Căng thẳng thương mại EU – Trung Quốc có nguy cơ tăng nhiệt
Ngày 8/10, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản đối việc Trung Quốc áp đặt biện pháp chống bán phá giá đối với rượu brandy nhập khẩu từ khối này.
Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy của Tập đoàn Li Auto Inc. ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 10/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Động thái của Trung Quốc được cho là hành động đáp trả Ủy ban châu Âu (EC) sau khi cơ quan này áp thuế nhập khẩu bổ sung đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Người phát ngôn thương mại của EC, ông Olof Gill, nói: “Chúng tôi tin rằng những biện pháp này là vô căn cứ và chúng tôi quyết tâm bảo vệ ngành công nghiệp EU trước sự lạm dụng các công cụ bảo hộ thương mại”.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố danh sách chi tiết về mức thuế mà mỗi công ty sẽ phải trả, dao động từ 30,6% đối với Martell đến 39% đối với Jas Hennessy và 38,1% đối với Remy Martin.
Tuần trước, các nước EU đã chính thức “bật đèn xanh” cho việc áp thuế bổ sung lên tới 35,3% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Đức.
Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni đã bảo vệ hành động của EU, cho điều đó là “hợp lý” và cho biết khối này “không bao giờ lo lắng” về chuyện bị trả đũa. Ông nói: “Chúng tôi đã có một cuộc điều tra nghiêm túc về việc chống trợ cấp được khởi động vào năm ngoái đối với xe điện của Trung Quốc”.
Cuộc điều tra kết thúc vào đầu năm nay đã kết luận rằng việc Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ cho các nhà sản xuất ô tô là không công bằng và gây bất lợi cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu.
Căng thẳng thương mại tiếp diễn giữa Trung Quốc và Canada
Ngày 26/9, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) thông báo mở cuộc điều tra chống phân biệt đối xử với các biện pháp hạn chế của Canada nhằm vào một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Xe ô tô chạy bằng năng lượng mới chờ xuất khẩu tại khu cảng ở thành phố Thái Thương thuộc Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Trong thông báo trực tuyến, Bộ trên cho biết có bằng chứng và thông tin cho thấy các khoản thuế bổ sung theo kế hoạch và các biện pháp hạn chế khác của Canada đối với xe điện, thép và các sản phẩm nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc là hoạt động thương mại phân biệt đối xử theo luật ngoại thương của nước này. Cuộc điều tra bắt đầu cùng ngày thông báo được đăng tải, dự kiến kéo dài 3 tháng và có thể gia hạn trong những điều kiện đặc biệt.
Trước đó, trong tháng này, Bắc Kinh đã thông báo kế hoạch điều tra đối với cải dầu nhập khẩu từ Canada sau khi Ottawa tham gia cùng với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc và 25% đối với nhôm và thép của nước này. Hơn một nửa cải dầu xuất khẩu của Canada là vào Trung Quốc, nước nhập khẩu hạt có dầu lớn nhất thế giới.
Trung Quốc đã bày tỏ lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối các biện pháp hạn chế của Canada và yêu cầu đàm phán về thuế với Canada tại Tổ chức thương mại thế giới.
Tranh chấp thương mại giữa hai nước gia tăng tuần này sau khi Canada tuyên bố sẽ xem xét cấm sử dụng phần mềm của Trung Quốc cho xe điện và nhiều biện pháp hạn chế khác.
Nấc thang mới trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trở nên nóng hơn trước những cảnh báo mới đây từ phía Trung Quốc. Trước tình hình này, một số công ty Mỹ đang tích trữ linh kiện và trì hoãn các kế hoạch mở rộng hoạt động. Căng thẳng leo thang Ngày 25/8, Bộ Thương mại Trung Quốc...