Căng thẳng tại Trung Đông: Thỏa thuận ngừng bắn Liban mở ra hy vọng hòa bình
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Liban chính là tia hy vọng đầu tiên cho hòa bình, xoa dịu căng thẳng tại khu vực Trung Đông sau những diễn biến tiêu cực nhiều tháng qua.
Đống đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Nabi Sheet, Liban ngày 26/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 27/11, phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Lisbon cùng Thủ tướng nước chủ nhà Bồ Đào Nha Luís Montenegro, ông Guterres đánh giá đây là thời khắc rất quan trọng, nhất là với những người dân thường đã phải chịu cái giá quá đắt từ căng thẳng kéo dài gây nhiều thương vong và thiệt hại cơ sở hạ tầng.
Theo Tổng thư ký, thỏa thuận là bước tiến lớn, song các bên tham gia ký kết cần tuân thủ tuyệt đối và chính thỏa thuận sẽ mở đường cho một giải pháp chính trị giúp xử lý khủng hoảng Liban. Ông cũng cho biết Lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ tại Liban (UNIFIL) đã sẵn sàng tham gia tiến trình giám sát ngừng bắn.
Đề cập các xung đột khác, ông Guterres nhấn mạnh yêu cầu về một nền hòa bình bền vững ở Ukraine, gắn với việc tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ với từng quốc gia. Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi về hòa bình cho Gaza thông qua một lệnh ngừng bắn tức thời, phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện tất cả con tin còn đang bị giam giữ, cho phép hàng hóa nhân đạo được tiếp cận không hạn chế với người dân Gaza đang chịu ảnh hưởng từ xung đột.
* Cùng ngày, nhiều quốc gia châu Âu cũng đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ giúp những người phải di dời ở cả Liban và Israel có thể trở về nhà. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Na Uy cũng kêu gọi khởi động các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn tương tự giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza để đảm bảo rằng người dân Gaza sẽ nhận được viện trợ nhân đạo và đảm bảo việc thả các con tin.
Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof cũng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn nói trên, đồng thời cho rằng điều quan trọng là tất cả các bên phải cam kết thực hiện ngay bây giờ, để tình hình có thể hạ nhiệt và công dân ở cả hai bên biên giới có thể trở về nhà an toàn
Về phần mình, Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp cho biết thỏa thuận này là một bước quan trọng hướng tới chấm dứt các cuộc giao tranh và hạ nhiệt khu vực. Điều quan trọng là tất cả các bên phải cam kết ngừng bắn để đạt được an ninh, ổn định và hòa bình lâu dài.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Slovenia đánh giá lệnh ngừng bắn là “bước đi quan trọng” giúp đạt được sự ổn định trong khu vực. Điều này cho thấy ý chí, cam kết và hòa bình là điều có thể, từ đó giúp truyền cảm hứng cho những nỗ lực ở Gaza.
Cùng ngày, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đánh giá lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah là một diễn biến rất quan trọng, nhưng nhấn mạnh chỉ nên xem đây là “điểm khởi đầu” để từ đó nắm bắt cơ hội này nhằm xây dựng sự ổn định lâu dài cho khu vực.
Bà Meloni cũng kêu gọi thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1701 của LHQ thông qua việc tăng cường phái bộ gìn giữ hòa bình UNIFIL ở miền Nam Liban, đặc biệt là nâng cao năng lực của Lực lượng vũ trang Liban. Đây là điều kiện cần thiết để thực hiện các mục tiêu của lệnh ngừng bắn và các nghị quyết của LHQ.
*Trong diễn biến liên quan, ngày 27/11, Hezbollah tuyên bố các thành viên của phong trào này vẫn luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó trước mọi động thái quân sự tiềm tàng. Tuyên bố không đề cập trực tiếp đến thỏa thuận ngừng bắn với Israel hay các điều khoản liên quan.
Theo thỏa thuận ngừng bắn đạt được với Israel trước đó cùng ngày, quân đội Israel rút khỏi miền Nam Liban, còn quân đội Liban sẽ triển khai trong khu vực. Trong khi đó, Hezbollah sẽ chấm dứt sự hiện diện vũ trang dọc biên giới phía Nam sông Litani và tháo dỡ cơ sở hạ tầng quân sự ở miền Nam Liban.
