Canada bắt 10 người nghi muốn gia nhập nhóm vũ trang Hồi giáo
Cảnh sát Canada đã bắt giữ 10 người từ thành phố Montreal (Quebec, Canada) vì nghi những người này muốn đến Trung Đông gia nhập các nhóm vũ trang Hồi giáo.
Cảnh sát Canada bắt giữ 10 người vì nghi muốn gia nhập các nhóm vũ trang Hồi giáo ở nước ngoài – Ảnh chụp màn hình CBC
Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada (RCMP) ngày 20.5 ra thông báo đã bắt giữ 10 người vào cuối tuần qua tại sân bay quốc tế ở Montreal. Hiện chưa có người nào bị buộc tội và cảnh sát từ chối cho biết thêm thông tin, theo Reuters ngày 21.5.
Constable Erique Gasse, người phát ngôn của RCMP, cho biết cơ quan này có đủ lý do để tin rằng những thanh thiếu niên này muốn gia nhập các nhóm Hồi giáo tại nước ngoài. Cảnh sát đã thu giữ hộ chiếu của 10 người.
Đài CBC cho biết 10 người này đều đang ở tuổi thiếu niên. Bốn người trong số này đang theo học tại trường cao đẳng Maisonneuve, nơi có 4 sinh viên được cho là đã gia nhập tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) vào đầu năm 2015.
Người đứng đầu Sở An toàn Công cộng Quebec nói rằng cảnh sát đã bắt giữ 10 người này sau khi nhận được tin báo từ chính phụ huynh của họ.
Video đang HOT
Đài tiếng Pháp Radio-Canada nói rằng một vài trong số 10 người bị bắt muốn bay đến Syria thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Đài này dẫn lời luật sư của một người bị bắt cho biết những người trẻ này được một người nào đó tuyển mộ qua internet và hứa hẹn về một cuộc sống tốt hơn.
Cơ quan tình báo Canada hồi tháng 4 cho biết có khoảng 75 công dân nước này đã gia nhập IS tại Iraq và Syria trong vòng 3,4 tháng trước đó.
Chính quyền đảng Bảo thủ tại Canada đã đưa ra một luật mới, nếu được thông qua, sẽ giúp tăng quyền lực cho cảnh sát và các cơ quan an ninh nhằm ngăn chặn người dân ra nước ngoài tham gia IS và những tổ chức tương tự.
Bộ trưởng An toàn Công cộng Canada, ông Stephen Blaney nói với đài CBC rằng vụ bắt giữ 10 người này cho thấy nước này cần phải cẩn trọng trước mối đe dọa khủng bố.
Canada đã gửi 70 lính đặc nhiệm đến giúp huấn luyện quân lính Iraq chiến đấu chống IS vào năm 2014. Nước này cũng gửi chiến đấu cơ tham gia vào chiến dịch đánh bom do Mỹ dẫn đầu vào lực lượng IS tại Iraq và Syria.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
30 nhóm vũ trang đối lập ở Syria từ chối dự tham vấn của LHQ
30 nhóm vũ trang đối lập ở Syria đã từ chối lời mời tham vấn của Liên Hiệp Quốc nhằm giải quyết cuộc xung đột ở nước này, theo Reuters ngày 14.5.
Chưa có giải pháp rõ ràng cho cuộc nội chiến tại Syria - Ảnh: Reuters
30 nhóm vũ trang đối lập ở Syria đã gửi một bức thư cho phái viên Liên Hiệp Quốc tại Syria, ông Staffan de Mistura, trong đó từ chối lời mời tham dự cuộc tham vấn tại Geneva, Thụy Sĩ do ông chủ trì. Các nhóm này cũng cáo buộc ông Staffan de Mistura đã từ bỏ thái độ trung lập và đứng về một phía trong cuộc xung đột ở Syria.
Lá thư trên được Reuters ghi nhận ngày 13.5, khẳng định ông Staffan de Mistura đã thiên vị. Trong thư có đoạn: "Quan điểm và những tuyên bố của ông, đặc biệt là tuyên bố cho rằng Bashar al-Assad là một phần của giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria đã cho thấy rõ ràng về sự thờ ơ của ông đối với các vụ thảm sát mà chế độ của tổng thống Syria đã thực hiện".
Các nhóm vũ trang đối lập Syria khẳng định không từ chối "bất kỳ nỗ lực quốc tế nào thực sự có giải pháp rõ ràng", nhưng theo các nhóm này, cách tiến hành của Liên Hiệp Quốc "đã thiếu cơ sở và giải pháp rõ ràng để có thể dẫn đến một kết quả thực sự".
Ông De Mistura đã nhiều lần cố lý giải quan điểm của ông rằng tổng thống Syria là một phần trong giải pháp giảm bạo lực ở nước này, đồng thời khẳng định cuộc tham vấn sẽ giúp ông tìm ra những điểm chung dựa trên thông cáo Geneva được thông qua vào năm 2012.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad - Ảnh: Reuters
Thế nhưng các nhóm vũ trang đối lập tại Syria lại cho rằng thông cáo Geneva không đề cập rõ ràng về sự ra đi của Tổng thống Assad cùng tất cả các trụ cột của chế độ này, điều được coi là yêu sách cơ bản của các nhóm đối lập.
Ngoài ra, các nhóm vũ trang đối lập còn phản đối quyết định của phái viên Liên Hiệp Quốc khi mời Iran tham gia quá trình tham vấn. Các nhóm này cho rằng Iran can thiệp vào Syria và vi phạm nhân quyền ở nước này.
Mặc dù các nhóm này gửi thư từ chối, nhưng bà Jessy Chahine, phát ngôn viên của ông De Mistura cho biết các cuộc tham vấn vẫn sẽ tiếp tục như bình thường. Bà Jessy Chahine khẳng định: "Chúng tôi vẫn đang giữ liên lạc với tất cả các bên liên quan, trong đó có các nhóm vũ trang, những bên đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột hiện nay tại Syria", theo Reuters.
Cuộc nội chiến tại Syria kéo dài từ năm 2011 đến nay đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải bỏ nhà cửa, ly hương. Đến nay vẫn chưa có giải pháp nào rõ ràng và hiệu quả để chấm dứt cuộc xung đột 4 năm qua tại Syria.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
IS đã chiêu dụ hai tay súng Mỹ như thế nào? Nhà chức trách Mỹ đang điều tra các mối quan hệ giữa khủng bố nước ngoài và hai người đàn ông bị bắn chết khi cố tấn công một cuộc thi tranh biếm họa ở Texas tuần trước. CNN đưa tin, các nhà chức trách muốn xác định xem cuộc tấn công được chỉ đạo từ nước ngoài ở mức độ nào và...