Căng thẳng Biển Đông đang nguy hiểm
Nếu không kịp thời có biện pháp làm dịu tình hình, tranh chấp chủ quyền biển đảo có nguy cơ gây ra những tranh chấp khác giữa các nước, các bên liên quan.
Hải quân Philippines
Đánh giá về những động thái xảy ra gần đây ở Biển Đông, ngày 29/5, ông Christian Le Miere – chuyên gia cấp cao về hải quân và an ninh hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) – cho rằng căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo tại khu vực khá nhạy cảm này đang diễn biến nguy hiểm.
Nếu không kịp thời có biện pháp làm dịu tình hình, tranh chấp chủ quyền biển đảo có nguy cơ gây ra những tranh chấp khác giữa các nước, các bên liên quan.
Tình trạng bất ổn ở Biển Đông không phải là mới. Tuy nhiên, vụ giết hại ngư dân Đài Loan (Trung Quốc) Hung Shih-cheng vừa qua lại cho thấy hình ảnh một Biển Đông khá mới mẻ. Đó là nguy cơ sử dụng khu vực biển này làm nơi giải quyết những bức xúc, bất đồng liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Điều này khiến tranh chấp ở Biển Đông ngày càng nguy hiểm.
Những tranh cãi ngoại giao giữa các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang “ nóng” lên sau khi lực lượng tuần duyên Philippines bắn chết Hung Shih-cheng hôm 9/5. Hung đã trở thành bia đỡ đạn khi đang đứng trên boong tàu cá Kuang Ta Hsing số 28. Kiểm tra thi thể Hung, người ta đếm được tổng cộng 59 lỗ đạn.
Vụ việc xảy ra ở vùng biển rộng lớn nơi tuyên bố chủ quyền về vùng đặc quyền kinh tế của các nước chồng lấn lên nhau. Đó cũng là khu vực biển mà các nước chưa từng đạt được thỏa thuận phân định chính thức.
Cho đến thời điểm này, nguy cơ xảy ra xung đột giữa Đài Loan và Philippines đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, hậu quả của vụ việc thì không chỉ dừng lại ở Eo Balintang – nơi nó đã xảy ra.
Mặc dù không chấp nhận việc Đài Bắc thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, và vẫn coi Đài Loan là một tỉnh của mình, nhưng Trung Quốc Đại lục lại khẳng định rằng giết hại một ngư dân Đài Loan cũng là giết hại một người Hoa. Vì vậy, họ đứng về phía hòn đảo Đài Loan trong vụ tranh cãi với Philippines.
Video đang HOT
Chỉ một ngày sau vụ giết hại ngư dân, Trung Quốc đã triển khai 2 tàu hải giám tới bãi Cỏ Mây – một bãi đá lúc chìm lúc nổi thuộc quần đảo Trường Sa. Hiện lực lượng Thủy quân lục chiến Philippines đang chiếm đóng bãi đá này trên một chiếc tàu đổ bộ cũ từ thời Thế chiến II.
Mười một ngày sau, Trung Quốc đưa thêm một tàu khu trục và 2 tàu hải giám đến khu vực bãi Cỏ Mây – hành động mà phía Philippines coi là bất hợp pháp và mang tính khiêu khích.
Đáp lại, Philippines đã triển khai tàu chiến tới bãi Cỏ Mây hôm 25/5. Hai ngày sau đó, lần đầu tiên trong 3 năm qua, Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận hải quân với sự tham gia của cả 3 hạm đội.
Dù không công khai nói rằng những động thái triển khai tàu vừa qua là để hậu thuẫn cho Đài Loan, nhưng rõ ràng Trung Quốc đang “bắn một mũi tên trúng hai đích.” Có thể nhân cơ hội này, Trung Quốc muốn thử phản ứng của Philippines và trả đũa việc Manila kiện Bắc Kinh ra Tòa án trọng tài về luật biển.
Vụ việc đó càng chứng tỏ Biển Đông vẫn là một khu vực bất ổn và rất dễ bùng phát thành xung đột với sự hiện diện của quân đội các nước, các bên có tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Biển Đông còn là nơi các bên sử dụng để giải quyết những tranh chấp khác liên quan tới quan hệ song phương.
“Ngoại giao pháo hạm” đã được áp dụng để tạo sức mạnh răn đe ngay tại vùng biển quốc tế. Đó là một diễn biến rất nguy hiểm, nhất là khi căng thẳng vượt qua tầm kiểm soát của các bên.
Vấn đề này chắc chắn sẽ được đề cập đến tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 vào cuối tuần này ở Sinhgapore – nơi mà Mỹ đã triển khai siêu hạm USS Freedom. Là 1 trong 4 tàu tác chiến ven bờ tối tân của Hải quân Mỹ, USS Freedom sẽ có mặt ở Sinhgapore trong một vài năm tới. Việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự sẽ tác động đáng kể tới tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vốn đang rất căng thẳng.
Theo xahoi
TQ dùng chiến thuật "cây gậy nhỏ" độc chiếm Biển Đông?
