Cảnh báo ‘bom nổ chậm’ từ bình gas
Vụ nổ khí gas xảy ra sáng sớm nay tại một gia đình ở Hà Nội khiến hai bé tử vong, còn bố mẹ các em bỏng nặng, khiến không ít người đau xót và cũng đầy hoang hoang về việc sử dụng bình gas an toàn trong gia đình.
Thực tế, đây không phải là tai nạn đầu tiên liên quan đến nổ gas, gây hậu quả đau lòng như vậy.
Ngay giữa tháng 8 vừa qua, một vụ nổ lớn tại cửa hàng gas ở chợ Hưng Dũng, thành phố Vinh (Nghệ An) đã khiến hai chị em chủ cửa hàng bị thương nặng, phải đi cấp cứu. Trước đó mấy hôm, ngày7/8, tại một hàng tạp hóa ở Sóc Trăng cũng xảy ra vụ nổ khí gas khiến 3 người gồm chủ nhà, người giúp việc và một người quen của gia đình rơi vào tình trạng nguy kịch. Theo cơ quan điều tra, tiệm tạp hóa này nhận sang chiết gas từ bình to vào bình nhỏ để bán cho nhiều người.
Đội cứu hộ đang tìm kiếm thi thể hai em bé sau vụ nổ bình gas tại một gia đình ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội sáng nay. Ảnh: Hoàng Hà.
Riêng trong năm 2010, cũng có tới 4-5 vụ nổ bình gas lớn, gây xôn xao dư luận. Đầu tiên là vụ nổ bình gas mini tại phố Bạch Mai (Hà Nội) vào cuối tháng 1 khiến chủ nhà bị bỏng mặt, tay và khiến cả khu dân cư xung quanh náo loạn. Tiếp đó, ngày 9/6, vụ rò bình gas tại Văn Chấn (Yên Bái) khiến 5 người bị bỏng nặng phải chuyển tới Viện Bỏng quốc gia (Hà Đông, Hà Nội) và hai người trong số này sau đó đã tử vong.
Vào tháng 7, chủ shop giày dép là chị Hoàng Thị Hiên, 24 tuổi, Lê Hồng Phong, Vinh (Nghệ An) cũng bị cháy xém vì khí gas phát nổ lúc chị bật bếp lên để nấu mì. Một người bảo vệ ở cửa hàng bên cạnh chạy tới cứu chữa cũng bị bén lửa, cháy quần áo và cơ thể.
Năm 2009 cũng ghi nhận không ít các vụ việc tương tự, như vụ nổ khí gas tại gia đình anh Hòa ở thành phố Vinh (Nghệ An) khiến 2 người trọng thương. Cũng năm đó, tại một nhà hàng trên phố Lê Đức Thọ (Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra vụ nổ bình gas khiến hàng trăm khách nháo nhác bỏ chạy.
Điểm lại các năm trước, năm nào cũng có những vụ nổ gas xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Định, Phòng an toàn chất lượng, Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc cho biết, nổ khí gas thường do rò rỉ gas, do vỏ bình gas bị thủng, van đầu bình bị hở, chỗ vặn van đầu bình vào vỏ bình bị hở, dây dẫn gas bị hở do cũ nát, chuột cắn…
Bà cho biết, trong thành phần của gas, nhà sản xuất trộn chất có mùi thối để người dùng dễ nhận biết khi bị rò rỉ. Gas bị rò rỉ nếu gặp nguồn lửa, nhiệt cao sẽ cháy nổ, do đó trước khi bật bếp để đun nấu, người dùng không được bật lửa, bật đèn, quạt, điện thoại di động… vì có thể phát ra tia lửa điện. Người sử dụng nên ngửi xem có mùi gas bị rò rỉ ra ngoài không. Nếu có mùi gas thì phải mở các cửa cho thông thoáng để gas tự bay ra ngoài, giảm nồng độ khí cháy trong bếp, sau đó thông báo cho cửa hàng bán gas để nhân viên đến xử lý ngay.
Video đang HOT
Phải đảm bảo gas không bị rò rỉ mới bật bếp dùng. Trước khi tắt bếp, dừng gas bằng cách vặn hoặc đóng van đầu bình, để gas trong ống dẫn cháy hết rồi mới tắt bếp.
