Cản trở khiến HLV Ralf Rangnick khó thành công ở Man Utd
Không dễ để Ralf Rangnick đưa Man Utd lên đỉnh cao trong vai trò HLV tạm quyền như Thomas Tuchel, Zinedine Zidane đã làm.
Điều đầu tiên CĐV Man Utd nghĩ tới khi đội nhà chuẩn bị bổ nhiệm Ralf Rangnick là cái duyên tạm quyền của các HLV người Đức. Mùa 2019/2020, HLV Hansi Flick đến Bayern giữa mùa, rồi đưa “Die Roten” lên ngôi vô địch Champions League. 1 năm sau, Thomas Tuchel cũng tiếp quản Chelsea giữa mùa, rồi lên đỉnh cao châu Âu.
Nhiều người kỳ vọng Rangnick tiếp nói cái duyên nói trên cùng nửa đỏ thành Manchester. Một niềm tin kiểu… AQ, nhưng ngoài những thống kê cảm tính như thế, không có nhiều lý do để cho rằng Rangnick sẽ giúp Man Utd thăng hoa mùa này.
Video: Man Utd thắng trận đầu tiên sau khi sa thải HLV Solskjaer
Cái khó của Rangnick
Rangnick được mệnh danh là thầy của những người thầy. Ba HLV Đức nổi danh nhất cấp CLB hiện nay gồm Jurgen Klopp, Tuchel và Julien Nagelsmann đều chịu ảnh hưởng từ triết lý huấn luyện và quan điểm chiến thuật của Rangnick.
Đơn cử như Klopp, người được biết đến với chiến thuật gegen-pressing bốc lửa. Klopp từng thành công với Mainz 05, rồi Borussia Dortmund bằng lối đá giàu năng lượng, nhưng trước đó vào năm 2008, Bundesliga đã chứng kiến một đội bóng chơi máu lửa, sử dụng những pha pressing hiệu quả và tấn công hiệu quả theo chiều dọc sân.
Đó là Hoffenheim của Rangnick. HLV người Đức đưa tập thể vừa mới lên hạng lập tức cán đích ở vị trí thứ bảy tại Bundesliga, đánh bại nhiều đội bóng rất mạnh như Schalke 04, Werder Bremen, VfB Stuttgart.
Gegen-pressing của Rangnick lấy ý tưởng từ lối đá tổng lực của đội tuyển Liên Xô cũ khi được huấn luyện bởi Valeriy Lobanovskyi ở thế kỷ trước, kết hợp với thứ bóng đá khoa học, toan tính đặc trưng của người Đức.
Gegen-pressing sau đó được Klopp đưa lên đỉnh cao ở Borussia Dortmund, hay Tuchel kế thừa nó, trên nền tảng cân bằng hơn giữa công và thủ ở Chelsea.
Rangnick đưa Schalke vào bán kết Champions League 2010/2011.
Tuy nhiên, tại sao Klopp và Tuchel từng vô địch Champions League, còn Rangnick chưa từng giành danh hiệu lớn nào? Chiếc cúp duy nhất của cựu HLV Schalke 04 là Intertoto Cup – một giải đấu đã bị UEFA khai tử. Tại Champions League, ông chưa từng vào chung kết.
Rangnick là một trong những HLV giỏi nhất, nếu không muốn nói là HLV giỏi nhất của bóng đá Đức.
Jurgen Klopp
Điều này cũng như đặt câu hỏi tại sao Marcelo Bielsa không có nhiều danh hiệu, dù ông là thầy của Pep Guardiola, Mauricio Pochettino,…
Để thành công trong bóng đá, triết lý huấn luyện chỉ là điều kiện cần. Rangnick giỏi cầm quân, nhưng để dẫn dắt những thương hiệu thể thao lớn hơn so với RB Leipzig, Schalke hay Hoffenheim mà ông đã từng, cần nhiều tố chất hơn thế. Đó là năng lực truyền cảm hứng, nắm bắt tâm lý cầu thủ, quản trị phòng thay đồ.
