Canada khuyến nghị triển khai nhanh mũi vaccine tăng cường thứ hai
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Ủy ban Tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada (NACI) hiện đang khuyến nghị nhanh chóng triển khai mũi tiêm tăng cường thứ hai vaccine phòng COVID-19 cho người từ 80 tuổi trở lên trong cộng đồng và những người sống trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại British Columbia, Canada. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Các chuyên gia nhấn mạnh khả năng bảo vệ của vaccine chống lại bệnh nặng có thể giảm dần theo thời gian sau mũi tiêm tăng cường đầu tiên. Do vậy, NACI cho rằng cần phải ngăn chặn nguy cơ này và giảm thiểu rủi ro mắc các biến thể có khả năng lây truyền cao, đồng thời khuyến cáo chính quyền các địa phương xem xét cung cấp liều vaccine tăng cường thứ hai cho người từ 70-79 tuổi sống trong cộng đồng.
Video đang HOT
NACI đề nghị các tỉnh bang nên cung cấp vaccine cho người dân tiêm mũi tăng cường thứ hai 6 tháng sau liều tăng cường đầu tiên (liều thứ 3), nhưng khoảng thời gian giữa hai mũi tiêm này có thể ngắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh tiến triển mạnh.
Alyson Kelvin, nhà virus học tại Tổ chức Vaccine và bệnh truyền nhiễm (VIDO) thuộc trường Đại học Saskatchewan, cho biết khả năng miễn dịch suy giảm trong khoảng thời gian từ 5-6 tháng sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, tương tự như vaccine phòng cúm mùa.
Trước đó, hồi tháng 12/2021, NACI đã khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai cho những người bị suy giảm miễn dịch ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng. Sau đó, các khu vực ở Canada có một cách tiếp cận “chắp vá” trong việc cung cấp liều vaccine này. Ví dụ, liều vacine tăng cường thứ hai dự kiến sẽ sớm được cung cấp cho những người trên 60 tuổi ở Ontario và những người trên 70 tuổi ở British Columbia, trong khi Quebec hiện đang tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai cho người từ 80 tuổi trở lên.
Mỹ đã cho phép tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai của hãng Pfizer/BioNTech cho người từ 50 tuổi trở lên và cho bất kỳ ai từ 12 tuổi trở lên có hệ thống miễn dịch bị tổn thương. Dữ liệu của Mỹ cho thấy trong làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron, nguy cơ tử vong ở những người đã tiêm mũi vaccine tăng cường thấp hơn 21 lần so với những người không được tiêm chủng và nguy cơ nhập viện thấp hơn 7 lần.
Chuyên gia Canada khẳng định sự cần thiết đeo khẩu trang ở trường học
Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều trẻ em phải nhập viện mặc dù vaccine ngừa căn bệnh này đã giúp tăng cường khả năng miễn dịch của con người một cách đáng kể.
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một trường học ở British Columbia, Canada. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Số liệu thống kê cho thấy trẻ vị thành niên chưa tiêm phòng có nguy cơ nhập viện cao gấp 10 lần so với những trẻ đã được tiêm chủng. Mặc dù vậy, trong số tất cả các trẻ em đã nhiễm virus SARS-CoV-2 - kể cả đã được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng, vẫn có khoảng 1% số trường hợp phải nhập viện điều trị do bệnh nặng và cần phải can thiệp y tế để đảm bảo sự sống.
Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh do nhiễm biến thể Omicron dần lắng dịu, chính phủ nhiều nước bắt đầu tranh luận về sự cần thiết của các biện pháp phòng dịch, bao gồm cả các yêu cầu đeo khẩu trang tại trường học. Liên quan vấn đề này, bác sĩ Julian Daniel Sunday Willett làm việc tại Đại học McGill (Canada) khẳng định việc đeo khẩu trang và duy trì giãn cách ở trường học sẽ giúp giảm tối đa nguy cơ trẻ em mắc COVID-19, theo đó cũng sẽ giảm số ca trẻ em phải nhập viện vì căn bệnh này.
Theo bác sĩ Willett, việc đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách vật lý an toàn với người đối diện sẽ mang lại sự bảo vệ cần thiết cho mỗi chúng ta và tầm quan trọng của những biện pháp này đã và đang được chứng minh một cách liên tục trong suốt đại dịch COVID-19, do có thể ngăn chặn trực tiếp con đường lây truyền của virus.
Bác sĩ Willett giải thích, việc duy trì khoảng cách vật lý an toàn sẽ hạn chế việc chúng ta dung nạp virus từ người khác, do virus đã bị phát tán và loãng ra trong không khí. Trong khi đó, khẩu trang có thể ngăn chặn các giọt bắn hô hấp khi giao tiếp, thông qua việc tạo thành một vách ngăn giữa dịch tiết đường hô hấp của người này và đường hô hấp của người kia.
Bác sĩ Willett khẳng định rằng quy định đeo khẩu trang tại học đường sẽ cho thấy lợi ích rõ ràng khi cân nhắc việc bảo vệ trẻ em, và cả gia đình của các em, khi trẻ phơi nhiễm và mang virus về nhà.
Hồi tháng 10/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cũng đã công bố hai báo cáo khoa học về việc đeo khẩu trang ở trường học. Nghiên cứu đầu tiên cho thấy ở các hạt của Mỹ mà trường học có quy định học sinh phải đeo khẩu trang, số ca trẻ em mắc COVID-19 đã giảm ít nhất 50%.
Trong khi đó, nghiên cứu thứ hai, tập trung vào các hạt ở bang Arizona, cũng khẳng định rằng quy định đeo khẩu trang giúp trẻ em an toàn hơn, khi các trường học không yêu cầu học sinh đeo khẩu trang có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 cao gấp 3 lần so với các trường học áp dụng quy định này.
CDC và Học viện Nhi khoa Mỹ hiện vẫn đang khuyến cáo tất cả trẻ em trên 2 tuổi và học sinh ở các trường học nên đeo khẩu trang, bất kể tình trạng tiêm chủng của các em như thế nào.
Mỹ chuẩn bị mở cửa biên giới đường bộ với Canada và Mexico Từ đầu tháng 11, Mỹ sẽ mở cửa biên giới đường bộ với Canada và Mexico, cho phép công dân nước ngoài đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh nước này. Các phương tiện xếp hàng chờ đi qua cửa khẩu Peace Arch, khu vực biên giới Mỹ - Canada ở Surrey, British Columbia (Canada). Ảnh: THX/TTXVN Với quyết định...