Cần xóa bỏ mọi can thiệp hành chính đối với doanh nghiệp nhà nước
Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn tham gia quyết định nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, điều này đã làm giảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước.
Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) nhà nước (DNNN) theo nguyên tắc thị trường (NTTT)”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, dưới sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế (Aus4Reform).
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: D.T
Ông Phạm Đức Trung – Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN, CIEM cho biết, trải qua gần 35 năm đổi mới, về cơ bản, khu vực DNNN đã được đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cả trên bình diện pháp luật lẫn trên thực tế.
Cụ thể, trên bình diện pháp luật, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN được quy định khá đầy đủ. Theo đó, DNNN có quyền như các DN tư nhân, được điều chỉnh chung khung pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu.
Trên thực tế, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo NTTT cũng đã được đảm bảo nhất định, đặc biệt trong quan hệ cung – cầu thị trường, trong quản lý tài chính, tiếp cận và thu hút nguồn vốn trên thị trường, trong quyết định đầu tư, tuyển chọn lao động…
Video đang HOT
Mặc dù vậy, theo nhóm nghiên cứu của CIEM, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo NTTT vẫn chưa được đảm bảo đầy đủ, nhiều nội dung còn có khoảng cách khá xa so với các thông lệ quốc tế phổ biến…
Đơn cử, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM đưa dẫn chứng, về quyền tuyển dụng, bổ nhiệm người quản lý, với quy định hiện hành về điều kiện bổ nhiệm người quản lý, trước hết là điều kiện về quy hoạch cán bộ sẽ rất khó để tìm kiếm, lựa chọn, ký kết hợp đồng với người quản lý giỏi từ thị trường để bổ nhiệm vào các chức danh quản lý DNNN, đặc biệt chức danh tổng giám đốc. Hay về quyền tự do thỏa thuận tiền lương, pháp luật hiện hành quy định tiền lương gắn với hiệu quả kinh doanh, nhưng vẫn khống chế mức hưởng tối đa…
“Đặc biệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước còn trực tiếp quyết định nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN 100% vốn nhà nước. Bên cạnh đó, chưa áp đặt triệt để cơ chế thị trường cạnh tranh trong tiếp cận tài chính và các nguồn lực sản xuất kinh doanh. DNNN vẫn có những lợi thế chính sách đặc thù so với các loại hình DN khác…” – ông Phạm Đức Trung cho biết.
Trước thực tế trên, để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo NTTT, các chuyên gia tại hội thảo khuyến nghị, trước hết, cần tiếp tục minh bạch hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước và mục tiêu hoạt động của từng DNNN; đồng thời, nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, năng động và hiệu quả trong thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế kinh tế để DNNN thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, theo quan hệ cung – cầu của thị trường.
“Đặc biệt, cần tránh can thiệp hoặc áp đặt DNNN phải thực hiện quá nhiều mục tiêu và nhiệm vụ phi thị trường, DNNN cần được đặt trong yêu cầu bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN và DN khác” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung khuyến nghị…
Giải pháp nào tăng tính tự chủ và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước?
Để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước, chính sách sở hữu nhà nước phải có tính ổn định lâu dài theo thời gian.
Hội thảo " Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường". Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Để hoàn thiện Đề án "Áp dụng quản trị hiện đại đối với các doanh nghiệp Nhà nước, minh bạch hóa hoạt động đầu tư kinh doanh của chủ sở hữu Nhà nước", với sự hỗ trợ của chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam, sáng 29/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo "Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường".
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, "đối xử công bằng" với doanh nghiệp Nhà nước như một yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế thị trường, cùng với tiến trình triển khai thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trong 35 năm đổi mới, pháp luật Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung để doanh nghiệp Nhà nước ngày càng được trao thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM cho hay, để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước, chính sách sở hữu nhà nước phải có tính ổn định lâu dài theo thời gian. Hệ thống các chỉ tiêu theo dõi, giám sát, đánh giá đối với từng doanh nghiệp Nhà nước và bộ máy quản lý doanh nghiệp Nhà nước cần được xây dựng, ban hành và công bố công khai. Bộ máy quản lý, hội đồng quản trị và cơ quan tương đương trong bộ máy quản lý doanh nghiệp Nhà nước phải có cơ cấu hợp lý, có năng lực để thực hiện tốt trách nhiệm của họ.
Khi so sánh với thông lệ quốc tế phổ biến, ở Việt Nam vẫn có những hạn chế và khoảng cách lớn trong tạo lập các điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường.
"Đáng lưu ý là rất khó áp dụng cơ chế thị trường để đào thải doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, yếu kém. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện bị giải thể, phá sản nhưng vẫn được hỗ trợ dưới nhiều hình thức để tiếp tục tồn tại. Trong khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước cũng có thể được bảo vệ khỏi 2 yếu tố trừng phạt được coi là thiết yếu đối với lãnh đạo điều hành trong các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, đó là khả năng bị thâu tóm và khả năng phá sản", ông Phạm Đức Trung cho biết.
Hiện, cơ quan nhà nước quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước như: quyết định quỹ tiền lương, thù lao hằng năm của người quản lý; phê duyệt việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Tổng giám đốc, Giám đốc.
Cùng với đó, phê duyệt phương án huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư quy mô lớn; dự án đầu tư ra nước ngoài; quyết định việc chuyển nhượng vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác trong trường hợp thấp hơn giá trị sổ sách; quyết định chủ trương góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác; khiến cho giảm quyền tự chủ của doanh nghiệp, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc về quản trị doanh nghiệp Nhà nước...
Để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới, yếu tố tiên quyết là nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp Nhà nước cần có báo cáo cho Nhà nước và công chúng (cả thông tin tài chính và thông tin phi tài chính) đáp ứng chuẩn mực công bố thông tin quản trị công ty theo thông lệ quốc tế.
Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp Nhà nước phải được kiểm toán độc lập theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Sự minh bạch liên quan đến kết quả tài chính và phi tài chính của doanh nghiệp Nhà nước chính là chìa khóa cho việc tăng cường trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban điều hành của doanh nghiệp Nhà nước.
Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật tài chính và kỷ luật ngân sách đối với doanh nghiệp Nhà nước là một trong những khuyến nghị quan trọng khác. Theo đó, giảm ưu tiên, ưu đãi và lợi thế thực tế của doanh nghiệp Nhà nước trong tiếp cận tài chính; xác định rõ và phân tách chi phí thực hiện nhiệm vụ công ích với hoạt động kinh doanh; giám sát và kiểm soát rủi ro tài chính cũng như gánh nặng ngân sách tiềm năng của doanh nghiệp Nhà nước đối với nền kinh tế; thiết lập cơ chế ràng buộc giữa nhiệm vụ với ngân sách thực hiện, mức đóng góp cho ngân sách nhà nước...
Ông Phạm Đức Trung cho rằng, chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp. Cụ thể, đối với chuyển đổi doanh nghiệp đa sở hữu cần áp dụng triệt để Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung pháp luật về quan hệ giữa chủ sở hữu và người đại diện. Còn đối với doanh nghiệp Nhà nước 100% vốn Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng áp dụng triệt để nguyên tắc chiếm hữu, sử dụng định đoạt tài sản thuộc sở hữu doanh nghiệp, giảm sự can thiệp của Cơ quan Nhà nước vào sản xuất kinh doanh...
Theo thông lệ quốc tế phổ biến về quản trị doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường, nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu xác định rõ lý do hay mục tiêu duy trì sở hữu tại doanh nghiệp và thực hiện công bố công khai.
Nhà nước xây dựng và ban hành chính sách sở hữu nhà nước để giúp doanh nghiệp Nhà nước, thị trường và người dân có thể hiểu rõ các mục tiêu của nhà nước với tư cách một chủ sở hữu. Để đảm bảo sự nhất quán về nhận thức và hành động, các chuyên gia CIEM khuyến nghị tập hợp các nội dung của chính sách sở hữu tại một văn bản để trở thành một tài liệu áp dụng chung.
Bên cạnh đó, cần tổ chức doanh nghiệp Nhà nước dưới các hình thức công ty và tạo lập cơ chế để hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận của doanh nghiệp Nhà nước tương đồng với công ty khu vực tư nhân. Cùng đó, chủ động giao cho doanh nghiệp Nhà nước các mục tiêu, nhiệm vụ và quyền chủ động điều hành doanh nghiệp Nhà nước; không nên giao cho doanh nghiệp Nhà nước các mục tiêu, nhiệm vụ không rõ ràng.../.
Yêu cầu đẩy nhanh thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp Nhà nước Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch sắp xếp, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 để trình Thủ tướng. Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Quyết định số...