Theo ông Nguyễn Văn Lập, phó giám đốc Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) về lâu dài, để tránh sự cố rò rỉ gas, người dân nên lưu ý những điểm sau:
- Nên chọn bình gas của các đại lý chính hãng, có tên tuổi. Bạn phải biết rõ cửa hàng gas nhà mình mua ở đâu, như thế nào, tránh trường hợp đó là sản phẩm của các cơ sở sang chiết lậu.
- Bằng cảm quan, bình phải còn nguyên vẹn, không móp méo, nước sơn còn tốt, không chóc, rỉ, rỗ.
- Khi đang thay bình gas, tuyệt đối không được sử dụng hoặc vận hành các thiết bị có thể phát sinh tia lửa điện gần đó như nổ xe máy, đánh bật lửa.
- Yêu cầu người thay bình gas phải thử lại độ kín bằng nước bọt xà phòng, cả trong trạng thái mở và khóa van.
- Gia đình cũng nên tự kiểm tra thường xuyên bếp, ống dẫn gas bằng nước bọt xà phòng.
- Tủ bếp không nên làm kín, mà phải để hở để có thể ngửi được khí gass rò. Khí gas nặng nên bao giờ cũng tràn xuống dưới đất, vì thế bên dưới tủ bếp chỗ để bình gass nên để thoáng.
- Hạn chế để lọt khí gas xuống đường ống hoặc các ống cống liên thông với bên ngoài. Nếu trong nhà có cống ở bếp nối với bên ngoài, khi trong nhà có hiện tượng rò gas, khí có thể lan ra đến ngoài đường, gặp tia lửa điện tình cờ có thể cháy ngược vào trong.
- Về nguyên tắc khi sử dụng xong nên khóa van bình, không chỉ là tắt bếp, bởi có trường hợp chủ nhà đi vắng cả ngày, chuột cắn đứt dây gas mà không biết.
- Nếu bình gas nhà bạn dùng van vặn thì khi mở chỉ vặn 1-2 vòng (hơi lỏng tay) là đủ, không cần mở hết.
- Sau 3 – 5 năm sử dụng nên thay ống dẫn gas.
Những lưu ý khác khi đun nấu:
- Nếu bình gas mới thay mà có ngọn lửa đỏ, có tia đỏ chứng tỏ chất lượng gas không đảm bảo, lẫn nước hoặc tạp chất. Về nguyên tắc, thường chỉ bình gas sắp hết mới có hiện tượng này.
- Hạn chế việc dùng nồi có đáy lớn khi dùng bếp gas mini vì lửa có thể trùm xuống bình, rất nguy hiểm.
- Không dùng bếp quá cũ vì rỉ sét và cặn thức ăn lưu cữu, dễ gây tắc nghẽn ống dẫn gas, van, miệng phụt lửa…
Theo VNExpress
Lời kể của chiến sỹ cứu hộ trong vụ sập nhà vì nổ gas
"Khối bê tông nặng hàng tấn sập xuống, đè lên hai em nhỏ. Công tác cứu hộ diễn ra nhanh chóng nhưng phải rất cẩm trọng với mong muốn đưa 2 em được ra an toàn nhất", Nguyễn Duy Trình, chiến sĩ trực tiếp đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, nhớ lại.
Ngay sau khi nhận tin báo về vụ nổ, Trình và các chiến sĩ khác trong Phòng Cảnh sát PCCC Hoàng Mai được điều động ngay đến hiện trường. "Vừa tập thể dục xong, chúng tôi được lệnh tức tốc đến hiện trường. Tới đó, cả ngôi nhà 2 tầng, 1 tum bị thổi tung, chỉ còn một đống đổ nát. Xác định công tác cứu hộ rất khó khăn lãnh đạo đã huy động 3 đội gần nhất đến chi viện", Trình cho biết.
Lực lượng cứu hộ nhanh chóng có mặt tại hiện trường vụ sập nhà.
Tiếp cận được hiện trường, qua lời kể của nhân chứng, Trình và đồng đội nhanh chóng khoanh vùng 2 em còn mắc lại trong vụ sập nhà. "Khoan cắt hàng loạt gạch đá, bê tông, đến gần 10h chúng tôi nhìn thấy 2 em.
