Căng thẳng tại Trung Đông: Tổng thư ký LHQ cảnh báo nguy cơ chiến tranh toàn diện
Trong tuyên bố tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York ngày 8/10, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo Liban đang “trên bờ vực của cuộc chiến tranh toàn diện”.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng mặc dù tình hình hiện tại đang rất căng thẳng, nhưng vẫn còn cơ hội để ngăn chặn những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra.
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống Khiam, Liban ngày 3/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo ông Guterres, Trung Đông hiện “giống như thùng thuốc nổ, nơi nhiều bên đang cầm ngòi nổ”, trong đó xung đột ở Bờ Tây đang “sôi sục” và các cuộc tấn công ở Liban đang đe dọa đến toàn bộ khu vực. Trong những ngày gần đây, giao tranh giữa Hezbollah và các lực lượng khác ở Liban với quân đội Israel đã gia tăng mạnh mẽ trên toàn bộ Đường Xanh, vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết 1701 và 1559 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Ông Guterres cho biết các cuộc không kích quy mô lớn của Israel vào Liban, bao gồm cả thủ đô Beirut, đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng trong suốt năm qua, trong đó 1.500 người thiệt mạng chỉ trong hai tuần gần đây. Tại Liban, hơn 1 triệu người đã phải di dời nơi ở và 300.000 người đã chạy sang Syria lánh nạn.
Video đang HOT
Trong khi đó, hơn 60.000 người tại miền Bắc Israel đã phải di dời nơi ở. Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước bờ vực của cuộc chiến toàn diện ở Liban, với những hậu quả tàn khốc đã xảy ra. Nhưng vẫn còn thời gian để ngăn chặn”. Ông khẳng định “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được tôn trọng.”
Ông Guterres cũng bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về một dự thảo luật của Israel có thể cản trở Cơ quan cứu trợ LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) trong việc tiếp tục các hoạt động thiết yếu của mình ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine. Ông cảnh báo rằng nếu được thông qua, dự luật này sẽ gây cú sốc lớn đối với hoạt động nhân đạo quốc tế ở Gaza, vì UNRWA là một phần thiết yếu trong nỗ lực này.
Ông Guterres nhấn mạnh rằng “luật pháp quốc gia không thể thay đổi những nghĩa vụ của Israel theo luật pháp quốc tế”, đồng thời cho biết nếu không có UNRWA, việc cung cấp thực phẩm, nơi trú ẩn và chăm sóc sức khỏe cho hầu hết dân số Gaza sẽ ngừng lại, dẫn đến hàng triệu trẻ em mất cơ hội giáo dục. Ông khẳng định dự luật trên sẽ là bước lùi lớn đối với các nỗ lực hòa bình bền vững.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết đã có một số tiến bộ trong đám phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza nhưng điều này “vô nghĩa” trừ khi đạt được một thỏa thuận thực sự. Bà nhấn mạnh rằng “cần phải có một lệnh ngừng bắn và thỏa thuận thả con tin càng sớm càng tốt”.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi cũng đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở cả Dải Gaza và Liban, nhấn mạnh rằng những hậu quả nghiêm trọng của tình hình leo thang hiện tại đối với tất cả các quốc gia trong khu vực.
Theo Văn phòng Tổng thống Ai Cập, ông al-Sisi đã bày tỏ quan điểm trên trong cuộc điện đàm với Tổng thống CH Cyprus Nikos Christodoulides, trong đó hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về những diễn biến và các biện pháp để giảm căng thẳng trong khu vực.
Tổng thư ký LHQ cảnh báo nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tái diễn
Nhân Ngày Quốc tế loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân lần thứ 10, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm túc tại khóa họp thứ 79 Đại hội đồng LHQ về tình trạng căng thẳng toàn cầu gia tăng và nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tái diễn.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ ngày 24/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Guterres nhấn mạnh sự chia rẽ về địa chính trị và mất tin tưởng ngày càng tăng đã làm leo thang căng thẳng và thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Ông nhận định: "Thay vì đối thoại và ngoại giao để chấm dứt mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân, một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân khác đang hình thành và việc phô trương sức mạnh quân sự đang tái hiện như một chiến thuật cưỡng ép".
Người đứng đầu tổ chức LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra thông điệp thống nhất và kiên quyết: Cách duy nhất để loại bỏ mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân là loại bỏ chúng. Ông nhấn mạnh mối liên quan giữa giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân, lưu ý rằng tiến triển trong hoạt động này sẽ thúc đẩy hoạt động kia. Ông Guterres khẳng định: "Các quốc gia phải theo đuổi cả hai việc này một cách khẩn trương".
Đề cập đến trách nhiệm của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, ông Guterres kêu gọi các nước này nêu gương bằng cách tôn trọng các nghĩa vụ giải trừ vũ khí và cam kết không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân hay đe dọa sử dụng chúng. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố và điều chỉnh các hiệp ước và công cụ hiện có nhằm ngăn chặn sự lan rộng và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, đặc biệt trong bối cảnh những tiến bộ công nghệ có thể làm gia tăng mối đe dọa.
Ông Guterres lưu ý Hội nghị Thượng đỉnh về Tương lai gần đây, trong đó các nhà lãnh đạo trên toàn cầu đã tái cam kết hồi sinh cơ chế giải trừ vũ khí trong Hiệp ước vì Tương lai.
Theo ông Guterres, thỏa thuận toàn cầu mới này là một bước quan trọng hướng tới việc đưa thế giới đến gần hơn mục tiêu loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Ngày Quốc tế loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, được tổ chức vào ngày 26/9 hàng năm, nhằm nhắc nhở người dân trên toàn cầu về những hậu quả thảm khốc bởi vũ khí hạt nhân và nhu cầu cấp thiết phải loại bỏ hoàn toàn chúng.
Taliban xác nhận tham dự hội nghị của LHQ về Afghanistan Người phát ngôn chính quyền Taliban - ông Zabihullah Mujahid - ngày 16/6 thông báo lực lượng này sẽ tham dự hội nghị lần thứ 3 do Liên hợp quốc (LHQ) chủ trì về Afghanistan tại thủ đô Doha của Qatar. Người phát ngôn chính quyền Taliban, ông Zabihullah Mujahid phát biểu tại cuộc họp báo ở Kabul, Afghanistan ngày 6/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN...