Căng thẳng chính trị tại Trung Đông đẩy giá dầu leo dốc
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên 15/10 do căng thẳng địa chính trị liên quan đến việc nhà báo Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi mất tích làm gia tăng lo ngại về nguồn cung dầu.
Cụ thể, giá dầu Brent trong phiên có thời điểm tăng 1,49 USD lên 81,92 USD, trước khi chốt phiên ở mức 81,13 USD, tăng 70 xu Mỹ. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ nhích 40 xu Mỹ lên 71,74 USD/thùng.
Nhà chiến lược hàng hóa Warren Patterson của ING nhận định: “Thị trường lại tiếp tục lo ngại về các căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông sau khi Mỹ và Ả Rập Saudi đưa ra các bình luận về sự mất tích của nhà báo Khashoggi, điều này khiến giá dầu tăng lên”.
Căng thẳng chính trị tại Trung Đông đẩy giá dầu đi lên trong phiên 15/10.
Ả Rập Saudi – nhà sản xuất dầu hàng đầu trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) – hiện đang chịu sức ép kể từ khi nhà báo Khashoggi mất tích vào ngày 2/10 sau khi ông này đến Lãnh sự quán của Ả Rập Saudi ở thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) làm giấy tờ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối tuần trước đã cảnh báo sẽ có biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Riyadh nếu nhà báo Khashoggi thực sự bị hại.
Ngay sau đó, Ả Rập Saudi đã bác bỏ hoàn toàn tất cả những lời cáo buộc và đe dọa đáp trả mạnh tay bất cứ động thái áp đặt trừng phạt kinh tế hay sử dụng sức ép chính trị nào lên nước này.
Video đang HOT
Vương quốc Hồi giáo này tuyên bố sẽ trả đũa bất cứ biện pháp trừng phạt kinh tế nào mà các nước đưa ra liên quan đến vụ việc trên, hãng thông tấn nhà nước SPA tiết lộ hôm 14/10.
Ả Rập Saudi cũng nhấn mạnh rằng quốc gia Vùng Vịnh này đóng vai trò quan trọng và có khả năng tác động lớn đến nền kinh tế thế giới.
“Điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng người Ảrập Saudi có thể sử dụng dầu mỏ như một công cụ để trả đũa nếu có bất kỳ biện pháp trừng phạt được áp đặt đối với Riyadh”, chuyên gia Patterson nói thêm.
Những diễn biến trên đã đẩy giá dầu lên cao trong phiên này. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, những bất ổn địa chính trị cùng với rủi ro thương mại và triển vọng kinh tế toàn cầu yếu hơn có thể khiến thị trường năng lượng chứng kiến một tuần giao dịch trồi sụt nữa. Các chuyên gia nhận định sự phục hồi của giá dầu trong phiên 15/10 còn chưa chắc chắn.
Giá “vàng đen” cũng đang chịu áp lực trong tuần này sau khi báo cáo hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố tuần trước nhận định thị trường dầu toàn cầu đã được “cung cấp đầy đủ”, đồng thời giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2018 và năm sau.
Báo cáo của IEA cho biết OPEC, Nga, các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác cũng như các công ty dầu đá phiến của Mỹ đã tăng sản lượng mạnh kể từ tháng 5 đến nay, đưa sản lượng dầu thô thế giới lên 1,4 triệu thùng dầu/ngày.
Ngân hàng Societe Generale ngày 15/10 đã nâng dự báo giá dầu Brent trong quý IV/2018 lên 82 USD từ mức 78 USD/thùng trước đó do giá “vàng đen” liên tục tăng mạnh trong 2 tháng qua.
Ngân hàng Pháp cũng lưu ý rằng thị trường dầu mỏ đang tiềm ẩn “mức độ rủi ro cao và không chắc chắn”.
Theo kinhtedothi
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Không ai là người chiến thắng
Mỹ và Trung Quốc sẽ không thắng dễ dàng trong cuộc chiến thương mại. Đây sẽ là cuộc chiến dài hơi với các tác động chắc chắn tới địa chính trị thế giới.
Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã nóng lên khi 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới áp đặt các mức thuế suất mới nhằm vào hàng hóa nhập khẩu của nhau. Từ phía Mỹ là thuế suất 10% áp đặt lên 200 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực ngày 24/9. Đáp trả Trung Quốc đã áp thuế với 60 tỷ USD giá trị hàng hóa của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Không ai là người chiến thắng. Ảnh: Getty
Giới phân tích và các nhà bình luận đã tranh luận sôi nổi về việc ai sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thương mại này và ảnh hưởng mà nền kinh tế toàn cầu phải hứng chịu. Các nhà nghiên cứu đứng trên những góc nhìn khác nhau khiến cho cuộc tranh luận vẫn chưa thể ngã ngũ và không thể chốt lại được Mỹ hay Trung Quốc sẽ thua trong cuộc chiến này. Điều rõ ràng nhất mà tất cả phải thừa nhận là những tổn thất với không chỉ Mỹ và Trung Quốc mà là cả nền kinh tế toàn cầu phải gánh chịu.