Những yếu tố này, Rangnick chưa từng được kiểm chứng dù đã huấn luyện tới 36 năm. Trước khi đến Man Utd, Rangnick đang làm công tác quản lý ở Lokomotiv Moscow.
Ông không giống Flick – một người Đức quá hiểu bóng đá Đức, lại được huấn luyện một đội thuần Đức như Bayern. Ông cũng không phải Tuchel, một khối vàng đã kinh qua nhiều bão lửa ở Dortmund, PSG.
Rangnick giống nhà sư phạm bóng đá hơn là HLV thuần túy. Một chiến lược gia như thế, không dễ thành công ở Man Utd.
Rangnick được nhiều HLV Đức như Tuchel, Klopp nể trọng.
Dấu hỏi pressing
Nền tảng triết lý của Rangnick là lối đá pressing, đòi hỏi các cầu thủ phải di chuyển liên tục, tuân thủ chiến thuật tuyệt đối, kiên trì đeo bám, vây bắt đối thủ.
Ba đội bóng gần nhất vô địch Champions League (Liverpool, Chelsea, Bayern Munich) đều được huấn luyện bởi những nhà cầm quân người Đức và theo đuổi pressing ở các mức độ khác nhau.
Man Utd có phải đội bóng pressing giỏi? Xét trên yếu tố con người, “Quỷ đỏ” hoàn toàn có thể. Đội chủ sân Old Trafford có hàng công trẻ trung, giàu năng lượng như Marcus Rashford, Mason Greenwood, Jadon Sancho,… Edinson Cavani dù ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, nhưng cũng chăm chỉ di chuyển tạo áp lực lên đối thủ.
Theo Sky Sports, Man Utd là một trong những đội chạy nước rút nhiều nhất Ngoại hạng Anh. Điều đó có nghĩa “Quỷ đỏ” đủ sức pressing, chơi bóng với cường độ cao. Man Utd pressing kém bởi HLV Ole Solskjaer không đủ khả năng xây dựng một hệ thống vây bắt, gây áp lực ổn định. Nhưng HLV Rangnick thì có thể.
Man Utd pressing kém hiệu quả.
Tuy nhiên, không dễ để xây dựng một lối đá áp sát hiệu quả ngay lập tức. Năm 2015, khi mới tiếp quản Liverpool thay Brendan Rodgers, HLV Klopp đã bắt cầu thủ chạy “bở hơi tai” ngay ở trận ra mắt gặp Tottenham.
Những buổi tập với cường độ kinh hoàng được Klopp áp dụng và phải bốn năm sau, Liverpool mới hái quả ngọt với chiếc cúp Champions League.
HLV Klopp mất gần nửa thập kỷ để gegen-pressing trở thành một phần máu thịt cầu thủ. Hầu hết cầu thủ Liverpool hiện tại là do Klopp đem về, hoặc mài giũa để thay đổi lối chơi. Tuchel thành công ở Chelsea, nhưng đây là tập thể trẻ trung và đồng nhất, được kiên trì xây dựng suốt nhiều năm.
Man Utd chưa phải tập thể xuyên suốt kiểu Chelsea, dù đã chi ra nửa tỷ bảng sau thời Sir Alex Ferguson. “Quỷ đỏ” cũng không chắc cho Rangnick nhiều thời gian. Man Utd đã vượt vòng bảng Champions League, còn FA Cup, Ngoại hạng Anh để thi đấu. Rangnick có thể trắng tay ba năm như Klopp mà vẫn tại vị?
Ronaldo có bắt kịp triết lý pressing của Rangnick.
Rangnick hiểu rõ điều này. Cuối năm 2020, Chelsea từng đề nghị ông bản hợp đồng bốn tháng. Rangnick lập tức từ chối, bởi không muốn mang danh HLV tạm quyền trong thời gian ngắn ngủi. Nhưng quan trọng hơn, với HLV chuộng xây nền như Rangnick, bốn tháng là không đủ để xây dựng bất cứ thành trì nào.
Sau cùng, HLV Rangnick dù giỏi, song chưa từng làm việc với tập thể toàn sao. Ông sẽ yêu cầu Ronaldo – cầu thủ lười pressing bậc nhất Ngoại hạng Anh, phải chơi pressing thế nào, hay làm sao để dung hòa những cái tôi lớn của Paul Pogba, Bruno Fernandes,…?
Rangnick sẽ có sáu tháng để trả lời. Ông rất giỏi, nhưng để thành công ở Man Utd, giỏi thôi là chưa đủ.
Bruno Fernandes chịu áp lực bởi cái bóng quá lớn của Ronaldo
Giành quyền sút 11m khi có Ronaldo trên sân không hề đơn giản, nhưng ở cơ hội hiếm hoi để chứng tỏ, Bruno Fernandes lại tự bắn vào chân với cú sút phạt đền tồi tệ.
Bruno Fernandes lại được nhắc đến nhiều nhất sau một trận đấu của Man Utd, nhưng lần này, là theo hướng tiêu cực. Tiền vệ người Bồ Đào Nha sút hỏng quả 11m quyết định, khiến nửa đỏ thành Manchester nhận thất bại thứ hai liên tiếp trên sân nhà Old Trafford chỉ trong 3 ngày.
Đá hỏng phạt đền là điều có thể xảy đến với bất cứ cầu thủ nào, nhưng ở khoảnh khắc Bruno ôm chặt bóng để bảo vệ quyền sút phạt đền khỏi bất kỳ đồng đội nào khác, mầm mống của những điều bất thường đã được gieo xuống Man Utd.
Bruno đá hỏng phạt đền khiến Man Utd thua Aston Villa
Hãy nhớ lại thời điểm trước khi thảm họa xảy ra. Khi Bruno ôm chặt quả bóng để chờ đợi lượt đá, thủ môn Emiliano Martinez của Aston Villa bắt đầu chơi đòn tâm lý chiến. Anh không nhắm tới Bruno, mà chỉ thẳng tay vào Ronaldo. Martinez như muốn hỏi tại sao Ronaldo không thực hiện quả phạt đền, mà người sút lại là Bruno. Các cầu thủ Man Utd lập tức can thiệp, ngăn cãi vã có thể xảy ra.
Quan điểm của Martinez rất rõ ràng: anh muốn đối đầu với Ronaldo và không ngần ngại nói ra điều đó. Động thái của Martinez khiến Bruno chịu áp lực. Tiền vệ người Bồ Đào Nha bị hoài nghi rằng liệu anh có đang giành quyền đá phạt đền của Ronaldo - một trong những cầu thủ sút 11m tốt nhất thế giới hay không. Kết quả là, Bruno đá hỏng.
Cách dứt điểm của Bruno ở tình huống này cũng không bình thường. Không nhảy chân sáo, không bình tĩnh "nhử" đối thủ bằng những bước chạy nhanh - chậm thay đổi liên tục, Bruno lao thẳng vào bóng và sút lên khán đài.
Cú sút cho thấy áp lực đã đánh gục Bruno. Trước đó, tiền vệ mang áo số 18 chỉ đá hỏng một trong 22 lần đứng trên chấm phạt đền. Cú đá hỏng vào tháng 10 năm ngoái của Bruno còn không tệ bằng cú sút lần này.
Ronaldo an ủi Bruno
Thủ môn Martinez đã thành công khi "chơi chiêu" với Man Utd, Bruno và phần nào là cả Ronaldo - người sau đó bực tức trong đường hầm rời sân. Dù vậy, không phải tới khi Martinez gây áp lực, giới chuyên môn mới nhận ra sự khó xử của Man Utd.
HLV Ole Solskjaer đang có trong tay hai cầu thủ sút 11m cực tốt. Ông có sẵn lòng tước quyền đá phạt đền của Bruno để nhường cho Ronaldo, trong bối cảnh Bruno đã sút thành công cho Man Utd tới 21 lần trước đó? Chọn cầu thủ nào cũng là quyết định tranh cãi.
" Tôi đã trao đổi với cả hai cầu thủ. Man Utd có hai ngôi sao mà tôi có thể đặt cược đời mình để giao họ thực hiện quả đá phạt đền. Quyết định là do tôi. Cả Bruno và Ronaldo sẽ tiếp tục làm những gì họ cần làm khi Man Utd được hưởng phạt đền ", HLV Solskjaer nhấn mạnh.
Chiến lược gia người Na Uy phàn nàn rằng Man Utd được hưởng quá ít quả 11m ở mùa giải này, nhưng ở cơ hội đầu tiên trên chấm 11m, Quỷ đỏ lại bỏ lỡ.
HLV Solskjaer còn tin tưởng Bruno?
Nhiều người cho rằng sự trở lại của Ronaldo sau 12 năm sẽ gây bất lợi cho Man Utd, đồng thời Quỷ đỏ chơi tốt hơn nếu không có Ronaldo. Thật khó để đồng ý với lập luận này mặc dù Man Utd vừa thua Aston Villa. Song, nếu nói sự xuất hiện của Ronaldo không mang lại bất cứ lợi ích gì cho Bruno, điều đó không hẳn là sai.
Bất kỳ cầu thủ đá phạt đền nào cũng cần sự tự tin để thực hiện cú sút, như chúng ta đã chứng kiến ở Bruno trong quá khứ. Nhảy chân sáo, dùng động tác giả, chạy bước ngắn để đánh lừa thủ môn,... Bruno luôn át vía đối thủ trên chấm 11m, cho đến trận đấu tối qua.
Những bước chạy hối hả, gấp gáp cùng pha chạm bóng mất cảm giác của Bruno cho thấy sự lo lắng tột độ. Tiền vệ 27 tuổi hiểu rằng nếu sút hỏng, có thể anh không còn cơ hội đá 11m ở mùa giải này bởi Ronaldo đang chờ sẵn phía sau. Đó là áp lực vô hình đặt lên đôi vai Bruno, đúng ở thời điểm quan trọng nhất.
" Đó là ranh giới giữa thiên đường và địa ngục. Bruno sút phạt đền rất tốt. Cậu ấy là người mà bạn có thể tin tưởng tuyệt đối ", Solskjaer nói.
Nhưng niềm tin ấy còn tồn tại ở trận tiếp theo? Hãy nhớ rằng sau khi Bruno đá hỏng 11m, ở quả phạt ngay sau đó Quỷ đỏ được hưởng, Ronaldo đã nhét quả bóng vào dưới cánh tay để đảm bảo đó là của anh. Không có gì ngạc nhiên nếu điều tương tự xảy ra với các quả phạt đền trong các trận tiếp theo.
Ronaldo có thể tạo áp lực gián tiếp lên Bruno.
HLV Solskjaer khẳng định ông là người lựa chọn cái tên sút 11m cho Man Utd. Dù vậy, ông sẽ đối mặt với Ronaldo thế nào nếu tiếp tục chọn Bruno?
Theo ký giả Simon Stone của BBC , Ronaldo đã giận dữ khi đồng đội không hoàn thành nhiệm vụ. Là chân sút phạt đền hàng đầu thế giới, Ronaldo khó chấp nhận quyền phạt đền hai lần liên tiếp thoát khỏi tay anh.
Đó là bài toán khó giải, khi Solskjaer đang chịu áp lực lớn. Man Utd đã thua 3 trong 4 trận gần nhất. Nếu lại thua Villarreal vào đêm thứ Tư (29/9), chiếc ghế của HLV người Na Uy sẽ lung lay.
Giới chủ Premier League dập tắt cơn phẫn nộ với Super League thế nào? Những phản đối, chỉ trích của người hâm mộ Anh với Super League dường như đã biến mất chỉ sau một kỳ chuyển nhượng thành công. Super League được cho là "vết nhơ" của 6 ông lớn Premier League. Man Utd, Man City, Chelsea, Liverpool, Arsenal và Tottenham cùng 6 CLB khác ở châu Âu đứng ra thành lập giải đấu ly khai....