Cẩn trọng khi mua căn hộ ở Bình Thuận
Sở Xây dựng Bình Thuận mới đây đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư 9 dự án không ký kết hợp đồng với đơn vị môi giới để thực hiện giao dịch mua bán, giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí; không đăng các nội dung liên quan đến việc giao dịch dự án.
Trong số này, có dự án Ocean Light Center của Công ty CP Đầu tư xây dựng Huy Hoàng (ở TP Phan Thiết) đang được các trang web mua bán bất động sản quảng cáo với những lời có cánh, cùng những lời mời gọi, nhận tiền đặt cọc của khách hàng để giữ chỗ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện trường dự án chỉ là bãi đất hoang, phía ngoài được rào chắn kín bưng, bên trong không có tác động của máy móc hay bất cứ công nhân lao động nào. Thậm chí, dự án vẫn còn đang trong giai đoạn thực hiện thỏa thuận đền bù giải tỏa với người dân.
Tương tự, tại dự án Mũi Né Summerland Resort của Công ty CP Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát (ở phường Mũi Né, TP Phan Thiết) hầu hết cũng chỉ là bãi đất trống nhưng có rất nhiều nhân viên môi giới mời gọi mua căn hộ, biệt thự với lời quảng cáo đây là dự án 5 sao đầu tiên tại Phan Thiết có quy mô lớn và nhiều tiện ích với đơn vị quản lý chuyên nghiệp hàng đầu thế giới… Kèm theo đó là lời mời gọi đặt cọc, giữ chỗ để hưởng ưu đãi. Theo tìm hiểu, đã có rất nhiều khách hàng đăng ký đặt cọc các sản phẩm của dự án.
Ngoài 2 dự án này, tại Bình Thuận hiện còn có khá nhiều dự án cũng chưa đủ điều kiện để giao dịch, mua bán và chuyển nhượng theo quy định của pháp luật nhưng chủ đầu tư và các đơn vị môi giới vẫn công khai quảng cáo giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí… nhằm thu tiền của người mua. Cụ thể gồm: dự án Hamubay Phan Thiết của Công ty Trường Phúc Hải; Goldsand Hill Villa của Công ty Lộc Tú; khu dân cư Tiến Lợi của Công ty Toàn Thịnh; NovaWorld của Công ty Nova (ở TP Phan Thiết); Queen Pearl Marina Complex của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Vi Nam (ở thị xã La Gi); khu dân cư nông thôn Hàm Thắng – Hàm Liêm giai đoạn 2 của Công ty Nguyên Bình (ở huyện Hàm Thuận Bắc) và dự án khu dân cư HTV.BT – Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong).
Các dự án bất động sản ở Bình Thuận chưa đủ điều kiện pháp lý vẫn được rao bán tràn lan trên mạng xã hội
Video đang HOT
Theo luật sư Nguyễn Hồng Linh (Đoàn Luật sư Bình Thuận), những hoạt động này là vi phạm pháp luật, vì không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hay bất cứ văn bản pháp luật nào, làm phát sinh nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng. Đồng thời, dễ gây tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, làm mất an ninh trật tự xã hội.
Ông Xà Dương Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận, cho biết sắp tới sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản yêu cầu các sở ngành và địa phương khẩn trương triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật. Đồng thời, yêu cầu Sở Xây dựng Bình Thuận phải công bố ngay các đồ án quy hoạch được phê duyệt.
Việt Khánh
Theo Người lao động
Chủ đầu tư 'bết bát', không giao nhà: Người mua như ngồi trên lửa
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) khó khăn, nhiều chủ đầu tư làm ăn "bết bát", không có khả năng triển khai tiếp dự án khiến người dân mỏi mòn chờ nhận nhà. Trong khi đó, dù Luật Kinh doanh BĐS quy định các dự án nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh để bảo vệ quyền lợi của người mua. Tuy nhiên, thực tế việc này không được thực thi.
Nhìn đâu cũng chậm tiến độ
Chị Nguyễn Liên, mua căn hộ chung cư tại dự án Eco Green Tower, số 1 Giáp Nhị, quận Hoàng Mai (Hà Nội) do Cty Cổ phần Sông Đà 1.01 (Sông Đà 1.01) làm chủ đầu tư từ năm 2016 đến nay, hơn 3 năm vẫn chưa nhận được nhà. Chị Liên cho biết, theo hợp đồng mua nhà, chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà vào đầu tháng 2/2018 và không chậm quá 90 ngày. Hiện, nhiều khách hàng vô cùng bức xúc và lo lắng khi đã đóng 70-90% giá trị hợp đồng, nhưng đến nay không nhận được căn hộ. "Tiền lãi vay ngân hàng chúng tôi vẫn phải đóng, nhà phải đi thuê để ở. Có bao nhiêu tiền dồn hết vào để mua nhà, nhưng nhìn nhà mới chỉ xây xong phần thô mà như ngồi trên đống lửa. Không biết bao giờ mới được nhận nhà", chị Liên nói.
Theo chị Liên, TP Bank đứng ra bảo lãnh tiến độ dự án. Đại diện phía TPBank cho biết, dự án được triển khai thi công từ tháng 12/2015, tuy nhiên đến tháng 1/2018, dự án đã dừng thi công. Dự án được bảo lãnh bởi TPBank, tuy nhiên trong quá trình triển khai, do chủ đầu tư không thực hiện đúng các cam kết thanh toán với ngân hàng nên TPBank đã thu giữ một số tài sản đảm bảo để xử lý nợ theo quy định. Do hoạt động của công ty gặp khó khăn về tài chính, TPBank đã cùng chủ đầu tư tìm kiếm nhà đầu tư mới hỗ trợ vốn tham gia dự án hoàn thiện; hiện tại đã có nhà đầu tư đứng ra tiếp tục cấp vốn để hoàn thiện dự án.
Mới đây, gần 70 khách hàng mua căn hộ tại dự án hỗn hợp Tháp Doanh nhân (số 1, phố Thanh Bình, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng về việc dự án chậm bàn giao nhiều tháng so với cam kết. Đây là dự án do Cty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô làm chủ đầu tư. Đơn vị này cũng huy động vốn từ năm 2009, trước khi khởi công năm 2010. Công trình đang triển khai phải đắp chiếu. Chủ dự án bê bối về nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất, xây dựng không phép, một số hạng mục triển khai không đúng thiết kế, công năng được phê duyệt... và ngừng thi công một thời gian. Đến cuối năm 2014, dự án được khởi động lại, hơn một năm sau đó, chủ đầu tư mở bán tiếp và cam kết bàn giao căn hộ cho khách hàng vào quý IV/2017. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn thi công ì ạch.
Ông Vũ Đức Chính, khách hàng mua nhà tại dự án chia sẻ: "Chủ đầu tư không có một thông báo nào đến khách hàng về thời điểm giao nhà, tiến độ xây dựng và minh bạch các thông tin về bảo lãnh ngân hàng. Cư dân nhiều lần đề nghị tại các cuộc gặp mặt trực tiếp với các đại diện của chủ đầu tư hoặc gửi văn bản nhưng không được đáp ứng. Tại các cuộc họp, họ chỉ đưa ra các điều khoản có lợi cho chủ đầu tư nên hai bên không đi đến thống nhất".
Theo ông Chính, trong các buổi họp với khách hàng, chủ đầu tư không có thiện chí khi phủ nhận cả các điều khoản trong hợp đồng mua nhà đã ký. Cùng với đó, Công ty Tây Đô cũng áp đặt các điều khoản gây bất lợi cho khách hàng thông qua các biên bản cuộc họp được soạn sẵn và coi đó là một trong những thành phần của hợp đồng gốc và yêu cầu khách hàng ký.