Các nhà phân tích cũng có lý do rõ ràng để lý giải tại sao cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa thể phân định thắng thua vào lúc này. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, cuộc chiến này mới ở giai đoạn đầu khi mới chỉ bắt đầu từ đầu tháng 7 vừa qua. Hay nói một cách khác, hiện chưa đủ thời gian và những dữ liệu kinh tế để đánh giá những ảnh hưởng thực sự tới nền kinh tế của cả hai nước. Những tác động sẽ rõ nét hơn và được thể hiện cụ thể qua những báo cáo và thống kê kinh tế vào cuối năm nay.
Giới chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán Mỹ là một "câu chuyện phức tạp". Trong khi, tình hình thị trường chứng khoán tại Trung Quốc đã không mấy khởi sắc trong năm nay bởi nhiều yếu tố, từ nền kinh tế yếu, các quy định tài chính thắt chặt hơn đến việc nguồn tiền khan hiếm...
Một số học giả chỉ ra rằng, trong chiến lược kinh tế với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mắc sai lầm khi nhìn cùng lúc hai thị trường chứng khoán thay vì xem xét tác động của thuế suất đến từng thị trường như thế nào. Nếu đánh giá thị trường như ông Trump thì cuộc chiến thương mại tổn hại như nhau tới nền kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc, ít nhiều phù hợp với những chiều phân tích kinh tế chủ đạo hiện nay.
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến chỉ ra rằng có lẽ đằng sau cuộc chiến thương mại này còn có những mục tiêu chính trị nhất định. Đến nay, chính quyền của Tổng thống Trump đã gửi đi những tín hiệu trái chiều về việc Washington thực sự muốn một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trong đó phải kể đến việc ông Trump muốn giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, hành động được xem là mang mục đích cá nhân của ông; việc chấm dứt dự án "Made in China 2025"; chấm dứt việc Trung Quốc vi phạm bản quyền trí tuệ; thay đổi hệ thống tiền tệ Trung Quốc... Tuy nhiên, việc triển khai nhiều chiến lược như vậy đã khiến chính quyền của Tổng thống Trump khó tập trung vào từng chiến dịch một. Trong khi đó, Trung Quốc đã tung đòn đáp trả và chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi với Mỹ. Phía Bắc Kinh đến nay cũng không thể hiện sẽ nhượng bộ thương mại với Washington.
Trung Quốc cứng rắn hơn khi "dao kề cổ"
Phải nhắc lại tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn một ngày sau khi thuế suất của Mỹ với 200 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực rằng: "Bắc Kinh sẽ không thể đối thoại thương mại với Mỹ khi các mức thuế suất giống như dao kề cổ". Theo Thứ trưởng Vương Thụ Văn, đàm phán sẽ diễn ra khi hai bên đối xử công bằng và bình đẳng với nhau.
Thâm hụt thương mại là điều Tổng thống Trump quan tâm hơn cả khi nói về căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Nhưng thực tế lại đi ngược những gì ông Trump mong muốn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang trong những tháng qua đi kèm với tỷ lệ thâm hụt này gia tăng, thậm chí con số này sẽ còn lớn hơn vào cuối năm nay. Và không có gì nghi ngờ khi ông Trump gần đây không còn nói đến việc ông sẽ chiến thắng trong giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Trong khi đó, phía Trung Quốc sẽ không ngồi yên để Mỹ áp thuế suất. Ngoài những đòn đáp trả, Bắc Kinh cũng có những biện pháp củng cố nền kinh tế của mình. Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Trung Quốc sẽ quyết định phạm vi và tốc độ mở cửa nền kinh tế để phù hợp với lợi ích trong nước và diễn biến tình hình.
Điều mà nhiều nhà phân tích thấy rõ ràng nhất là Mỹ sẽ không thắng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc ít nhất là vào lúc này. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là Trung Quốc sẽ chiến thắng. Cả hai nền kinh tế sẽ phải chịu tổn thất nếu cuộc chiến thương mại leo thang, kéo theo đó là những căng thẳng lan sang các lĩnh vực khác như an ninh. Chính quyền Mỹ muốn một cuộc "cạnh tranh thương mại không khoan ngượng", trong khi Trung Quốc sẵn sàng đáp trả. "Nếu hai bên không có những chiến lược cẩn trọng, cả thế giới cũng sẽ bị kéo vào cuộc chiến này- một cuộc xung đột kiểu mới giữa các cường quốc lớn", The Diplomat tóm lại các ý kiến chuyên gia./.
Hoàng Lê
Theo VOV.VN/ The Diplomat
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ ra những xu hướng bất ổn của địa chính trị khu vực Các nhà lãnh đạo châu Á hôm nay đã kêu gọi tuân thủ một trật tự dựa trên các nguyên tắc, phản đối các hành động đơn phương và bảo hộ trong phiên thảo luận về triển vọng địa chính trị châu Á tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN. Tại đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình...