Cảng Quy Nhơn về lại Vinalines
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã chính thức giành lại quyền kiểm soát Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn theo kiến nghị tại của Thanh tra Chính phủ được ban hành cách đây 9 tháng.
Sau khi kiện toàn bộ máy, Cảng Quy Nhơn đã đề ra các chỉ tiêu sản xuất – kinh doanh năm 2019 cao hơn nhiều so với những năm trước. Ảnh: A.M
Hoàn tất thu hồi
Ba chức vụ quan trọng nhất tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, gồm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và Trưởng ban Kiểm soát, đều đã thuộc nhân sự do Vinalines giới thiệu sau khi đơn vị quản lý, vận hành cảng biển lớn bậc nhất khu vực Nam Trung bộ này tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 vào ngày 29/6.
Cụ thể, 44 cổ đông và đại diện cổ đông, sở hữu hơn 33,789 triệu cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã thông qua việc miễn nhiệm 5 thành viên cũ và bầu bổ sung 5 thành viên mới, bao gồm: ông Nguyễn Quý Hà, ông Phan Tuấn Linh, ông Lý Quang Thái, ông Phạm Anh Tuấn và ông Phạm Đăng Cao; đồng thời, xem xét và thông qua tờ trình từ nhiệm của Ban Kiểm soát gồm 3 thành viên và bầu Ban Kiểm soát mới.
Kết quả, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vinalines được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Lê Duy Dương, Phó trưởng ban Tài chính Vinalines được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cũng thống nhất miễn nhiệm chức Tổng giám đốc của ông Lê Hồng Thái và bầu ông Phạm Tuấn Linh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (công ty con của Vinalines) giữ chức Tổng giám đốc từ ngày 29/6/2019, với nhiệm kỳ 5 năm.
“Đây là những nhân sự có kinh nghiệm hàng đầu của Vinalines trong lĩnh vực vận hành, khai thác cảng biển. Chúng tôi muốn chứng minh rằng, dưới sự điều hành của Vinalines, Cảng Quy Nhơn sẽ được vận hành, khai thác một cách tốt nhất, đem lại lợi ích cao hơn cho các cổ đông”, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines nói.
Được biết, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã thông qua các chỉ tiêu sản xuất – kinh doanh chính, trong đó sản lượng hàng thông qua là 8,9 triệu tấn, tổng doanh thu gần 770 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 125 tỷ đồng, mức chi cổ tức năm 2019 là 16%. Các chỉ tiêu kinh doanh này cao hơn rất nhiều so với giai đoạn 2015 – 2018, khi Cảng Quy Nhơn còn nằm dưới sự điều hành, chi phối của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Công ty Hợp Thành).
Video đang HOT
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, sau khi tiếp nhận Cảng Quy Nhơn, Vinalines sẽ kiện toàn, hoàn thiện bộ máy tổ chức Công ty, xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ phù hợp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp; rà soát, sắp xếp, tổ chức sử dụng lực lượng lao động hợp lý, đảm bảo hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế để tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của Cảng; đồng thời sẽ niêm yết cổ phiếu của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ngay trong năm 2019.
Nút thắt cuối
Trước đó, ngày 29/5/2019, Vinalines đã tiếp nhận lại hơn 30,3 triệu cổ phần Cảng Quy Nhơn (mã QNP, tương ứng 75,01% vốn điều lệ) từ Công ty Hợp Thành (tương đương phần vốn góp của Tổng công ty hơn 303,12 tỷ đồng). Tổng chi phí mà Vinalines phải bỏ ra để hoàn tất giao dịch này là 415,15 tỷ đồng, tương đương số tiền mà Công ty Hợp Thành đã bỏ ra từ giai đoạn 2014 – 2015 để sở hữu lô cổ phiếu này.
Cần phải nói thêm, ngày 8/3/2019, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 88/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về việc xử lý sau thanh tra việc cổ phần hóa Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.
Tại thông báo này, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông – Vận tải và các đơn vị liên quan tiếp tục khẩn trương thực hiện dứt điểm các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ nêu tại Kết luận thanh tra số 1566/KL-TTCP ngày 17/9/2018 về Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn. Việc các bên hoàn trả cho nhau tiền, tài sản, cổ phần phải theo đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của doanh nghiệp và các bên có liên quan.
Hiện nút thắt lớn nhất trong công tác thu hồi 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn đã được Vinalines chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành chính là việc xác định chi phí hợp lệ mà nhà đầu tư được hưởng, ngoài số tiền bỏ ra mua cổ phần thông qua hình thức thoái vốn cách đây 3 năm.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, trong quá trình đàm phán thu hồi cổ phiếu Cảng Quy Nhơn, bên nhận và bên chuyển nhượng đã thống nhất một số điều khoản, trong đó có việc thuê tư vấn xác định giá trị tăng thêm mà Công ty Hợp Thành được hưởng. Mặc dù Vinalines không xác nhận, nhưng có thông tin cho rằng, Vinalines sẽ không được quyền chuyển nhượng 75,01% cổ phần vừa nhận từ Công ty Hợp Thành cho đến khi thanh toán dứt điểm các khoản chi phí tăng thêm. Bên cạnh việc sớm ổn định sản xuất – kinh doanh, đây là một nhiệm vụ không dễ giải quyết của Vinalines trong giai đoạn hậu thu hồi cổ phiếu Cảng Quy Nhơn.
“Hiện chưa rõ việc xác định phần tăng thêm sẽ được xác lập theo nguyên tắc nào, nhưng đây thực sự là khó khăn lớn cho cả hai bên, cũng như đơn vị tư vấn thẩm định giá do chưa từng có tiền lệ”, một chuyên gia cho biết.
Với tư cách là đơn vị chủ quản Vinalines tại thời điểm cổ phần hóa, thoái vốn tại Cảng Quy Nhơn, Bộ Giao thông – Vận tải được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hướng dẫn Vinalines khẩn trương thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành theo Kết luận thanh tra. Việc xác định các khoản đầu tư, chi phí hợp lệ mà Công ty Hợp Thành đã bỏ ra kể từ khi nhận chuyển nhượng đến khi hoàn trả lại 75,01% cổ phần được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Anh Minh
Theo baodautu.vn
CII trước nỗi lo "lạm phát" trái phiếu
Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII, sàn HOSE) là một trong những doanh nghiệp tận dụng khá triệt để kênh huy động qua phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng có những nỗi lo "lạm phát" trái phiếu khiến doanh nghiệp mất khả năng quản trị nợ vay.
Tại thời điểm ngày 31/3/2019, nợ phải trả của CII là 16.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2018 và đã gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu.
Nhiều như... trái phiếu CII
Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, CII đã thực hiện khá nhiều đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Riêng trong tháng 6/2019, công ty này đã thực hiện 2 đợt phát hành trái phiếu. Đợt thứ nhất, Công ty phát hành trái phiếu 1 năm có quy mô 30 tỷ đồng, lãi suất cố định 10%/năm thanh toán vào ngày đáo hạn. Đợt thứ hai, Công ty phát hành trái phiếu 3 năm, quy mô lên tới 300 tỷ đồng, lãi suất thả nổi, với lãi trong 2 kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm (mỗi kỳ 6 tháng). Lãi suất cho mỗi kỳ tính lãi tiếp theo là lãi suất tham chiếu cộng 3,5%, trong đó, lãi suất tham chiếu là lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng TPBank.
Tuy nhiên, "điểm nhấn" đáng chú ý nhất của CII trong cuộc chơi với trái phiếu phải kể đến lần phát hành 1.150 tỷ đồng trái phiếu hồi tháng 3/2019, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 7,2%/năm. Đây là đợt phát hành trái phiếu khá chuyên nghiệp được CII thực hiện thông qua tư vấn của Công ty Chứng khoán Techcombank và được GuarantCo bảo lãnh thanh toán.
GuarantCo là công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia thuộc PIDG (Private Infrastructure Development Group - PIDG). GuarantCo được tài trợ bởi 5 cường quốc thuộc nhóm G12 là Anh, Australia, Thụy Sỹ, Thụy Điển và Hà Lan. GuarantCo được tổ chức Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm AA- và Moody's xếp hạng A1. Bởi vậy, khi được GuarantCo bảo lãnh thanh toán trái phiếu, trái phiếu đó nghiễm nhiên sẽ có hệ số tín dụng tương đương hệ số của GuarantCo.
Trước đó chưa lâu, hồi tháng 2/2019, CII cũng đã phát hành 370 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 9%, trả lãi mỗi năm 1 lần.
Vay nợ gia tăng
Việc liên tục thực hiện các đợt phát hành trái phiếu đã góp phần đáng kể sự gia tăng vay nợ của doanh nghiệp. Tại thời điểm ngày 31/3/2019, nợ phải trả của CII là 16.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2018 và đã gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay nợ tài chính dài hạn cuối tháng 3/2019 chiếm quá nửa tổng nợ, đạt 8.300 tỷ đồng và tăng 31,7% so với cuối 2018.
Việc gia tăng vay nợ đương nhiên đã trở thành chủ đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm, với nhiều mối liên quan khả năng quản trị tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt khả năng trả nợ trong tương lai.
Theo giải thích của CII, đến nay, ngoài các khoản vay theo dự án và được trả nợ từ nguồn thu của chính dự án, tổng dư nợ vay ngân hàng và trái phiếu của Công ty khoảng 3.450 tỷ đồng (không bao gồm trái phiếu chuyển đổi). Trong đó, khoản nợ đáng chú ý nhất là 1.150 tỷ đồng trái phiếu Guarantco bảo lãnh (được đáo hạn vào năm 2029), nên việc cân đối nguồn trả cho khoản trái phiếu này chưa phải là vấn đề cấp bách, khoản nợ đến hạn thanh toán từ 2020 - 2021 là gần 500 tỷ đồng, nợ đến hạn trong nửa cuối 2019 là 1.700 tỷ đồng.
Về việc thu xếp dòng tiền trả nợ, CII cho biết, từ nay đến cuối 2019, Công ty có thể thu về ít nhất được 2.800 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại một số dự án bất động sản của các đơn vị thành viên. Qua đó, CII sẽ đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn trong năm 2019 và vẫn sẽ còn thặng dư khoảng 1.100 tỷ đồng. Nguồn thặng dư này sẽ được sử dụng để trả cổ tức cho các cổ đông.
Thêm 2 doanh nghiệp gọi vốn qua kênh phát hành trái phiếu
Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) sẽ phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, lãi suất cố định 11%/năm, trả lãi 6 tháng/lần. Đất Xanh sẽ mua lại 30% trái phiếu tại thời điểm tròn 12 tháng với giá mua bằng mệnh giá. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Đất Xanh miền Trung.
Công ty cổ phần Con Cưng cũng đang thực hiện đợt phát hành trái phiếu quy mô tối đa 100 tỷ đồng, với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cố định 11%/năm thanh toán lãi 6 tháng/1 lần, không có tài sản đảm bảo.
Chí Tín
Theo baodautu.vn
Vinalines mua lại 75% cổ phần Cảng Quy Nhơn Ngày 29-5, đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, Vinalines đã chuyển 415 tỷ đồng để mua lại hơn 75% cổ phần Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành), tương ứng số tiền trước đây Công ty Hợp Thành đã mua 75,01% cổ...