Trong khi đó, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari cho biết lực lượng này đã tiến hành các cuộc không kích vào 12.500 mục tiêu của Hezbollah trên khắp Liban kể từ khi căng thẳng nổ ra vào tháng 10 năm ngoái cho đến khi thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah có hiệu lực vào sáng sớm 27/11.
Theo ông Hagari, Israel cũng đã tấn công các cơ sở, tài sản chiến lược của Hezbollah, trong đó phá hủy 70% kho dự trữ thiết bị bay không người lái của phong trào này, cũng như khiến nhiều chỉ huy, quan chức cấp cao thiệt mạng.
Ngoài ra, người phát ngôn IDF cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào vi phạm lệnh ngừng bắn cũng sẽ bị đáp trả bằng hỏa lực. Ông cũng cho biết thêm rằng binh lính IDF vẫn đang đóng quân ở miền Nam Liban và máy bay của không quân Israel vẫn tiếp tục bay trong không phận Liban, thu thập thông tin tình báo và chuẩn bị hành động bất cứ khi nào cần thiết.
Israel tiếp tục không kích trung tâm thủ đô Beirut
Cơ quan thông tấn quốc gia chính thức của Liban đưa tin Israel đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào một khu phố ở trung tâm thủ đô Beirut của Liban vào tối muộn ngày 18/11 theo giờ địa phương.
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống Beirut, Liban ngày 17/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Khu vực bị tấn công gần tòa nhà Quốc hội, một số đại sứ quán và trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) tại Liban. Theo Bộ Y tế nước này, cuộc tấn công đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 31 người bị thương.
Cùng ngày, lực lượng Hezbollah ở Liban cho biết đã phóng thiết bị bay không người lái chứa thuốc nổ vào các mục tiêu quân sự ở Tel Aviv của Israel, trong khi lực lượng cứu hộ Israel cho biết 5 người đã bị thương do hỏa tiễn bắn vào vùng ngoại ô thành phố.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao và Di cư Liban đã chỉ thị cho Phái đoàn thường trực của nước này tại LHQ đệ đơn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) để phản đối việc quân đội nước này liên tục trở thành mục tiêu tấn công của Israel. Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Liban cho biết, trong đơn khiếu nại, nước này kêu gọi các quốc gia thành viên HĐBA "lên án các cuộc tấn công liên tiếp của Israel vào quân đội và coi đó là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và các nghị quyết quốc tế". Liban cho rằng việc Israel "nhắm mục tiêu vào quân đội đã làm suy yếu các nỗ lực quốc tế trong việc thực hiện nghị quyết 1701" và "việc đảm bảo an ninh cho quân đội cũng như hỗ trợ quân đội thực hiện mọi nhiệm vụ của mình là nhu cầu cấp thiết để tăng cường an ninh biên giới của Liban".
Liban đệ đơn khiếu nại trong bối cảnh các cuộc tấn công của Israel vào Liban kể từ tháng 10 năm ngoái đã khiến 36 binh sĩ nước này thiệt mạng. Trong ngày 17/11, Israel cũng vừa pháo kích một đồn quân sự ở thị trấn al-Mari, thuộc quận Hasbaya ở miền Nam Liban, làm ít nhất 2 binh sĩ Liban thiệt mạng và 3 binh sĩ bị thương.
Liên quan đến quyết định của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) về việc tăng cường bảo vệ 34 di sản văn hóa của Liban trong bối cảnh xung đột đang diễn ra, Thủ tướng Liban Najib Mikati đã lên tiếng hoan nghênh quyết định này và cho rằng đây cũng sẽ là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Israel.
Cũng trong ngày 18/11, Ai Cập đã lên án việc Israel tấn công các mục tiêu ở Liban và các trường học chuyển thành nơi trú ẩn ở Dải Gaza có liên quan đến Cơ quan của LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) hôm 16/11. Ai Cập cho rằng các cuộc tấn công này vi phạm luật quốc tế, vi phạm chủ quyền của Liban và làm phức tạp thêm tình hình vốn đã bất ổn trong khu vực.
Tiếp tục leo thang các vụ tấn công lẫn nhau giữa Israel - Hezbollah Ngày 16/11, quân đội Israel tiếp tục tiến hành một loạt cuộc không kích vào các khu vực của lực lượng Hezbollah ở Beirut và miền Nam Liban, trong khi các tay súng của lực lượng này cũng bắn vào một số căn cứ quân sự của Israel xung quanh thành phố ven biển Haifa gây ra thương vong. Hiện trường vụ tấn...