Căng thẳng Trung – Ấn sắp bùng nổ thành chiến tranh?
Động thái tăng cường quân đội của cả Trung Quốc và Ấn Độ được cho là dấy lên nguy cơ hai nước bị kéo vào một cuộc chiến tranh biên giới lần hai.
Binh sĩ Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh.
Trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ chưa có dấu hiệu chấm dứt, truyền thông Trung Quốc đã đăng tải thông điệp cứng rắn, nói chiến tranh là điều khó tránh khỏi.
Ước tính các trang báo Trung Quốc đã đăng tải tới 140 bài viết chỉ trích Ấn Độ gây hấn, xâm phạm lãnh thổ nước này và đe dọa hậu quả nếu New Delhi không rút quân vô điều kiện.
Trung Quốc cũng bác bỏ đề xuất rút quân của Ấn Độ để mở đường cho một cuộc đàm phán song phương. Nhưng liệu chiến tranh biên giới Trung-Ấn có khả năng nổ ra một lần nữa?
Ấn Độ chưa sẵn sàng chiến tranh
Cơ quan Tổng kiểm toán và kiểm soát Ấn Độ (CAG) cuối tháng trước đã gửi báo cáo lên Quốc hội, bày tỏ lo ngại về năng lực phòng thủ của New Delhi trước nguy cơ chiến tranh biên giới bùng nổ.
Không quân Ấn Độ muốn duy trì 42 phi đội, tương đương 750 máy bay để bảo vệ đồng thời hai mặt trận biên giới trước Trung Quốc và Pakistan.
Nhưng các máy bay cũ như MiG-21, vốn được sử dụng từ những năm 1960, sẽ sớm được đem đi tiêu hủy. Do đó, không quân Ấn Độ sẽ chỉ còn 22 phi đội chiến đấu cơ vào năm 2032.
Trong bản báo cáo của CAG, 80 hệ thống tên lửa phòng không Akash mới được quân đội Ấn Độ tiếp nhận. 30% trong số này không đạt tiêu chuẩn chiến đấu. “Các tên lửa không đánh trúng được mục tiêu, vận tốc thấp hơn yêu cầu và thường xuyên gặp trục trặc”.
Video đang HOT
Hệ thống tên lửa đất đối không Akash của Ấn Độ.
Không quân Ấn Độ nói đã đề nghị công ty chế tạo vũ khí Bharat Electronics Limited thay thế các tên lửa không đạt chất lượng.
Ngoài ra, Ấn Độ có kế hoạch đưa 6 hệ thống Akash đến 6 khu vực gần biên giới Trung-Ấn làm nhiệm vụ phòng thủ và răn đe. Nhưng cho đến nay, lực lượng đóng ở biên giới vẫn chưa tiếp nhận thêm một hệ thống phòng không Akash nào.
Một thông tin đáng chú ý khác là 40% cơ số đạn dược của Ấn Độ sẽ hết sạch chỉ sau 10 ngày chiến tranh, báo cáo của CAG cho biết.
Trung Quốc có thể đã nghiên cứu kỹ lưỡng bản báo cáo và năng lực chiến đấu của Ấn Độ để đưa ra phản ứng mạnh mẽ, theo The Diplomat.
Thời gian cho Trung Quốc sắp hết
Trong khi đó, thời gian để Trung Quốc phát động một cuộc chiến tranh biên giới sắp trôi qua.
Theo National Interest, Bắc Kinh sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng tới ở tỉnh Phúc Kiến. Hội nghị là một trong hai sự kiện đối ngoại quan trọng nhất với Trung Quốc, sau hội nghị Sáng kiến Vành đai và Con đường tổ chức hồi tháng 5.
Hội nghị là cơ hội để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tìm kiếm giải pháp ngoại giao, tăng cường hợp tác kinh tế. Một cuộc chiến tranh với Ấn Độ sẽ làm tổn hại đến cơ hội này.
Ông Tập thị sát cuộc diễu binh nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Trung Quốc.
Thứ hai, Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập, đang chuẩn bị những bước cuối cùng cho Đại hội 19 vào mùa thu năm nay. Được tổ chức 5 năm một lần, đại hội là sự kiện quan trọng nhất đối với nền chính trị Trung Quốc.
Đây là cơ hội để ông Tập đề ra quyết sách mới và củng cố quyền lực. Một cuộc chiến tranh với Ấn Độ gần thời điểm diễn ra Đại hội 19 có thể tạo ra hiệu ứng tiêu cực.
