Căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ: Ai mua bán dầu mỏ với IS?
Trong khi Nga đưa ra các dữ liệu chứng minh Thổ Nhĩ Kỳ buôn dầu với IS thì Ankara cũng dọa tung bằng chứng tố ngược lại.
Ngày 3/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này có bằng chứng về việc Nga dính líu đến việc mua bán dầu mỏ trái phép với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, qua đó phản bác lại các cáo buộc của Nga nói rằng Ankara đang mua dầu mỏ của IS.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Erdogan tuyên bố: “Chúng tôi có bằng chứng trong tay. Chúng tôi sẽ công bố với toàn thế giới”.
Ông Erdogan cũng lên án Nga “làm trái đạo đức” khi cáo buộc gia đình của ông dính líu đến việc mua dầu mỏ của IS.
Tổng thống Tayyip Erdogan.
Trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang dừng ở mức dọa dẫm tung bằng chứng thì người Nga đã đi trước một bước khi đưa ra nhiều dữ liệu cho thấy cách thức Ankara giao dịch dầu mỏ với IS.
Theo đó, trong buổi thông tin báo chí ngày 2/12 tại Moscow, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov đã cung cấp các hình ảnh vệ tinh về hoạt động buôn bán dầu bất hợp pháp của IS tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Ông Anatoly Antonov còn cáo buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cùng các thành viên trong gia đình có liên quan đến hoạt động giao dịch dầu trái phép với tổ chức IS.
Video đang HOT
Theo ông Anatoly Antonov, việc bán dầu mỏ là hoạt động đem lại nguồn thu lớn nhất cho IS. Mỗi năm, tổ chức này kiếm được khoảng 2 tỷ USD, dùng để thuê các chiến binh thánh chiến trên khắp thế giới và trang bị vũ khí.
Ông này cũng chỉ đích danh Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng chính trong các cuộc giao dịch dầu mỏ bất hợp pháp với IS.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: “Theo các nguồn tin thu thập được, hoạt động giao dịch bất hợp pháp này có liên quan tới giới lãnh đạo chính trị cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cùng gia đình ông này”.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cung cấp các bức ảnh vệ tinh cho thấy IS hiện vận chuyển 200.000 thùng dầu cho quốc gia thứ ba, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cáo buộc ông Erdogan cùng gia đình có các cuộc giao dịch ngầm với IS.
Theo báo cáo của người đứng đầu Trung tâm chỉ huy tác chiến Bộ Quốc phòng Nga Sergey Rudskoi, các cuộc không kích của Không quân Nga nhằm vào tổ chức IS tại Syria đã làm giảm một nửa nguồn thu bất hợp pháp của IS từ buôn lậu dầu mỏ, trong đó một phần lớn được bán sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Dầu mỏ từ các khu vực do IS kiểm soát tại Syria được vận chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ và đưa tới các nhà máy lọc dầu tại nước thứ ba qua cảng Dortyol và Iskenderun.
Hiện tại, Nga đã đình chỉ các cuộc đàm phán với Ankara về dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu. Đây là động thái mạnh mẽ tiếp theo của Moscow sau sắc lệnh trừng phạt kinh tế được Tổng thống Putin ký hôm 28/11.
Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Moscow đang áp đặt với Ankara sau sự cố máy bay Su-24 có thể khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sụp đổ thực sự.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại vẫn còn chưa chịu tác động đầy đủ của cuộc khủng hoảng. Trong tương lai, theo hiệu ứng domino, cuộc khủng hoảng sẽ nhấn chìm các nhà xuất khẩu, nông dân, trung gian, đại lý bán thuốc và phân bón, các nhà sản xuất hạt giống, cây con, các công ty cung cấp nhà kính.
Những thị trường quan trọng nhất đối với sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ là Nga và Đức. Khoảng 10-12 triệu khách du lịch đến Antalya mỗi năm, 25% trong số đó là người Nga.
Về năng lượng, trong năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu khoảng 27 tỉ m3 khí, tương đương hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Việc Nga tuyên bố ngừng đàm phán về Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến Ankara chắc chắn chịu thiệt. Tuy nhiên, Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Moscow đang tìm cách bán khí đốt để bổ sung vào ngân sách vốn đang co lại do giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải nhập siêu lên tới 25 tỷ USD hàng hóa các loại từ Nga. Kể từ đầu năm nay, Nga đã đầu tư trực tiếp vào Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 755 triệu USD, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng đầu tư vào Nga ít nhất là 55 triệu USD.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, trong năm ngoái, Ankara đã xuất khẩu lượng sản phẩm nông nghiệp trị giá khoảng 1,06 tỷ USD sang Nga. Trong khi đó, có khoảng 20% lượng rau Nga nhập khẩu là từ Thổ Nhĩ Kỳ.
An Nhiên (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Nga tung bằng chứng gia đình tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ 'làm ăn' với IS
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cùng người nhà của ông đã trực tiếp tham gia kinh doanh dầu trái phép với quân khủng bố IS. Đồng thời, bộ còn nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ là điểm "dừng chân" cuối cùng cho việc buôn lậu dầu mỏ chuyển từ Syria và Iraq.
Theo RT, ngày 2-12 tại Moscow, Bộ Quốc phòng Nga đã tổ chức một buổi họp báo lớn về những phát hiện liên quan tới nguồn tiền của quân khủng bố IS.
Một số hình ảnh Bộ Quốc phòng Nga trưng ra cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng chính và là nơi "dừng chân" cuối cùng cho việc tuồn dầu lậu của IS. (Ảnh: Twitter)
"Theo dữ liệu chúng tôi thu thập được, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cùng gia đình ông có tham gia ngành kinh doanh phạm tội này" - ông Antonov nói.
Tuy nhiên, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích chống IS ở Syria vào ngày 30-9, thu nhập của IS từ dầu mỏ đã sụt giảm đi đáng kể, theo Bộ Quốc phòng Nga.
"Doanh thu của IS từ dầu mỏ khoảng 3 triệu USD mỗi ngày. Sau hai tháng Nga không kích ở Syria, mỗi ngày chúng chỉ còn kiếm được khoảng 1,5 triệu USD" - RT dẫn lời Trung tướng Sergey Rudskoy nói.
Ông Sergey Rudskoy còn nhấn mạnh rằng liên quân do Mỹ dẫn đầu không hề không kích vào các xe chở dầu của IS.
Lần trước Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng nếu Nga chứng minh được nước ông có "làm ăn" với IS, ông sẽ từ chức. Theo RT, tại cuộc họp báo lần này, Nga không mong ông Erdogan sẽ từ chức khi đối mặt với những bằng chứng mà Nga vừa tung ra, mặc dù trước đó ông đã cam kết như vậy. Tổng thống Erdogan từ chức không phải là mục tiêu của Nga mà là vấn đề của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngọc Như
Theo_PLO
Mỹ không kích gây thiệt hại 43% nguồn thu dầu mỏ của IS Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết Liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã gây thiệt hại 43% nguồn thu dầu mỏ của IS qua các cuộc không kích. Trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 1/12, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford cho biết, các cuộc không kích của...