Hải quân Trung Quốc đang áp dụng "chiến thuật cây gậy nhỏ" đặc biệt nhằm chiếm lấy không gian hoạt động của các nước trong khu vực Đông Nam Á...
Xuồng máy chở binh lính Trung Quốc trong đợt tập trận diễn ra hôm 28/3
Theo thông tin trên trang Strategy page, The National Interest của Mỹ và tờ Kuala Lumpur Security Review của Malaysia, sau khi cung cấp hàng loạt tàu chiến second hand cho các cơ quan hải giám, cơ quan đánh bắt cá...Trung Quốc tiếp tục đưa hàng loạt tàu chiến và trang bị đặc chủng phù hợp với hoạt động tuần tra trên vùng biển gần và tác chiến chống tấn công bất ngờ.
Đặc biệt là khu vực biển Đông, hải quân Trung Quốc đang áp dụng "chiến thuật cây gậy nhỏ" đặc biệt, dùng một loạt tàu chiến hạng nhẹ ở tuyến đầu để dồn ép nhằm chiếm lấy không gian hoạt động của các nước trong khu vực Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam... Cuối cùng là thực hiện ý đồ của Bắc Kinh trong khu vực "đường lưỡi bò".
Tung ra hàng loạt tàu chiến hạng nhẹ
Báo chí nước ngoài phát hiện ra rằng, hiện nay việc sử dụng tàu chiến của hải quân Trung Quốc ở vùng biển gần đang có nhiều thay đổi so với trước đây, ví dụ tại biển Đông, tàu chiến hạng nhẹ đang trở thành lực lượng chủ chốt trong quá trình tuần tra thường nhật. Ngoài tàu săn ngầm có trọng lượng choán nước nhỏ 037, từ tháng 8-2012, hải quân Trung Quốc bắt đầu tiếp nhận một lượng lớn tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp 056.
Trang tin quân sự StrategyPage của Mỹ dự đoán, Trung Quốc sẽ sản xuất vài chục tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp 056, trong đó một lượng rất lớn được trang bị cho hạm đội biển Đông, mục đích là tăng cường quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng biển này. Tàu 056 nhỏ hơn tàu hộ vệ 054A, 053 của Trung Quốc, tàu dài 89m, lượng choán nước chỉ 1.400 tấn, vận tốc tối đa đạt 25 hải lí/giờ, thủy thủ đoàn 60 người. Tàu được trang bị 4 tên lửa chống hạm YJ-83, 2 bệ phóng ngư lôi với ống phóng 324 cm, 1 bệ phóng tên lửa phòng không tầm phóng 10 km FL-3000N được bố trí ở đuôi tàu và ngư lôi chống ngầm. Tàu Type 056 được trang bị hệ thống định vị thủy âm và sân bay trực thăng có khả tiếp nhận máy bay trực thăng Z-9 Haytun.
StrategyPage cho biết, mực nước sâu nhất ở biển Đông là khoảng 5.559 m, nhưng hầu hết thủy vực quanh các đảo đều khá nông, hơn nữa ở dưới lại có nhiều đá ngầm, những tàu chiến hộ vệ hạng vừa thích hợp với mực nước sâu chạy trên khu vực này sẽ rất nguy hiểm, như tàu chiến 053H1G của Trung Quốc tháng 7-2012 bị mắc cạn nửa tháng là trường hợp điển hình, trong khi tàu hạng nhẹ 056 choán nước ít nên thích hợp với các hoạt động tuần tra ở vùng biển gần.
Ngoài ra, hải quân Trung Quốc còn cải tạo 6 tàu hộ vệ 053H1G được sử dụng từ cuối thập kỷ 1990 để chúng trở nên hiện đại hơn, sau đó đưa các tàu này ra tuyến đầu để "bảo vệ chủ quyền" ở biển Đông. Như thế, số lượng tàu chiến tác chiến của Trung Quốc ở vùng biển gần trên biển Đông tạo thành ưu thế áp đảo đối với hải quân các nước như Philippines, Việt Nam...
Vũ khí chống người nhái
Để tạo ra thế mạnh cho mình trên biển Đông, quân đội Trung Quốc cũng đã nâng cao khả năng phản công các cuộc tấn công bất ngờ, đánh úp, đặc biệt là để ngăn bị tập kích bất ngờ... vì cho rằng đối phương không thể đối chọi lực lượng trên biển với Trung Quốc mà lựa chọn các đòn tấn công đặc chủng ngầm trên quy mô lớn.
Theo StrategyPage, PLA đang lắp đặt ngày càng nhiều hệ thống phóng lựu đạn tự động DP65 trên tàu chiến và các mỏm đá ngầm ở biển Đông. DP-65 bao gồm từ 1-4 súng phóng lựu cỡ 55 mm điều khiển từ xa, hệ thống điều khiển và trạm thủy âm có thể phát hiện người nhái ở cự ly 400 m. Mục đích của hệ thống này là tiêu diệt các tàu ngầm mini đột kích ngầm hoặc người nhái mang theo thủy lôi đặc chủng của nước đối thủ.
