng nặng nhất ở trẻ vì tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng, hậu quả nặng nề các chức năng vận động, kiểm soát tư thế, nhận thức không gian, thời gian, cảm xúc và rối loạn các giác quan... Từ đầu năm đến nay, bệnh viện điều trị cho hơn 20 ca viêm màng não, trong đó có 7 ca viêm não Nhật Bản B và hầu hết bệnh nhân chưa tiêm phòng.
"Đây là bệnh phòng ngừa được bằng vaccine. Hiện đã có các loại vaccine phòng bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn HIB, phế cầu, viêm não Nhật Bản B và viêm màng não do não mô cầu. Do vậy, cha mẹ phải chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch để làm giảm nguy cơ mắc viêm màng não và ngăn chặn các bệnh lây truyền nhiễm do virus cúm, thủy đậu, sởi, quai bị... có thể gây viêm màng não"- TS Lâm khuyến cáo.
Đánh giá về tỷ lệ người dân không tiêm ngừa vaccine, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tuy là mùa hè nhưng bệnh nhân bị sởi vào Trung tâm rất đông và hầu hết đều không tiêm phòng đầy đủ.
Nhiều phụ nữ mang thai bị sởi vào nhập viện rất hối hận vì không nghe theo khuyến cáo của bác sĩ tiêm phòng trước khi mang thai. Hiện, nhiều ông bố, bà mẹ không cho con tiêm chủng mở rộng mà chờ tiêm vaccine dịch vụ, thậm chí còn lặn lội từ quê lên Hà Nội để tiêm dịch vụ hay chen chúc xếp hàng từ 2h sáng để chờ tiêm dịch vụ.
Chính vì kéo dài thời gian chờ đợi nên đã bỏ lỡ "thời gian vàng" phòng bệnh cho trẻ. Đặc biệt, còn một bộ phận cha mẹ có tư tưởng "bài trừ vaccine" dẫn tới con mắc bệnh, thậm chí trẻ phải trả giá bằng tính mạng về quan niệm sai lầm này.
Để phòng chống bệnh và không để dịch bệnh lây lan, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chắm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng. Tuy nhiên, để không còn tình trạng đau lòng như trên, chính quyền và y tế phường, xã phải chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi tỷ lệ trẻ tiêm đủ mũi lý để quản lý, không bỏ lọt trẻ chưa tiêm phòng, tránh lây lan dịch bệnh.
Trần Hằng
Theo CAND
Bất thường dịch bệnh trái mùa Sởi, ho gà được coi là dịch bệnh điển hình vào mùa đông xuân, nhưng ngay trong các tuần nắng nóng gay gắt, số người nhập viện do các bệnh này, đặc biệt là các ca mắc sởi, tăng cao ở người lớn. BS Đoàn Thu Trà kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt...