Cẩn trọng với “tín dụng đen” bùng phát trong mùa dịch
Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh, tín dụng đen đã bùng phát mạnh, để lại nhiều hệ lụy khó lường, người dân cần cẩn trọng.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy khác của xã hội như: sản xuất, kinh doanh, buôn bán ngưng trệ; Nhiều người bị thất nghiệp, mất việc, giảm thu nhập hoặc không có tài sản tích lũy, dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khó có cơ hội để tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng hợp pháp. Những đối tượng này là “con mồi béo bở” của thị trường tín dụng đen.
Anh Đào Hữu Hải, chủ một xưởng nội thất ở Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, gần 3 tháng qua, do dịch bệnh bùng phát nên xưởng của anh hoạt động không ổn định. Các đơn hàng giảm tới 70% so với trước đó. Lợi nhuận thu được chỉ đủ trả chi phí cho thuê cửa hàng, nhân công, điện, nước. Từ khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, xưởng nghỉ hoạt động hoàn toàn. Không có thu nhập nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, anh Hải lâm vào tình cảnh bí bách từ đây.
Là doanh nghiệp nhỏ nên rất khó có thể tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, không còn cách nào khác anh hải phải xoay sang vay tín dụng đen theo ngày để trang trải những chi phí cần thiết. Theo đó, anh đã vay 50 triệu đồng trong vòng 3 tháng với mức vay 5.000 đồng/triệu/ngày. Như vậy, sau 3 tháng anh Hải sẽ phải trả số tiền lãi là 22,5 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với doanh nghiệp trong bối cảnh đầy khó khăn hiện nay…
Tín dụng đen đang bùng phát mạnh và để lại nhiều hệ lụy.
Hiện nay, người dân không chỉ có thể vay tiền từ các “ngân hàng cột điện”, tờ rơi, quảng cáo trá hình mà nắm bắt được tâm lý và hoàn cảnh của nhiều người, dịch vụ cho vay này còn bùng phát rất mạnh trên mạng xã hội dưới mác “cho vay tiêu dùng” với những lời mời chào đầy hấp dẫn.
Với từ khóa “vay tiền nhanh”, trên google hay mạng xã hội cho hiển thị hàng trăm kết quả với các dịch vụ có tên gọi như: Hỗ trợ vay tiền nhanh; Hội cần vay tiền Hà Nội; Vay tiền nhanh; Vay tiền online giải ngân trong ngày; Vay tiền nhanh, vay tiền trong 24h…
Video đang HOT
Thủ tục để vay tiền từ các tổ chức này khá đơn giản, chỉ cần có chứng minh thư hoặc căn cước công dân, số hộ khẩu gốc hoặc bằng lái xe gốc là có thể được giải ngân ngay sau 30 phút làm việc… Vì sự dễ dàng trong thủ tục và có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ngay và luôn nên những dịch vụ này luôn hấp dẫn khách và thu hút được một lượng lớn người “follow” trên các fanpage.
Mặc dù thời gian qua, các tổ chức tín dụng đen liên tục bị cơ quan chức năng “thổi còi”, triệt xóa, được tuyên truyền, người dân cũng đã phần nào cảnh giác nhưng trong tình hình hiện nay, những tổ chức này bắt đầu hoạt động trở lại.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, việc người dân tìm đến tín dụng đen hay cho vay tiêu dùng để giúp ổn định cuộc sống trong mùa dịch này là điều không hiếm. Việc vay tín dụng đen được nhiều người lựa chọn chủ yếu bởi những lời quảng cáo đầy hấp dẫn như: thủ tục gọn nhẹ, đơn giản, nhanh chóng, lãi suất vay thấp, thậm chí 0%… Thế nhưng, khi làm thủ tục xong rồi mới phát sinh nhiều chi phí khác, tiền gốc còn không được nhận đủ, lãi mẹ đẻ lãi con, khi chưa kịp trả thì bị đe dọa, chửi bới, gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt. Nói chung, hệ lụy do tín dụng đen để lại là rất lớn.
Ông Nguyễn Thanh Hà đưa ra lời khuyên, trước khi vay tiền từ một tổ chức nào đó, người dân cần tìm hiểu kỹ các loại hình cho vay, nếu không sẽ bị lừa vay phải lãi suất cao, dẫn đến mất khả năng trả nợ. Bởi bên cạnh hệ thống ngân hàng, công ty tài chính hoạt động chính thống, bài bản thì cũng có hàng loạt mô hình biến tướng tín dụng đen như: cầm đồ, vay tiền online qua app. Do đó, người dân cần phải rất cảnh giác cao với những loại hình cho vay này.
“Khi có nhu cầu vay tiền, người dân cần tìm hiểu rõ thông tin pháp lý của đơn vị cho vay trước khi quyết định nộp hồ sơ vay. Khi trao đổi thông tin với nhân viên tư vấn tín dụng, khách hàng cần hỏi rõ các thông tin của nhân viên tư vấn hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn cung cấp hình chụp danh thiếp, tránh tình trạng bị giả mạo đánh cắp thông tin”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh./.
Chung Thủy
Vay tiêu dùng: Ngập đầu trong nợ
Đa số khách hàng vay tiêu dùng để mua sắm đồ dùng, trang trải sinh hoạt nhưng khi dịch COVID-19 ập đến, người vay mất việc, thất nghiệp, mất luôn khả năng trả nợ...
Nợ chồng nợ
Vun lại mớ xoài, chôm chôm trên mẹt trái cây cho tươm tất, chị Lê Thị H (43 tuổi, ngụ hẻm Sinco, Q.Bình Tân, TPHCM) lo lắng, nếu không bán hết mớ trái cây này, không biết lấy gì trả nợ công ty cho vay.
Cầm chiếc điện thoại cũ, chị H. mở hàng loạt tin nhắn nhắc nợ của đủ các công ty tài chính, người cho vay nóng... "Dịch bệnh, buôn bán khó khăn nhưng nhiều nơi cho vay tiêu dùng gọi cho mình vay thêm, dù nợ cũ chưa trả hết. Hôm trước một công ty tài chính của ngân hàng cho tôi vay 8 triệu đồng, lãi 700.000 đồng/tháng, với điều kiện phải trả gốc lẫn lãi trong vòng 1 tháng. Đang lúc kẹt tiền nên tôi đồng ý vay. Nhờ số tiền mới vay được, tôi trả mấy khoản nợ vay trước đó. Còn khoản mới vay này chưa biết tính sao... Tổng các khoản vay mới cũ phải đóng gần 3,5 triệu đồng/tháng" - chị H. thở dài.
Tự nhận mình là "con nợ" của vay tiêu dùng, chị Trần Minh V (36 tuổi, nhân viên tạp vụ, ngụ H.Bình Chánh, TPHCM) liệt kê danh sách nợ nần: Trong năm 2019 đã vay gần 45 triệu đồng sắm xe máy, điện thoại, tivi, tủ lạnh. Mỗi tháng chị V trả gần 4 triệu đồng cho các khoản vay. Đầu năm 2020, chị mất việc do công ty ngừng hoạt động, chồng làm phụ hồ lương "3 cọc 3 đồng" không đủ xoay. Quá bức bí khi nhân viên nhiều lần nhắc nợ, chị V. liên hệ với trang web vay nhanh 10 triệu đồng trong vòng 30 ngày phải trả cả gốc lẫn lãi là 11,5 triệu đồng.
Vừa nhẹ được khoản tín dụng, lại đến nợ vay nhanh, chưa có tiền, chị V liều vay tín dụng đen 10 triệu đồng (lãi 100.000 đồng/ngày) trả khoản vay nhanh. Sau một tháng, chị vẫn chưa trả xong nợ, "xã hội đen" truy tận nơi, công ty tài chính "khủng bố"... khiến cả gia đình chị V. không dám về nhà.
Mặc dù đã trình bày mất khả năng trả nợ do thất nghiệp, chị Thu Trang (nhân viên hớt tóc, ngụ Q.4) vẫn bị công ty tài chính ngày đêm nhắn tin, gọi điện. "Tôi có hỏi chính sách hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ này, nhưng nhân viên thu hồi nợ trả lời "không thấy công ty thông báo gì", đồng thời đề nghị tôi trả nợ đúng hạn, nếu không sẽ bị nhảy sang nhóm nợ xấu, bị tăng tiền phạt..." - chị Trang nói.
Công ty tài chính thờ ơ
Thời gian gần đây, rất nhiều ngân hàng giảm lãi, giãn nợ nhằm hỗ trợ người tiêu dùng. Tuy nhiên, trái ngược với sự nỗ lực của ngân hàng là sự im lặng của các công ty tài chính. Trong khi, đa phần các công ty tài chính hiện nay đều là công ty con của các ngân hàng.
Thực tế, khi vay tiền dưới hình thức nào của các công ty tài chính, khách hàng đều phải chấp nhận một mức lãi khá cao, có thể lên tới 27%/năm ở mức cố định (không có giảm gốc, giảm lãi). Vay càng dễ, càng nhanh, lãi suất càng cao. Hiện, trên thị trường có 3 công ty đang chia nhau thị phần lớn nhất về cho vay tiêu dùng là FE Credit, Home Credit, HD Saison. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2019, lượng khách hàng của cả 3 công ty này đạt hơn 30 triệu khách cá nhân với các sản phẩm chính như: vay trả góp xe gắn máy; vay trả góp hàng điện máy gia dụng, điện tử và vay trả góp tiền mặt.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, ngoài giảm lãi suất, một trong những biện pháp mà tổ chức tín dụng, ngân hàng cần làm để hạn chế nguy cơ vỡ nợ tín dụng tiêu dùng là gia hạn thời gian trả nợ cho người vay. Nhưng các công ty tài chính chưa có động thái nào về việc giảm lãi vay cho khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng hiện nay. Trong khi đó, theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu tiêu dùng thường rơi vào các công ty tài chính.
Các chuyên gia tài chính nhìn nhận, thu nhập giảm sút có thể đẩy nhiều gia đình vào cảnh mất khả năng trả nợ. Thậm chí, nếu dịch bệnh kéo dài, kinh tế đóng băng, khả năng vỡ nợ hàng loạt có thể xảy ra. Do đó, ngân hàng, các quỹ tín dụng cần gia hạn nợ ít nhất trong vòng từ 3-6 tháng cả lãi và gốc cho những người đi vay đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.
TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, hiện nay dịch COVID-19 chưa thể xác định đâu là đỉnh, tình trạng người dân không có thu nhập để trả nợ vay tiêu dùng có thể kéo dài từ 6 tháng - 1 năm. Điều này dẫn đến nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng và các công ty tài chính sẽ tăng lên rất nhanh.
Theo ông Hiếu, không chỉ giảm lãi suất, một trong những biện pháp mà tổ chức tín dụng, ngân hàng cần làm để hạn chế nguy cơ vỡ nợ tín dụng tiêu dùng là gia hạn thời gian trả nợ cho người vay. "Trong trường hợp người đi vay mất khả năng thanh toán, các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính cần phải thương lượng để thống nhất giải quyết với khách hàng, như giảm lãi, giãn nợ, đưa ra một lộ trình trả nợ mới sau thời gian ân hạn..." - T.S Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.
TS.Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều người hiện nay có nhu cầu tiêu dùng cao, thậm chí mua mặt hàng quá thu nhập và đã tìm đến hình thức vay tín dụng tiêu dùng. Việc vay bao nhiêu tiền cần cân nhắc để tính tỉ lệ an toàn, tuyệt đối không nên "vay tiền mới trả nợ cũ", bởi như vậy sẽ khiến người đi vay ngày càng lún sâu vào vòng xoáy nợ nần, sẽ phát sinh thêm lãi và không thể trả được nợ.
Uyên Phương
Thống đốc thúc ngân hàng thương mại khẩn trương vào cuộc chống tín dụng đen Trong văn bản vừa ban hành, Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng nhằm hạn chế "tín dụng đen". Ngoài ra, các công ty tài chính cũng phải chấp hành nghiêm các quy định về cho vay tiêu dùng. Ngành ngân hàng đã vào cuộc tích cực góp phần hạn chế tín dụng...