Đó là chưa kể hai nước đều sở hữu vũ khí hạt nhân và Ấn Độ có thể cân nhắc đến lựa chọn này nếu cảm thấy bị đe dọa.
Thứ ba, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chắc chắn hiểu rõ những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt từ nhiều hướng. Hiện chưa rõ liệu tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ có phải là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc, so với các điểm nóng khác như bán đảo Triều Tiên hay Biển Đông.
National Interest kết luận, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa cái giá phải trả và lợi ích đạt được nếu dấn thân vào cuộc chiến tranh với Ấn Độ trong vài tuần hoặc vài tháng tới.
Theo Danviet
1.000 lính áp sát Ấn Độ, báo TQ đếm ngược chiến tranh
Báo Trung Quốc ngày 9.8 đăng tải bài xã luận kêu gọi Ấn Độ rút quân khỏi khu vực tranh chấp trên cao nguyên Doklam trước khi quá muộn.
Binh sĩ quân đội Trung Quốc.
Theo Times of India, Trung Quốc Nhật báo (China Daily), tờ báo nhà nước Trung Quốc ngày 9.8 đã đăng tải bài xã luận kêu gọi Ấn Độ rút quân.
"Ấn Độ sẽ chỉ còn biết tự trách mình nếu cương quyết không rút quân", Trung Quốc Nhật báo viết. "Thời gian đếm ngược chiến tranh giữa quân đội hai nước đã bắt đầu. Mỗi giây trôi qua càng khiến tranh chấp dẫn đến kết cục không thể tránh khỏi".
"Tuần thứ 7 trong tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã đến, khe cửa hẹp cho giải pháp hòa bình đang đóng lại", báo Trung Quốc viết. "Bất kỳ ai có mắt để nhìn và tai để nghe đều hiểu thông điệp này. Nhưng New Delhi vẫn không chịu rút quân khỏi khu vực".
Nguồn tin giấu tên trên tờ Indian Express cho biết, quân đội Trung Quốc đã dựng 80 lều trại cho khoảng 800-1.000 binh sĩ tiến sát đến biên giới hai nước ở Sikkim.
Con số này tương đương với một tiểu đoàn bộ binh. Quan chức quân đội Ấn Độ từ chối bình luận về thông tin này.
Trong diễn biến liên quan, quân đội Ấn Độ đã đẩy nhanh chiến dịch huấn luyện kéo dài 2 tuần cho các binh sĩ làm quen với địa hình họ sẽ tham gia tác chiến.
Khu vực Sikkim hiện đang làm điểm nóng trong căng thẳng biên giới Trung-Ấn.
Chiến dịch này ban đầu được ấn định vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 nhưng đã được đẩy nhanh lên tới đầu tháng 8. Theo Indian Express, đó là cách quân đội tăng cường sự chuẩn bị và gây bất ngờ cho phía Trung Quốc.
Ước tính 10 lữ đoàn bộ binh thuộc quân đoàn 33 của Ấn Độ sẽ trải qua 2 giai đoạn huấn luyện. Giai đoạn 1 kéo dài 6 ngày làm quen khí hậu ở khu vực địa hình cao 3.500 mét so với mực nước biển. Giai đoạn 2 sẽ là 4 ngày huấn luyện ở độ cao 4.500 mét.
Bên cạnh đó, quân đội Ấn Độ cũng bắt đầu chuẩn bị cho căng thẳng lâu dài với Trung Quốc. Các binh sĩ bắt đầu tích trữ lương thực cho mùa đông, mở rộng thêm căn cứ hậu cần.
Nhưng báo Ấn Độ thừa nhận, hoạt động hậu cần của Trung Quốc hiện tại đang vượt trội hoàn toàn.
Theo Danviet
Ấn Độ chuẩn bị nghênh chiến TQ trên bầu trời biên giới ra sao? Lực lượng không quân Ấn Độ ở khu vực Tây Tạng vượt trội hơn hẳn Trung Quốc, xét trên các yếu tố địa hình, vũ khí và năng lực chiến đấu, cựu sỹ quan không Ấn Độ nhận định. Chiến đấu cơ Ấn Độ phóng thử tên lửa hành trình BrahMos. Theo NDTV (Ấn Độ), không quân Ấn Độ (IAF) luôn sẵn sàng...