Lúc này, công tác cứu hộ càng lúc càng khó khăn. Nhìn thấy hai em nhỏ người phủ đầy bụi và không biết tình hình sức khỏe ra sao, trong khi đó cả khối bê tông trần nhà nằm thoai thoải, có nguy cơ sập chèn thêm vào người 2 em và đè lên chúng tôi bất cứ lúc nào", Trình nhớ lại giây phút tiếp cận hai em nhỏ.
Trình cho biết, mặc dù tiếp cận được 2 em nhưng việc đưa ra ngoài rất khó khăn. Do khối bê tông quá dày nên việc khoan, cắt rất vất vả. "Khi nhìn thấy 2 em, bụi bẩn bám đầy người và không thấy dấu hiệu cử động, chúng tôi luôn hy vọng các em sẽ sống sót nên việc cứu chữa phải tiến hành an toàn nhất và rất cẩn trọng", Trình nói.
Nằm giữa nhà nên em trai Trần Duy Anh bị cả khối bê tông đè nên người. Còn Trần Ngọc Tâm bị thang đè vào đầu và một khối bê tông đè vào chân. "Lúc đó chúng tôi xác định phải đưa Duy Anh ra trước, sau đó mới tiếp cận và đưa Tâm ra", Trình cho biết. Theo Trình, quá trình đưa Tâm ra ngoài gian nan và mất thời gian hơn Duy Anh rất nhiều.
Những phút tranh thủ của các chiến sỹ cứu hỏa.
Nguyễn Văn Sang một nhân viên cứu hộ cho biết, các tấm bê tông to đè nên người nạn nhân, trong khi đó địa thế làm việc chật chội, gây cản trở công tác cứu hộ. Vì vậy, phải đến 10h30 phút, các chiến sỹ mới đưa được Duy Anh ra ngoài và đến gần 12h mới đưa được Tâm thoát khỏi đống đổ nát.
Trực tiếp chỉ huy hiện trường vụ sập nhà, Đại tá Nguyễn Văn Lâm - Trưởng Phòng cảnh sát PCCC Hoàng Mai - cho biết, công tác cứu hộ diễn ra từ 6h30 đến 12h. "Khi đến ngôi nhà bị sập, chúng tôi chưa xác định được vị trí 2 cháu bé đang nằm. Việc tìm kiếm lúc đầu chỉ thông qua lời của thân nhân và tổ trưởng dân phố. Chúng tôi vừa làm vừa thăm dò hiện trường", Đại tá Lâm cho biết.
Hơn 5 tiếng đồng hồ tích cứu, công tác cứu hộ mới được hoàn thành.
Theo Đại tá Lâm, tầng 2 và một tum của ngôi nhà bị sập toàn bộ. Địa hình chật hẹp, trạm biến thế điện nằm liền kề với ngôi nhà sập. Hơn nữa, cũng bởi vì các xe cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp không thể tiếp cận được do quá lớn nên việc khoan phá bên tông gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Do vậy, lực lượng cứu hộ phải dùng các dụng cụ khoan phá, cắt, cưa... bằng tay.
"Sau khoảng 5 tiếng rưỡi cứu hộ, chúng tôi đã đưa được 2 nạn nhân ra khỏi hiện trường bảo toàn nguyên vẹn cơ thể của hai cháu bé. Được xác định đây là sự việc có tính chất nghiêm trọng nên toàn bộ Ban Giám đốc Sở PCCC cùng các đơn vị đã tham gia tích cực để hoàn thành được nhiệm vụ", Đại tá Lâm nói.
Theo Dân Trí
Đã đưa được 1 cháu bé khỏi đống đổ nát nhà sập vì nổ gas (trực tiếp) Lực lượng cứu hộ đã đưa được 1 cháu bé ra khỏi đống đổ nát. Đáng tiếc là cháu bé đã tử vong. Thông tin ban đầu từ người trực tiếp cứu hộ bé cho biết. Sau gần 5 giờ đồng hồ tích cứu nạn, các lực lượng thuộc: Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, CAQ Hai Bà Trưng, Bộ chỉ huy quân...