StrategyPage cho rằng, hành động này của Trung Quốc nhằm chống đối thủ coi trọng hoạt động tác chiến ngầm và đánh úp trên biển của lực lượng người nhái, đặc công. Hệ thống vũ khí chống người nhái DP-65 mà PLA sử dụng do Nga sản xuất, dùng để theo dõi hải vực và bảo vệ các thiết bị chiến thuật chiến lược ven biển không bị người nhái tấn công. Hệ thống này rất dễ lắp đặt, có thể lắp trên tàu chiến hoặc trận địa ven bờ, nhà máy điện hạt nhân, hải cảng, trên đảo, bãi đá, giàn khoan dầu....
DP-65 là hệ thống vũ khí tự động hoàn toàn, có thể tự động thăm dò mục tiêu di động dưới nước, tự động phán đoán mức độ nguy hiểm, tự động khai hỏa mà không cần sự can thiệp của người chỉ huy, người chỉ huy chỉ cần điều khiển hệ thống máy tính là đủ. Nếu mục tiêu bị phát hiện, người điều khiển sẽ đưa ra mệnh lệnh tác chiến, hệ thống này có thể tự động định vị và tiêu diệt mục tiêu.
Tờ Kuala Lumpur Security Review của Malaysia còn dự đoán, ngoài việc bố trí hệ thống vũ khí chống người nhái DP-65, PLA còn có thể kết hợp sử dụng với các loại vũ khí khác. Ví dụ trên đá Chữ Thập, DP-65 được đặt bên cạnh hệ thống súng máy hai nòng 25 cm, mục đích của sự bố trí này là dùng trạm thăm dò thủy âm của DP-65 để thăm dò người nhái, sau đó dùng máy phóng lựu đạn 10 nòng và súng máy 2 nòng để tấn công người nhái, nâng cao tối đa hiệu quả sát thương.
Không thể coi thường "cây gậy nhỏ"
Hai chuyên gia của Học viện chiến tranh hải quân ( Naval War College) Mỹ James Holmes và Toshi Yoshihara là người đầu tiên tổng kết chiến thuật "cây gậy nhỏ" của Trung Quốc. Theo đó, "chiến thuật cây gậy nhỏ" đã thể hiện rõ nét "chiến lược không nóng vội" của Bắc Kinh. "Cây gậy nhỏ" của Bắc Kinh không chỉ là tàu chiến tác chiến ở vùng biển gần của hải quân PLA, mà còn bao gồm các tàu chấp pháp dân sự của các cơ quan như hải giám, ngư nghiệp...
James Holmes và Toshi Yoshihara cho rằng "chiến thuật cây gậy nhỏ" vừa có thể thể hiện với bên ngoài rằng Trung Quốc đang duy trì trật tự trị an ở vùng biển chủ quyền của mình, đồng thời lại tránh bị mang tiếng ỷ mạnh o ép yếu. Hai chuyên gia này nhấn mạnh, từ động thái Trung Quốc chế tạo một lượng lớn tàu hộ vệ 056 có thể thấy, Trung Quốc đang tiếp tục coi tàu chiến mặt nước ở vùng biển gần là chủ lực của "chiến thuật cây gậy nhỏ", bảo vệ "chủ quyền" sai trái của nước này trên biển Đông.
James Holmes và Toshi Yoshihara cho rằng, số lượng tàu 056 của hải quân Trung Quốc còn tăng mạnh, uy lực của "chiến thuật cây gậy nhỏ" sẽ càng ngày càng lớn., vì tại biển Đông, khoảng cách sức mạnh quân sự giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ càng ngày càng lớn, đặc biệt là đứng trước PLA, hải quân Philippines "gần như có thể không tính đến".
Chuyên gia quân sự của tờ Jane's Defence Weekly của Anh cho rằng, "chiến thuật cây gậy nhỏ" đối với một số nước Đông Nam Á quả thật thâm hiểm. Điều này cho thấy Trung Quốc không định đẩy vấn đề lên quá nóng. Trung Quốc đang xây dựng một chính sách mới là "quyết đoán theo kiểu bị động", tức không gây gổ trước, nhưng nếu một số quốc gia nào đó "gây sự", sẽ "đáp trả một cách mạnh mẽ". Mưu đồ sâu xa của Trung Quốc là sử dụng "chiến thuật cây gậy nhỏ" nhằm giành lấy thế mạnh địa chính trị ở biển Đông, đồng thời không để ảnh hưởng đến hình ảnh "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc, quả thực là "vẹn cả đôi đường".
Theo xahoi
Tàu chiến Trung Quốc đang rình rập ở Trường Sa Một tàu hộ tống và hai tàu công vụ Trung Quốc đang có mặt ở Trường Sa. Các tàu hải giám Trung Quốc Truyền thông Philippines vào hôm nay, 10/5, đưa tin hải quân nước này đã triển khai ba tàu tuần tra đến quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam sau khi có tường thuật về sự hiện diện...