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô cho biết, đang đẩy mạnh để kịp bàn giao vào tháng 7 tới. Vị này cũng khẳng định chủ đầu tư vẫn đủ khả năng tài chính để hoàn thành dự án và bàn giao cho người mua nhưng không đưa ra thời hạn hoàn tất toàn bộ công trình.
Luật có cũng như không?
Theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS, chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Điều này giúp bảo đảm quyền lợi của khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết. Dù đã có quy định như vậy, nhưng thực tế khi dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư "bặt vô âm tín", người chịu thiệt thòi vẫn là khách hàng.
Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ cho biết: "Một trong những điều kiện để chủ đầu tư mở bán là phải có bảo lãnh từ phía ngân hàng. Trong trường hợp chủ đầu tư không thể thực hiện dự án như cam kết, ngân hàng có trách nhiệm đứng ra hoàn trả tiền cho khách hàng, hoặc tìm nhà đầu tư mới tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, quy định bảo lãnh của ngân hàng đối với các dự án nhà ở hình thành trong tương lai còn mang tính hình thức, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng, mỗi chủ đầu tư vận dụng một kiểu nhằm chống chế và giảm chi phí. Vì vậy, hậu quả là quyền lợi của người mua nhà không được bảo đảm".
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, Thông tư số 07 trước đây quy định, ngân hàng có thể dùng hình thức ký cam kết thư bảo lãnh, không phải hợp đồng bảo lãnh. Do đó đã không thể hiện được đầy đủ nội dung thỏa thuận, quyền và nghĩa vụ của các bên, chưa đảm bảo được sự an toàn trong cam kết. Đến nay, Thông tư 13 đã quy định ngân hàng ký hợp đồng bảo lãnh với chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai, trong đó quy định rõ về nội dung thỏa thuận, quyền và nghĩa vụ của các bên.
"Điểm đáng chú ý là quy định mới yêu cầu ngân hàng thương mại phải phát hành cam kết bảo lãnh cho từng bên mua trên cơ sở hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Song hiện nay, luật có cũng như không, vì chưa có quy định, chế tài xử phạt các doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện. Việc các chủ đầu tư chỉ cung cấp thư bảo lãnh của ngân hàng (cấp cho chủ đầu tư) là không đúng, khách hàng có thể gặp rủi ro khi xảy ra tranh chấp" - ông Châu nói.
Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Hà Nội của Công ty dịch vụ BĐS Savills Việt Nam nhìn nhận, khi chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện, ngân hàng đã thu hồi dự án. Thực tế, ngân hàng lại không có chức năng phát triển BĐS và phải chuyển cho chủ đầu tư mới. Trong trường hợp này khách hàng vẫn phải gánh chịu rủi ro.
Trong thực tế, triển khai các dự án hình thành trong tương lai, chủ đầu tư dự án BĐS cũng đã bắt tay với ngân hàng để không chỉ cấp chứng thư bảo lãnh tiến độ dự án, mà còn "chơi trội" cấp chứng thư bảo lãnh toàn bộ hợp đồng cho cá nhân người mua nhà. Bằng chiêu này, chủ đầu tư "ăn không" chênh của khách hàng vài giá so với giá bán nhà cho khách hàng không nhận cấp chứng thư bảo lãnh. Khi dự án chậm tiến độ, nhiều hạng mục không thực hiện được..., cả chủ đầu tư và ngân hàng đều phủi trách nhiệm.
Ngọc Mai
Theo Tiền phong
Lợi tức cho thuê căn hộ giảm, nhà đầu tư ngán ngẩm Cùng với sự gia tăng nguồn cung hiện hữu ngày càng lớn và cạnh tranh khắc nghiệt, lợi tức từ cho thuê căn hộ đang ngày càng giảm trên thị trường TP.HCM. Bỏ ra 2,3 tỷ đồng mua một căn hộ 68m2 tại một dự án ở khu vực Tạ Quang Bửu, quận 8 với mục đích đầu tư cho thuê, anh Quốc...