Canada khuyến nghị tiêm vaccine liều thứ ba cho người suy giảm miễn dịch
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada (NACI) ngày 10/9 đã khuyến nghị tiêm liều thứ ba vaccine phòng COVID-19 cho một số người bị suy giảm miễn dịch, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định về việc có nên tiêm liều bổ sung cho bộ phận dân số rộng hơn hay không.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Ontario, Canada ngày 26/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo các khuyến nghị mới của NACI, những người bị suy giảm miễn dịch từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng nên được chủng ngừa ba liều vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA, gồm vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna.
Đối với những người đã tiêm hai liều, NACI khuyến nghị tiêm liều thứ ba, lý tưởng nhất là tiêm vaccine công nghệ mRNA, nhưng NACI nhấn mạnh đây không nên được coi là “liều tăng cường”. Tiến sĩ Shelley Deeks, Chủ tịch của NACI, giải thích: “Điều này không có gì lạ. Đối với các nhóm bị suy giảm miễn dịch, chúng tôi thường đề xuất lịch tiêm chủng khác (so với người khỏe mạnh), để giúp các đối tượng này được bảo vệ tốt hơn. Điều này khác với liều tăng cường – vốn được sử dụng để tăng cường phản ứng miễn dịch bị suy yếu theo thời gian”.
Các khuyến nghị trên của NACI được đưa ra khi nhiều nước trên thế giới đang tranh luận về giá trị của liều vaccine bổ sung cho các nhóm đối tượng khác nhau.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 3h00 sáng 11/9 (theo giờ Việt Nam), Canada ghi nhận tổng cộng 1.535.216 ca mắc COVID-19, trong đó có 27.149 trường hợp tử vong và 1.469.677 người đã bình phục.
Dịch COVID-19 làm thay đổi chiến dịch tranh cử tại Canada
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, hàng triệu người Canada sẽ bỏ phiếu qua đường bưu điện trong cuộc bầu cử liên bang lần thứ 44 của Canada dự kiến diễn ra vào ngày 20/9 tới.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau chào những người ủng hộ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình, tại Ottawa ngày 15/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là một thay đổi lớn khi cuộc bầu cử tại Canada được tổ chức trong làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19. Vì vậy, các đảng chính trị cũng đang phải thay đổi cách tiếp cận cử tri và thời gian biểu trong chiến dịch vận động tranh cử của mình.
Hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện đã có từ năm 1993, nhưng cho đến nay mới chỉ được một tỷ lệ nhỏ cử tri sử dụng. Theo Cơ quan quản lý bầu cử Canada (Elections Canada), đại dịch đã thay đổi điều đó với ước tính khoảng 2-3 triệu cử tri dự kiến sẽ ở nhà và gửi các lá phiếu của họ qua đường bưu điện. Con số này tăng mạnh so với mức khoảng 55.000 cử tri bỏ phiếu bằng cách này trong cuộc bầu cử liên bang năm 2019.
Trước sự thay đổi trên, một số đảng đã chọn phương án công bố cương lĩnh tranh cử sớm để tiếp cận những người có thể sẽ bỏ phiếu nhiều tuần trước ngày bầu cử. Đảng Dân chủ mới (NDP) đã công bố cương lĩnh vào ngày 12/8, trước cả khi cuộc bầu cử được kích hoạt vào ngày 15/8, trong khi đảng Bảo thủ đã đưa ra cương lĩnh vào ngày thứ hai của chiến dịch vận động tranh cử. Trong khi đó, đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau và đảng Xanh vẫn chưa công bố cương lĩnh đầy đủ. Một số nhà quan sát cho rằng 2 đảng này có nguy cơ để mất nhóm cử tri sẽ đưa ra quyết định của họ trước các mốc quan trọng của chiến dịch, chẳng hạn như cuộc tranh luận của các nhà lãnh đạo vào ngày 9/9 tới.
Ưu điểm của việc gia tăng số phiếu bầu qua đường bưu điện đó là các đảng có nhiều thời gian hơn để vận động những người ủng hộ và giảm bớt nỗ lực đưa cử tri đến cuộc bỏ phiếu vào phút cuối. Cựu chiến lược gia đảng Bảo thủ Ken Boessenkool cho biết: "Thay vì cố gắng bỏ phiếu trong khoảng thời gian kéo dài một ngày, cử tri sẽ có hai tuần hoặc nhiều hơn". Theo ông Boessenkool, những năm gần đây, các đảng chính trị của Canada ngày càng "điêu luyện" hơn trong việc nhắm mục tiêu đến những cử tri đi bỏ phiếu sớm, chủ yếu nhờ các nền tảng như Facebook, cho phép họ xác định và liên hệ với những người ủng hộ dễ dàng hơn. Sự gia tăng số phiếu bầu qua đường bưu điện cũng cho phép các đảng tập trung tài chính và năng lượng vào những nơi cần thiết nhất - những khu vực bầu cử nơi cử tri dễ thay đổi quyết định. Một số nhà quan sát cũng cho rằng xu hướng này có thể là "điềm tốt" cho nền dân chủ, giúp các chiến dịch tranh cử tìm ra những cử tri trước đây đã né tránh các điểm bỏ phiếu.
Elections Canada đã nghiên cứu 5 cuộc bầu cử ở cấp tỉnh gần đây nhất và nhận thấy sự gia tăng đột biến số phiếu bầu qua đường bưu điện vì đại dịch COVID-19. Trong cuộc bầu cử liên bang lần này, Elections Canada đã thuê hơn 250.000 nhân viên, mua hơn 18 triệu khẩu trang và đang trấn an các cử tri rằng hệ thống kiểm phiếu qua đường bưu điện bảo đảm an toàn. Theo ước tính ban đầu, có khoảng 4-5 triệu cử tri muốn bỏ phiếu bằng cách này, nhưng con số đã giảm xuống khi tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện. Giới chức Canada lưu ý sẽ có sự chậm trễ trong việc công bố kết quả bầu cử sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc vào ngày 20/9. Tại một số khu vực bầu cử, có thể mất nhiều ngày trước khi có kết quả cuối cùng. Người phát ngôn Elections Canada, Franoise Enguehard nêu rõ: "Sự chậm trễ này là cần thiết và bình thường. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi phiếu bầu đều được đếm và đếm một cách chính xác".
Một cuộc thăm dò do công ty nghiên cứu thị trường Ipsos thực hiện mới đây cho thấy 58% số người tham gia khảo sát cho rằng Canada không nên tổ chức một cuộc bầu cử ở thời điểm hiện nay. Con số này tăng 2% trong hai tuần qua. Cuộc khảo sát trực tuyến trên (được thực hiện đối với 1.500 người Canada vào cuối tuần trước) cũng cho thấy khoảng 25% người dân cảm thấy không an toàn khi đi bầu trực tiếp trong thời kỳ đại dịch; 16% cho biết sẽ bỏ phiếu qua đường bưu điện, trong khi 21% chưa chắc chắn về hình thức bỏ phiếu và 2% cho biết đang cân nhắc không bỏ phiếu.
Nhiều nước đẩy mạnh tiêm liều vắc xin Covid-19 tăng cường Bất chấp những tranh cãi về mức độ cần thiết và tính khoa học, các nước đang mở rộng chương trình tiêm vắc xin Covid-19 liều tăng cường cho đa số người dân. Một người Israel được tiêm liều vắc xin Covid-19 thứ ba tại Jerusalem. Ảnh AFP Israel ngày 29.8 thông báo sẽ tiêm liều vắc xin Covid-19 tăng cường cho người...